Mới đây tôi có tham dự lễ an táng cho một người Mỹ cựu chiến binh Việt-Nam (A Vietnam’s Veteran). Tôi ngạc nhiên khi thấy ông nằm trong quan tài mặc quân phục đại lễ của Lục Quân Mỹ rất trang trọng.
Và trên túi áo có gắn cả 5 huy chương mà ông đã được thưởng trong khi tham chiến bên Việt-nam. Theo bà vợ kể lại, ông muốn 5 huy chương đó gồm 1 chiến thương bội tinh với ngôi sao vàng, 2 huy chương khác bằng bạc, một purple heart (tương đương với Anh Dũng Bội Tinh với Ngành Dương Liễu của quân đội Việt Nam Cộng Hoà và 1 huy chương lớn nhất là Bảo Quốc Huân Chương, phải được chôn theo ông vì đó là những dấu tích mà cả cuộc đời ông hằng ấp ủ và trân quí. Khi còn sống, ông rất hãnh diện vì sự chiến đấu để bảo vệ tự do không những cho đất nước VN mà còn cho quốc gia HK chống Cộng. Các huy chương đó là biểu tượng những giọt máu đào ông đã để lại bên kia bờ Thái bình dương, trên giải đất vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, nơi mà vợ con ông chỉ biết tới trên bản đồ.
Tuy nhiên, có một sự việc làm tôi xúc động là đứa con trai của người quá cố ở xa về chịu tang cha, khi anh lên viếng thi hài cha lần cuối. Sau khi anh giơ tay sờ vào ngực cha, mân mê các huy chương của cha, anh đã oà ra khóc lớn tiếng, và sau đó tâm sự rằng anh thực sự cảm nghiệm được giá máu mà cha anh đã trả trước đây để cho anh cái cơ hội ngày ngày cắp sách đến trường học thành tài nên ngày nay anh mới có được một cuộc sống thoải mái và bình an bên vợ và các con. Trước đó anh chỉ biết cha anh đi lính VN, được nghe cha nói tới những chiến công, và cũng được thấy các huy chương đó trong phòng làm việc của cha mà không một lần rung động như hôm nay. Hôm nay anh đã tin và đã biết ơn cha.
Bài Tin Mừng hôm nay chúng ta nghe kể về Thomas, một trong 12 Tông Đồ của Chúa. Suốt 3 năm ông ở bên cạnh ánh quang thần thiêng của Thiên Chúa trong con người Giêsu, được nghe những bài giảng hùng hồn và đánh động, và cũng đã nhìn thấy những phép lạ nhãn tiền do Chúa làm. Nhưng tại sao ông vẫn cứng lòng tin?
Thực ra Thomas không đáng trách như nhiều người trong chúng ta tưởng. Theo Phúc âm Thánh Marcô (Mk. 16), tất cả 11 Tông đồ kia đều cứng lòng tin. Sau khi đã được các bà chạy từ mồ Chúa về báo tin là “Thầy đã sống lại rồi, chúng tôi đã gặp”, các ông không tin đó là điều có thật, nên khi các ông đang ngồi ăn, Chúa phải nhọc công hiện ra và khiển trách về sự cứng lòng không chịu tin các bà là những người đã thấy Chúa sống lại. Phúc âm Thánh Luca còn thuật rõ thêm rằng “các ông đã cho các bà loan tin nhảm nhí, tầm phào” (Lk. 24). Và một lý do nữa để Thomas khó tin: sau khi các bạn của ông nói “Thầy đã sống lại, chúng tôi đã thấy” nhưng Thomas vẫn thấy thái độ của họ trước sau cũng chẳng khác gì, họ vẫn sợ người Do Thái, cửa vẫn đóng, then vẫn cài thì làm sao ông tin cho được. Thầy đã chiến thắng Sự Chết, đã sống lại nhưng tại sao các anh vẫn nhát đảm như thế chứ!
