Trong tĩnh nguyện nội tâm, chúng ta đang đối diện với câu hỏi cơ bản của con người – “Lạy Chúa, Chúa là Ai?” – và chúng ta chờ đợi câu trả lời.
Cầu nguyện chiêm niệm (Prière contemplative)
Mọi người Kitô hữu đúng nghĩa đều muốn được kết hiệp với Chúa. Ta đã được rửa tội; ta vẫn lãnh nhận Bí tích Thánh Thể; ta có tất cả những phương tiện cần thiết để lớn lên như con người và như con cái Chúa.
Những phương thế thiêng liêng, bên phương Đông cũng như phương Tây, đều dựa trên giả thuyết sau đây: khi nhận thức chắc chắn rằng ta có thể kết hiệp với Chúa, ta có khả năng làm điều gì đó để tiến dần đến sự kết hiệp này.
Trở ngại chính yếu làm ta xa Chúa là vì ta nghĩ mình bị tách ra khỏi Người. Nếu ta bỏ được tư tưởng này thì khó khăn sẽ giảm đi rất nhiều. Ta không thể tin nổi là mình luôn ở với Chúa và Người hiện diện trong mọi thực tại. Chúa luôn hiện diện để ta có thể chạy đến với Người bất cứ lúc nào. Ngay giờ phút này đây, mỗi một vật mà ta trông thấy, bản chất thâm sâu nhất của ta, đều được cắm rễ trong Người. Tuy nhiên, ta phân vân và không tin điều đó cho đến khi có được kinh nghiệm bản thân. Điều này giả thiết ta phải trải qua một thời gian để đào sâu mối tương quan mật thiết với Chúa. Chúa thường xuyên nói với ta, qua người khác cũng như trong chính ta. Kinh nghiệm nội tâm về sự hiện diện của Chúa cho ta thêm khả năng nhận ra Người trong mọi sự: trong con người, trong biến cố, trong thiên nhiên. Giác quan, cũng như cầu nguyện, đều có khả năng làm cho ta cảm nếm được niềm vui sâu xa được kết hiệp với Chúa.
Có một trở ngại to lớn khác trong ta, đó chính là nhân sinh quan của ta. Ta phải thay thế nó bằng nhân sinh quan của Chúa, bằng Thần Khí của Đức Kitô. Theo thánh Phao-lô, Thần Khí của Đức Kitô trở nên của ta qua đức tin và qua phép rửa, nhưng để nắm giữ được Thần Khí, cần phải có một phương thế giúp ta trở nên nhạy bén với lời mời gọi của Đức Kitô: “Này đây Ta đứng trước cửa và gơ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, th́ Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Mà mở cửa thì đâu cần nhiều cố gắng. Trong cầu nguyện chiêm niệm, Thần Khí hoạt động trong ta, do đó ta được nghỉ ngơi và không cần chiến đấu. Con người chúng ta rất mỏng dòn và chịu nhiều thương tích ở một bình diện mà tâm lý không thể nhận ra được. Thần Khí âm thầm xoa dịu và chữa lành những thương tích đó trong ta. Điều này gần giống như tình trạng của một người bị gây mê, người ấy không biết cuộc giải phẫu diễn ra như thế nào cho đến khi mọi sự hoàn tất. Thinh lặng nội tâm là mảnh đất tốt nhất để tình yêu Thiên Chúa có thể cắm rễ. Trong Phúc Âm, như Chúa Giêsu đã nói, hạt cải tượng trưng cho tình yêu Thiên Chúa. Đó là hạt nhỏ nhất trong các loại hạt, nhưng lại có khả năng tăng trưởng phi thường. Tình yêu Thiên Chúa có đầy quyền năng để lớn lên trong ta và biến đổi ta. Mục tiêu của cầu nguyện chiêm niệm là tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình biến đổi nội tâm đó. Thực hành cầu nguyện chiêm niệm là một tiến trình qua đó ta được Thần Khí giáo dục để ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng hơn với Đức Kitô.
