Uncategorized

Bí Tích Hôn Phối :Tiêu hôn, tháo gỡ, kết hôn với người ngoại đạo…

Mở đầu buổi nói chuyện về Bí Tích Hôn Phối tại Cộng Đoàn Tam Biên, cha Việt cho biết : Hiện nay có nhiều gia đình Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, rối rắm trong vấn đề hôn nhân, chuyện ly dị, ly thân, chia tay xảy ra khá nhiều. Do đó buổi học hỏi hôm nay được mở ra nhằm mục đích làm sáng tỏ luật của Giáo hội và giải tỏa những thắc mắc chung quanh vấn đề này.

Mở đầu buổi nói chuyện về Bí Tích Hôn Phối tại Cộng Đoàn Tam Biên, cha Việt cho biết : Hiện nay có nhiều gia đình Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, rối rắm trong vấn đề hôn nhân, chuyện ly dị, ly thân, chia tay xảy ra khá nhiều. Do đó buổi học hỏi hôm nay được mở ra nhằm mục đích làm sáng tỏ luật của Giáo hội và giải tỏa những thắc mắc chung quanh vấn đề này.

Trong phần trình bày về Giáo Luật, cha đã nêu lên những bộ luật của giáo hội xuất phát từ Thánh Kinh, Tông Huấn, và từ Công Đồng Vatican II… Trong đó 2 bộ luật Hôn nhân căn bản nhất của Giáo Hội là bộ luật 1055 và 1056.

– Bộ Luật 1055 : Định nghĩa hôn nhân là giao ước hôn phối  giữa 2 người Nam – Nữ để sinh ra con cái. Nét nổi bật của luật hôn nhân này là yếu tố: Công bằng, Bình đẳng có nghĩa là không ai trên, ai dưới, không ai “cầm đầu” ai hết. Điều này chắc là các ông chồng Việt Nam không thích rồi!  Vì các ông vẫn thích theo lối phong kiến “chồng chúa, vợ tôi” hay tối thiểu cũng là “Gia trưởng” trong nhà. Ngoài ra “Hôn nhân là món quà” của Chúa nên cả 2 phải biết trân trọng lẫn nhau về “món quà” Chúa ban cho mình, chứ không phải chỉ có một phía!

Thiên Chúa là tác giả của hôn nhân, nên ngay từ chương đầu của sách Sáng Thế, khi Chúa dựng nên con người. Chúa thấy đàn ông ở một mình không tốt nên đã dựng nên đàn bà để làm bạn với đàn ông. Do đó ơn gọi hôn nhân nằm trong bản tính con người và cha Việt nhấn mạnh: Người nữ đồng hàng với người nam ( chứ không phải “đồng hành”, cùng đi chung một đoạn đường). Cha nhấn mạnh tới yếu tố Tình yêu và Bình đẳng trong hôn nhân nên các ông đừng có tư tưởng “lấy vợ về để có người hầu hạ” là sai! Giao ước này không thể rút lại nên giao ước hôn nhân chỉ chấm dứt khi một trong 2 người chết, có lẽ vì thế mà các ông đã vui vẻ hát rằng:

“Khi Chúa thương gọi vợ con về
Lòng con hân hoan như trong một giấc mơ
Miệng con nức khen tiếng cười
Lưỡi con vang lời ca hát…”

Bên cạnh đó cha còn đề cao yếu tố “Cảm thông” trong đời sống hôn nhân. Vì nếu 2 bên không có sự “cảm thông” thì rất khó sống với nhau. Cha còn nhấn mạnh đây là lý do có thể cho tiêu hôn, vì sống chung mà thiếu sự cảm thông cứ bắt bẻ từ li từ tí…thì làm sao sống nỗi?

Một trong những điều thiện ích của đời sống hôn nhân là sinh sản và giáo dục con cái. Sinh con là sự chúc phúc của Thiên chúa, là món quà không gì có thể thay thế. Đời sống hôn nhân là sự hiệp thông để nâng đỡ nhau trong cuộc sống, để cùng tiến về nước Trời, nên đời sống hôn nhân phải là đời sống thánh thiện, nếu không,  đời sống hôn nhân sẽ biến thành hỏa ngục. Một trong những tội phá hủy đời sống hôn nhân nhiều nhất là tội gian dâm, tham lam… Kiểu ông bà xưa thường ví von:

“Sông bao nhiêu nước cũng vừa
Trai bao nhiêu vợ cũng chưa vừa lòng”.

Chúa dạy vợ chồng hãy phục tùng lẫn nhau, hy sinh và tôn trọng nhau. Các ông chồng Việt Nam thường hay quên cái khoản “tôn trọng vợ”, tuy rằng điều tôn trọng này đã nằm trong lời tuyên hứa  trang trọng trước mặt Chúa và Hội Thánh: “Anh hứa sẽ giữ lòng chung thủy và tôn trọng em mọi ngày trong suốt đời anh…” Hãy nhớ một trong những điều làm con người dễ bị tổn thương sâu sắc là cảm xúc không được tôn trọng! Ngoài ra yếu tố “chung thủy” ngày nay cũng bị xem thường, nhất là về phía các ông. Đôi khi các ông lại quan niệm đó chỉ là “giải sầu” mà thôi! Hèn gì các bà luôn ngậm ngùi hát rằng:

“Tình là một chuyện âu sầu
Tình là mình nhiều nỗi thương đau.”

