“Đời luyến lưu vui cười khổ đau…?”
(Nhạc: Que sera sera của Jay Livingston & Ray Evans
Lời Việt: Tiêu Khúc)
(1Ph 2: 13, 16-17)
Hồi thập niên 1960, rất nhiều bạn trẻ cứ đua nhau hát và hỏi những câu rất nổi cộm như:
“Ngày em còn thơ lòng vương mộng mơ,
Thường hay hỏi má em : Má ơi ngày sau
Con sẽ thắm tơ duyên và vui sướng thêm?
Má em sẽ khuyên bảo rằng:
Biết ra sao ngày sau
Đời luyến lưu vui cười khổ đau…”
(Que Sera sera – bđd)
Thật ra thì, có hỏi má hay hỏi ba những câu vớ vẩn như thế, bố ai mà trả lời với trả vốn, nổi. Khác nào, hồi Công Đồng Vatican II đang sôi sục bàn về “vai trò của giáo dân trong thánh hội” mà lại hỏi hoặc hát những câu “Đời (người giáo dân) có luyến lưu vui cười khổ đau” không? cũng chịu. Chả làm sao trả đến một lời hay một chữ, thật rất khó.
Hôm nay, 50 năm nhìn lại, có thể lại cũng có những câu hỏi hoặc câu hát rất tương tự khi người nhà Đạo cứ bàn chuyện giáo dân với Giáo hội như trên, hẳn có là cha hay má trong thánh Hội cũng nào dám nói. Bần đạo đây, dù kinh nghiệm 60 năm đời người, nếu có nói cũng chỉ nói dựa đấng bậc để thưa gửi đôi điều hệ trọng. Nhưng, trước khi thưa và gửi, cũng nên tạt qua khu truyện kể để dễ thở, và cho vui:
“Truyện rằng:
Hai vợ chồng nọ tuổi cũng khá cứng, suốt ngày vẫn hỏi đáp những câu khá là vui, như sau:
Vợ tôi hỏi: Trên Tivi có gì không anh?
Tôi trả lời: Có rất nhiều bụi bặm, chắc tại em quên lau…
Thế là hai vợ chồng tôi bèn cãi nhau.
Cuối tuần rồi, sinh nhật bà xã, tôi hỏi bả muốn gì? Bà nói bả muốn một cái gì láng cóng, đi từ 0 đến 200 trong 3 giây. Tôi bèn mua cho bả cái cân nhỏ để phòng tắm. Thế là hai vợ chồng lại cãi nhau.
Kỷ niệm 20 năm ngày cưới, tôi hỏi xem bả muốn đi đâu một chút cho vui
Bả nói: Em muốn đi đến một chỗ mà từ lâu em không đặt chân đến.
Tôi nói: Ủa! Em muốn vào trong bếp hả?
Thế là hai vợ chồng mình cứ cãi vã.
Sau nhiều ngày suy tính, tôi quyết định đăng báo bán cuốn “Tự Điển Bách Khoa” dầy 3,000 trang còn mới cứng, với giá vỏn vẹn chỉ 10 đô thôi, lý do là vì lấy vợ rồi nên đâu cần gì từ điển. Vợ mình cái gì cũng biết, cứ hỏi bả là ra ngay thôi.” (trích truyện cười trên mạng, mới vừa chộp)
Thế nên, muốn hỏi chuyện đạo hoặc chuyện đời mà lại hỏi vợ mình hoặc má vợ: “Biết ra sao ngày sau?” có lẽ cũng đâu bằng hỏi ngay đấng bậc thày dạy, là lập tức có câu trả lời, chẳng cần cãi. Bởi vậy, hôm nay, bần đạo mới lại chạy đến bậc thày dạy để hỏi xem: nhiều năm qua, Giáo hội mình có đề cao vai trò của giáo dân, như Công đồng Vatican II đề bạt không? Nhưng, bậc thày của bần đạo thay vì trả lời, lại đã đề nghị bần đạo hãy xem xét đôi điều về Công đồng này, như:
“50 năm Công đồng Vatican 2, nhìn lại thấy các nghị phụ Công Đồng hồi ấy, nay không còn ai ngoại trừ 2 Giám mục hồi hưu của Pháp là Gm Jean Vilnet và Gery Leuliet, nay ngoài 102 tuổi.