Cầu nguyện chiêm niệm không dùng để thay thế những phương thức cầu nguyện khác, nhưng trái lại cho phép ta nhìn những loại cầu nguyện khác với một nhãn quan mới. Cầu nguyện chiêm niệm giúp ta tập trung sự chú ý vào sự hiện diện của Chúa. Nhờ vậy, sự chú ý của ta sau đó sẽ mở rộng ra bên ngoài để khám phá sự hiện diện của Người ở khắp nơi. Do đó, cầu nguyện chiêm niệm là cách làm cho ta ý thức về thực tại trong đó ta được chìm đắm. Rất ít khi ta nghĩ đến không khí ta hít thở, vậy mà nó thường xuyên ở trong ta và chung quanh ta. Cũng vậy, mọi nơi mọi lúc, sự hiện diện của Chúa thấm vào ta, bao bọc ta và tràn ngập trong ta. Khốn thay, ta không hề nhận thức được thực tại đó. Mục tiêu của cầu nguyện, các bí tích và những phương thế thiêng liêng chính là để gây cho ta ý thức về thực tại này.
Tĩnh nguyện nội tâm (Oraison du silence intérieur)
Phương thức cầu nguyện bằng việc giữ thinh lặng nội tâm (tĩnh nguyện nội tâm) nhằm làm giảm những trở ngại thường gặp trên bước đường chiêm niệm và chuẩn bị cho các quan năng của con người có thể góp phần tốt nhất vào việc cầu nguyện. Ở đây, tôi chỉ muốn cập nhật những gì các thế kỷ trước đã chỉ dạy và cố gắng trình bày những điều này theo bài bản.
Tĩnh nguyện nội tâm không phải là mục đích nhưng là khởi đầu của cầu nguyện. Ta không thực hành phương thức cầu nguyện này để có được một kinh nghiệm thần bí nhưng để nhờ đó đời sống ta được sinh hoa kết trái.
Những mối bận tâm thông thường của ta dựa trên một hệ thống giá trị do ta xây dựng nên một cách vô ý thức. Một số tư tưởng thu hút ta vì đã được định hình bởi hành trang cảm xúc góp nhặt từ thời thơ ấu. Khi những tư tưởng này xuất hiện trong đầu, tất cả những đèn báo hiệu bắt đầu chớp sáng vì ta đã đầu tư rất nhiều tình cảm vào những giá trị mà các tư tưởng này khơi dậy hoặc đe dọa. Khi ta tập đẩy lui mọi loại tư tưởng và cách tư duy, ta tự giải thoát mình dần khỏi những thứ đã được định hình và những thứ không thể cưỡng lại được.
Mục tiêu của tĩnh lặng nội tâm không phải để loại trừ mọi tư tưởng vì điều đó không thể làm nổi. Dù sao đi nữa, chỉ cần sau một vài phút thinh lặng nội tâm, bạn lại nghĩ đến điều gì đó, trừ khi là tác động của ân sủng mạnh đến nỗi bạn hoàn toàn được Chúa thu hút. Do đó, những tư tưởng là thành phần không thể tránh được của tĩnh nguyện nội tâm. Trong bối cảnh của phương pháp tĩnh nguyện nội tâm này, một “tư tưởng” tương ứng với bất cứ nhận thức nào đang xuất hiện trên dòng ý thức. Nói chung thì ta thường nhận thức những sự vật nối tiếp nhau đi ngang qua dòng ý thức: hình ảnh, kỷ niệm, tình cảm, cảm giác bên ngoài, và ngay cả ý tưởng thiêng liêng. Những tư tưởng thông thường của ta gần giống như tàu bè qua lại trên một dòng sông; chúng nhiều đến nỗi phủ kín cả mặt nước. Khi ta làm cho dòng sông ý thức đi chậm lại trong giây lát, ta bắt đầu thấy những khoảng cách được tạo ra giữa các con thuyền. Chính nhờ đó mà ta thấy xuất hiện thực tại trên đó tàu bè qua lại.
