Thời tiết Nam Cali dạo này thay đổi bất thường, tuần trước trời nóng nực như mùa hè, nhưng hôm nay trời lại “sụt sùi” từ sáng đến giờ.
Nhìn lên lịch thấy ghi 7 giờ tối có nghi thức “thông công” trong ngày khai mạc năm Đức Tin ở nhà thờ Tam Biên. Tôi lên lịch để tham dự nhưng thấy thời tiết “không ổn định” nên đâm phân vân, nhưng cuối cùng phải thắng “cơn lười biếng” để đi đến nhà thờ.
Tới nơi tôi ngạc nhiên thấy đã có Đức cha Mai thanh Lương, rất nhiều soeur và đông giáo dân trong giáo xứ (Mỹ, Mễ, Việt) đã có sẳn ở đó. Tôi thầm nhủ “May là đã thắng được cơn lười biếng !” để đến đây cùng hát với các bạn trẻ những bài hát ca ngợi tình thương Chúa, để nghe Đức cha nói về năm Đức Tin, để chầu Thánh Thể…toàn là những việc tốt lành mà suýt nữa tôi đã bỏ qua!
Trong phần chia xẻ, đức cha cho biết sáng nay ngài phải thức lúc 3 giờ sáng để được xem tivi trực tiếp truyền hình buổi lễ khai mạc năm Đức Tin ở Vatican, vì đức cha cần biết những thông tin quan trọng và mới nhất Đức Giáo Hoàng nói về năm Đức Tin, để ngài có thể chia xẻ với mọi người tối nay. Đức Giáo Hoàng nêu ra 3 diểm nhấn quan trọng của năm Đức Tin:
Học hỏi, hiểu biết về Lời Chúa một cách chu đáo đầy đủ để có một Đức Tin vững mạnh
Yêu Đức Tin qua việc siêng năng cầu nguyện với Chúa mỗi ngày
Quan trọng nhất là Sống Đức Tin qua việc thực hiện Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày
Đối với tôi 3 điều này cũng không có gì mới lạ, có lẽ chúng ta cũng đã từng nghe nói nhiều lần, nhưng có lẽ do xã hội ngày nay ai cũng vội vàng tất bật, không còn giờ để tĩnh tâm, để yêu thương, để cho đi, người ta chạy theo vật chất, tiện nghi nhiều quá, mà bỏ qua phần tâm linh đời sống, nên giáo hội muốn nhắc nhỡ để giáo dân củng cố Đức Tin bằng những việc làm cụ thể sống động. Đức cha kêu gọi mọi người trong năm Đức Tin hãy mở cánh của Đức Tin (cũng chính là cánh của trái tim mình) để truyền giáo tới mọi người chung quanh, không phải ở những xứ truyền giáo xa xôi mà hãy bắt đầu từ những người thân cận nhất trong gia đình…
Đức cha cho biết khi đến đây (nhà thờ cũ Tam Biên), nhìn lên sân khấu thấy trang hoàng đẹp đẽ để chầu Mình Thánh Chúa, nhưng không thấy có Đức Mẹ, nên ngài đã yêu cầu có “Sự Hiện Diện” của Đức Mẹ (các soeur đã kịp thời “đặt” một tượng Đức Mẹ Fatima). Đức cha cho rằng chính Đức Mẹ là mẫu mực thể hiện một Đức Tin vững mạnh nhất, như trong tiệc cưới Cana, khi mẹ yêu cầu Chúa giúp đỡ gia chủ, Chúa từ chối, nhưng Đức Mẹ vẫn “vững mạnh một niềm tin” để có thể dặn dò gia nhân: “Ngài bảo gì, các anh cứ làm theo” và phép lạ đầu tiên “nước lã hóa thành rượu” đã xảy ra. Đức cha nói bằng 3 ngôn ngữ : Anh, Việt và Spanish (dù ngài mới bắt đầu học Spanish được hơn 1 năm). Thật là một gương học hỏi đáng noi theo!
