Uncategorized

Bí quyết hạnh phúc hôn nhân: Hãy loại bỏ tư tưởng ly dị

Những kinh nghiệm quí giá nhất thường là những kinh nghiệm phải mua bằng một giá đắt đỏ. Đôi khi cả đời người, ta chỉ có đủ khả năng mua lấy một kinh nghiệm như vậy. Thí dụ, kinh nghiệm ly dị.

 

Những kinh nghiệm quí giá nhất thường là những kinh nghiệm phải mua bằng một giá đắt đỏ. Đôi khi cả đời người, ta chỉ có đủ khả năng mua lấy một kinh nghiệm như vậy. Thí dụ, kinh nghiệm ly dị.

 

Người đời thường nói: “chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ”, do đó, dù đã có nhiều lời khuyên bảo, nhiều cảnh cáo, nhiều dẫn chứng cụ thể về những hậu quả tồi tệ sau các cuộc ly di, nhưng vẫn có rất nhiều người không muốn tin, và muốn thử một lần cho biết.

 

Gần đây, trong một cuộc gặp gỡ với một thân chủ, người này đã kể lại kinh nghiệm đau đớn của mình, đại khái, muốn nhân câu chuyện của mình chuyển một thông điệp đến những ai, đặc biệt là các bạn trẻ đang có ý tưởng ly dị, hoặc đang trong tiến trình ly dị. Thông điệp đó là, nếu bỏ được tư tưởng ấy thì hãy bỏ đi. Hãy coi đó như một cám dỗ hết sức nguy hiểm. Và nếu có thể hãy suy nghĩ và rút lại đơn ly dị. Tại sao?

 

Thân chủ này cho biết, trước khi kết hôn cô ta cũng nghĩ rằng như bất cứ người con gái nào khác khi lớn lên cô muốn có một người chồng. Người chồng ấy phải đẹp trai, học giỏi, và nhất là có nhiều tiền. Và cô đã có tất cả những thứ ấy. Đám cưới hai người rất linh đình, rất tốn kém, và cũng rất vui vẻ.

 

Nhưng người đời thường có tâm lý “được voi, đòi tiên”. Cô cũng không đi ra ngoài thông lệ này, và thế là cô bắt đầu mơ ước cao hơn, xa hơn, và nhiều thứ hơn nữa. Cô thấy khó chịu khi các bạn bè của cô hơn cô, chồng họ hơn chồng cô. Đối với cô, họ làm gì không cần biết, miễn là thấy họ đẹp hơn, giầu có hơn là cô thấy mình bị xúc phạm, xỉ nhục, và thua thiệt. Trong những lúc như vậy, tư tưởng từ đầu trước khi cô quyết định bước vào hôn nhân đã trỗi dậy trong tiềm thức, đó là: “Cứ lấy đại đi, thử cho biết không được thì bỏ!”.

 

Đối với cô, đó cũng chỉ là tư tưởng tầm thường thôi. Tầm thường mà lại thực tế.

 

– Có sao đâu, cưới rồi bỏ nhau là chuyện thường tình thôi mà.

– Có sao đâu, vợ chồng ở với nhau đâu phải chỉ vì tờ giấy gia thú.

– Có sau đâu, người ta bỏ nhau đầy đường mà có ai chết chóc gì đâu.

– Có sao đâu, sau khi ly dị mình sẽ tự do hơn, sẽ làm chủ cuộc sống mình hơn.

– Có sao đâu, không chồng cũng đâu có chết chóc gì ai.

– Có sao đâu, thống kê và khảo cứu cũng chứng minh rằng trong nhiều trường hợp bỏ nhau lại có lợi hơn là chấp nhận chịu đựng.

 

Và “có sao đâu” nào cũng thấy hợp, thấy đúng với hoàn cảnh của mình. Thế thì tại sao không thử một lần cho biết. Chính tư tưởng quái ác ấy, cộng thêm những xúi bẩy của bạn bè đã đưa cô đến ly dị. Cô đã ra khỏi nhà với một khoản tiền lớn do việc bồi thường và chia chác tài sản. Và lạ lùng nhất là, chỉ sau khi ly dị chưa đầy 3 tháng, cô đã cặp kè với một người đàn ông khác. Một một lần nữa, tư tưởng  “Ở không được thì bỏ!” lại đến với cô và chinh phục được cô.

 

Nhưng lần này thì ở không được mà bỏ cũng không xong. Con gái của cô nói với với cô: “Mẹ khóc lóc về ba con, rồi mẹ lấy chồng khác. Bây giờ mẹ được mọi cái rồi sao còn tiếp tục khóc???”. Cô không trả lời được câu hỏi này, vì thực tế quá phũ phàng. Cô đã học được bài học đắt giá!