Phương pháp tĩnh nguyện nội tâm nhằm giúp ta chuyển sự chú ý ra khỏi dòng tư tưởng thông thường và mở ý thức ra chiều kích thiêng liêng. Ta có thể so sánh tầng mức thiêng liêng này với một con sông lớn trên đó trôi giạt kỷ niệm, hình ảnh, kinh nghiệm nội tâm, cũng như ý thức về sự vật bên ngoài. Rất nhiều người đồng hóa mình với dòng tư tưởng và tình cảm thông thường này một cách sâu xa đến độ không ý thức được chúng đến từ đâu nữa. Cũng như tàu bè trôi giạt trên sông, tư tưởng và tình cảm phải dựa trên cái gì đó: cái đó chính là dòng ý thức trong thâm sâu của ta, nó thuộc về bản chất của Thiên Chúa, mà ý thức bình thường không nhận ra được ngay. Vì ta không tiếp xúc trực tiếp với dòng ý thức thâm sâu này, ta phải làm cái gì đó để ngày càng trở nên nhạy bén hơn với nó. Trong ta, đây là tầng mức biến ta thành con người nhân bản nhất. Những giá trị mà ta gặp ở đây tuyệt vời hơn những giá trị tinh thần nhiều. Mỗi ngày, ta cần phải trầm mình tắm gội cho khoẻ khoắn ở tầng mức thâm sâu này. Như ta cần tập luyện, ăn uống, ngủ nghỉ, ta cũng cần những lúc thinh lặng nội tâm, vì chính nhờ vậy mà ta được phục hồi sức khỏe ở tầng mức sâu xa nhất.
Tĩnh nguyện nội tâm là một phương thức để hướng sự chú ý của ta đi từ cái riêng biệt qua cái tổng quát, từ cái cụ thể qua cái không rõ nét. Lúc đầu, tàu bè qua lại làm ta bận tâm trước nhất – ta muốn biết chúng chuyên chở những thứ gì; nhưng ta phải để chúng đi xa dần, chỉ cần vậy thôi. Phương pháp này nhằm để cho các tư tưởng, ngay cả những tư tưởng đạo đức nhất, phai nhạt dần trong lúc cầu nguyện. Nếu ta ý thức là ta đang quan tâm đến chúng, hãy trở lại với từ thiêng liêng (sẽ được trình bày dưới đây) để biểu lộ khát vọng của tất cả con người mình là muốn trở về với Chúa đang hiện diện trong ta.
Tĩnh nguyện nội tâm nhằm chặn đứng luồng tư tưởng thông thường, vì loại tư tưởng này chỉ củng cố thêm nhân sinh quan của ta và quan niệm của ta về chính mình. Điều này gần giống như việc ta chuyển từ làn sóng dài sang làn sóng ngắn khi nghe ra-đi-ô. Có lẽ bạn quen nghe ra-đi-ô với làn sóng dài và quen với những đài mà làn sóng dài có thể truyền thanh hơn; nhưng nếu bạn muốn nghe những đài ở xa, bạn phải đổi tần số. Cũng vậy, nếu bạn gạt sang một bên cách suy nghĩ và những hệ thống cảm xúc thông thường, bạn sẽ mở ra với thực tại dưới một khía cạnh mới.
Vì ý chí được tạo ra cho tình yêu vô biên và trí óc cho sự thật vô biên, nếu ý chí và trí óc không gặp một ngăn cản nào thì chúng sẽ có khuynh hướng quay về tình yêu và sự thật vô biên. Chính vì chúng bị lôi kéo tứ phía mà chúng không còn tự do để đi đến nơi chúng sẽ tự động tìm đến. Trong tĩnh nguyện nội tâm, những quan năng này được trả lại tự do. Hành trình thiêng liêng không buộc ta phải đi đâu xa vì Chúa đã ở với ta và trong ta rồi. Điều cần thiết là tạo điều kiện cho những tư tưởng thông thường tan biến và để cho dòng sông ý thức cuốn hút ta, và trong khi ta chú tâm đến chính dòng sông thì ta không để ý gì đến những tư tưởng thông thường nữa.