Tuy là khi mới yêu nhau, chàng bao giờ cũng thề hứa đủ điều với nàng. Hãy xem những cây cầu tình (như ở Paris) mới bị sập xuống vì quá tải bởi các ổ khóa của các đôi tình nhân thi nhau đem tới. Những ổ khóa (có khắc tên mình) đem khóa vào thành cầu và quăng chìa khóa xuống sông, để biếu tỏ sự chung tình với nhau mãi mãi, không ai có thể gỡ được!

Hôn nhân là do Chúa lập ra và Chúa đã biến thành mầu nhiệm. Phép lạ đầu tiên Chúa làm là ở tiệc cưới Cana khi họ gặp khó khăn. Điều này cho thấy Chúa luôn quan tâm tới đời sống hôn nhân, Chúa biết cuộc sống hôn nhân có nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với ơn Chúa mọi khó khăn sẽ được vượt qua, nên hãy tin cậy và phó thác nơi Người.

– Bộ Luật 1056 : nhấn mạnh hôn nhân là duy nhất (cấm đa thê) và bất khả phân ly “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly”. Cha kể ngày xưa có những ông theo Thánh Phaolo, công tác nhiệt thành và xin làm môn đệ ngài, nhưng đã lỡ có 7 vợ từ trước. Thánh Phaolo cho biết muốn làm môn đệ ngài phải giữ luật Chúa : chỉ giữ 1 vợ và phải bỏ 6 vợ. Vì con đường theo Chúa là “đi vào ngỏ hẹp”. Điều này cắt nghĩa vì sao các ông Hồi giáo ghét đạo Chúa vì luật đạo Chúa trái ngược với luật đạo Hồi. Đạo Chúa chỉ cho phép “một vợ, một chồng” và người phụ nữ cần phải được tôn trọng và bình đẳng với chồng (hèn gì nhiều ông cứ thầm ước mơ mình được theo đạo Hồi, vừa có nhiều vợ, vừa sai khiến và trấn áp vợ thoải mái mà lại được luật pháp ủng hộ). Đạo Chúa tuy được thiết lập từ mấy nghìn năm trước nhưng lại rất “tiến bộ” ! và đi trước thời đại trong việc yêu cầu người phụ nữ phải được tôn trọng và bình đẳng với nam giới trong hôn nhân và xả hội. Điều mà xã hội các nước văn minh đã đấu tranh dai dẵng một thời gian dài mới đạt được. Nhưng hiện nay trên thế giới vẫn còn rất nhiều tôn giáo, quốc gia vẫn chưa đạt được điều này! Thật là đạo Chúa đáng được hoan hô lắm thay!

Ngoài ra hôn nhân phải là sự ưng thuận của ý chí (phải suy nghĩ thật kỹ và thực tâm muốn) chứ không phải cảm tính nhất thời, bồng bột hay do áp lực hoàn cảnh bắt buộc (thiếu tự do). Lúc đó phép hôn phối sẽ không thành.

Những vấn đề trong hôn nhân:

• Tiêu Hôn : Đức giáo hoàng Gioan Phaolo II cho rằng nguyên tắc căn bản cho việc Tiêu hôn phải rõ ràng như sau:

– Đồng tính luyến ái
– Đã lập gia đình (có phép hôn phối trong nhà thờ)
– Bất lực
– “Tiền dâm, hậu thú” hoặc lỡ có bầu (thiếu tự do)

 

Chứ không phải hễ hôn nhân có khó khăn thì xin tiêu hôn. Hôn nhân ở đâu và thời nào cũng có những khó khăn của nó, phải tập đương đầu và tìm cách khắc phục nó.

 

Ngoài ra người bước vào hôn nhân cần có yếu tố “trưởng thành” ( có nhiều người già vẫn chưa trưởng thành)

 

Tiêu hôn do tòa án hôn phối giám mục giải quyết.

 

• –  Tháo gỡ : Linh mục phải xin phép Toà Thánh

 

Tất cả những trường hợp hai người đã làm phép hôn phối trong nhà thờ, (vì lời tuyên hứa trước mặt Chúa là nghiêm trọng, không thể xem thường và dễ dàng tháo gỡ được).

Phải tốn thời gian dài điều tra kỹ lưỡng trước và sau khi cưới, cần có nhân chứng đầy đủ. Ví dụ  : “Đám cưới di dân” (trả $ để cưới) nếu không làm phép hôn phối trong nhà thờ, tháo gỡ dễ dàng. Nếu có làm phép cưới trong nhà thờ, việc tháo gỡ sẽ khó khăn gấp bội lần.

 

• –  Phép giao : (một người có đạo và một người ngoài đạo). Trước kia không có thánh lễ và làm phép trong phòng mặc áo. Ngày nay giáo hội cởi mở cho phép có thánh lễ.

 

Nếu sau này xảy ra ly dị, người ngoài đaọ muốn tái hôn với người có đạo phải xin phép tiêu hôn.

