“Cả Chúa Giêsu cũng muốn gặp gỡ mỗi người chúng con nữa”.
Sau đây là Thông Ðiệp của Ðức Thánh Cha về Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2009 cấp Giáo Phận bắt đầu vào Chúa Nhật Lễ Lá.
“Chúng ta đã đặt hy vọng của chúng ta vào Thiên Chúa hằng sống” (1 Tim 4:10).
Các bạn trẻ thân mến,
Chúa Nhật Lễ Lá tới đây chúng ta sẽ cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 24 tại mỗi giáo phận! Trong khi chúng ta đang chuẩn bị cho biến cố hằng năm này, Cha muốn nhắc lại với lòng biết ơn sâu xa đối với Thiên Chúa về cuộc họp mặt được tổ chức tại Sydney vào tháng Bẩy năm ngoái. Ðây là một cuộc gặp gỡ kỷ niệm nhất, trong đó Chúa Thánh Thần đã đổi mới đời sống của vô số các bạn trẻ đã đổ về từ mọi nơi trên khắp thế giới. Niềm vui của việc cử hành và sự nhiệt tình tinh thần đã cảm nhận được trong những ngày ấy là một lời giải thích hùng hồn cho sự hiện hữu của Thần Khí Ðức Kitô. Giờ đây chúng ta đang tiến về ngày họp mặt thế giới được tổ chức tại Madrid vào năm 2011, với chủ đề rút ra từ lời Thánh Phaolô: “Bén rễ và xây dựng trong Chúa Giêsu Kitô, kiên vững trong đức tin” (cf. Col 2:7). Trong khi chúng ta trong chờ ngày họp mặt các bạn trẻ toàn cầu, chúng ta hãy tham dự vào tiến trình cùng nhau chuẩn bị. Chúng ta chọn cho năm 2009 lời của Thánh Phaolô: “Chúng ta đã đặt hy vọng của chúng ta vào Thiên Chúa hằng sống” (1 Tim 4:10), trong khi năm 2010, chúng ta sẽ cùng nhau nhắc lại câu hỏi mà người bạn trẻ giàu có đã hỏi Chúa Giêsu: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” (Mk 10:17).
Tuổi trẻ, thời gian của hy vọng
Tại Sydney, chú tâm của chúng ta nhắm vào những gì mà Chúa Thánh Thần đang nói với những kẻ tin theo ngày nay, và một cách đặc biệt, cho chúng con, những người trẻ thân thương của cha. Trong Thánh Lễ bế mạc, cha đã khẩn khoản xin chúng con hãy để mình được khuôn đúc bởi Thần Khí để trở thành những sứ giả của tình yêu tuyệt vời, có khả năng xây dựng một tương lai hy vọng cho toàn nhân loại. Câu hỏi về hy vọng chính là tâm điểm của đời sống chúng ta như những con người, và sứ vụ của chúng ta như những Kitô hữu, một cách đặc biệt ở vào thời buổi này. Chúng ta tất cả đều nhận thức về nhu cầu của hy vọng, nhưng không phải là bất cứ một loại hy vọng nào, mà là một hy vọng vững chắc và xác đáng, như cha đã nhấn mạnh đến trong Thông Ðiệp Spe Salvi. Tuổi trẻ là thời gian đặc biệt của hy vọng bởi vì nó hướng nhìn về tương lai với tất cả những kỳ vọng. Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta có những ý tưởng lạc quan, những giấc mơ và những dự tính. Tuổi trẻ là thời gian khi những chọn lựa quyết định liên quan đến cuộc sống của chúng ta được thành hình. Có lẽ đó cũng là tại sao nó là thời gian khi những câu hỏi nền tảng đặt ra cho chính nó một cách mạnh mẽ: Tại sao tôi có mặt ở trái đất? Ý nghĩa của đời sống là gì? Ðời sống tôi rồi ra sẽ như thế nào? Và một lần nữa: Làm sao tôi có thể đạt đến hạnh phúc? Tại sao lại có đau khổ, bệnh tật và chết? Ðiều gì xẩy ra bên kia sự chết? Những câu hỏi này trở thành thúc bách khi chúng ta đối diện với những chướng ngại mà nhiều khi xem như không thể vượt qua: Những khó khăn trong việc học hành, thất nghiệp, những tranh cãi trong gia đình, khủng hoảng trong tình bạn hoặc trong việc kiến tạo những tương quan yêu thương tốt lành, bệnh tật hoặc tàn phế, thiếu thốn những nguồn tài nguyên thích hợp như hậu quả của sự khủng hoảng xã hội và nền kinh thế toàn cầu hiện nay. Rồi chúng ta tự hỏi: Ở đâu tôi có thể tìm gặp và làm cách nào tôi có thể giữ ngọn lửa hy vọng sống động cháy mãi trong con tim của tôi?