 

Đối với một người đàn bà đang ở lứa tuổi hồi xuân, thì nhan sắc tương đối cũng vẫn có thể còn mượt mà, nhất là trong những điều kiện như hiện nay qua các cuộc giải phẫu thẩm mỹ. Nhưng cái nhan sắc bên ngoài ấy chỉ là những thứ mà ai cũng biết đó là giả tạo, vay mượn, mà nhan sắc tâm hồn thì cô lại không có. Sự cắn rứt lương tâm sau một lần tan vỡ, mà cái tan vỡ ấy do chính cô dàn dựng lúc này không cho phép cô táo bạo bước thêm một bước nữa. Và thế là đành phải “nuốt bồ hòn làm ngọt!”.

 

Kinh nghiệm trên nghe ra cũng quen quen với đa số các cuộc ly dị. Tiếc một điều là ít ai dám chia sẻ thành thật, và đó cũng chính là cái bí mật mà nhiều người muốn biết cũng như muốn thử, nhưng khi thử rồi thì kể như “tàn cuộc đời!”.   

 

Điều làm cho nhiều người muốn ly dị và nghĩ rằng ly dị không đem lại hậu quả gì trầm trọng. Ly dị không mất gì mà còn có lợi. Ly dị để cho biết mình còn có giá. Ly dị vì người khác cũng ly dị. Và nhất là văn hóa hôm nay đang đề cao và cổ vỡ ly dị. Từ ảnh hưởng của một nền văn hóa sự chết, những nguyên nhân ly dị có mặt ngay cả trong các khảo cứu của khoa tâm lý và hôn nhân gia đình. Nhiều nghiên cứu cho hay, sau khi ly dị người ta sẽ sống thoải mái và hạnh phúc hơn. Con cái những cha mẹ ly dị cũng không thua sút gì so với những con cái của cha mẹ không ly dị. Các cha mẹ ly dị cũng không gặp khó khăn gì trong vấn đề giáo dục con cái.

 

Theo cái nhìn chủ quan của người viết thì những kết quả khảo cứu trên thực ra chỉ chứng minh được điều mà những nhà khảo cứu muốn chứng minh. Chúng ta cũng cần phải theo dõi những nghiên cứu khác nói về những hậu quả khác nhau của ly dị. Theo những nghiên cứu này, người đàn bà thường sẽ là người bị thua thiệt nhiều sau khi ly di. Thua thiệt không chỉ về phần tài chánh, mà còn cả về phương diện tâm lý và tình cảm nữa. Con cái của những cha mẹ ly dị có xác xuất ly dị cao hơn so với những con cái cha mẹ không ly dị. Việc giáo dục con cái gặp phải nhiều khó khăn hơn, đặc biệt khi con cái bước vào tuổi vị thành niên. Ngoài ra, chẳng cần để ý nhiều đến những kết quả khảo cứu này khác, chỉ cần nhìn vào thực thế, chúng ta cũng thấy ngay hàng tá những phức tạp và khó khăn xảy ra cho người ly dị, cách riêng phía phụ nữ. Kéo theo là hàng bao nhiêu những đau khổ, thiệt thòi về mặt tâm lý, tình cảm, luân lý và đạo đức.

 

Sau đây là kinh nghiệm từ một bà mẹ quê, ít học thức và không hề quan tâm gì đến những kết quả khảo cứu của tâm lý hay xã hội. Trong gia đình, chồng bà là người đàn ông tốt, nhưng bất hạnh ông bị bệnh và hầu như không giúp gì cho gia đình về mặt tài chánh. Kinh tế gia đình do một tay bà đảm đang, gánh vác. Bà lo tìm kiếm miếng cơm, manh áo cho gia đình, và còn bỏ nhiều giờ lo lắng cho người chồng bệnh tật. Đã có lần ông nói với bà:

 

– Bà ơi! Tôi cầu xin cho được chết đi để đỡ làm bà đau khổ. Tôi thấy mình vô dụng quá!

