Uncategorized

Bức thư tranh luận gửi tín hữu giáo đoàn Philipphê

Chủ trương hoàn toàn tự do muốn sống thế nào cũng được, muốn làm gì thì làm. Đây là lý do giải thích kiểu sống lạc đạo và thái độ ăn chơi trụy lạc. 

 

CHƯƠNG V
Bức thư tranh luận gửi tín hữu giáo đoàn Philipphê
( Pl 3,1b-4,1.8-9)

Chủ trương hoàn toàn tự do muốn sống thế nào cũng được, muốn làm gì thì làm. Đây là lý do giải thích kiểu sống lạc đạo và thái độ ăn chơi trụy lạc. 

 

CHƯƠNG V
Bức thư tranh luận gửi tín hữu giáo đoàn Philipphê
( Pl 3,1b-4,1.8-9)

Như chúng ta đã phân tích trong các bài dẫn nhập trước đây, chương 3 thư gửi tín hữu Philiphê là một bức thư riêng. Nó đã được thánh Phaolô biên soạn sau bức thư viết từ trong tù, tức hai chương 1-2, rồi sau này được nhập làm một như trong văn bản hiện nay. Chúng ta cũng đã xác định rằng các câu 1.8.9 của chương 4 tiếp theo chương 3 và như thế phù hợp hơn với bối cảnh và kết cấu của thư. Nội dung chương 3 là cuộc tranh luận với các nhóm đối nghịch với thánh Phaolô. Khó khăn chính ở đây là văn bản cung cấp cho chúng ta qúa ít dữ kiện giúp truy lùng tông tích và căn cước của các nhóm này. Nhưng chúng ta không có lựa chọn nào khác. Dữ kiện đầu tiên là hai kiểu nói khinh rẻ thánh Phaolô dùng để gọi các người này. Thánh nhân gọi họ là ”bọn thợ xấu”, là ”lũ què quặt” (3,2). ”Bọn thợ xấu” ám chỉ họ là các thừa sai dấn thân trong công tác rao truyền Tin Mừng, như thánh nhân đã đề cập tới trong thư thứ 2 gửi tín hữu Côrintô chương 11,13: khi gọi họ là ”lũ thợ lừa đảo”. Việc gọi các thừa sai là thợ (= ergátai) bắt nguồn từ lời Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm. Ngài gọi các tông đồ và các môn đệ là những người thợ đáng ơn lương của mình vì đã nhọc công rao giảng Tin Mừng của Chúa cho người khác (x. Mt 9,37-38; Lc 10,2). ”Lũ què quặt” là kiểu nói châm biếm ám chỉ sự kiện họ tự khoe là những người đã được cắt bì, tức thuộc dân Do thái. Trong thư gửi giáo đoàn Galata chương 5,12 thánh Phaolô cũng chơi chữ kiễu này khi gọi các thừa sai kitô gốc Do thái thù nghịch ngài là ”những kẻ làm cho anh chị em phải nổi loạn, hãy đi tự thiến cho rồi!”. Cùng một hiểu chơi chữ được thánh Phaolô dùng trong chương 3,3 khi đối chọi việc cắt bì trên thân xác với việc cắt bì tinh thần của các tín hữu và tất cả những người đã lãnh nhận bí tích Rửa tội trong Đức Kitô.

