Uncategorized

Cảo thơm lần giở trước đèn

Theo định nghĩa của Wiktionary, CẢO THƠM do chữ phương cảo, nghĩa là pho sách thơm, pho sách hay.

 

Theo định nghĩa của Wiktionary, CẢO THƠM do chữ phương cảo, nghĩa là pho sách thơm, pho sách hay.

 

Người ta cũng gọi những câu chuyện đạo đức, thảo hiếu, vị tha, dũng cảm của một người hiền, một vị thánh, một anh hùng, là những “cảo thơm”.  Chắc chắn sách Tin Mừng, đặc biệt là bốn Phúc Âm là những “cảo thơm” và cũng chắc chắn cuộc đời Chúa Giêsu, nhất là những thời khắc Cuộc Khổ Nạn của Người là những “cảo thơm”. Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta về một “Vua – Giêsu Kitô” không phải do người trần tôn lên, không mặc lấy những vinh quang trần tục, nhưng là qua đau thương và cái chết: một vụ án vô tiền khoáng hậu, vẫn luôn nhức nhối, vẫn luôn mới mẻ. Cảo thơm nầy xin lần giở dưới ánh sáng Chúa Thánh Linh, để hiểu một phần ý nghĩa vâng lời và khiêm hạ.

Năm 1939, khi Đức giáo hoàng Piô XII lên ngôi, một nhà báo Ý ngưỡng mộ Người và muốn tôn vinh Giáo Hội Công giáo, đã viết một bài báo lấy tựa đề : ”Hỡi Nêrông, bây giờ ông đang ở đâu?”. Ý muốn nói giờ đây Nêrông phải trầm luận địa ngục, còn hậu duệ những kẻ bị Nêrông bách hại, nay vinh hiển trên ngai nơi “kinh thành muôn thuở”, vốn là thủ đô của đế quốc La – Mã rộng lớn (bằng diện tích hai mươi quốc gia ngày nay) và hùng mạnh, đã sụp đổ và trở thành “thủ đô” của Hội Thánh Công giáo. Đức Thánh Cha Piô XII đã viết mấy dòng cám ơn thịnh ý của nhà báo nhưng nói thêm rằng : Việc hoàng đế Nêrông nay ở đâu, thì chỉ có Chúa biết! Philatô là nhân vật đầu tiên và chủ chốt trong “cảo thơm” chúng ta đang mở. Cũng như với Nêrông, và để công bằng, chúng ta không tự quyền nói hoặc nghĩ về Philatô như nhà báo Ý lên án Nêrông.

Ta hãy nghe một đoạn trong bài viết của Gianfranco Ravasi, ”Những gì Kinh Thánh Chưa Kể Lại” , – dĩ nhiên là theo các ngụy thư, – bởi vì chính cuộc sống về sau của Philatô đã làm bùng nổ trí tưởng tượng của các nguỵ thư, kể cả ở thời hiện đại, như là “Tổng Trấn Giuđêa” của [nhà văn] Anatole France. “ Quan điểm về Phongxiô Philatô “ của Paul Claudel, “Bà Vợ của Philatô” của Gertrud von Le Fort; “Ponce Pilate” của Roger Caillois, “Pilate” của Friedrich Durrenmatt,” và còn nhiều nữa. Mặt khác, truyền thống nguỵ thư Kitô giáo còn ca tụng sự trở lại đạo của Philatô, người chết tử vì đạo, bị xử trảm theo lệnh của Tibêriô và được Chúa Kitô đón tiếp ở trên trời. Không phải vô cớ mà Giáo hội Êthiôpia đã khắc ghi vào lịch phụng vụ của mình vị tổng trấn La mã, mà họ sùng bái như là vị thánh. Như thế ta sẽ có cái nhìn bớt gay gắt hơn về Philatô trong “vụ oan án Giêsu Kitô”, không rơi vào thái cực để rồi như chế độ nầy suýt ‘ăn cháo đá bát’ khi định bỏ tên đường Alexandre de Rhodes, hoặc sau hàng chục năm lên án triều Nguyễn ‘cõng rắn cắn gà nhà’, đã nhìn ra sự thật và tôn vinh nhiều vị vua,nhiều công trình và công trạng của một triều đình ‘phong kiến’ mà họ từng thù ghét.