Còn, dân con tín hữu Công giáo cũng chẳng biết nhiều về Công đồng này. Có bạn nói: đây là những bí mật được Giáo hội giữ kín như bưng suốt nhiều năm, làm sao biết. Hỏi thêm, quyết định của Công Đồng này, nay còn hiệu lực chứ? Có còn ai áp dụng nữa hay không? Giáo hội mình từng trải nghiệm hậu quả Công đồng chứ? Công đồng có tạo được kết quả nào thoả đáng? Có gì mới kể từ đó không? Công Đồng này thật rất tốt hay chỉ thường thương bậc trung?… Hỏi, thì hỏi khá nhiều điều, nhưng có giáo dân vẫn không hiểu tại sao Giáo hội hiện không theo nề nếp gì do Công đồng định? Và, họ biết rất ít những chuyện xảy đến với Giáo hội cách nay 50 năm. Và nhất là, chẳng hiểu tại sao lúc đó Giáo hội lại quyết định mở Công đồng này…
Thật ra thì, khi ấy thấy xảy ra nhiều ý kiến rất khác biệt. Ý kiến nào cũng phản ánh ý thức hệ riêng rẽ. Có người còn bảo: Công đồng Vatican 2 cũng có ảnh hưởng trên Giáo hội đấy chứ. Nhưng, phần đông cho rằng đa phần là ảnh hưởng xấu hơn là tốt. Có người lại nghĩ, Công Đồng cố tìm cách tạo ra những gì tốt nhất từ xưa đến giờ, nhưng lại bị quên lãng, không ai cài đặt vào hệ thống thần quyền của Giáo hội. Thông thường thì, quyết định của Công Đồng dễ bi bỏ quên, hoặc bị chối bỏ, có khi còn bị thế hệ tiếp nối cứ phản bội. Nói chung, hiệu quả của Công đồng không xảy ra như mọi người mong muốn. Tác giả Robert Blair Kaiser đã ghi lại đôi điều đáng nhớ xem ra cũng khá tệ. Tệ hại, đau buồn và đáng thương tiếc. Tiếc, cho cơ hội ngàn năm nay vụt mất.
Hỏi: tại sao Công Đồng có nhiều sự kiện lớn như thế, lại không sinh hoa kết trái tốt đẹp cho toàn Giáo hội? Vì lý do gì Công đồng Vatican 2 nay trở thành tâm điểm mọi chú tâm khi ta nhìn vào 50 năm sau Công đồng? Điều gì vĩnh viễn ra đi và điều gì còn tiếp tục? Quyền lực hay vai trò của giáo dân? Nền thần học mới hoặc quyết tâm đạt Tình Đại Kết với tôn giáo khác? Để trả lời, cũng nên xem xét nhiều sự kiện lịch sử, mới đả thông được…” (xem Lm Kevin O’Shea, Retrospect: The Past Fifty Years, Suy tư thần học phổ biến tại Đại Học Công Giáo Úc, Sydney25/8/12 tr. 4)
Kể ra cũng khó mà phê phán những gì xảy đến với Giáo hội suốt 50 năm, kể từ ngày có Công Đồng Vatican II. Vấn đề không chỉ xét lại lịch sử hoặc thần sử mà còn là thần học con người và lịch sử, nên mới khó. Khó, cho mọi người. Càng khó cho giáo dân hạng thứ như bần đạo, hôm nay.
Đó là vài nét sơ qua về Công Đồng Vatican II. Còn, vấn đề vai trò của giáo dân, có gì đáng nói? Nhưng, trước khi đi đến một giải đáp, cũng nên về với vườn hoa Kinh Sách rất Thánh hiền, từng dặn bảo:
“Vì Chúa, anh em hãy tuân phục mọi thể chế
do loài người đặt.
Hãy hành động như người tự do,
không phải như người dùng tự do làm màn che tội ác,
mà như tôi tớ Chúa.
Hãy tôn trọng mọi người, hãy yêu thương anh em,
hãy kính sợ Thiên Chúa, hãy tôn trọng nhà vua.”