Trong phần trả lời thắc mắc, đức cha kêu gọi mọi người hãy nêu bất cứ thắc mắc gì liên quan đến Đức Tin xin cứ hỏi. Đức cha nhắc vài lần nhưng mọi người chả ai nhúc nhích gì cả, nên tôi đã mạnh dạn đứng lên hỏi:
– Thưa đức cha, lúc nãy con nghe đức cha nói năm Đức Tin, mọi người hãy truyền giáo không phải ở những xứ truyền giáo xa xôi, mà hãy truyền giáo ngay trong nhà mình trước ? Xin đức cha có thể nói rõ hơn về vấn đề này ?”
– Thật là một câu hỏi thú vị! Đúng như vậy “truyền giáo” là đem Chúa đến với mọi người, không phải bằng phép rửa tội mà bằng tình yêu thương. Trong gia đình vợ chồng đem tình yêu thương của Chúa đến cho nhau, cha mẹ – con cái, anh chị em trong nhà…biết đem tình yêu thương Chúa đến cho nhau! Và chúng ta cũng phải biết đem tình yêu thương của Chúa đến với những người hàng xóm, bạn học, bạn cùng sở làm… dù họ theo đạo Tin Lành, đạo Phật, Cao Đài, Hòa Hảo, ngay cả đạo Hồi…vì họ cũng đều do Chúa tạo dựng nên. Chúa dạy chúng ta yêu thương tất cả mọi người không trừ một ai…(đừng như một ông diễn giả đạo Hồi nào đó đã định nghĩa “kẻ Tà Đạo” (cần phải tiêu diệt) là những người không cùng niềm tin tôn giáo với ông!)
Đức cha cho biết : Ở Việt Nam nói riêng và ở Châu Á nói chung tỷ lệ người Công Giáo khoảng 1%, nếu chúng ta cứ nghĩ truyền giáo là tìm cách “rửa tội” hết cho họ (99% còn lại) thì đó là điều không tưởng ( It’s impossible)…
Lời giải thích của đức cha bỗng như “vỡ òa” một câu trả lời trong tâm mà tôi chờ đợi đã lâu ! Tôi đã từng viết về niềm thắc mắc này trong bài viết (2/2011) về “Hành hương Đức Mẹ La Vang nhân đại lễ bế mạc năm thánh 2010”. Xin được trích lại như sau :
“Nhân dịp nghe Đức Hồng y chủ tọa nhắc nhở về tinh thần trách nhiệm trong vụ truyền giáo ở VN khiến tôi giật mình khi nhớ lại chuyện xưa: Má tôi là người tốt hay thương người, hay giúp đở người khác, đặc biệt là những người ngoại đạo. Sau một thời gian giúp đỡ họ, bà liền rủ rê họ theo đạo, gửi họ đi học giáo lý.. Ngày họ rửa tội trở lại đạo là ngày bà vui mừng nhất. Bà thường nói với tôi: “Đem môt linh hồn ngoại đạo về với Chúa là cả thiên đàng vui mừng”.Bà miệt mài trong công tác ‘truyền giáo” kiểu này nên con đỡ đầu của bà tùm lum..Rồi sau nhiều năm trôi dạt, họ sống đạo ra sao bà cũng không rõ!. Tôi để ý thấy, họ chỉ theo đạo, rửa tội cho bà vui lòng vì bà giúp đỡ họ nhiều, nhưng sau một thời gian “đâu lại vào đấy”.