Chính Philatô đã năm lần dùng danh hiệu “Vua’ với và về Chúa Giêsu. Lần thứ nhất là một lời thẩm vấn : "Ông có phải là vua dân Do Thái không?" (Ga 18,33 b). Lần thứ hai là câu hỏi của một quan toà để nghe bị cáo xác nhận lại điểm chính trong lý lịch:"Vậy ông là vua sao?" (Ga 18,37) Và lần thứ ba là lời gián tiếp công nhận người mà ông cho lệnh đóng đinh thập giá :”Giêsu Nazaret,Vua dân Do Thái” (Ga 19,19), mặc cho người Do Thái phản đối. Hai lần khác Philatô nhấn mạnh với người Do Thái: “Đây là Vua các ngươi” (Ga 19,15) và “Chẳng lẽ ta lại đóng đinh Vua các ngươi sao?”. Từ thái độ hống hách của một quan toàn quyền, Philatô đã đi hết ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác trước thái độ, cử chỉ và lời nói đầy uy nghiêm và xác tín của Chúa Giêsu. Rõ ràng quan toà Philatô bối rối trước bị cáo Giêsu, nhất là khi chính ông lại là người bị đặt câu hỏi: ”Quan tự mình nói, hay người khác nói điều đó với quan?”.(Ga 18,19). Câu hỏi ngược như mời gọi Philatô suy tư và đối thoại và cũng mời gọi chúng ta bày tỏ thái độ, lập trường của mỗi người trước sự việc Chúa Giêsu Kitô là Vua. Không thể ‘ba phải’ lập lại hoặc hùa theo đám đông, để hô lên, hét lên rằng Chúa Giêsu là Vua, nhưng rồi khi ở một mình, khi cần làm chứng nhân rằng Chúa Giêsu thật sự là Vua, khi phải hy sinh một số lợi ích, thú vui cá nhân để chứng tỏ Chúa Giêsu mới thật là Vua, thì lại rụt đầu lẩn tránh hoặc làm ngơ. Chúa Giêsu buộc Philatô và cả chúng ta phải nhìn rõ bản chất Vương Triều của Người :”Nước tôi không thuộc về thế gian nầy!” (Ga 18,22). Chỉ bấy nhiêu thôi, người làm chính trị và nhà binh chuyên nghiệp như Philatô hiểu ra ngay: Vương triều nầy không có bạo lực, hận thù, không gây chiến, mà chỉ lấy lòng nhân từ – chữ ‘nhân’ – để thu phục nhân tâm. Điều nầy hẳn Philatô đã theo dõi và nghe nhiều báo cáo của chân tay, mà ông sai đi do thám tình hình trong nước Do Thái nói chung, và cách riêng về con người, những lời nói, những việc làm của Chúa Giêsu.

Người Do Thái có thể vì ghen tức, sợ hãi, mà tìm mọi cách hại Chúa Giêsu (và bằng chứng là họ đã thành công hôm nay, khi điệu được Chúa Giêsu đến để buộc ông kết án tử, một lời tuyên án đã định sẵn trong đầu họ), còn ông thì biết rõ Chúa Giêsu hoàn toàn vô hại với đế quốc La Mã và với việc cai trị nước Do Thái của ông. Vì thế, căn cứ vào câu trả lời nóng giận, kèm ít nhiều hối hận, với người Do Thái :”Điều ta đã viết,là đã viết” (Ga 19,22), thì việc Philatô đã cho ghi vào tấm bảng đóng trên phía đầu Chúa Giêsu :”Người nầy là Vua Dân Do Thái”  (Ga 19,19), không hề là ngẫu nhiên hoặc có ý khác. Bị bắt, bị trói, bị xỉ nhục, bị đánh đòn, bị ấn lên đầu mũ gai nhọn, ’chẳng còn hình tượng người ta nữa”, nhưng từ nơi Chúa Giêsu toát ra sự cao thượng, nét uy nghi lẫm liệt không thể tìm thấy ở đâu ngoài những người mang dòng dõi qúy tộc, vương giả và chính xác hơn, nơi một vị Vua, điều mà Philatô biết rõ là bản thân ông hoặc hoàng đế Tibêriô cũng không thể có được. Có thể nói không sai Philatô là người đầu tiên nhận ra Chúa Giêsu là Vua, cho dù chắc chắn không cùng nghĩa, cùng hạng với Hêrôđê hay những tiểu vương đương thời chỉ biết xu nịnh, sống xa hoa trác táng và tham ô độc ác và cũng không như ý nghĩa của từ ‘Vua’ đối với Kitô hữu.

Philatô đã chết. Những người Do Thái đương thời với Chúa Giêsu đã chết. Con cháu họ thì nay làm lơ, bắt chước Philatô phủi tay vô can, trong khi chính miệng cha ông họ gào thét : ”Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi” (Mt 27,25). Những người Do Thái thời nay hoặc chối bỏ cha ông, hoặc không ngay thẳng hoặc mặc nhiên thú nhận cha ông họ sai lầm. Người Do Thái hoặc có trí nhớ rất tồi hoặc rất vô ơn bạc nghĩa, khi phủ nhận công lao vô cùng to lớn và đầy hy sinh của Đức Thánh Cha Piô XII, Đấng đã đem cả tính mạng Người lẫn sự sống còn của cả Hội Thánh để cứu người Do Thái khỏi tay Đức quốc xã. Không khác gì lời tiên tri Êlia nói :”con chẳng hơn gì cha ông của con” (I V 19,4). Philatô ít nhiều cũng đã được biện hộ. Người Do Thái rồi cũng sẽ phải chấp nhận những chứng cứ lịch sử hiển nhiên, như họ sẽ phải hối hận, biết ơn và tạ lỗi với hương hồn đức Piô XII (điều mà nhiều học giả, giáo sĩ và người Do Thái đã làm, qua các công trình nghiên cứu sự thật, qua những bài viết và thuyết trình, nhất là bằng việc đón nhận đức tin Phục sinh Công giáo).

