Hôm nay chúng ta cùng nhau trở lại dòng sông Giođan. Trở lại không chỉ chiêm ngưỡng một dòng sông hiền hòa và thơ mộng nhưng còn để đón nhận những chân lý và sự thật. Dòng sông sẽ dẫn đưa chúng ta đến Chân lý và Sự thật mà ông Gioan đã rao giảng khi xưa. Mời quý anh chị em cùng thưởng thức.
CÂU CHUYỆN DÒNG SÔNG…
Sau nhiều năm “tịnh cốc” trong hoang địa, tu thân tích đức, sống đời sống đơn sơ và giản dị : “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn” (Mt 3,4). Và sau khi nhận được lời Thiên-Chúa-phán-bảo-rằng : “nước Trời đã đến gần” (Mt). Ông Gioan – như một “mãnh-hổ-hạ-sơn” – đã rời bỏ hoang địa “đi khắp vùng ven sông giođan” và bắt đầu sứ vụ loan báo cho mọi người biết rằng : “ơn cứu độ của Thiên Chúa” đã bắt đầu. Kèm theo lời rao giảng là lời kêu gọi : “Hãy chịu phép rửa tỏ lòng sám hối…” (Lc 3, 3).
Gioan xuất hiện như một chứng nhân. Chứng nhân do : “Thiên Chúa sai đến… để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin” (Ga 1,6-7).
Ông kêu gọi mọi người hãy tin rằng : “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian nhờ Người mà có…. Ngôi-Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga1,14). Và : “Những ai đón nhận tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,9-12).
Lời chứng của Gioan không chỉ được hô vang nơi hoang địa; nó còn như tiếng gầm thét của mãnh hổ vang vọng khắp vùng : “từ Giêrusalem và khắp vùng Giuđê, cùng khắp vùng ven sông Giođan”(Mt 3, 5).
Chứng-nhân-Gioan lớn tiếng kêu gọi mọi người : “Hãy sinh những hoa quả xứng đáng với lòng sám hối”. Những tuyên bố thẳng thắn của ông như những “phát búa”, như những “nhát rìu” chém thẳng vào tận tâm can, tận đáy lòng, tận thâm tâm từng người.
Lời kêu gọi quyết liệt của ông đã đặt mỗi người trước một lựa chọn; hoặc là : “tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” hoặc phải đối diện với: “cơn thịnh nộ của Thiên Chúa” (Lc 3, 8).
Một chút tâm tình
Bờ sông Giođan chộn rộn dòng người tuôn đến. Họ đến chất vấn ông Gioan. Họ hỏi ông rằng : “Ông là ai ?” – Nếu ông không phải là Đấng Kitô… Không phải là Êlia… Cũng không phải là tiên tri nào khác… “Thế thì ông là ai ?” !!! (Ga 1,22)
Một sự kinh ngạc lẫn sững sờ khi ông Gioan công bố lên sự thật. Sự thật rằng : “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết”.(Ga 1, 26)…
Không sừng sờ và kinh ngạc sao được ! Bởi lời công bố của ông Gioan gợi nhớ tới lời tiên tri Xô-phô-ni-a mà họ đã được nghe trong hội đường vào những ngày Sabát : “Đức Vua của Israel đang ngự giữa ngươi, chính là Đức Chúa… Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi. Người là vị cứu tinh, là Đấng anh hùng” (Xp 3, 15 – …17).
Họ nhớ lại hình ảnh cha ông của họ đã bao năm trời ngồi bên sông Babylon khóc nhớ Sion. Họ nhớ từng lời ca thống thiết được cất lên trong sự ngóng chờ : “Này dân Sion. Chúa ngươi sắp đến. Ngươi hãy ra chào đón. Chúa đến cứu dân Người”.
Hôm nay – bên sông Giođan – một lần nữa – họ lại ngóng chờ. Ngóng chờ một người mà Gioan đã loan báo rằng : “Có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến” (Lc 3,16).
Một phút suy tư
Dòng sông Giođan không chìm vào quên lãng. Dòng sông Giođan không chỉ được biết đến như một dòng sông lịch sử..
Hôm nay, dòng sông Giođan còn là “cầu nối” – nối đến chúng ta những chân lý, những sự thật mà Gioan đã rao giảng. Những khắc khoải về một Đấng Messia – đã hai mươi thế kỷ rồi – “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”.(Ga 1, 11).
Nó vẫn để lại nơi mỗi chúng ta những câu hỏi mở : “chúng tôi phải làm gì ?”
Nó vẫn đưa ra những chọn lựa bắt buộc : “Thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”.
Nó vẫn vang tiếng kêu gọi lương tâm của mỗi con người : “Đừng tham lam vơ vét… Đừng đòi hỏi quá mức ấn định” (Lc 3,14).
Nó kêu gọi lòng nhân ái của con người : “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình” (Lc).
Nó vẫn mời gọi mỗi người hãy thi thố tình yêu thương đồng loại : “Ai có hai áo, thì chia cho người không có.. Ai có gì ăn thì cũng làm như vậy” (Lc 3, 11).
Hôm nay – CN III Mùa Vọng. Giáo Hội mời gọi chúng ta trở về dòng sông Giođan năm xưa. Trở về Giođan không phải như một du khách cỡi-ngựa-xem-hoa nhưng là như một người lữ khách đi trên con-thuyền-hy-vọng với tất cả niềm tin tưởng và lòng phó thác về một “Đấng Mesia”. Đấng mà ông Gioan đã nói : “Là Chiên Thiên Chúa. Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Đấng mà chúng ta hằng luôn mong đợi : “Trong vinh quang mai Ngài sẽ đến, đón chúng ta lên trời về với Chúa Cha” Amen.
Mùa vọng 2009
Petrus Tran
Views: 0