Tôi thì không cùng quan điểm với má tôi, tuy tôi cũng thích giúp đỡ người khác. Khi đi dạy, tôi không chỉ giúp đỡ các em học sinh lớp tôi mà cả lớp khác, nếu tôi thấy h.s.nào có hoàn cảnh khó khăn tôi vẫn giúp, chỉ vì “thấy cầm lòng không đặng” chứ không hề có “hậu ý để rửa tội” như má tôi.! Thậm chí có trường hợp đặc biệt: Có một em nữ sinh vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, má em bắt em bỏ học, ở nhà đi làm kiếm tiền giúp gia đình khi em đang học giữa năm lớp 11. Em báo tin cho tôi rồi khóc vì em rất ham học. Tôi thấy em thông minh, học tốt, bỏ học ½ chừng như vậy thì uổng quá và thật tội nghiệp cho em.! Tôi suy nghĩ và quyết định đến nhà gặp má em để năn nỉ cho em được tiếp tục đi học đến xong lớp 12. Tôi chấp nhận mọi chi phí và mọi điều kiện khó khăn má em đưa ra để em được tiếp tục đến trường.
Từ đó em gắn bó thân tình với tôi như người thân trong nhà. Em cảm nhận tôi thương và lo cho em nhiều hơn là má em! Rồi lần lần em đòi đi học đạo, theo đạo giống cô và ước mong cô sẽ là mẹ đỡ đầu của em! Nhưng tôi từ chối vì tôi biết lúc này em đang trong trạng thái “cảm xúc đặc biệt” Tôi không muốn em theo đạo kiểu “ăn xổi” như vậy sẽ không bền lâu!. Kiểu mấy ông vì lấy vợ phải theo đạo để rồi “Tôi lấy được vợ, tôi thôi nhà thờ”.
Câu chuyện đến tai má tôi, tôi bị má tôi la rầy và sai cô em tôi (nữ tu) “nhảy vào”giúp đỡ, giới thiệu cho em đi học đạo, rồi rửa tội và làm mẹ đở đầu cho em luôn. Ngày lễ Phục sinh, em rửa tội, tôi cũng tham dự thánh lễ và cầu nguyện cho em thât nhiều!
Thời gian dần trôi đã chứng minh suy nghĩ của tôi, em chỉ giữ đạo ít năm rồi thôi. Dòng đời trôi dạt đưa đẩy tôi xa em, bây giờ em đã có chồng con, hiện em vẫn còn giữ liên lạc với tôi, nhưng chuyện em “theo đạo” đã trở thành một kỷ niệm thuộc về quá khứ!
Tôi không thích kiểu “truyền giáo” rửa tội đếm đầu người của má tôi. Tôi chỉ cố gắng sống tốt và giúp đỡ mọi người trong hoàn cảnh và khả năng có thể của mình. Tôi không hề rủ rê ai theo đạo bao giờ, kể cả học trò và bạn thân nhất của tôi. Mỗi người đều có niềm tin riêng của mình và tôi tôn trọng niềm tin của họ, như họ đã tôn trọng niềm tin của tôi. Thời nay chuyện lấy vợ, lấy chồng giáo hội cũng không còn buộc phải theo đạo như xưa, huống hồ là…(dù tôi vẫn quan niệm vợ chồng nên cùng một niềm tin thì sẽ tốt hơn rất nhiều).
Trong vụ truyền giáo này, tôi không hiểu má tôi đúng ,hay tôi sai ở điểm nào ??Tôi xin chia xẻ những cảm nghĩ chân thật của mình, kính mong được quý cha hoặc các bậc thức gỉa giúp ý kiến cho. Xin thành thật cám ơn!
