Uncategorized

Cầu nguyện & Phục vụ

Có những lúc quá đau, quá mệt không đọc được một kinh, Tôi nhớ lại chuyện ông già Jim. Cứ mỗi ngày lúc 12 giờ trưa ông ta vào nhà thờ không quá hai phút. Ông từ (giữ nhà thờ) rất thắc mắc theo dõi, rồi một hôm chận ông Jim lại và hỏi:

Có những lúc quá đau, quá mệt không đọc được một kinh, Tôi nhớ lại chuyện ông già Jim. Cứ mỗi ngày lúc 12 giờ trưa ông ta vào nhà thờ không quá hai phút. Ông từ (giữ nhà thờ) rất thắc mắc theo dõi, rồi một hôm chận ông Jim lại và hỏi:

– Tại sao bác vào đây mỗi ngày?
– Tôi đến cầu nguyện.
– Không thể được! Kinh gì trong hai phút?
– Tôi vừa già, vừa dốt, đọc kinh theo kiểu của tôi.
– Ông nói gì với Chúa?
– Tôi cầu nguyện: "Giêsu, có Jim đây!" rồi tôi về.

Thời gian trôi qua. Jim già yếu, bệnh tật, phải vào bệnh viện, nơi khu vực người già. Sau đó Jim yếu liệt, chuẩn bị đi xa. Linh mục tuyên úy và nữ tu y tá đến bên giường Jim:

– Jim ơi, hãy nói cho chúng tôi biết, tại sao từ ngày ông vào khu vực này, có nhiều điều thay đổi, bệnh nhân vui vẻ hơn, chấp nhận thuốc thang, sống có tình nghĩa hơn?

– Chả biết!… Lúc còn sức tôi đi quanh thăm mọi người, chào hỏi, chuyện trò một chốc; lúc sau liệt giường tôi gọi tên họ, thăm hỏi, làm cho họ cười. Với Jim ai cũng vui.
– Thế tại sao Jim vui, Jim hạnh phúc?
– Khi nào cha và sơ được người ta đến thăm mỗi ngày có vui không?
– Vui chứ! Nhưng có thấy ai thăm Jim đâu?
– Lúc mới vào, tôi có xin hai chiếc ghế, một dành riêng cho cha và sơ, một cho khách quí của tôi, thấy không?
– Khách của ông là ai?
– Là Chúa Giêsu. Trước kia tôi đến thăm Ngài ban trưa, nay đi hết nổi, cứ 12 giờ trưa Ngài đến thăm tôi.
– Ngài nói gì với Jim?
– Ngài bảo: Jim, có Giêsu đây!…

Trước lúc Jim chết, người ta thấy Jim đưa tay chỉ chiếc ghế như thể muốn mời ai ngồi, Jim mỉm cười, nhắm mắt ra đi. Những lúc tôi không còn sức để đọc nổi dù một kinh, tôi lặp đi lặp lại: "Giêsu, có con đây", tôi cảm thấy như Chúa Giêsu trả lời: "Thuận ơi, có Giêsu đây!" Tôi vui vẻ và bình an.

Các bạn hỏi tôi: "Cha thích đọc kinh nào?" Dĩ nhiên là tôi thích những kinh của Chúa Giêsu dạy, của Hội thánh: kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng, kinh Tin kính.. Tôi thích dùng lời Thánh kinh, lời Chúa để cầu nguyện, khi đọc lên những Thánh vịnh, tôi sung sướng vì biết rằng đây là những kinh chính Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã đọc.. (ÐHY Fx Nguyễn Văn Thuận, 5 Chiếc Bánh Và 2 Con Cá)

Trích thuật Tin Mừng Thánh Luca hôm nay thật vắn gọn, tường trình tiếp tục cuộc lữ hành đến Giêrusalem. Nhân cuộc đón tiếp chiêu đãi của chị em Marta và Maria, Chúa Giêsu đề cập đến việc cầu nguyện và phục vụ.

Khiêm tốn phục vụ

Chúa Giêsu luôn đề cao việc phục vụ, cũng như luôn xác nhận sứ vụ cao cả của Người: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mc 10, 45)

Cô Marta cũng thật hăng say phục vụ đón tiếp Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Lo lắng làm sao chiêu đãi chu đáo cho trên chục thực khách thật không mấy dễ dàng. Có lẽ cô sợ thất thố, thiếu sót, nên mới cầu cứu Người, cho cô em Maria phụ giúp.