Tĩnh nguyện nội tâm chỉ là một trong nhiều phương thức cầu nguyện và không ngăn cản bạn cầu nguyện dưới những hình thức khác vào những thời điểm khác. Điều này cũng giống như cái thang của ông Gia-cóp trong Cựu Ước. Thang này biểu thị những mức độ ý thức hoặc đức tin khác nhau. Ta liên lạc với Chúa bằng cả con người mình với những mức độ khác nhau: với môi miệng, thân thể, trí tưởng tượng, cảm xúc, trí óc, trực giác và sự thinh lặng. Tĩnh nguyện nội tâm chỉ là một nấc thang. Đó là cách để Chúa có thể nói chuyện với ta. Nói chuyện tự phát với Chúa là điều tốt, nhưng có mức độ cao hơn thế nữa. Cũng giống như tình bạn giữa hai người, ở mức độ nào đó thì hai người cần phải nói chuyện với nhau; nhưng khi các mối giây liên hệ đã trở nên thâm sâu hơn, hai người đã đạt đến một mức độ hiệp thông nào đó khiến họ có thể ngồi bên nhau mà không cần nói gì. Họ không nói gì điều đó không có nghĩa là mỗi người không tận hưởng sự hiện diện của người kia. Đương nhiên có nhiều cách khác nhau để biểu lộ quan hệ của mình với một người khác và với Chúa; và điều này cũng được thực hiện ở những mức độ khác nhau. Tĩnh nguyện nội tâm đem lại một chiều kích khác cho mối quan hệ giữa Chúa và ta, ở mức độ thâm sâu hơn những mức độ khác. Cầu nguyện bằng lời không phải là không tốt, nhưng đó không phải là cách duy nhất và cũng không phải là cách thâm sâu nhất để cầu nguyện.
Trong tĩnh nguyện nội tâm, ta cũng không cầu nguyện đặc biệt cho người khác. Thật ra, khi ta mở ra với Chúa là ta đã mặc nhiên cầu nguyện cho mọi người, cả kẻ sống lẫn người chết hoặc người sẽ được sinh ra. Ta ôm lấy cả vũ trụ được tạo dựng. Ta chấp nhận toàn bộ thực tại, trước tiên là Thiên Chúa và sau đó là phần thực tại trong chính mình mà thường ta không ý thức, đó là tầng thiêng liêng trong con người ta. Những khát vọng trong lòng ta hoàn toàn hướng về Chúa và về sự hiện diện của Người trong ta. Nhưng tĩnh nguyện nội tâm không phải là cách để “cắm mình” vào sự hiện diện của Chúa. Đúng hơn đó là cách để nói: “Này con đây!” và bước kế tiếp ở trong tay Chúa; đây chỉ là cách để ta đặt mình vào trong tay Người để Người có thể dùng ta theo như Người muốn. Chính Chúa là người quyết định các hệ quả.
Tĩnh nguyện nội tâm cũng không phải là thực hành thư giãn, mặc dù nó có thể dẫn đến thư giãn, nhưng là thực hành tương quan cá nhân của ta đối với Chúa. Đó là một tương quan đức tin. Đức tin chính là việc mở ra với Chúa và phó thác vào Người. Tương quan này được biểu lộ qua việc mỗi ngày ta bỏ thời giờ để mở ra với Chúa, ta xem Chúa quan trọng đủ để cho Người một cái hẹn chắc chắn – cuộc hẹn mà ta không thể bỏ lỡ. Vì phương thức cầu nguyện này không đòi hỏi phải suy nghĩ, ta cũng có thể đi đến hẹn cả khi đau ốm. Do đó, trong tĩnh nguyện nội tâm, thái độ cơ bản là mở ra với Chúa. Phương thức thực hành Kitô giáo này có thể được tóm lược trong từ kiên nhẫn. Trong Tân Ước, kiên nhẫn có nghĩa là chờ đợi Chúa cho tới khi nào Người muốn đến thì đến, và ta thì vẫn cứ ở đó không được chán nản. Đó là thái độ của người tôi tớ trong Phúc Âm, luôn chờ đợi, ngay cả khi người chủ nhà trì hoãn và trở về rất muộn trong đêm khuya. Khi cuối cùng người chủ trở về, người tôi tớ được giao cai quản toàn bộ cơ ngơi. Nếu bạn chờ đợi, Chúa sẽ tỏ lộ. Nhưng đương nhiên là bạn có thể phải chờ lâu đó.
Thông thường, thời gian tối thiểu cần thiết để đạt đến thinh lặng nội tâm và vượt qua được những tư tưởng nông cạn là 20 hoặc 30 phút. Bạn có thể muốn kéo dài thời gian này. Chính kinh nghiệm sẽ giúp bạn xác định đâu là thời hạn thích hợp đối với bạn. Vào cuối thời gian mà bạn đã ấn định, hãy trở lại dòng tư tưởng thông thường. Có thể đó là thời điểm để trò chuyện với Chúa, để đọc thầm và chậm rãi một kinh nguyện, hoặc để lên kế hoạch làm việc trong ngày. Hãy chờ vài phút mới nên mở mắt ra lại. Ngăn chận những cảm giác bên trong và bên ngoài dẫn đến một sự tập trung tinh thần cao độ; do đó, mở mắt ra nhanh quá có thể làm bạn choáng váng.
