“Công cha như núi Thái Sơn.
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”
(Ca dao)
Câu ca dao làm tròn nghĩa hy sinh và diễn tả đầy đủ tình yêu của cha mẹ dành cho con cái. Người con sinh ra và lớn lên không thể thiếu cha, và cũng không thể thiếu mẹ. Nếu bất đắc dĩ có ai đó sinh ra và lớn lên trong cảnh thiếu cha hoặc mất mẹ, nguời đó sẽ được gọi là những đứa trẻ mồ côi, những đứa con không cha hoặc không mẹ. Nhưng khi nói về tình cha, nghĩa mẹ, thì văn chương, thi phú, ca nhạc, và nghệ thuật dường như dành nhiều cảm tình, cảm hứng cho những đề tài nói về mẹ: tình yêu của mẹ, sự hy sinh của mẹ, lòng mẹ thương con, dòng sữa mẹ, nụ cười của mẹ, giọt nước mắt mẹ… Ngược lại, có rất ít những áng văn thơ hay, những nhạc phẩm, hoặc những tác phẩm nghệ thuật hay dành cho tình thương và tình cảm, cũng như sự hy sinh của người cha đối với các con của ông.
Những so sánh khác nhau ấy được tìm thấy qua hình ảnh từ mỗi vế của câu ca dao trên. Tình yêu, sự săn sóc và hy sinh của người mẹ đối với con được ví như một dòng suối: “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Tình yêu, sự săn sóc và hy sinh của người cha dành cho con được ví như một ngọn núi: “Công cha như núi Thái sơn”. Nhưng Thượng Đế rất khôn ngoan và khéo léo. Ngài đã nối kết và hòa trộn hai hình ảnh trên để kết tụ thành một vẻ đẹp tuyệt vời là tình cha mẹ thương yêu con cái.
Dòng suối thì mềm mại, êm ả, và dịu dàng. Nó có khả năng len lỏi, luồn lách qua rừng sâu, trong các khe núi hoặc trải mình trên những thảo nguyên xanh tươi. Cái tính chất mềm mỏng, dịu dàng, êm ả ấy chính là những nép đẹp diệu vời của tình thương nơi người mẹ, của tình mẫu tử. Nhưng những dòng nước nhẹ nhàng, mềm mỏng kia khi muốn biểu tỏ sức mạnh của nó, nó đã trở thành những dòng thác lũ mạnh mẽ đủ sức cuốn trôi tất cả. Những gợn sóng lăn tăn là một vẻ đẹp thơ mộng của bãi biển lúc bình minh hay hoàng hôn, nhưng khi kết tụ lại sẽ trở thành những trận cuồng phong, những cơn sóng dữ đã quật ngã và nhận nhìm những con tàu to lớn giữa đại dương. Sự hy sinh của người mẹ dành cho con bà cũng tương tự như vậy.
Ngọn núi thì thẳng đứng, vô tri, góc cạnh, và tụ điểm ở một nơi không di chuyển. Nó phô diễn một vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên và giữa thiên nhiên. Tình yêu của người cha dành cho con cũng giống như sự huyền bí của núi và vẻ âm u của rừng. Nó luôn luôn là một bí mật của tạo hóa dành cho con cái. Nhưng sự cô đơn, lạnh giá, và sức chịu đựng phi thường của núi giữa nắng mưa, bão táp, tuyết sương chính là hình ảnh trung thực về khả năng chịu đựng và tấm lòng hy sinh của người cha dành cho con và vì con.
Dù vẫn biết cha không bao giờ là mẹ, và cha hay mẹ thì cũng yêu thương và hy sinh cho con cái, nhưng khi nói về tình yêu và tình cảm của người cha đối với con cái, người đời thường muốn nhìn cái dáng vẻ mềm mại, dịu dàng của người mẹ mà ít khi thích thú với phong cách cứng cỏi hoặc mạnh mẽ của người cha. Họ ưa so sánh vẻ êm ả, dịu dàng, và tế nhị của một dòng suối trong cung cách cư xử của người mẹ, với những cách hành xử như thách thức, góc cạnh, và cố định của một ngọn núi cho người cha. Nhưng đó lại là những gì mà người con cần phải có, những gì mà người con sau này phải cần thời gian mới hiểu, mới khám phá ra được thế nào là người cha của mình. Trên phương diện tình cảm, người cha không phải là người không biết thương con, không muốn chiều chuộng con, không thích vuốt ve con nhưng chỉ là vì người cha đã được sinh ra và phú bẩm cho một thiên chức khác với thiên chức của người mẹ: Cha sinh, mẹ dưỡng.