Tìm kiếm “một hy vọng lớn lao”
Kinh nghiệm cho biết rằng những tài sản cá nhân và những của cải vật chất không đủ để bảo đảm cho sự hy vọng mà tâm linh con người đang thao thức kiếm tìm. Như cha đã viết trong Thông Ðiệp Spe Salvi, chính trị, khoa học, kỹ thuật, kinh tế và tất cả nguồn tài nguyên vật chất tự chúng không đủ để mang lại một hy vọng lớn lao mà tất cả chúng ta mong mỏi. Niềm hy vọng này “chỉ có thể là chính Thiên Chúa, đấng gồm tóm toàn bộ thực tại và đấng ban xuống trên chúng ta những gì mà chính chúng ta không thể tự mình đạt đến được (số 31). Ðiều này cho thấy tại sao một trong những hậu quả chính của việc từ chối Thiên Chúa là bằng chứng về việc lạc hướng của những xã hội chúng ta, kết quả trong cô đơn, bạo động, bất mãn, và mất tự tin mà chúng thông thường có thể dẫn đến tuyệt vọng. Lời Thiên Chúa đem lại một cảnh báo rõ ràng và mạnh mẽ: “Khốn cho những ai tin tưởng vào điều hay chết và khiến cho thân xác nó trở thành sức mạnh, những ai trở lòng mình lại với Thiên Chúa. Chúng sẽ giống như loài cỏ hoang trong sa mạc, và sẽ biến mất khi hoạn nạn xẩy đến” (Jer 17:5-6).
Cơn khủng hoảng của hy vọng hầu như ảnh hưởng những thế hệ trẻ sau này. Trong những môi trường văn hóa xã hội với ít những điểm chắc chắn, giá trị hoặc vững vàng, chúng thấy mình đối diện với những khó khăn xem như vượt qua sức mạnh của họ. Các bạn trẻ thân mến của cha, cha biết có rất nhiều người trẻ đương thời với chúng con, những người đã bị thương tích trong cuộc sống. Họ thường xuyên đau khổ vì sự thiếu trưởng thành gây ra do tình trạng gia đình bất ổn, tiêu cực và những yếu tố tự do trong nền giáo dục, và bởi sự khó khăn và kinh nghiệm đau xót. Ðối với một số – bất hạnh thay lại là một số đặc biệt – con đường không thể tránh thoát ngoài việc liên lụy đến việc trốn chạy những thái độ nguy hiểm và bạo động, là lệ thuộc vào nghiện hút, rượu chè, và nhiều những cạm bẫy do không thận trọng. Quả vậy, ngay cả đối với những ai tự thấy mình trong những tình trạng khó khăn, bị hướng dẫn lạc hướng bởi những thần tượng xấu cũng vẫn không loại bỏ mơ ước một tình yêu chân thật và hạnh phúc chính đáng. Nhưng bằng cách nào chúng ta có thể nói về hy vọng cho những người trẻ này? Chúng ta biết rằng chỉ trong duy mình Thiên Chúa con người mới tìm được đầy đủ sung mãn. Nhiệm vụ chính của chúng ta là việc đổi mới Phúc âm hóa nhắm vào việc giúp những thế hệ trẻ tái khám phá dung nhan thật của Thiên Chúa, đấng là Tình Yêu. Ðối với chúng con, những người trẻ, những người đang tìm kiếm một hy vọng vững bền, Cha muốn nhắn nhủ chúng con những lời của Thánh Phaolô đã viết cho những Kitô hữu bị bắt bớ tại Rôma thời đó: “Nguyện xin Thiên Chúa của hy vọng đổ đầy trong anh chị em với tất cả niềm hy vọng và bình an trong đức tin, nhờ đó anh chị em có thể kiên trì trong hy vọng bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần” (Rom 15:13). Trong Năm Thánh Phaolô, Tông Ðồ Dân Ngoại, dịp kỷ niệm hai ngàn năm sinh nhật của ngài, chúng ta hãy học nơi ngài bằng cách thức để trở nên những chứng nhân đích thực của niềm hy vọng Kitô giáo.