Nếu bạn có cảm thấy hơi khó chịu khi nghĩ cầu nguyện thế này như thể mình “không làm gì”, thì cho phép tôi nhắc bạn là chẳng ai ngần ngại ngủ mỗi đêm sáu hoặc bảy tiếng đồng hồ. Cầu nguyện cách này chẳng phải là không làm gì. Trái lại đó là một loại hoạt động rất nhẹ nhàng. Ý chí không ngừng ưng thuận đáp lại sự hiện diện của Chúa bằng cách trở về với từ thiêng liêng, và đây là một hoạt động đủ để giữ ta tỉnh táo và nhanh nhẹn. Trong tĩnh nguyện nội tâm, mục đích không phải chỉ để làm cho tất cả những tư tưởng tan biến, nhưng là để cho sự tiếp xúc của ta với bản thể của chính mình ngày càng sâu hơn. Ý định trong đức tin là chủ yếu. Tĩnh nguyện nội tâm không chỉ là tập trung chú ý trên một hình ành hoặc một từ đặc biệt, hay ngay cả trên hơi thở, nhưng là sự phó thác cả bản thân mình cho Chúa.
Nếu việc thực hành hằng ngày phương thức cầu nguyện này khiến bạn ngày càng trở nên nhạy bén hơn với chiều kích thiêng liêng trong bạn, có thể bạn sẽ bắt đầu cảm thấy sự hiện diện của Chúa trong những sinh hoạt của đời sống thường ngày. Có thể bạn sẽ cảm thấy được mời gọi quay về với Chúa trong nội tâm mà không biết tại sao. Khi đời sống thiêng liêng của bạn càng trở nên thâm sâu, có thể bạn sẽ nhận thấy những rung cảm đến từ một thế giới cho đến nay rất xa lạ đối với bạn. Có thể bạn sẽ không chủ tình nghĩ đến Chúa nhưng bạn lại nhận ra rằng Người thường xuyên hiện diện trong những công việc hằng ngày của bạn. Điều này gần giống như màu sắc được thêm vào máy truyền hình đen trắng của bạn. Hình ảnh vẫn như cũ, nhưng nó có một chiều kích mới mà khi trước bạn không nhận thấy, và bây giờ chiều kích đó làm cho hình ảnh đẹp hơn nhiều. Chiều kích này trước đây vẫn có nhưng không được truyền đi vì thiếu bộ máy để tiếp nhận nó.
Từ thiêng liêng (Mot sacré)
Khi bạn thực hành tĩnh nguyện nội tâm, hãy đặt mình trong một tư thế thoải mái. Bạn hãy nhắm mắt lại; như vậy, phân nửa thế giới đã biến mất, vì thường ta nghĩ đến những gì ta trông thấy nhiều hơn. Để làm cho dòng tư tưởng thông thường bị chậm lại và phai mờ dần, chỉ giữ lại trong đầu một tư tưởng, và để nhằm mục đích này, bạn hãy chọn một từ thích hợp có một hoặc hai âm tiết, gọi là từ thiêng liêng. Ví dụ như : Chúa, Giêsu, Kitô, Thánh Thần, Amen, bình an, thinh lặng, vinh quang, tình yêu, hiện diện, phó thác.
Có những người lại thấy một hình ảnh tinh thần giúp họ tốt hơn, trong trường hợp đó hình ảnh không nên rõ nét và chính xác, nhưng chỉ mang tính tổng quát. Có những người khác thì lại thích quay về nhìn Chúa một cách âu yếm. Một số người thì thấy cầu nguyện trước Thánh Thể giúp họ rất nhiều. Thường họ nhắm mắt lại và chỉ ý thức rằng có một sự hiện diện đang ở trong họ khi họ cầu nguyện. Nhưng cho dù là dùng phương thế nào, nguyên tắc sử dụng cũng giống như đối với từ thiêng liêng mà thôi.