(1Ph 2: 13, 16-17)
Hãy yêu thương tôn trọng mọi người, đó là việc hiển nhiên. Nhưng tôn trọng giáo dân hạng thứ rất thấp hèn, có là việc hiển nhiên của Hội thánh hay không, cũng nên về với nhận định của đấng bậc chủ quản nọ ở Mỹ, mang tên Đức ngài Bryan N. Massingale, std như sau:
“Vừa qua Gm Richard Sklba có đưa ra hình ảnh nổi bật về ơn gọi ngôn sứ ai cũng nhìn thấy ở Sách Thánh. Hôm nay, tôi mạo muội tóm tắt nhận định của ngài bằng một vài diễn tả để nói lên đôi nét về “các dấu chỉ thời đại” mà các ngôn sứ nhận thấy ngay trong tâm khảm của Đức Chúa. Nói khác đi, thì: các ngôn sứ có vai trò nói lên sự thật thường thì không dễ chịu chút nào và cũng chẳng có ai thích đón nhận, nhưng sự thất ấy vẫn cần thiết cho cuộc sống.
Vấn đề tôi đặt ra hôm nay, là: việc thực thi ơn gọi ngôn sứ trong Hội thánh vào thời khắc ta thường hay gọi đó là giao thời. Nói nôm na đơn giản là: tôi muốn đưa ra một viễn cảnh, hoặc hành xử của ngôn sứ trong cố gắng lắng nghe tiếng nói của hàng giáo sĩ và cố gắng định ra được những gì mà Thần Khí Chúa đang nói cho ta và với ta hôm nay.
Tác giả Walter Brueggemann vẫn nói: vai trò của ngôn sứ là đề ra thị kiến và khả năng thay thế những gì vẫn được áp đặt một cách chính thức. Và như thế, thì ngôn sứ trong Kinh thánh có hai vai trò: một là dựa vào ánh sáng Lời Chúa để nói lên hy vọng sâu xa của chúng dân và dẫn dắt họ tiếp nhận lời Chúa hứa ban sự sống mới. Trong tinh thần đó, nay tôi tin rằng ơn gọi của ngôn sứ trước tiên là giúp cộng đồng các kẻ tin biết chấp nhận những mất mát mà họ không muốn nhận; và rồi, đem đến cho chúng dân niềm hy vọng mà chính họ không dám tưởng tượng.
Xem như thế, thì ơn gọi của ngôn sứ bắt đầu bằng việc lắng nghe tiếng rên xiết của cộng đoàn và cho họ cơ hội được có tiếng nói. Rên xiết ở đây khác với lời kêu ca hoặc than phiền. Theo định nghĩa, thì rên xiết là những gì nói không nên lời. Là, tiếng khóc từ nỗi buồn thẳm sâu hoặc đớn đau không cho biết nguồn gốc hoặc nguyên do. Trách nhiệm của ngôn sứ là nhạy bén trước những “rên xiết”, tức khóc than không thành tiếng xuất tự nỗi buồn đau của chúng dân, cho thấy rằng có cái gì đó không ổn. Và đây không là điều Chúa muốn….
Rên xiết từ hàng giáo sĩ đều dễ thấy. Ngoài ra, còn có lời rên xiết từ phía giáo dân, nữa.
Rên xiết về những bài chia sẻ không thích hợp với những mong đời từ tâm trí người nghe. Nghe, là nghe tiếng nói bên trong Hội thánh và nghe về tương quan hợp tác rất xác thực giữa hàng giáo sĩ và đấng bậc chủ quản. Rên xiết, đã can đảm nói lên những “trục gian tà” có thật trong thế giới. Rên xiết về niềm tin chân phương sống trong thế giới tiêu thụ về quân sự. Và lời rên xiết sâu thẳm của giáo dân cũng cho thấy “Có cái gì đó không ổn trong Hội thánh”. Và, những rên xiết mà ngôn sứ thời đại đang nghe được, là: Sự việc đang đi tới đoạn kết. Với ngôn sứ, sự việc gọi-là “không ổn” trong Hội thánh phải chấm dứt. Bởi, là giáo dân hay giáo sĩ, ai cũng thấy rằng sự việc không ổn đang xảy ra với Hội thánh đều không là thánh ý của Chúa.