"Lạy Thầy, em con để con một mình phục vụ, mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với."

Tuy nhiên, trong lời kêu cứu có chút đố kỵ, so bì, thầm trách cô em Maria sao vô tình, thiếu trách nhiệm. Đồng thời cô lấy làm phiền thấy Đức Giêsu có vẻ thiếu quan tâm đến phận mình bận rộn, vất vả.

Nhiều khi hăng say phục vụ cộng đoàn, chúng ta dễ rơi vào ngộ nhận, coi đó là việc của mình, của nhóm mình, của phe mình, nên ai không ủng hộ, không tiếp tay, không hưởng ứng vì bất cứ lý do gì, đều bị coi là những lực cản, thách đố, thù địch, hoặc chống báng. Vô tình, chúng ta biến việc chung thành việc riêng, biến việc phục vụ tha nhân, cộng đoàn thành phục vụ cho danh giá, mưu lợi cho cá nhân hay phe nhóm riêng.

Thay vì phục vụ, lại hóa ra muốn được phục vụ. Muốn thiên hạ khen ngợi, ca tụng, ghi công mình, nhớ ơn mình. Hơn nữa, còn kiêu căng muốn được các đấng đóng ấn công nhận. Nếu vậy, thì còn ích lợi chi? Chỉ “như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta  bảo các ngươi, họ đã được thưởng rồi.”(Mt, 6, 2)

Hy sinh phục vụ

Với trọn vẹn con tim xả kỷ vị tha, hy sinh quên mình vì tha nhân, tràn đầy tâm tình yêu thương, phục vụ mới có ý nghĩa và chánh đáng theo như lời dạy của Đức Kitô. Phục vụ theo con tim nhạy cảm mới thực sự hữu ích cho tha nhân, mới có thể lắng nghe, mới thấu hiểu, mới đáp ứng nhu cầu cụ thể của tha nhân. Phục vụ theo con tim toàn hiến, con tim Vacare Deo, dốc lòng từ bỏ những gì là nhân khí, tà khí để trọng kính đón mời Thần Khí Thiên Chúa ngự vào tâm hồn, mới có thể đi gieo Tin Mừng đến mọi người, mọi nơi và mọi lúc. Nếu không hy sinh vì đức ái, thì phục vụ mất hết ý nghĩa và lợi ích, trở nên màn kịch vụng về, che đậy những tham vọng tiến thân.

“Con nghĩ rằng con không có gì để hy sinh cho Chúa, nhưng Chúa thấy con bỏ quá nhiều dịp: Tươi cười với một người nói móc họng con; thinh lặng trước một vụ vu cáo bất công; yêu thương một người bạn phản bội; không nói một lời hóc búa trả đũa. Mọi giây phút đếu có dịp hy sinh.” (Đường Hy Vọng, số 153)

Chẳng phải cứ làm những việc to tát, những chương trình, dự án quy mô, lớp lang, bài bản mới là phục vụ tha nhân. Nhưng với điều kiện hoàn cảnh cụ thể, tuy nhỏ bé, tầm thường, với bác ái bị tha, vẫn là phục vụ thật hữu hiệu, như cụ già Jim. “Lúc còn sức tôi đi quanh thăm mọi người, chào hỏi, chuyện trò một chốc; lúc sau liệt giường tôi gọi tên họ, thăm hỏi, làm cho họ cười. Với Jim ai cũng vui.
  

Cầu nguyện & Phục vụ

Dù phục vụ là hiện thực hóa tình yêu tha nhân, nhưng thiếu kết hợp với cẩu nguyện, thiếu hiệp thông với Lời Chúa và Thánh Thể, thì phục vụ chỉ mới là việc bác ái, từ thiện đơn thuần, hoặc tấm lòng trắc ẩn giúp đỡ tha nhân phù phiếm nhất thời, tùy theo cảm hứng vui buồn.

Mẹ Têrêsa Calcutta mỗi sáng, đều dành ra một giờ Chầu Thánh Thể để nuôi dưỡng tâm linh bằng tình yêu, sức mạnh, lòng can đảm và nhiệt huyết tông đồ, hầu có thể bắt đầu ngày phục vụ những kẻ hấp hối, bệnh hoạn, những người bị bỏ rơi, sống bên lề xã hội.