Thánh Phaolô, chứng nhân của hy vọng
Khi Phaolô thấy mình bị nhận chìm trong những khó khăn và thử thách muôn mặt, ngài đã viết cho Timôthy, người môn đệ thân tín mình rằng: “Chúng ta đã đặt hy vọng của chúng ta nơi Thiên Chúa hằng sống” (1 Tim 4:10). Niềm hy vọng này bám rễ trong ngài như thế nào? Ðể trả lời câu hỏi này, chúng ta phải trở lại cuộc gặp gỡ của ngài với Chúa Kitô Phục Sinh trên đường đi Ðamascô. Lúc đó, Phaolô là một thanh niên trẻ giống như chúng con ở lứa tuổi hai mươi, một môn đệ của Lề Luật Maisen, và quyết tâm chống lại bằng mọi cách, ngay cả việc sát hại những tín hữu của Chúa Kitô, ngài đã bị mù bởi luồng sáng nhiệm mầu và đã nghe gọi tên mình: “Saolê, Saolê, tại sao ngươi tìm bắt bớ ta?”. Ngài đã ngã xuống đất, và hỏi: “Lạy Chúa. Ngài là ai?” Tiếng đáp lại: “Ta là Giêsu, người mà ngươi đang lùng bắt” (Act 9:3-5). Sau cuộc gặp gỡ này, cuộc đời của Phaolô đã thay đổi một cách tận gốc dễ. Ngài đã chịu phép Thánh Tẩy và trở nên Tông Ðồ của Phúc Âm. Trên con đường đến Ðamascô, ngài đã được biến đổi một cách tận trong tâm hồn bởi Tình Yêu Thiên Chúa mà ngài đã gặp thấy nơi con người của Chúa Giêsu Kitô. Sau đó, ngài đã viết: “Cuộc sống tôi đang sống bây giờ trong thân xác, tôi sống bởi đức tin vào Con Thiên Chúa, đấng đã yêu thương tôi và đã hiến mình vì tôi” (Gal 2:20). Từ một kẻ bắt bớ, ngài đã trở nên chứng nhân và một nhà rao giảng. Ngài đã thiết lập các Cộng Ðoàn Kitô Giáo ở Tiểu Á, Hy Lạp, và đã hành trình hằng ngàn dặm giữa muôn nguy hiểm, đã kết thúc bằng cuộc tử đạo của ngài tại Rôma. Tất cả vì tình yêu của Chúa Kitô.
Hy vọng lớn lao ở trong Chúa Kitô
Ðối với Phaolô, hy vọng không đơn thuần chỉ là một ý niệm hay một cảm xúc, nhưng là một con người sống động: Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Thâm tín một cách chắc chắn, ngài đã viết cho Timôthy: “Chúng ta đã đặt hy vọng của chúng ta trong Thiên Chúa hằng sống” (1 Tim 4:10). “Thiên Chúa hằng sống” là Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện trong thế giới của chúng ta. Ngài là hy vọng thật: Chúa Kitô, đấng sống với chúng ta và trong chúng ta, cũng là đấng mời gọi chúng ta chia sẻ sự sống trường sinh của ngài. Nếu chúng ta không đơn lẻ, nếu ngài ở với chúng ta, và hơn thế, nếu ngài là hiện hữu và tương lai của chúng ta, thì tại sao chúng ta lại sợ hãi? Vì thế, niềm hy vọng Kitô Giáo là mong ước “vương quốc của thiên quốc và sự sống đời đời như là hạnh phúc của chúng ta. Ðặt sự tin tưởng của chúng ta trong lời hứa và tùy thuộc vào Chúa Kitô, chứ không phải do sức mạnh của chúng ta, nhưng do sự phù trợ của ân sủng Chúa Thánh Thần” (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 1817).
Con đường dẫn đến hy vọng lớn lao
Cũng như khi ngài gặp người thanh niên trẻ Phaolô, Chúa Giêsu cũng muốn gặp gỡ từng người trong chúng con, những người trẻ thân thương của cha. Thật ra, ngay cả trước khi chúng ta mong muốn điều này, một cuộc gặp gỡ như thế đã được mong mỏi một cách thao thức bởi Chúa Giêsu Kitô. Nhưng có lẽ một vài người trong các con có thể hỏi cha: Làm cách nào chúng con có thể gặp ngài ngày hôm nay? Hoặc hơn thế nữa, ngài đến với chúng con bằng con đường nào? Giáo Hội dạy chúng ta rằng được gặp gỡ Thiên Chúa chính là một ân huệ của ngài. Khi chúng ta diễn tả đức tin của mình trong lời cầu nguyện, chúng ta tìm gặp ngài ngay cả trong những thời khắc tăm tối, bởi vì ngài trao ban chính ngài cho chúng ta. Kiên tâm cầu nguyện mở rộng tấm lòng để đón nhận ngài, như thánh Augustine diễn giải: “Chúa và Thiên Chúa chúng ta… muốn sự ao ước của chúng ta phải được kiên trì trong lời cầu nguyện, nhờ đó có thể giúp chúng ta chiếm hữu được những gì ngài đang chuẩn bị để ban cho chúng ta” (Thư 130:8,17). Cầu nguyện là ân huệ của Chúa Thánh Thần để biến chúng ta thành những người của hy vọng, và lời cầu nguyện của chúng ta giữ cho thế giới của chúng ta mở rộng trước Thiên Chúa (cf. Spe Salvi, 34).