Dù cho bạn chọn từ nào đi nữa, từ này được coi là thiêng liêng không phải vì ý nghĩa của nó nhưng vì ý định mà bạn gửi gấm trong đó. Nó biểu lộ ý định của bạn là mở ra với Chúa, Mầu Nhiệm Tột Đỉnh, đang hiện diện trong bạn. Đó là điểm quy hướng mà bạn phải trở về mỗi khi bạn bị những tư tưởng vu vơ lôi cuốn. Khi bạn đã tìm ra từ thiêng liêng thích hợp, không nên thay đổi. Nếu bạn thật sự muốn thử dùng một từ khác, xin cứ làm nhưng đừng thử nhiều từ quá trong một buổi tĩnh nguyện. Từ thiêng liêng là dấu chỉ hoặc là chỉ dẫn cho thấy chiều hướng mà bạn muốn theo. Đó là một phương thế để biểu lộ lại ý định của bạn là mở ra với Chúa và Người như thế nào thì bạn sẽ đón nhận Người như thế ấy.
Bạn hãy bắt đầu đưa từ thiêng liêng này vào trong tư tưởng của mình, bạn hãy làm một cách nhẹ nhàng như thể bạn đặt một cánh hoa trên một giải lụa. Hãy tiếp tục nghĩ đến từ này và chấp nhận nó dù cho nó có xuất hiện dưới hình thức nào chăng nữa. Mục tiêu không phải là lập lại từ này liên tục. Thật vậy, từ này có thể trở nên rõ nét, mờ nhạt, hoặc chỉ còn là một xung động của ý chí ; hoặc nó cũng có thể biến mất nữa. Khi bạn ý thức là mình đang nghĩ đến điều gì khác, bạn hãy trở lại với từ này để biểu lộ lần nữa ý định của bạn. Đọc lên rõ ràng hoặc nhiều lần từ này không làm cho việc cầu nguyện trở nên hữu hiệu hơn; điều quan trọng là làm sao ngay từ đầu bạn đưa từ này vảo trong tư tưởng một cách thật nhẹ nhàng, và khi có những tư tưởng khác chiếm lấy sự chú ý của bạn, bạn trở về từ này một cách nhanh chóng, nhưng không đột ngột, cũng như bạn chấp nhận mọi tư tưởng đột nhiên xuất hiện vậy.
Từ thiêng liêng không phải là một phương tiện để đưa bạn muốn đi đâu thì đi. Đó là một phương thế để làm giảm số tư tưởng thông thường và đẩy lui những tư tưởng tỏ ra hấp dẫn trong phạm vi ý thức. Nó hòa nhập tất cả những tư tưởng này lại thành một tư tưởng duy nhất là mở ra với Chúa. Nó chỉ được dùng để xác định lại ý của bạn là ưng thuận sự hiện diện và hoạt động của Chúa trong bạn. Khi bạn biểu lộ lại sự ưng thuận này và hành động đó trở nên quen thuộc, thì trong bạn sẽ tạo ra được một trạng thái ý thức thuận lợi khiến dòng tư tưởng không tác động được lên bạn và làm cho sự nhạy cảm sâu hơn trong bạn được phát triển.
Từ thiêng liêng không phải là phương tiện chuyên chở hay công thức giúp ta xuống được những tầng nước sâu của sông. Khi tôi cầm một quả banh trong tay và thả ra, tôi chẳng cần ném nó cũng sẽ rơi xuống đất. Cũng vậy, từ thiêng liêng là một phương thế làm cho tất cả những tư tưởng phai mờ dần. Nhờ vậy, những quan năng thiêng liêng của ta, vì được thinh lặng nội tâm lôi cuốn, có thể tự động đi theo hướng này. Điều này không đòi hỏi một cố gắng nào, ngoài mong muốn gạt sang một bên những bận tâm thường ngày. Từ thiêng liêng cũng không phải là một phương thế cho phép đi từ tình trạng hỗn độn của trí tưởng tượng sang thinh lặng, nhưng đó là một trạng thái tinh thần giúp ta vào trong lãnh vực thiêng liêng mà sức mạnh của ân sủng kéo ta vào. Từ thiêng liêng cho phép trầm mình trong Nguồn Mạch. Con người được tạo dựng cho hạnh phúc và bình an vô biên và khi người ta nhận ra mình đang đi theo chiều hướng này thì không cần phải cố gắng gì cả. Khó khăn xảy ra là vì ta thường đi theo chiều hướng ngược lại hơn. Ta có khuynh hướng đồng hóa mình với cái tôi giả tạo và những vấn đề của nó, cũng như là đồng hóa mình với cái thế giới đang khuyến khích và củng cố cái tôi giả tạo này.
