Uncategorized

Cha Bernardo Cervellera: Những nhà thương thuyết cần nhớ bài học với Hà Nội khi thương thảo với Bắc Kinh

Cha Bernardo Cervellera, Giám Đốc thông tấn xã Công Giáo Asia News của Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, nguyên là Giám Đốc thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, và nguyên là giáo sư Đại Học tại Bắc Kinh; vừa có bài xã luận về cuộc thương thảo giữa Tòa Thánh và Trung Quốc.

Cha Bernardo Cervellera, Giám Đốc thông tấn xã Công Giáo Asia News của Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, nguyên là Giám Đốc thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, và nguyên là giáo sư Đại Học tại Bắc Kinh; vừa có bài xã luận về cuộc thương thảo giữa Tòa Thánh và Trung Quốc.

Đây là bản dịch Việt Ngữ toàn văn bài xã luận của ngài đăng trên Asia-News ngày 05 tháng 3, 2018. Nguyên bản bằng tiếng Anh có thể xem tại đây:

A healthy scepticism of China – Vatican agreement, does not mean we are 'against the Pope'

Một sự hoài nghi lành mạnh về thoả thuận giữa Trung Quốc và Vatican, không có nghĩa là chúng tôi đang “chống lại Giáo hoàng”

Bernardo Cervellera

Rome (AsiaNews) – AsiaNews thực sự nghĩ gì về thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican? Một số độc giả đã hỏi chúng tôi câu hỏi này dưới ánh sáng của những vấn đề đang làm cho nhiều người Công Giáo trên toàn thế giới quan ngại.

Như các bạn đã biết, có những “người lạc quan”, những người xem thỏa thuận này như thể là thuốc chữa bách bệnh cho tất cả các vấn đề của Giáo hội Trung Quốc, tin rằng nó sẽ tạo ra sự thống nhất lớn hơn, khả năng phúc âm hoá rộng hơn, và sự hội nhập văn hóa (Trung Hoa hoá) sâu xa hơn, mặc dù thỏa thuận họ nhắm đến chỉ đơn thuần liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục và không còn gì khác nữa, nhất là không có quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Tòa Thánh, như đôi khi nhiều người tin tưởng.

Kế đến cũng có “những người bi quan”, những người xem bất cứ đàm phán nào với Bắc Kinh đều là vô nghĩa vì cái chính phủ đó “không đáng tin cậy” và vì giá phải trả cho thỏa thuận này là đưa Giáo hội vào tay các thế lực chính trị, đề cao tính “độc lập” của Giáo hội quốc doanh và vô hình chung là xúi giục các giám mục Trung Quốc đi theo con đường “độc lập” này.

AsiaNews không lạc quan hay bi quan, nhưng chúng tôi hoài nghi. Và chúng tôi hoài nghi vì chúng tôi là những người thực tế: bởi vì chúng tôi nhìn thấy các sự kiện đang diễn ra. Ngay khi các phái đoàn Vatican và Trung Quốc sắp gặp nhau thì các nhà thờ bị phá hủy, những người trẻ tuổi bị cấm đi nhà thờ, lệnh cấm được áp dụng cả với trường hợp tập hợp để đọc kinh tại tư gia … nếu chương trình của Đảng là nhằm bóp nghẹt và đàn áp đức tin (của tất cả các tôn giáo), thậm chí thông qua các cuộc bổ nhiệm các giám mục “được nhắm đến”, thì trong thỏa thuận này Bắc Kinh có thể có động lực nào khác hơn là bóp nghẹt sức sống của Giáo hội tại Trung Quốc? Có những dấu hiệu đáng báo động: các linh mục không thể gặp gỡ những người trẻ; họ không thể tổ chức các trại và các khóa linh thao với người trẻ; các giám mục ở nước ngoài và trong nước phải hành xử rập khuôn theo những chính sách mà Đảng đưa cho họ; quan hệ với những người Công Giáo không phải là người Trung Quốc bị kiểm soát, quay phim, và không được có những ẩn dụ nào.