Hãy dành chỗ cho việc cầu nguyện trong đời sống chúng con! Cầu nguyện một mình thì tốt, mặc dù vậy cầu nguyện chung vẫn đẹp và sinh hoa trái hơn, bởi vì Chúa đã khẳng định với chúng ta ngài sẽ hiện diện ở nơi nào có hai hoặc ba người họp nhau nhân danh ngài (cf. Mt 18:20). Có nhiều cách thế để tiếp cận với ngài. Những kinh nghiệm, các phong trào và đoàn thể, những cuộc gặp gỡ và các lớp trong đó để học hỏi cầu nguyện và nhờ đó phát triển trong kinh nghiệm của đức tin. Hãy tham dự những nghi thức phụng vụ trong các giáo xứ của chúng con và hãy để mình được nuôi dưỡng cách dồi dào bằng lời của Thiên Chúa và bằng việc các con tham dự sống động qua các Bí Tích. Như chúng con biết, chót đỉnh và trung tâm của đời sống và sứ vụ của những kẻ tin nhận và mỗi cộng đoàn Kitô hữu là Thánh Thể, Bí Tích Cứu Ðộ trong đó Chúa Kitô trở thành quà tặng và hiến trao Mình và Máu của ngài như lương thực thần linh cho sự sống đời đời. Thật là một mầu nhiệm không lời tả xiết! Từ nơi Thánh Thể mà Giáo Hội được sinh ra và lớn lên ố đó là đại gia đình Kitô hữu mà chúng ta được mời gọi qua Bí Tích Thánh Tẩy, và trong đó chúng ta không ngừng được đổi mới qua Bí Tích Hòa Giải. Ðược tái sinh, qua Bí Tích Thêm Sức, và rồi được kiên vững trong Thánh Thần để sống như những bạn hữu thâm giao và những chứng nhân của Chúa Kitô. Bí Tích Truyền Chức và Bí Tích Hôn Phối cho phép họ hoàn thành những chức năng tông đồ trong Giáo Hội và trong thế giới. Sau cùng, Bí Tích Xức Dầu ban cho chúng ta một kinh nghiệm của niềm an ủi thiêng liêng trong lúc bậnh tật và đau đớn.
Hành động với hy vọng Kitô Giáo
Nếu chúng con đầu hàng Chúa Kitô, hỡi các bạn trẻ thân yêu của cha, và nếu chúng con sống cách mạnh mẽ trong ngài như Tông Ðồ Phaolô đã sống, chúng con sẽ không thể từ chối nói về ngài và làm cho ngài được hiểu biết và yêu mến giữa các bạn hữu và những người đương thời với chúng con. Trở nên những môn đệ trung thành của ngài, và nhờ đó, chúng con sẽ có thể giúp hình thành những cộng đoàn Kitô hữu tràn đầy tình yêu, giống như đã được tả lại trong Tông Ðồ Công Vụ. Giáo Hội tùy thuộc vào chúng con qua sứ vụ đòi hỏi này. Ðừng để mình bị nhát đảm bởi những khó khăn và thử thách mà chúng con gặp phải. Hãy nhẫn nại và kiên nhẫn cũng như nhờ tận dụng năng lực của tuổi trẻ để mau mắn tiến lên và đạt được mọi chuyện ngay lúc này.