Sự việc đi đến hồi kết cuộc. Câu nói này là thực tại đầy ảm đạm thường bị bao che bằng cụm từ “chuyển tiếp hoặc giao thời”. Nói thẳng thừng, thì cung cách Hội thánh sống đang đi vào chỗ chết. Sự suy sụp của hàng giáo sĩ toàn là nam-nhân, và đa phần còn độc thân đang có dấu hiệu đang chết dần. Tình trạng giao thời ta đang sống không thể nào lật ngược được. Và, tiếng rên la của ta trực chỉ một hình ảnh rộng lớn hơn về một chấn động và đổi thay rày sẽ đến với Hội thánh và xã hội phương Tây.
Tác giả Richard Schoenherr liệt kê hình ảnh ấy thành 6 dạng:
1) Đổi thay từ chủ nghĩa giáo điều sang đa nguyên theo tầm nhìn của thế giới.
2) Thay đổi một dựng xây tính dục mang tính siêu nghiệm qua tính nhân bản;
3) Thay đổi từ Giáo hội của Châu Âu thành Hội thánh đích thực toàn cầu;
4) Thay đổi từ tình trạng nam nhân thống trị sang nữ giới đồng quyền;
5) Giảm sút thuyết giáo-sĩ-trị lấn át/kềm kẹp giáo hội để gia tăng quyền bính của giáo dân;
6) Giảm thuyết chú trọng đến Bí tích và gia tăng phụng thờ dựa vào Kinh thánh, ngay trong Hội thánh Công giáo.
Nói chung, làn sóng đổi thay không ngừng chấn động này sẽ đưa hàng giáo sĩ và Hội thánh, tức chúng ta, đi vào những nơi không ngờ và do đó, gây khiếp sợ.
Quả thật, sự việc đang đi tới hồi kết cuộc. Và ngôn sứ là người dám nói lên rằng sự thể chết dần chết mòn đang xảy đến có sự trợ giúp cũng như thúc đẩy từ Đức Chúa, rất không sai.” (xem Lm Bryan N. Massinggale, “See, I Am Doing Something New” www.jknirp.com/massin.htm 16/12/2004)
Hãy yêu thương tôn trọng mọi người, cũng là ý nghĩa của truyện kể mà bần đạo vừa nhận được từ bài suy niệm của đấng bậc họ Nguyễn hôm 09.09.2012, có lời lẽ rất chắc nịch như sau:
“Người cha nọ muốn dạy cho con mình một bài học để đời, là: chớ bao giờ phê phán sự gì hoặc người nào theo cách “nhanh nhẩu đoảng, thật thà hư.” Nên, ông mới gọi cả bốn đứa con lại, và bảo: “Nay cha muốn anh hai lớn làm việc này cho cha: hãy ra đông xem cây lựu của cha có trổ sinh hoa trái gì không, rồi về cho cha biết.” Nghe dạy, người anh lớn bèn ra đi tìm cây lựu cha trồng, nhưng đến nơi đã vào mùa đông nên cây khó lòng mà sinh hoa nảy lộc, bèn trình về: “Con có thấy cây lựu cha trồng, nhưng chẳng hứa hẹn gì. Xem ra, cây ấy sống cũng nhiều năm, e khó qua được mùa đông băng giá rất khó lòng.”
Ba tháng sau, người cha một lần nữa lại sai người con cả ra đi vào mùa xuân xem cây lựu nhà ông có gì hứa hẹn hay không. Người con đi về kể lại: “Dạ thưa, con thấy cây lựu nay trổ bông trắng cũng rất nhiều, nhưng để trang hoàng thì tốt chứ chẳng hy vọng gì sẽ đậu trái. Con rất nghi ngờ cây đó, dù đã khuyến dụ “hãy mở ra!”, nhưng chẳng hy vọng gì một kết quả.”
Ba tháng kế tiếp cha lại sai anh con cả ra đi lần thứ ba xem cây lựu của nhà ông hy vọng gì không. Người con trở về, lần này lại nói: “Cây lựu lần này xem ra cũng lớn dần nhiều kết quả, đầy những lá rất xum xuê. Con có thấy một đôi trái nên có hái ăn thử, nhưng đắng ngắt chẳng tài nào nuốt nổi. Con nghĩ chắc chẳng ai buồn ăn trái của nó hết đâu cha.” Một lần nữa, chừng như anh trai cũng đã nói với cây lựu: “Hãy mở ra, mà phát triển!” nhưng cũng chẳng ăn thua gì.