Tất cả những sự kiện này mà chúng tôi đã đề cập đến – và chúng tôi ghi lại gần như hàng ngày – không xuất hiện bất cứ chỗ nào trong các bài phân tích, tin tức hoặc bài viết của nhiều “chuyên gia” về Trung Quốc, là những người đang chiến đấu tới cùng cho “sự lạc quan” của họ. Tin tưởng của họ là một niềm tin mù quáng mà tính chất phe phái thậm chí đậm màu ý thức hệ càng ngày càng tỏ tường.

Thay vào đó, chúng tôi tin rằng niềm tin vào cuộc thương thảo với Trung Quốc cần phải được kết hợp với lý trí và tự do tôn giáo, và bất kỳ thỏa thuận nào không bảo đảm được quyền tự do tôn giáo nhiều hơn đều là những thỏa thuận tồi tệ.

Điều đáng buồn nhất là những “người lạc quan”, những người quan sát động thái của chính quyền Trung Quốc qua các cặp kính màu hồng, cũng xem những tin tức và những tố cáo mà chúng tôi công bố – dựa trên các số liệu và sự kiện có thể xác minh được – như “một âm mưu đen tối”. Điều tồi tệ hơn, họ xem những dữ kiện mà chúng tôi công bố như một “âm mưu chống lại Đức Giáo Hoàng Phanxicô”, bất kể thực tế là Đức Thánh Cha Phanxicô luôn nói rằng ngài muốn tranh luận với những người không đồng ý với ngài. Trong trường hợp của chúng tôi, chúng tôi thực sự làm theo ý Đức Giáo Hoàng Phanxicô, là mang đến cho ngài nhiều ý kiến và sự kiện để ngài có thể dựa vào đó để đưa ra các quyết định của mình, hơn là những gì các quan điểm ý thức hệ lạc hậu và mù quáng có thể đưa ra.

Thêm vào đó, cho đến nay, Đức Giáo Hoàng của chúng ta luôn nói rằng Thư của Đức Bênêđictô XVI cho người Công Giáo Trung Quốc (năm 2007) “vẫn còn hiệu lực”. Và trong bức thư đó, Đức Bênêđictô XVI nói rằng nguyên tắc “độc lập” của Giáo hội Trung Quốc “không tương thích với tín lý Công Giáo”. Điều này có nghĩa là các giám mục, ngay cả những người được chế độ công nhận, nếu muốn trở thành các giám mục của Giáo Hội Công Giáo, thì không thể tuyên bố điều đó như là một điều hiển nhiên, hay một điều có thể chấp nhận được. Một lần nữa, cũng lá thư đó nói rằng “Giải pháp cho các vấn đề hiện tại không thể theo đuổi thông qua xung đột đang diễn ra với các cơ quan dân sự hợp pháp; tuy nhiên, sự vâng phục các cơ quan này là không thể chấp nhận được khi họ can thiệp một cách quá mức vào các vấn đề về đức tin và kỷ luật của Giáo Hội..”

Tôi tự hỏi ai là người “chống lại Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Người ta tin rằng một sự hòa hoãn với chính phủ Bắc Kinh có thể cho phép nhiều sinh viên Trung Quốc đến Italia để học tập tại các trường đại học Giáo Hoàng và các trường đại học khác; hàng triệu khách du lịch Trung Quốc có thể tràn ngập nhà nguyện Sistina; và ngay cả Viện Giáo Vụ cũng có thể tìm được cách hợp tác với nền kinh tế đang đứng thứ hai thế giới (và sẽ mau chóng đứng nhất thế giới) này. Tuy nhiên, tất cả điều này vẫn còn một khả năng xa vời vợi. Thay vào đó, ngày hôm nay, trước chúng ta, là những Kitô hữu, cả chính thức lẫn thầm lặng, những người đang bị kiểm tra và đang bị bóp cổ, như thể tôn giáo của họ là một loại sâu bệnh mà Đảng phải tiêu diệt (đó chính xác là điều mà Trung Quốc, quốc gia đứng hàng đầu về phát triển, nhưng không có linh hồn, đang cần đến).

Vậy AsiaNews đề xuất ra sao nếu đây không thể là một thỏa thuận “lịch sử”?