Từ thiêng liêng chỉ là một tư tưởng mà bạn gợi lên ở một tầng mức nhận thức ngày càng sâu hơn. Trong phương pháp cầu nguyện này, lời nói trên môi miệng nằm bên ngoài và không có lý do gì để tồn tại; tư tưởng nằm bên trong, và từ thiêng liêng, vì do ý chí thúc đẩy, lại còn nằm sâu bên trong hơn nữa. Chỉ khi nào bạn đi xa hơn từ đó và vào được bên trong lãnh vực của ý thức thuần túy thì lúc đó tiến trình nội tâm hóa mới hoàn tất. Đó là điều mà cô Ma-ri-a thành Bê-ta-ni-a thi hành nơi chân Chúa Giê-su. Cô đi xa hơn những từ ngữ nghe thấy để nắm bắt được tâm ý Người đang nói với cô và đi đến kết hiệp với Người. Đó là điều ta thi hành khi ta ngồi đó cầu nguyện theo phương pháp này và đưa từ thiêng liêng vào nội tâm. Ta phải đi xa hơn từ này vì nó nhằm đưa ta đi đến kết hiệp với Mầu Nhiệm Tột Đỉnh, Hiện Diện Thần Linh, và ta cũng phải đi xa hơn cả mọi nhận thức mà ta dùng để hình dung ra Người.
Kết luận
Bạn hãy chấp nhận trong bình an và tâm tình biết ơn tất cả những gì xuất hiện trong tâm trí khi đang thực hành tĩnh nguyện nội tâm mà không phán đoán gì cả. Ngay cả như lúc đó bạn đang có một kinh nghiệm không thể cưỡng lại được về Chúa, thì cũng không phải là lúc để nghĩ đến điều này. Hãy để cho những tư tưởng đã xuất hiện tan biến dần. Nguyên tắc chủ yếu để chế ngự được những tư tưởng đến trong tâm trí trong loại cầu nguyện này là: Đừng chống trả một tư tưởng nào, đừng bám vào một tư tưởng nào và đừng phản ứng theo cảm xúc. Dù cho hình ảnh, tình cảm, suy nghĩ hoặc kinh nghiệm đã lôi kéo sự chú ý của bạn có ra sao đi nữa, hãy trở về với từ thiêng liêng.
Thực chất của cầu nguyện chiêm niệm là đức tin thuần tuý, không là gì khác. Bạn không cần phải cảm thấy những tác dụng của cầu nguyện, nhưng phải kiên trì. Bạn không nên xét đoán giá trị của việc cầu nguyện qua số lượng tư tưởng đến trong tâm trí hoặc qua sự bình an cảm nhận được. Bạn chỉ có thể đánh giá việc cầu nguyện qua những hoa trái trong lâu dài: trong đời sống thường ngày, bạn có thấy bình an, khiêm tốn và bác ái hơn không ? Khi đạt đến sự thinh lặng nội tâm thâm sâu hơn, bạn sẽ bắt đầu vượt qua được khía cạnh hời hợt trong quan hệ với người khác, như địa vị xã hội, chủng tộc, quốc tịch, tôn giáo và đức tính cá nhân.
Nhận biết Chúa như thế đem lại một chiều kích mới cho mọi thực tại. Khi đã đạt đến đỉnh cao của cầu nguyện chiêm niệm thì không phải chỉ có tư tưởng về Chúa được đưa vào trong đời sống thường ngày, mà còn tự phát ý thức về sự hiện diện thường xuyên của Người trong mọi sự, qua mọi sự và trên hết mọi sự. ĐẤNG HẰNG HỮU, Đấng Vô biên, Đấng Khôn Thấu và Đấng Khôn Tả, là Thiên Chúa của đức tin thuần túy. Trong tĩnh nguyện nội tâm, chúng ta đang đối diện với câu hỏi cơ bản của con người – “Lạy Chúa, Chúa là Ai?” – và chúng ta chờ đợi câu trả lời.
Chuyển ngữ: ltd
23/04/2010
Views: 0