Các bạn trẻ thân mến, theo gương Phaolô và trở nên chứng nhân cho Chúa Kitô Phục Sinh! Hãy làm cho Chúa Kitô được biết đến giữa những người cùng tuổi với chúng con, và hơn nữa, đối với những ai đang kiếm tìm “hy vọng lớn lao” mà nó mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của họ. Nếu Chúa Giêsu đã trở nên niềm hy vọng của chúng con, hãy trao đổi điều này với những người khác bằng niềm vui và tinh thần của chúng con, môi trường xã hội và tông đồ. Hãy để Chúa Kitô sống trong chúng con, và hãy đặt trọn niềm tin và sự tín thác nơi ngài, và hãy loan truyền hy vọng này ra chung quanh chúng con. Thực hành những quyết định chứng tỏ được đức tin của chúng con. Chứng tỏ rằng chúng con hiểu được những nguy cơ về thần tượng của tiền bạc, vật chất, nghề nghiệp và thành công, và đừng để chúng con bị thu hút bởi những ảo tưởng lầm lạc này. Ðừng nhường bước trước những lý luận của ham muốn ích kỷ. Vun trồng tình yêu tha nhân và cố gắng đặt mình và tài năng tuổi trẻ của chúng con cũng như những khả năng chuyên nghiệp vào việc phục vụ sự thật và thiện ích chung, luôn luôn chuẩn bị để “bênh vực bất cứ ai mong mỏi và tin tưởng vào hy vọng nơi chúng con” (1 Pet 3:15). Những người Kitô hữu chân chính thì không bao giờ buồn, ngay cả nếu họ phải đối diện với thử thách mọi mặt, vì sự hiện diện của Chúa Giêsu chính là bí quyết vui mừng và bình an của họ.
Maria, Mẹ của hy vọng
Chớ gì Thánh Phaolô trở nên mẫu gương cho chúng con trên con đường đời sống tông đồ này. Ngài nuôi dưỡng đời mình bằng đức tin và đức cậy vững mạnh bằng cách theo gương Tổ Phụ Abraham, con người mà ngài đã viết trong Thơ gửi Giáo Ðoàn Rôma: “Hy vọng trong lúc không còn hy vọng, ông đã tin rằng ông sẽ trở thành cha của nhiều dân tộc” (Rom 4:18). Theo bước chân người của hy vọng – tạo nên những vị tiên tri và các thánh của mọi thời đại – chúng ta tiếp tục tiến tới sự viên mãn của Nước Trời, và trên con đường thần linh này, chúng ta được đồng hành bởi Trinh Nữ Maria, Mẹ của Hy Vọng. Mẹ là người là hiện thân niềm hy vọng của Isarel, đấng ban cho thế giới Ðấng Cứu Thế, và là đấng đứng dưới chân Thập Giá bằng một hy vọng vững vàng, là mẫu gương của chúng ta và là đấng nâng đỡ chúng ta. Trên tất cả, Mẹ Maria cầu bầu cho chúng ta và hướng dẫn chúng ta qua tăm tối của những thử thách tiến đến bình minh rực sáng của việc gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh. Cha muốn kết thúc thông điệp này, hỡi những người bạn trẻ thân thương của cha, bằng lời cầu tuyệt đẹp và rất nổi tiếng của Thánh Bênađô đã được khởi hứng từ một tước hiệu của Ðức Maria, Stella Maris, Sao Biển: “Anh em là những người đi giữa sóng gió ba đào của cuộc đời này thấy mình thường xuyên bị xô lấn bởi những bão tố hơn là đứng vững trên mặt đất liền, đừng ngoảnh mặt khởi ánh sáng của Ngôi Sao này, nếu anh em không muốn bị vùi dập bởi những cơn sóng dữ. Nếu những luồng gió cám dỗ nổi lên, nếu anh em ngã xuống giữa những tảng đá khổ tâm, hãy nhìn lên Ngôi Sao, kêu cầu Ðức Maria… Trong những cơn nguy khốn, giữa những khổ tâm, bối rối, hãy nghĩ đến và kêu cầu Mẹ Maria… Theo mẹ, anh em sẽ không bao giờ lạc bước; khi anh em cầu xin sự giúp đỡ của mẹ, anh em sẽ không bao giờ bị thất vọng; nghĩ đến mẹ, anh em sẽ không phạm tội; dưới sự hướng dẫn của mẹ anh em sẽ không lạc hướng, dưới sự chở che của mẹ anh em sẽ không sợ hãi; mẹ là người hướng đạo của anh em, anh em sẽ không lo lắng; với sự phụ giúp của mẹ, anh em sẽ về đến bến bình an” (Bài giảng ca tụng Mẹ Ðồng Trinh, 2:17).
Mẹ Maria, Ngôi Sao Biển, chúng con cầu xin mẹ hướng dẫn những người bạn trẻ trên toàn thế giới đến cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu, Con Chí Thánh của mẹ. Xin hãy là đấng bảo hộ tinh thần cho sự trung thành của họ đối với Phúc Âm và niềm hy vọng của họ.
Các bạn trẻ thân mến, chúng con hãy tin rằng cha nhớ đến chúng con mọi ngày trong các kinh nguyện của cha. Cha âu yếm ban phép lành cho chúng con và mọi người thân yêu của chúng con.
Tại Vatican, 22 tháng 2 năm 2009
Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI
Views: 0