Các câu 4-11 của chương ba cũng giúp chúng ta xác định được tông tích của nhóm người chống đối thánh Phaolô trong cộng đoàn Philiphê. Họ là các thừa sai kitô gốc do thái thuộc trào lưu thủ cựu, khoe khoang gốc gác Do thái của họ trong đó có việc cắt bì. Họ chủ trương bắt buộc các tín hữu kitô ngoại giáo, tức không phải gốc Do thái, tuân giữ các luật lệ Do thái như họ. Chính vì thế trong bức thư tranh luận này, thánh Phaolô chứng minh cho thấy ngài cũng có thể khoe khoang mọi đặc quyền đặc lợi của mình trên bình diện chủng tộc, cũng như lịch sử và tôn giáo. Bởi vì thánh nhân là người gốc Do thái, sinh ra lớn lên trong gia đình Do thái tinh tuyền, được cắt bì và giáo dục theo truyền thống Biệt phái, nhiệt tình đến độ nhân danh Do thái giáo bắt bớ kitô hữu. Nhưng thánh Phaolô từ chối mọi đặc quyền đặc lợi ấy, bởi vì dưới ánh sáng lòng tin kitô chúng trở thành một khuyết tật, chứ không phải là một lợi lộc. Đặc biệt thánh Phaolô khẳng định rằng lòng tin và luật lệ đối kháng nhau trong chương trình cứu độ (c.9). Cuộc sống và con đường ơn gọi của thánh nhân chứng minh cho thấy kitô hữu được ơn cứu độ là nhờ lòng tin vào Đức Kitô Giêsu chứ không phải nhờ luật lệ Do thái giáo.

Như thế, các người thù nghịch với thánh Phaolô đã len lỏi vào cộng đoàn Philiphê ở đây là các thừa sai kitô gốc do thái lưu động. Họ khoe khoang mình thuộc truyền thống do thái tinh tuyền và muốn áp đặt mọi luật lệ của Do thái giáo trên các anh chị em kitô gốc ngoại giáo vùng Macedonia. Thánh Phaolô mạnh mẽ chống lại khuyh hướng lệch lạc này trong Giáo Hội thời khai sinh. Trong thư thứ 2 gửi tín hữu Côrintô ngài đã có giọng điệu rất quyết liệt: ”Họ là người Do thái ư? Tôi cũng thế. Họ là người Israel ư? Tôi cũng thế. Họ là dòng dõi tổ phụ Abraham ư? Tôi cũng thế. Họ là người phục vụ Đức Kitô ư? Tôi nói như người điên tôi cũng thế, mà còn hơn họ nữa” (2 Cr 11,22-23). Thánh nhân hơn họ vì mọi công lao vất vả, hiểm nguy mà ngài đã phải gánh chịu vì hăng say rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô. Thật vậy, thánh nhận khẳng định với tín hữu Côrintô ”Nếu có ai khác nghĩ rằng mình có các lý do nhân loại để tin tưởng, thì tôi còn có nhiều lý do hơn họ. Nhưng điều mà ai đó dám nói lên để khoe mình, tôi nói như người điên, tôi cũng dám nói” (2 Cr 11,21).

Theo đó chúng ta có thể kết luận rằng đây là nhóm thừa sai kitô gốc do thái chủ trương tuân giữ lề luật Sinai một cách tỉ mỉ và duy trì luật cắt bì. Họ làm thành một mặt trận truyền giáo nhằm trung lập hóa giáo huấn của thánh Phaolô rao giảng Tin Mừng tự do không điều kiện hóa và cột buộc các kitô hữu gốc ngoại giáo vào nền văn hóa do thái. Nếu không tất cả thì một phần của nhóm thừa sai này thuộc phong trào chú trương tái lập ảnh hưởng do thái giáo trong cộng đoàn Côrintô và trong cộng đoàn Galata.

