-Anh Hai Lúa. Chèn ơi hôm nay rồng tới nhà tôm đó nha. Tụi em hân hạnh lắm đó. Thiệt tình đây là lần đầu tiên anh tới nhà tụi em đó chớ nhiều nhặn gì.
-Ừa! Thì có mời mới có đi chớ. Mình muốn tới mà chủ nhà hổng mời tới coi sao đặng.
-Anh Hai nói vậy tổn thọ tụi em đa. Mà chị đâu sao anh đi một mình ên?
-Đi mần. Bà đó mà hổng mần chắc chết quá. Ai đời vừa ra khỏi nhà thương là lái xe tới nhà xứ chiên chuối. Nhà xứ đang tổ chức hội chợ, mà món chuối chiên của bả “danh bất hư truyền” nên mọi người đều réo bả quá, chối không đặng. Mà chồng em đâu, anh hổng thấy?
-Dạ! Chồng em đang lai rai với mấy anh tới trước. Còn mấy chị đang quây quần dưới cây xoài tượng, cây nhãn của em ngoài đó, mời anh ghé sau nhà.
Chà. Thiên hạ nhanh chân quá ta. Đúng là “ăn cỗ đi trước”. Mà mình tới đây là họp nhóm chứ nhậu nhẹt gì mà bà con cũng đúng giờ y chóc. Sống ở Mỹ lâu năm học được cái đúng giờ như vậy là mừng hết lớn. Đảo mắt một vòng, Hai Lúa thấy đầy đủ bá quan văn võ những bậc trưởng thượng như vợ chồng Thơ Kỷ, Tư Lượm, Năm Được, Hoàng Thùng, Tự Tã, Minh Lìm Kìm. Còn bậc hậu bối thì có vợ chồng Hạnh Thùng, Tí Phượng, và Nhí Phượng…
Bạn bè lâu lâu gặp nhau, truyện trò rôm rả, chân tình. Văn chương miệt vườn, xen lẫn văn chương Hà Thành, cứ thế mấy thùng dầu gió xanh (Heineken, mấy đĩa xoài tượng, nem chua, và bê thui cứ từ từ biến mất. Chuyện đang vui vẻ, rôm rả, bỗng Tí Phượng xí xọn lên tiếng:
-Nhân anh Hai Lúa ở đây, anh cho tụi trẻ chúng em biết qua về sự tích mấy cái tên của các bậc đàn anh đi. Thơ Kỷ, Tư Lượm, Năm Được, Hoàng Thùng, Tự Tã, Minh Lìm Kìm, và cả Hạnh Thùng, Lâm Ngầu, Sơn Gió gì gì tụi em không biết, sợ gọi không đúng tần số mang tiếng “phạm thượng”.
Nhấp một hớp dầu gió xanh, gắp thêm miếng bê thui, Hai Lúa tui lên giọng kẻ cả cắt nghĩa:
-Tiện hôm nay cả nhóm gặp nhau, Hai Lúa cũng bật mí cho tụi em là những hậu bối biết chút ít về danh xưng các bậc tiền bối. Những danh xưng đã một thời làm nên “sự nghiệp”:
Trước hết là cái tên Thơ Kỷ. Thơ Kỷ không ai là mũ đỏ Vũ Đình Kỷ thuở thanh xuân từng là “dù hoa lạc lối” làm khiếp vía quân thù. Giờ về già vui thú điền viên nên mới nẩy sinh tìm về với thơ văn. Đi đâu ngài cũng “ôm” theo mấy vần thơ do tự mình sáng tác, hoặc sưu tầm để hễ có dịp là mang ra tặng. Do sính thơ như vậy, hay thơ như vậy, nên anh em bỏ thêm chữ “thơ” vào trước tạo thành một tên gọi “Thơ Kỷ” cho nó văn nghệ, văn gừng.
Kế tiếp là Tư Lượm. Tư là người con thứ tư trong nhà. Nhưng vì ba má anh tin rằng nếu đặt cái tên đẹp thì quỉ nó tha, nên nghe lời bà mụ cho thêm cái tên “Lượm”, có nghĩa là kẻ bị bỏ đi, ba má lượm được đem về nuôi. Đó là lý do tại sao Tư Lượm sống khỏe, sống mạnh, sống thọ đến hôm nay mà ma chê quỉ hờn chưa dám đưa đi.
Tương tự như vậy là Năm Được. Sau Tư Lượm là Năm Được. Cũng lại cái bà mụ xấu mồm đề nghị, nên ba bá anh đặt thêm cái tên “Được”. Lượm Được. Thiệt tình nghe mà thấy tức cười, “lượm” thì “được”, không lẽ lượm mất. Thế là hai anh em có hai cái tên rất miệt vườn, mà cũng rất dễ thương. Còn anh là Hai Lúa. Lúc sanh anh sợ anh sau này “ngu” nên ba anh đặt cái tên “lúa” và thế là ba anh em của anh có tên Hai Lúa, Tư Lượm, và Năm Được.
Còn Hoàng Thùng thì mọi người đều biết. Thuở thanh xuân cũng rất oai hùng. Ngài là quan ba (đại uý) trong Không Quân, từng hiên ngang bay trên nền trời, trút những trận mưa bom trên đầu địch làm mất vía quân thù. Vì mang cái “gen” nhà binh nên ăn to, nói lớn. Mỗi lần “rượu vào lời ra” là oang oang như cái thùng bể nên anh em vui vẻ đặt cho cái nickname “thùng”, tức Hoàng Thùng.