Vậy việc gì làm cho Thomas tin hôm nay? Thưa, chỉ một sự việc đơn giản là ông đã giơ tay ra sờ vào các dấu đanh của Chúa Kitô. Các dấu đanh của Chúa Giêsu là những huy chương của Chúa Cứu Thế. Năm dấu đanh không thể tách rời ra khỏi Chúa ngay cả sau khi Ngài sống lại vinh hiển. Tôi nhớ vào năm đại thánh 2000 người ta có vẽ bức hình Ba Ngôi Thiên Chúa với hình ảnh Chúa Cha và Chúa Con giống y hệt nhau. Nếu không có 5 dấu đanh người xem sẽ không tài nào nhận ra ai là Chúa Con Cứu Thế. Thánh Thomas hôm nay đã sờ vào 5 dấu đanh để chính mình cảm nghiệm được đức tin. Đức tin tuy phải tuyên xưng công khai nhưng phải thực sự có cảm nghiệm cá nhân. (Faith is personnal but it’s not private)
Ngày 23 tháng 5 năm 2000, Thánh Bộ Phượng Tự của Tòa Thánh Vatican đã ra quyết định chọn ngày Chúa Nhật II Phục Sinh là ngày Chúa Nhật "Tình Chúa Thương Xót" để các tín hữu trên toàn thế giới dùng Chúa Nhật này suy ngắm về lòng thương xót của Chúa đối với mọi ngươi và toàn thể nhân loại. Năm nay kỷ niệm đúng 10 năm. Tin tưởng ở lòng Chúa Thương Xót, chúng ta sẽ luôn vững lòng trông cậy, phó thác nơi Chúa khi gặp những gian nan thử thách, những biến cố khủng khiềp xảy ra cho mỗi ngừơi, mỗi gia đình chúng ta và thế giới.
Việc tôn sùng "Lòng Thương Xót Chúa" đã được bà Thánh Faustina Kowalska, người Ba-Lan cổ động. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã suy tôn Bà lên bậc Hiển Thánh ngày 30 tháng 4 năm 2000. (Biền cố 30 tháng tư đã để lại biết bao kỷ niệm buồn thương trong lòng mọi người Việt-nam chúng ta, dù trực tiếp hay gián tiếp).
Khi chọn Thánh Faustina là tông đồ của Lòng Thương Xót, Chúa trao ba sứ vụ chính là:
– Nhắc nhở nhân loại về Lòng Thương Xót bao la của Thiên Chúa từ xưa kia đã được mặc khải trong Thánh Kinh.
– Dạy cho chúng ta những kinh nguyện mới về việc Sùng Kính Lòng Thương Xót Chúa, và…
– Khởi xướng một phong trào tông đồ của Lòng Thương Xót để dẫn đưa người khác đến cùng Chúa trong tinh thần tín thác và tin tưởng vào Thiên Chúa như trẻ em, đồng thời thương yêu tha nhân như được diễn tả trong kinh "Thương Người Có Mười Bốn Mối".
Trong Gíáo Hội ngày nay, chúng ta có rất nhiều người am tường về Sứ Điệp nầy và các Anh Chị Em đó đang cổ động các tài liệu Lòng Thương Xót Chúa. Mỗi chúng ta nên tìm hiểu rộng hơn nếu chưa làm, để cùng cầu nguyện với nhau và cho nhau. Chắc chắn Chúa sẽ ban những ơn mà Ngài đã hứa. Chúa không bao giờ nuốt lời.
Giống như người con trai của người chiến binh quá cố trong câu chuyện mở đầu và giống như Thánh Tông đồ Thomas trong Tin Mừng hôm nay, đức tin không đến với mỗi người chúng ta qua việc chỉ nghe nói đến Chúa nhưng bằng sự cảm nghiệm cá nhân từ tấm lòng. Đúc tin đến với chúng ta cũng không phải qua sự thông minh, sự mạnh mẽ hay thành đạt ở đời, nhưng thường đến khi chúng ta yếu đuối, đau khổ. Có người nói: “Đau khổ là cố vấn khôn ngoan cho đức tin.” Đau khổ, bệnh tật hướng chúng ta đến đức tin, nhất là khi đau khổ để thông phần với các thương tích của Chúa Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, và cũng là Chúa Tình Thương của chúng ta.
Cuối cùng, chúng ta nhớ đến biến cố 30 tháng tư sắp sửa đến để nhớ lại lòng thưong xót Chúa xuống trên tứng cá nhân, gia đính mỗi người để một lần nữa cảm nghiệm thực sự và cảm tạ bàn tay thương xót Chúa luôn bảo bọc và giữ gìn chúng ta.
Views: 0