Nhiều người quá hăng say phục vụ, không còn thì giờ kinh nguyện, lễ lạc, dần lung lạc Tin Cậy Mến, rồi xa Chúa hồi nào chẳng hay. Đừng viện cớ ít học, ít hiểu biết mà không chịu cầu nguyện. Bởi vì Đức Giêsu luôn quan tâm sâu sắc đến những tâm hồn đơn sơ, chân thành và cởi mở. Cụ Jim cầu nguyện là đến thăm Chúa Thánh Thể chỉ trong hai phút ban trưa mỗi ngày. “Tôi cầu nguyện: "Giêsu, có Jim đây!" rồi tôi về.” Dĩ nhiên, nếu còn biết cảm tạ, ngợi khen và tâm sự với Chúa thì càng tuyệt vời hơn nữa.

Mệt mỏi vì công việc nặng nề và khó khăn, chán chường tình đời đen bạc, buồn vì tình phụ, đau khổ vì bị vu oan giá họa, tức giận vì bị đố kỵ, ganh ghét,…sao không đến thố lộ với Chúa Giêsu Thánh Thể, đang vò võ cô đơn, chờ đợi những tâm hồn tan nát tìm đến. Người sẽ vỗ về an ủi, giúp đỡ can thiệp. Hãy thử một lần, xem bạn có toại nguyện không.

Noi gương các môn đệ hớn hở phục vụ trở về, liền tâm tình ngay với Chúa Giêsu thành quả, lẫn thất bại khi đi gieo hạt giống Tin Mừng, bạn sẽ mau chóng phục sức, mau chóng tìm lại bình an và hạnh phúc sau khi vất vả phục vụ.

Thánh Bênađô Viện phụ (1090-1153) vào dòng Xitô lúc 22 tuổi, và qua đời lúc 63 tuổi. Trong thời gian 41 năm tu trì, ngài đã viết khoảng 15 cuốn sách về thần học, giảng hàng ngàn bài, đọc cho thư ký chép hàng ngàn lá thư, bận rộn đến nỗi không có thời giờ để đọc lại. Ngài theo dõi chi tiết mọi thời sự, rất nhiều người đến thảo luận và xin ngài nâng đỡ tinh thần, chăm sóc cho các thầy ở tu viện dòng Xitô ở Thung Lũng Sáng, giám sát việc lập khoảng 100 dòng mới từ nước Anh đến Sicile, và gần như điều khiển mọi công việc trong Giáo hội.

Ngài hoạt động lạ lùng, không mệt mỏi, đi hàng vạn cây số. Nhưng không phải vì thế mà ngài lơ là với việc cầu nguyện. Người ta cho rằng khi đi đường, ngài chiêm niệm và cầm trí đến nỗi người ta thấy ngài không quan tâm đến con ngựa ngài đang đi là loại ngựa rất sang. Thánh Bênađô là người không ưa thích sự xa hoa phù phiếm, ngài đã nhiều lần lên tiếng phê bình các viện phụ Biển Đức về sự xa xỉ trong đồ dùng, phương tiện, nhà cửa… Nhưng người ta ngạc nhiên nhất về con ngựa sang trọng đang cưỡi của ngài, vì ngài đâu có thời giờ để ý các chi tiết nơi con ngựa. (Luy Gonzaga Maria, CMC, 101 Giai thoại các Thánh)

“Thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới đến hoạt động,” (Đường Hy Vọng, số 119)

Lạy Chúa Giêsu, Người đã phán với Marta: “Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất". Xin luôn nhắc nhủ chúng con luôn gần gũi với Người, qua những lời cầu nguyện, Lời Chúa và Thánh Thể, để lãnh nhận được những hồng ân, dưỡng nuôi chúng con trong đời phục vụ.

Lạy Mẹ Maria, xưa kia Mẹ luôn cùng các Tông Đồ tha thiết cầu nguyện. Xin dạy cho chúng con luôn kết hợp cầu nguyện với phục vụ, hầu vũng mạnh trên đường hy vọng. Amen.

AM Trần Bình An

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.