Tự Tã thì do chính anh đã kể chuyện về mình. Một lần chút nữa là “ị” ra quần vì ăn nhầm đồ thúi. Sau câu truyện bị nín gần 30 phút trên đường đến sở, mỗi lần gặp đèn đỏ, mỗi lần qua ổ gà là tái xanh mặt, mím môi, ôm bụng tự nhủ: “Từ từ. Đừng vội ra!” Nhưng rồi cũng không chịu nổi, nên trước khi đến sở phải ghé vào tiệm xăng xả xui. Nghe câu chuyện cảm động quá, anh em bèn tính quyên góp mua tặng anh mấy thùng tã. Vì thế nên anh có tên “Tự Tã”.
Minh Lìm Kìm, là cái nickname của anh hùng Hải Quân Cao Đăng Minh, một thời lênh đênh trên khơi từng giờ kiếm tìm “hoa biển” về tặng em. Xuất thân binh chủng hào hoa, nhưng nhìn mặt nghiêm nghị với đôi mắt “lim rim” như gái Đại Hàn. Vì không biết nghĩ gì, muốn gì, lại thêm cái tính ít nói, nên anh em thêm cho hai chữ “lìm kìm” để thành Minh Lìm Kìm.
Còn đám hậu sanh gồm Hạnh Thùng, Lâm Ngầu, Sơn Gió. Hạnh ăn như một chiến hạm mà hổng biết cơm nước, thịt, cá nó đi đâu nên người cứ như “con cò lả” trông rất thê thảm. Anh em thương tình gọi là Hạnh Thùng. Ăn như chiến hạm, nhưng bụng dạ thì lại như cái thùng rách. Lâm Ngầu anh chàng đóng vai “đàn anh” trong các bản kịch góp vui ở các Khóa Nazareth. Phải công nhận Lâm làm “đại ca” trông ngầu thật. Chỉ tội nghiệp ngược đời, là khi xong vở kịch thì chàng “sợ vợ” cụp râu luôn. Thương tình, bà con gọi là Lâm Ngầu để tăng thêm khí thế. Và sau cùng là Sơn Gió. Vì phải đi đây, đi đó, suốt ngày phải bay, phải ngồi trên mây, trên gió nên gọi bằng cái tên Sơn Gió.
Hai Lúa vừa dứt lời, anh Hoàng Thùng với tư cách kẻ cả đã oang oang lên tiếng:
-Đủ rồi! Đủ rồi! Hai Lúa ngưng đi để còn họp hành nữa chứ. Nhóm này nghe chuyện cổ tích, nhóm kia lai rai dầu gió thì đến đêm mới bắt đầu hả?
Gì chứ Hoàng Thùng mà lên tiếng là mọi người phải ngán. Và thế là phiên họp đạo đức bắt đầu. Phải công nhận rằng Nhí Phượng coi vậy mà điều khiển phiên họp rất ngon lành, khiến các đàn anh cũng phải nể phục. Cũng đọc kinh, cũng suy niệm Lời Chúa, cũng thánh ca.
Trước khi nói đến việc suy niệm Lời Chúa và chia sẻ kinh nghiệm sống, Hai Lúa không thể nào mà không nhắc đến phần thánh ca. Chúa ơi! Phải công nhận ca đoàn này hát hay thiệt. Nhiều bè, nhiều âm thanh rất lạ. Trầm có, bổng có, ru dương có, the thé có, khò khè có. Bảo đảm Chúa nghe mà không “điếc” thì Chúa là người không biết thưởng thức và không có tâm hồn nghệ sỹ. Đề nghị nếu có dịp nên thu và phát hành CD hoặc DVD chắc chắn kiếm bộn bạc.
Và bây giờ là trở về với phần suy niệm và chia sẻ Lời Chúa. Đạo đức! Thật là đạo đức. Không ngờ những bộ mặt ngoài đời coi rất “anh chị”, chọc trời, khấy nước kia, mà khi đụng chạm đến lời Chúa mà khóc được, mà ngậm ngùi được thì thật là “phép lạ”. Hai Lúa ngồi nghe có những anh chị em vì Chúa mà sẵn sàng tha cho nhau, bỏ qua người làm khổ mình, gây thiệt hại cho mình thì thật là cảm động.
Một điều gây xúc động nhất đối với Hai Lúa là chính vì có dịp đến họp mặt tại nhà Hùng Phụng mà nảy sinh lòng quí mến, tâm phục, khẩu phục hai em. Thật tình, Hai Lúa ít khi khen ai, và càng ít khi phục ai, nhưng trước sự nhẫn nại, bền bỉ, và hy sinh của Hùng Phụng không kể ngày, đêm, mưa, nắng, đường xa thăm thẳm ròng rã hơn 4 năm vẫn trung thành từ miền đồi núi El Monte xuống tận Orange County tham dự đều đặn những buổi họp, buổi hồi tâm, hay hội thảo được tổ chức hàng tháng, hàng năm thì quả là rất khâm phục.
Nếu anh Thơ Kỷ là người hùng đi họp, thì vợ chồng Hùng Phụng cũng phải được vinh danh là anh hùng họp mặt. Hai Lúa tin rằng chính vì sự trung thành, bền bỉ ấy mà nụ hoa hạnh phúc đã thấy xuất hiện trên miền đồi núi El Monte. Một bông hồng trên đỉnh bình yên đang hé nở. Nhưng thay vì được tưới bằng nước, nó đã được tưới bằng mồ hôi, xăng, và bằng nước mắt!
Views: 0