Uncategorized

Bỏ Thầy con biết theo ai?

Không có nỗi buồn nào bằng nỗi buồn “từng-người-tình-bỏ-ta-đi”…

Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau “thôi-là-hết-anh-đi-đường-anh”.

 

Không có nỗi buồn nào bằng nỗi buồn “từng-người-tình-bỏ-ta-đi”…

Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau “thôi-là-hết-anh-đi-đường-anh”.

 

Cuộc đời của Đức Giêsu – trong ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng – không phải lúc nào cũng là những tháng ngày được tung hô chúc tụng; không phải lúc nào cũng được mọi người : “lũ-lượt-kéo-đến-đi-theo” (Mt 4:25); không phải lúc nào cũng có “đám-người-đông-đảo-nghe-Đức-Giêsu-cách-thích-thú”(Mc 12:37); và càng không phải là không còn ai “dám chất vấn Ngài” (Mc 12:34).

 

Ba năm trời – kể từ khi Đức Giêsu thu nhận các môn đệ – bắt đầu là Gio-an và Anrê, rồi đến Simôn Phêrô, Philipphê…Nathanael v.v… Ba năm với tất cả tình yêu thương và tâm trí của mình – kèm với những phép lạ tỏ tường; những phép lạ vô tiền khoáng hậu – đã khiến cho biết bao kẻ phải tin và :”Ai nấy đều kinh ngạc” (Mc 5:21); ngay cả chính các môn đệ – trong chuyến hải trình gặp phong ba bão táp “đến nỗi con thuyền đầy nước” muốn chìm – nhưng với quyền năng của Thầy – các ông cũng đã phải thán phục và thốt lên “người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh” (Mc 4:41); gần đây nhất – sự kiện năm-chiếc-bánh-và-hai-con-cá cho hơn năm ngàn người ăn no nê đã chứng tỏ quyền phép của Ngài khiến không ai còn có thể nghi ngờ Đức Giêsu chính là : “Đấng phải đến thế gian” (Gn 6:14).

 

Vâng, tất cả quyền năng và phép lạ mà Ngài đã làm không ngoài mục đích là để minh chứng rằng Ngài chính là :”Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến” (Gn 6:46). Đấng chính là “Con-Một-của-Thiên-Chúa” – người đã được Thiên Chúa sai : “đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Gn 3: 16). Đấng “là đường, là sự thật và là sự sống” (Gn 14:6)…tắt một lời – Đấng chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa của tình yêu.

 

Ấy thế mà – Thiên Chúa của tình yêu có vẻ như đã bị chối từ – hôm nay – một thực tế phũ phàng đã xảy ra cho Thầy-và-trò Giêsu. Chỉ vì Đức Giêsu đã công bố một chân lý – một chân lý mà theo họ thì :”chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi ?” (Gn 6:60). Để rồi – Caphanaum – nơi được coi là trung tâm mục vụ – lại phải trở thành nhân chứng bất đắc dĩ cho sự nghi ngờ, cho sự chối từ tập thể và cuối cùng là cho sự chối bỏ chân lý. Sự nghi ngờ, sự chối từ và cuối cùng là sự chối bỏ – nó như một vết dầu loang – bắt đầu từ khán thính giả… một, hai, ba, bốn người; rồi cả đám đông vừa bu quanh Ngài chỉ vì miếng ăn vật chất; cuối cùng là đến các môn đệ – nhiều người : “rút lui, không còn đi theo Người nữa” (Gn 6:66).

 

Thế là :”Thôi là hết chia ly từ đây”… Chia ly bởi vì họ “nuốt” không trôi lời Đức Giêsu công bố :”Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” (Gn 6:54). Họ chia ly, chỉ vì thật khó mà có thể “Ăn-thịt-và-uống-máu-ông-Thầy-của-mình”…

…………..

Một chút tâm tình.