Người cha chính là mô phạm sống động của các con. Trở lại với hình ảnh của một ngọn núi cao. Dĩ nhiên ngọn núi là hình ảnh trái ngược với dòng suối. Nó không mang những nét đẹp quyến dũ nhẹ nhàng, róc rách và êm ả. Nó không trải mình trên các thảo nguyên xanh tươi, uốn quanh giữa những khu rừng âm u, hay lao mình xuống đẹp một cách thơ mộng trên những ghềnh thác đá cheo leo. Nhưng khi nói đến ngọn núi là nói đến một hình ảnh cao chót vót với nét đẹp hùng vỹ. Nó ngất ngưởng nhưng lại chứa đầy vẻ huyền bí vươn lên trên nền trời xanh thẳm. Cha ông ngày xưa thật sâu sắc và ý nghĩa khi so sánh hình ảnh người cha với ngọn núi cao. Vẻ đẹp của tình yêu là những nét cao hùng vỹ đầy quyến dũ của núi. Nhưng sự hy sinh, chịu đựng, và những đắng cay trong cuộc đời để trở thành bóng mát che phủ, bao bọc cho con chỉ được nhìn thấy qua những băng giá phủ kín, những trận cuồng phong mưa gào, gió hú băng qua hoặc thổi vào ngọn núi. Và đó là những hình ảnh của sự hy sinh mà người cha dành cho con mình. Thực tế, ít ai trong các con có thể hiểu được cha mình trong khi cha mình còn sống, nhưng chỉ tiếc nuối, hối hận sau khi cha mình đã qua đời.
Để đem con vào đời, để con lớn lên với đời, và để tương lai con được sáng lạn, người cha đôi khi chính là những con giốc cao, những thung lũng gập ghềnh, những khe đá góc cạnh, và dĩ nhiên có đôi chút cao ngạo tự tin như một nhân cách trổi vượt cho con bắt chước. Vì người cha chính là hình ảnh thái sơn của con. Thiếu những nét căn bản về nhân cách này, người con sẽ không thể lớn lên quân bình, trưởng thành và bước vào đời bằng một thái độ tự tin.
Trong tầm nhìn nhân bản, và trong so sánh tâm lý đời thường, hình ảnh của người cha dính liền với hình ảnh của một ngọn núi. Có thể là nóng nẩy, có thể là bận rộn, có thể là nghiêm nghị, có thể là ít lời, có thể là khô khan tình cảm. Và chính ở những điểm này mà người con thường cảm thấy xa lạ, đôi khi chán nản không muốn đến gần, không muốn tìm hiểu. Nhưng nếu hiểu, nếu khám phá ra vẻ huyền bí của nó, người con sẽ thấy tiềm ẩn trong những dáng vẻ bên ngoài ấy một tấm lòng đầy đặn yêu thương, ngay trong chính nỗi bất công so sánh, sự cô đơn trong đời sống. Nhưng trên tất cả, người cha vẫn chấp nhận, vẫn chịu đựng, và vẫn có mặt như một thái sơn dủ bóng che mát đời con, như một thách thức để con vươn lên, và như một điều mà người con không thể thiếu trong đời. Thiếu cha, đời con sẽ trở thành lạc lõng, cô đơn.
Sau đây là một suy tư về người cha của một tác giả vô danh như lời tri ân và cảm mến dành cho cha mình cũng như những người khác trong thiên chức làm cha. Những cảm tưởng này thay đổi theo từng lứa tuổi, lớn dần theo thời gian cùng với những suy nghĩ và kinh nghiệm sống. Những kinh nghiệm được khám phá và trải nghiệm như một người leo núi, và càng lên cao thì những vẻ đẹp huy hoàng của thiên nhiên càng xuất hiện dưới chân một cách rực rỡ đầy thích thú. Và từ những góc độ của những cao điểm khác nhau, thế giới theo nhau đang trải dài dưới mắt khiến anh phải trầm trồ khen ngợi.
Cảm tưởng về người cha thay đổi theo từng lứa tuổi của tôi:
4 tuổi: Ba có thể làm được bất cứ điều gì.
5 tuổi: Ba biết nhiều lắm.
6 tuổi: Ba thông minh hơn ba của bạn.
8 tuổi: Ba không biết gì nhiều.
10 tuổi: Ba! Lúc này khác với thời ba mới lớn.
12 tuổi: Ba! Thật là ba không biết gì hết! Ba quá già đến nỗi không còn nhớ gì về tuổi trẻ của mình.
14 tuổi: Ba lỗi thời rồi! Đừng quan tâm đến ông ấy.
21 tuổi: Ba cổ hủ và lỗi thời quá sức!
25 tuổi: Ba già rồi! Ba không biết nhiều về vấn đề này.
30 tuổi: Ba có nhiều kinh nghiệm hơn, cần hỏi ý kiến ba.
35 tuổi: Tôi phải hỏi ý kiến ba trước xem sao đã.
40 tuổi: Chuyện này khó quá! Hỏi xem ba giải quyết như thế nào, vì ba khôn ngoan và có nhiều kinh nghiệm.
50 tuổi: Ba đã không còn nữa! Tiếc quá, vì đã không hiểu ba, nếu không tôi đã học hỏi được nhiều điều.
Như ngọn Thái Sơn cao vút kia, khi người con đạt đến đỉnh của nó, tức là biết về nó và nhờ nó mở ra cánh cửa cuộc đời thì hầu hết người cha đã trở thành thiên cổ. Nhưng mãi mãi trong mắt con và trong tim con, người cha vẫn là một thái sơn vời vợi!
(Đã phổ biến trên Việt Tide, số phát hành ngày 13 tháng 6 năm 2014. Tác giả và Việt Tide giữ bản quyền.)
Views: 0