Đợi. Đúng thế, hãy đợi cho đến những thời điểm tốt đẹp hơn, được đi kèm với những dấn thân “lịch sử” nhằm hòa giải giữa hai cộng đồng ở Trung Quốc, tăng cường việc đào tạo và loan truyền Phúc Âm. Sự hòa giải giữa hai cộng đồng chính thức và hầm trú là những gì mà Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI vẫn hằng mong mỏi. Và điều này không cần có sự thỏa thuận nào với chính phủ: sự hòa giải và thống nhất đến từ nhu cầu kết hiệp mật thiết của đức tin Công Giáo. Và hai vị giáo hoàng đã thành công, đưa gần như tất cả các giám mục hòa giải với Đức Giáo Hoàng và với những người khác. Một điều mà những người “lạc quan” quên đi là sự thống nhất này đã đạt đến 90%, khiến cho Hiệp hội yêu nước lo sợ đến mức nó đã tái tục các vụ phong chức giám mục bất hợp pháp, không có sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng, buộc các giám mục hiệp thông với Đức Giáo Hoàng phải tham gia vào các trò truyền chức trái phép thậm chí sử dụng cả lực lượng cảnh sát, nhằm tạo ra sự hoang mang và ngộ nhận giữa các tín hữu, trong khi Hiệp hội yêu nước phủi tay trước các chia rẽ mới.

Một dấn thân khác cần phải đi kèm theo là việc đào tạo các linh mục, nữ tu và giáo dân. Vì lý do này, AsiaNews tìm cách để có được học bổng cho các linh mục trẻ Trung Quốc, chúng tôi xuất bản các bài phát biểu của Đức Thánh Cha bằng tiếng Hoa, cũng như các ấn phẩm khác nhằm củng cố tâm linh của các tín hữu. Cùng với chúng tôi, nhiều cộng đồng Công Giáo khác trên thế giới cũng đang tham gia vào lĩnh vực này.

Cuối cùng, phúc âm hoá. Về điểm này, chúng ta nên học hỏi từ những người Tin Lành ở Trung Quốc: Họ không cần bất kỳ thỏa thuận nào với chính phủ, các Kitô hữu Tin Lành lây lan nhanh như lửa. Và đặc biệt là các cộng đồng không được chính phủ công nhận đang lan rộng rất nhanh: những kẻ đóng khung trong Ba Phong Trào Tự Cường (tức là cộng đồng Công Giáo chính thức) chỉ có khoảng 20 triệu người, nhưng có hơn 50 triệu người tụ tập trong các nhà thờ tại gia, họ mở ra các chủng viện, lưu hành lén lút các ấn phẩm. Và cho dù họ bị bách hại, bị bắt và nhà thờ của họ bị san bằng thành bình địa, nhưng việc loan truyền Tin Mừng không dừng lại và họ được sự an ủi, sự nâng đỡ và sự ủng hộ của nhiều cộng đồng Tin Lành trên thế giới. Sẽ thực sự tuyệt vời nếu ngay cả những người Công Giáo Trung Quốc cũng có sự hỗ trợ tương tự từ Giáo hội phổ quát.

Khi nói đến thỏa thuận “lịch sử” này, người ta không ngừng nhắc đến “mô hình Việt Nam”. Nhưng phải nhớ rằng chính phủ Hà Nội đã không đối xử với Vatican xuất phát từ lòng nhân từ, nhưng họ chỉ đàm phán khi thấy một số giám mục dám tạo ra những đe dọa cho họ, dám tổ chức các chủng viện chui, phong chức linh mục chui và sẵn sàng có các giám mục không chính thức.

Nỗi buồn của tôi là trong cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và Vatican, những lý do và cuộc sống của Giáo hội thầm lặng chưa bao giờ được xem xét hoặc thực sự được lắng nghe: đó là sự “vứt bỏ” mà Đức Thánh Cha Phanxicô thường nói đến. Tuy nhiên, Giáo hội ấy hình thành lên khối đa số các tín hữu ở Trung Quốc. Ngay cả trong các số liệu thống kê chính thức của nhà nước trong số 12 triệu tín hữu mà họ thừa nhận, 5 triệu người thuộc Giáo Hội chính thức; 7 triệu người khác thuộc Giáo hội thầm lặng, đó là một sự “vứt bỏ” quá nhiều mà ta không thể im lặng được.

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.