Còn chúng ta thì sao?

Câu hỏi bỏ lững, không có lời đáp, vì mọi sự đã quá rõ ràng và vì một câu trả lời tập thể chẳng có chút giá trị gì. Tập thể, cộng đoàn, cả Giáo Hội, cả hoàn vũ, cả vũ trụ tung hô Chúa Giêsu là Vua, Vua muôn Vua, Vua Vũ Trụ, là chính đáng. Nhưng tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Vua, thì đó là việc của mỗi tín hữu Công giáo, không ai làm giúp, chẳng ai gánh vác giùm được. Những lời tung hô như trong bài Te Deum chẳng hạn, khi được xướng long trọng theo bình ca (nhạc Grêgôriô) : “Tu Rex gloriae,Christe” (Lạy Chúa ,Người là Vua vinh quang), dễ gây xúc động và gợi tâm tình thờ lạy. Nhưng như thế là chưa đủ. Không thể đa mang cả quốc tịch thiên quốc lẫn quốc tịch thế gian. Không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn thần Mammôn. Không thể có chuyện đặt Chúa Giêsu ‘bằng vai phải lứa’ với một mớ hỗn độn những thứ tạp nham dơ bẩn đang chiếm gần kín tâm hồn trí não. Những thần tượng thoả lòng đam mê đều được người ta “phong vương”: có vua bóng đá, bóng rỗ, thì cũng có vua nhạc rock, nhạc pop và cả vua cờ bạc, vua ma túy,…và trong lòng nhiều người, danh lợi,dục vọng ngự trị vững vàng như những vị vua. Vì thế, Chúa Giêsu Kitô chỉ thực sự là Vua, khi mỗi người mở rộng thân xác linh hồn đón thập giá Chúa và sống tinh thần vâng lời, khiêm hạ (x. Pl 2, 2 -6), những cái đã làm cho Chúa Kitô được siêu tôn và ban cho danh vượt trên mọi danh ( Pl 2, 6 -9), là Chúa các Chúa, Vua muôn Vua, Vua Vũ Trụ.

Và đây nữa, lời Chúa nghiêm khắc cảnh cáo :”Còn bọn thù địch của Ta, những người không muốn Ta LÀM VUA CAI TRỊ chúng, thì hãy dẫn chúng lại đây và giết chết trước mặt Ta’ (Lc 19,27)

 

TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIV TN (Nam B): CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ

CVK Nguyễn Thế Bài
 

HÃY HÁT LỜI TÌNH YÊU – THÁNH VỊNH 24
Bài ca nầy như một hơi thở linh hồn.Trong bài ca nầy không thể tìm ra chuỗi trật tự các ý tưởng cùng hướng về một mục đích. Mục tiêu nầy đã đạt được ngay từ khi bắt đầu : linh hồn được nâng lên tới Chúa ngay lần vỗ cánh đầu tiên. Và sẽ không bao giờ rời bỏ mục tiêu ấy nữa. Trong Chúa, linh hồn thở hơi. Như hơi thở loại bỏ không biết mệt mỏi những sự không tinh khiết và không mệt mỏi đem vào lại tận đáy sâu con người giòng khí phong phú và tinh khiết mà nó kín múc từ bên ngoài, lời cầu nguyện,không đụng chạm và không bạo lực, không lo ngại cứ phải lập đi lập lại không ngừng, mang đến Chúa sự lầm than khốn khổ của mình và thu lượm nơi Chúa niềm hy vọng. Linh hồn mang đến với Chúa nỗi sợ hãi của mình đến từ bóng tối đầy đe doạ của một thế giới đầy kẻ nghịch thù; linh hồn tìm nơi Chúa hy vọng sự sáng,ơn cứu độ. Còn tệ hại hơn nữa : linh hồn đem đến với Chúa tâm tình về sự bất xứng của mình,những tội lỗi nặng nề và nhiều, tích tụ theo tháng năm; Từ lời xưng thú nầy,nó mang lại sự xác tín dịu dàng rằng Thiên Chúa chỉ biết quên, khi một tâm hồn thống hối và mở lòng ra với Người. Nhưng không có gì kết thúc trên trái đất nầy :kẻ thù không buông vũ khí. Tội lỗi luôn đe doạ, trong khi hy vọng cũng luôn cứu chúng ta.Chính vì thế mà phải sống gần bên Chúa.

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.