Tuy nhiên, bối cảnh phần hai của bức thư tranh luận cho thấy một vài đặc thái khác, giúp nhận diện nhóm thừa sai này. Ở đây, thánh Phaolô nhấn mạnh trên sự bất toàn của kinh nghiệm lịch sử lòng tin. Ngài dùng ngôi thứ nhất nhưng thực sự muốn ám chỉ mọi tín hữu: ”Nói thế không phải là tôi đã đoạt giải hay đã nên hoàn thiện đâu” (3,12a). Nghĩa là thánh nhân muốn nói không có ai là hoàn thiện trong cuộc sống lòng tin. Con đường lòng tin, con đường tiến tới chỗ hoàn thiện rất dài và tín hữu có đi cho tới chết cũng chưa đạt được sự toàn thiện. Chính vì thế nên trong bối cảnh này điều thánh nhân khẳng định trong câu 15 xem ra như là một lời châm biếm: ” Vậy tất cả chúng ta là những người hoàn thiện…”. Các thừa sai kitô gốc do thái nói trên khoe khoang nguồn gốc chủng tộc và lòng tin của họ, nhưng lại có cung cách sống trái nghịch với lòng tin đó. Bởi vì ” họ sống đoi nghịch với thập giá Chúa Kitô….Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ tới sự thế gian (3,18-19). Dựa trên sự kiện này, chúng ta có thể giả thiết rằng nền tảng các lời khoe khoang quảng cảo của họ là khuynh hướng giải thích lóng tin kitô trong nhãn quan hiếu thắng và hứng khởi. Nghĩa là nhóm thừa sai kể trên tự cho là họ là những người đã đạt đỉnh trọn lành, đã được chia sẻ vinh quang của Chúa Kitô phục sinh, nên họ không chờ đợi gì nữa. Họ cho rằng mình không còn dính dang gì tới sự yếu đuối, mau qua và tình trạng mâu thuẫn được diễn tả trong thập giá của Chúa Giêsu. Lập trường này xem ra mang sắc thái của phong trào ngộ đạo, hay chủ trương ngộ đạo đang lan tràn và ảnh hưởng trên các kitô hữu thời đó. Trong nghĩa này một vài học giả cho rằng câu 19 chương 3 là lời tố cáo thái độ của một số kitô hữu chủ trương sống tự do buông thả, là lập trường của phong trào ngộ đạo. Những người thuộc phong trào ngộ đạo cho rằng độ cao toàn thiện mà họ đã đạt được khiến cho họ được kết hiệp với thế giới thiên linh sâu đậm tới nỗi không có gì trong cuộc sống trần gian này có thể ảnh hưởng trên họ nữa. Nói cách khác họ cho rằng họ đã được vinh quang của Thiên Chúa biến đổi tới độ cả tội lỗi cũng không làm hại được họ nữa, vì họ đã hoàn toàn được giải phóng khỏi thân xác rồi. Do đó, họ chủ trương hoàn toàn tự do muốn sống thế nào cũng được, muốn làm gì thì làm. Đây là lý do giải thích kiểu sống lạc đạo và thái độ ăn chơi trụy lạc của họ. Họ tưởng mình là thiên thần, nhưng trong cuộc sống thường ngày họ lại sống như qủy sứ.

 

Dầu sao đi nữa những gì trình bầy trên đây cũng giúp chúng ta nhận diện được nhóm thừa sai đang hoạt động trong giáo đoàn Philiphê. Họ không khác nhóm thừa sai kitô gốc do thái đã từng lũng đoạn cuộc sống của tín hữu Corintô và Galata trước kia. Họ không chỉ khoe khoang thanh thế và gốc gác do thái của mình, nhưng còn phô trương khả năng xuát thần và làm được các việc lạ lùng cả thể cũng như chữa lành tật bệnh. Tất cả đều là những điều mà người ngoại giáo của thế giới hy lạp rất ưa thích và tìm kiếm.

Tóm lại, nhóm thừa sai kitô gốc do thái đối nghịch với thánh Phaolô đang tìm lừa đảo và lũng đoạn hàng ngũ các tín hữu giáo đoàn Philiphê cũng thuộc cùng một phong trào kitô hữu gốc do thái thủ cựu quá khích từng hoạt động chống lại thánh nhân trong các giáo đoàn Côrintô và Galata. Một đàng họ muốn bắt buộc các kitô hữu không phải gốc do thái tuân giữ mọi luật lệ do thái tỉ mỉ như họ, trong đó có luật cắt bì. Đàng khác họ lại cởi mở đối với các đòi buộc tinh thần của thế giới hy lạp, nhậy cảm trước các tỏ hiện ngoại thường của Thiên Chúa trong thế giới loài người.

 

Linh-Tiến-Khải

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.