 

Caphanaum như chìm vào thinh lặng… Caphanaum như chỉ còn lời thì thầm của Đức Giêsu :”Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao ?” (Gn 6:67). Mặc cho trong nhóm môn đệ :”có những kẻ không tin” (Gn 6:64). Đức Giêsu vẫn không “đảo ngược” chân lý ngàn đời – chân lý mà sau này Ngài đã phải dùng chính giá máu của mình – không chỉ để thiết lập một triều đại của tình yêu thương ngay nơi dương thế này – mà hơn thế nữa – còn để cứu độ muôn người vào trong Vương Quốc vĩnh cửu đời sau với Ngài.

 

Thật vậy, trước ngày chịu nạn – trong bữa tiệc ly – Đức Giêsu tái khẳng định lời tuyên bố ở Caphanaum bằng một nghi thức trang trọng. Ngài :“Cầm lấy bánh , dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ” – Giêsu long trọng tuyên bố rằng : “Anh em cầm lấy mà ăn, Đây là mình Thầy”. Cùng một thể thức đó – Đức Giêsu nói tiếp : “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy”. (Mt 26:26-28). Các môn đệ đồng loạt giơ tay ra… cầm-lấy-mà-ăn…và cầm-lấy-mà-uống. Phê-rô ngây ngất nhìn Giêsu – ông ta nhớ lại hôm ở Caphanaum và cảm thấy thật không lầm khi mình đã nói :”Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Gn 6:68).

 

Một phút suy tư.

 

Biến cố ở Caphanaum năm xưa – có vẻ như vẫn còn xảy ra… xảy ra hằng ngày trong mỗi chúng ta. Vẫn còn có nhiều người cảm thấy “chướng tai” khi phải nghe những lời giáo huấn của Đức Giêsu rằng :”Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24). Và rằng :”Không ai có thể làm tôi hai chủ… Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được”.(Mt 6:24).

 

“Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi sao ?” – Phải chăng đây cũng là câu hỏi cho mỗi chúng ta hôm nay ? Và phải chăng – Đức Giêsu – khi đặt câu hỏi này – Ngài đã tôn trọng để cho mỗi chúng ta quyền tự do chọn lựa?

 

Chúng ta sẽ “Bỏ Thầy” bởi vì chúng ta vẫn muốn chạy theo những quyến rũ trần gian, những đam mê dục vọng, những phù vân chóng qua ? Hay chúng ta sẽ ở lại trong Thầy – Vì :”Bỏ Thầy chúng con biết đến với ai” !!

Chuyện kể rằng :“Có một chủ nông trại nọ thuê một người thanh niên đến nhặt khoai tây cho nông trại.Công việc hết sức đơn giản, hằng ngày anh này chỉ có một việc là ngồi phân lọai các củ khoai tây và cho vào sọt. Lớn theo lớn, trung bình theo trung bình và nhỏ theo nhỏ. Sau một thời gian, anh thanh niên đến gặp ông chủ và xin nghỉ việc. Được hỏi lý do, anh ta giải thích : công việc ông giao phó không phải là công việc nặng nhọc, nhưng điều làm cho tôi nhức óc đó là phải chọn lựa”.( Tác giả – Lm Giacôbê Tạ Chúc).

 

Qua câu chuyện trên chắc hẳn chúng ta đều hiểu thông điệp gì mà tác giả muốn gửi đến ! Phải chăng đó là một sự chọn lựa !!! Thánh Thần Chúa – qua miệng lưỡi Thánh Gioan cũng đã nói rằng :”Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Kh 3:16). Vâng, Chúng ta sẽ lựa chọn : “BỎ Thầy…. mà đi” ??? Hay chúng ta không bỏ ! – “..Bỏ Thầy biết theo ai ? – Ta không bỏ. Nhưng thực tế ta BỎ Ngài nhiều lần. Khi chạy theo mọi quyến luyến trần thế…” ( thơ Cao-Trí-Dũng). Cao-Trí-Dũng nói tiếp rằng : “Xin tự hối: “Bỏ Thầy con biết theo ai?” …

 

Vâng, “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ?” – Mừng vui thay, nếu lời nói này cũng là lời mà mỗi chúng ta thốt lên để xác tín niềm tin của mình vào Đức Giêsu. Và sẽ là hạnh phúc thay, nếu chúng ta cùng đồng thanh cất tiếng với Tông Đồ Phêrô rằng :”Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”.

 

Petrus.tran

 

 

 

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.