Đến nay câu hỏi đó vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có ai trả lời thỏa đáng ! Bây giờ nghe đức cha giải thích tối nay, đúng là “Được lời như cởi tấm lòng”! Con rất cám ơn Đức cha đã giúp con giải tỏa được nổi niềm thắc mắc năm xưa! Con hoàn toàn tán đồng quan điểm “truyền giáo” này của đức cha, cũng như xưa Chúa đã nói “Ai nghe và giữ lời ta, thì có phúc hơn!”. Xin đừng hiểu “truyền giáo” theo nghĩa hẹp là “rửa tội” hoặc “theo đạo”, nếu hiểu như vậy thì anh em Tin Lành đã làm việc này tốt hơn chúng ta rất nhiều! Xin hãy hiểu “truyền giáo” là đem đạo của Chúa, đạo của Tình Thương đến với mọi người chung quanh. Đức cha cũng nhấn mạnh: “Hãy sống chứng nhân yêu thương từ trong gia đình trước” vì có nhiều người khi ra ngoài cư xử ân cần, lịch sự tử tế với mọi người nhưng khi về gia đình thì đối xử với vợ con, anh chị em trong nhà hoặc cha mẹ già thật khắt khe, hay la rầy bắt bẻ hoặc lạnh lùng vô cảm…đến khi họ không còn nữa thì lại tiếc nuối ân hận. Đức cha cũng nhắc tới ông Steve Job, nhà sáng lập công ty Apple nổi tiếng thế giới, trước khi chết đã nói một câu đáng cho chúng ta ghi nhớ : “Tôi học biết được nhiều thứ, tôi thành công, tôi nổi tiếng, tôi có thật nhiều tiền nhưng tôi thiếu sót một điều quan trọng là chưa “học cách chết” (How to die!).
Quả thật dù bạn có một tài sản kếch xù, nhưng khi nhắm mắt buông tay bạn sẽ không mang theo được một xu, chỉ có tấm lòng nhân ái, tình yêu thương mới theo bạn về bên kia cõi vĩnh hằng nên đừng vướng bận gánh nặng tiền tài danh vọng trần gian quá nhiều:
“Hãy nói về cuộc đời, khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những gì về bên kia thế giới
Ngoài trống vắng mà thôi…”(DTL)
Học cách chết cũng là học cách sống yêu thương, tha thứ như Chúa đã sống, học cách cho đi nhiều hơn để đến lúc “phải ra đi” ta sẽ ra đi nhẹ nhàng thanh thản.
“Vui buồn rồi cũng qua,
Thành bại rồi cũng bỏ,
Đến đây hai tay trắng.
Trở về không vấn vương”
Cuối giờ chầu Thánh thể, đức cha rước Mình Thánh Chúa đi quanh phòng để ai muốn chạm đến “Mình Ngài” thì có thể đến chạm như trong Phúc Âm xưa, người phụ nữ mắc bệnh hoại huyết vì chạm vào gấu áo của Chúa mà đã được chữa lành. Lạy Chúa khi tối nay con chạm đến Chúa, xin Chúa hãy thương chữa lành phần bệnh tật thân xác con, đặc biệt là phần bệnh tật tâm hồn với nhiều thói hư tật xấu mà con đã đeo mang từ lâu.
“Lạy Chúa xin cho con, con tim của Chúa
Để biết yêu thương anh em thật nhiều…”
Để từ nay không những con biết đặt con tim trên ngực để yêu thương mà còn :
“- Đặt tim trên mắt để nhìn thấy nỗi đau khổ của người khác.
– Đặt tim trên tay để sẳn sàng giúp đỡ người khác.
– Đặt tim trên chân để mau mắn chạy đến với người cùng khổ.
– Đặt tim trên miệng để nói lời an ủi và đừng xúc phạm ai.
– Đặt tim trên tai để biết lắng nghe những lời thống thiết của người khác.
– Đặt tim trên vai để con biết chia xẻ trách nhiệm với mọi người chung quanh…”
Để con biết “truyền tình thương” của Chúa đến với mọi người chung quanh con. Lạy Chúa xin hãy đổi mới con trong năm Đức Tin này để con biết gặp gỡ Chúa qua những người anh em :
“Gặp gỡ Đức Kito biến đổi cuộc đời mình
Gặp gỡ Đức Kito đón nhận ơn tái sinh
Gặp gỡ Đức Kito chân thành mình gặp mình
Gặp gỡ Đức Kito nảy sinh tình đệ huynh”.
Phượng Vũ
10 / 2012
Views: 0