Cuối cùng, chỉ ba tháng sau, người cha lại sai anh con cả ra đồng xem cây lựu có biến đổi gì không. Lần này, cây lựu trổ đầy những trái rất mọng, lại chín dòn. Anh con cả ăn thử rồi về trình với cha mình rằng: “Cha à! Con nghĩ phải mau mau ra mà trẩy hái, lựu nhà mình năm nay rất được mùa, đầy những trái ăn ngon lành.” Anh cũng nói, lần nào anh cũng nói với cây lựu: “Hãy mở ra mà sinh quả”. Và lần này, chắc cũng có người nói thêm vào cây nên mới đạt.
Người cha bèn gọi cả bốn người con lại rồi nói: “Các con thấy không? Các con đều thấy tình trạng của cây lựu nhà mình, vào mỗi mùa. Nhưng, nhận định của các con về cây lựu chỉ là những lời nhận xét phiến diện, nghĩa là cứ nhanh nhẩu chỉ để ý đến một phần của cây vào lúc ấy mà thôi. Qua kinh nghiệm này, các con nên nhớ đừng bao giờ phê phán con người theo cách đó. Bởi, làm thế các con chỉ kịp dựa trên khía cạnh nào đó rồi phán đoán như thế là không công bằng và cũng chẳng khôn khéo.
Tất cả mọi sinh vật đều phải được định giá qua chuỗi ngày dài của thời khắc và chỉ sau khi thanh sát cẩn thận nhiều lần ta mới nhìn ra. Bởi lẽ, ngay cả những sinh vật bề ngoài trông khô cằn, xấu xí vẫn có thể cho ra những thành quả tốt đẹp, như thường.”
Xem như thế, thì: vai trò cả của giáo dân lẫn thần quyền, là: “Hãy cởi mở!” Cởi và mở ra cho hết mọi người, mọi sự. Dù, sự đó chỉ là thiên nhiên/vạn vật rất vô tư. Sự đó, có là loài thú hay loài người, vẫn cứ cởi và mở. Mở cho rộng, cởi cho thoát, để sẽ không còn ai cứ phải thắc mắc với ưu tư về vai trò của người Hội thánh là Nước Trời.
Xem như thế, thì Nước Trời là Hội thánh chỉ khá thánh khi biết cởi và mở suốt mọi thời, chứ không chỉ 50 năm hoặc sau 50 năm trời rất khép kín. Và có lẽ, đặc trưng cao và tốt đẹp nhất cho mọi người, kể cả Hội thánh ở trần gian vẫn là thế. Là thế và như thế, để người người sẽ không còn lý do mà khiển trách, nghi ngờ thiện chí của Giáo hội nữa.
Xem thế thì, sau khi quả quyết như thế, người cha người mẹ ở thánh hội sẽ có thể trả lời cho câu hỏi và câu hát ở trên, rằng:
“Ngày em còn thơ lòng vương mộng mơ
Thường hay hỏi má em: Má ơi ngày sau
Con sẽ thắm tơ duyên và vui sướng thêm?
Má em sẽ khuyên bảo rằng:
Biết ra sao ngày sau, đời luyến lưu vui cười khổ đau…
Vì sắc duyên là sóng bể dâu
Nào ai biết ngày sau…”
(Que sera sera – bđd)
Má và ba, tuy không biết ra sao ngày sau, nhưng Hội thánh Chúa ở trần gian nay đà biết. Biết nói rằng: “Ephata: Hãy cởi mở!” Cởi mở đi, ngày sau sẽ không còn khổ đau, bể dâu hay gì gì nữa. Mà, chắc chắn sẽ là chuỗi ngày “luyến lưu vui cười”, hạnh phúc.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn muốn nói hoài hoài
Chỉ một chữ “Ephata: Hãy cởi mở!”
Đời mình rồi sẽ dễ thở,
cũng chóng thôi.
Views: 0