 

• – Quyền hạn  : Tòa án hôn phối cấp 1 phán quyết : “Không”. Tòa án hôn phối cấp 2 cũng phán quyết : “không”. Sau 45 ngày sẽ thành luật và không ai có quyền “tháo gỡ” kể cả Đức giáo Hoàng (Có nhiều người lầm tưởng, để một thời gian sau, rồi đi tìm tòa án nơi khác dễ hơn…)

 

Câu  hỏi  và  trả  lời

Phần lý thuyết dù có hay đến đâu cũng khộng bao giờ lôi cuốn sự chú ý của mọi người bằng phần nêu câu hỏi và trả lời vì cuộc sống vốn đa dạng, phong phú, và phức tạp nên phần này lúc nào cũng hấp dẫn người nghe. Xin tóm lược một số câu hỏi tiêu biểu.

1 – Hai người không có đạo cưới nhau, sau họ ly dị rồi người đàn ông muốn lấy người có đạo thì phải làm sao?

– Phải có điều tra, tiến hành thủ tục tiêu hôn. Cần liên lạc với người vợ trước để hỏi ý kiến, vì liên hệ tới quyền lợi người ấy, rồi mới được làm phép hôn phối. (Điều này trước kia tôi nghĩ sai, cứ  tưởng họ không có đạo, không làm phép hôn phối trong nhà thờ thì họ không bị ràng buộc gì với luật giáo hội… đôi khi như vậy lại bất công với người vợ trước. May nhờ học hỏi mà biết thêm về luật giáo hội).

2 – Ai được làm nhân chứng? con cái trong nhà có được làm nhân chứng không?

– Bất kỳ ai có khả năng làm nhân chứng đều có quyền làm nhân chứng miễn đó là chứng thật. Con cái trong nhà nếu đã trưởng thành có thể làm nhân chứng tốt vì nó ở trong nhà nên am tường mọi chuyện xảy ra trong nhà. Cha Việt nhắc nhở : Người Việt Nam khi làm nhân chứng  thường hay giấu giếm không thật thà…

3 – Nếu một người mắc bệnh lăng nhăng, ngoại tình nhiều lần tuy không lấy vợ bé thì có vi phạm luật hôn nhân không?

– Ngoại tình là lỡ dại một lần do không chủ ý thì được tha, còn nếu không thật thà, không có ý ngay lành thì việc xưng tội không thành. Nếu “tái bản” nhiều lần thì là lường gạt Chúa, dù có xưng tội cũng không được tha.

4 – Hai vợ chồng có đạo lấy nhau có phép cưới trong nhà thờ. Người chồng đi vượt biên, lấy vợ khác lâu rồi . Nay người vợ trước muốn xin tiêu hôn để cho ông chồng khỏi bị rối, mất phần rổi linh hồn, có được không? (Đúng là tâm tình nhân hậu của phụ nữ Việt Nam!)

– Được, khi xin ra tòa án hôn nhân : “một người xin, hai người hưởng” Tại sao không hai người cùng xin cho thủ tục nhanh chóng hơn?

Sẵn dịp cha kể lại câu chuyện: “Có một ông trên 70 tuổi, trước đây ở Việt Nam trong quân đội, đã từng cưới vợ trong nhà thờ có 4,5 con. Ông vượt biên qua đây lấy thêm vài bà nữa nhưng không chính thức. Bây giờ muốn về Việt Nam cưới vợ (đáng tuổi con gái), chắc do nhà gái yêu cầu, nên nộp đơn xin tiêu hôn. Khi cha cho biết cần thời gian dài để tìm hiểu, điều tra thì ông lập tức nổi giận đập bàn hét lên “Cha không hiểu biết gì cả và quá khó khăn…”. Cha nhận xét ông tuy hơn 70 tuổi nhưng vẫn chưa trưởng thành, còn nóng nảy, bộp chộp. Thôi về đi, khi nào “trưởng thành” rồi, trở lại đây sẽ bàn việc tiếp”.

5 – Những vấn đề tiêu hôn, tháo gỡ…có đi trái với luật Chúa : “Sự gì Thiên Chúa đã ràng buộc loài người không được phân ly” ? (câu hỏi cuối cùng vì đã hơn 9 giờ tối).

– Tiêu hôn hay tháo gỡ là vì ơn ích cho những người có hoàn cảnh hôn nhân khó khăn. Chúa luôn rộng lượng, yêu thương con người và giàu lòng tha thứ nên muốn ban ơn ích cho con cái Chúa được trở về với Ngài.

Kết thúc buổi học hỏi Sơ Thùy Trang đại diện mọi người cám ơn cha Hồ Việt đã đến đây chia xẻ về luật hôn nhân giúp mọi người hiểu rõ về luật hội thánh đầy đủ hơn. Sơ cũng tạ ơn Chúa đã cho sơ chọn đời sống tu trì, chứ nảy giờ học hỏi về “tình yêu hôn nhân” thấy sợ quá! Đúng như lời một bài hát đã diễn tả:

“Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần sầu!”

  
Phượng  Vũ  ghi nhận
  6/2014

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.