 

Nhưng bà đã trả lời ông bằng một câu mà có lẽ các nhà tâm lý, giáo dục, xã hội, và đạo đức cần phải học cho biết. Bà nói với ông:

 

– Ông không biết ông là cột trụ của cái nhà này sao. Sự hiện diện của ông chính là niềm vui, an ủi, và sức mạnh cho mọi người trong nhà sao. Sao ông nói ông là người vô dụng. Một lời ông nói, một cử chỉ của ông chẳng ảnh hưởng đến đời sống mẹ con tôi sao! Cái mẫu mực cuộc sống của ông, sự can đảm chịu đựng bệnh tật của ông, chẳng là những bài học quí giá của đời sống đó sao?…

 

Trở lại tư tưởng ly dị. Ly dị ai cũng biết đó là căn bệnh trầm kha của xã hội. Căn bệnh mà hầu như ai cũng bị lây lan ít nhiều cách này hay cách khác. Từ những cám dỗ bên trong cũng như bên ngoài. Từ gia đình, bạn bè, và xã hội. Nó như những con siêu vi trùng ẩn hiện đây đó và chỉ chờ cho cơ thể con người yếu mệt, thiếu khả năng đề kháng là lộ diện tung hoành. Do đó, để đề phòng căn bệnh này, điều trước hết là:

 

1- Không trực diện với tư tưởng li dị. Bằng mọi cách, chúng ta phải gạt bỏ ngay tư tưởng ly dị khi nó đến với mình dưới bất cứ hình thức nào và lý do nào. Các nhà tâm lý ví tư tưởng ly dị như tư tưởng tự tử. Một người mang ý tưởng tự tử trước sau gì cũng dẫn đến hành động tự tử. Điều này dễ hiểu vì theo triết học, “tôi suy nghĩ là tôi hành động”. Sự thôi thúc, nghiềm ngẫm cái chết đã đưa nhiều người vào bệnh viện tâm thần hay các phòng cấp cứu của các bệnh viện. Sự nghiền ngẫm và nuôi ý tưởng ly dị cũng đã và sẽ đưa nhiều người đến văn phòng luật sư để kết thúc bằng tờ giấy ly dị.

 

2- Không bước vào đời sống hôn nhân với ý tưởng thử cho biết. Đây không phải là một quyết định thử chơi cho biết. Không phải là món hàng mua rồi có thể mang trả lại. Không phải là chiếc áo mặc không vừa thì cởi bỏ.

 

Hôn nhân là một quyết định hệ trọng và ảnh hưởng suốt đời một người. Quyết định này, do đó, không phải là một quyết định có tính cách chơi đùa thử cho biết. Dĩ nhiên, về mặt vật chất sự tốn kém tiền bạc tổ chức một đám cưới không quan trọng, ngay cả việc phải chia tài sản sau khi ly dị cũng không quan trọng. Nhưng quan trọng ở mặt tâm lý, tình cảm, và đạo đức. Ảnh hưởng của ly dị trên con cái, và trong việc giáo dục con cái. Những thứ này tiền bạc không mua được. Và những kinh nghiệm này rất quí giá, đôi khi phải trả bằng máu và nước mắt.

 

3- Không bước vào đời sống hôn nhân với tư tưởng không hợp thì bỏ. Nếu ta không nên trực tiếp đối diện với tư tưởng ly dị, thì cũng không nên đem nó vào cuộc đời hôn nhân của mình. Khi bước vào hôn nhân với tư tưởng không hợp thì bỏ, lập tức sẽ mở ra hằng trăm lối cho việc tháo chạy sau này.

 

Tuổi tác khác biệt. Tâm lý khác biệt. Học vấn khác biệt. Văn hóa khác biệt. Tôn giáo khác biệt. Ảnh hưởng giáo dục khác biệt… chỉ cần nghĩ đến từng ấy những khác biệt căn bản cũng đã đủ để cho một kết luận là tự nhiên sẽ không dễ dàng cho hai người sống chung hạnh phúc với những bất đồng ấy. Chính chúng sẽ là cánh cửa mở ngỏ cho những xung khắc để dẫn đến ly dị về sau này.

 

Tóm lại, đời sống hôn nhân là một đời sống đòi hỏi nhiều nỗ lực và cố gắng. Hạnh phúc hôn nhân luôn phải mua bằng giá hy sinh. Không hy sinh, tình yêu chỉ là giả dối và hời hợt. Nhưng hy sinh sẽ đụng phải tư tưởng ly dị, nếu như tư tưởng ấy đã có sẵn và được nuôi dưỡng bằng cái tôi tự ái, ích kỷ. Hãy loại bỏ tư tưởng ly dị khi bước vào hôn nhân. Và hãy bỏ chạy mỗi khi tư tưởng ấy tấn công chúng ta. Điều này cũng nhắc nhở mọi người là hãy bước vào hôn nhân bằng sự suy nghĩ chín chắn, bằng tình yêu cao thượng, và bằng tâm tình hy sinh để bảo vệ hạnh phúc tình yêu của mình. Ly dị không phải là câu trả lời cuối cùng cho đời sống hôn nhân. Đừng đem tư tưởng này vào với đời sống hôn nhân của mình. 

 

Trần Mỹ Duyệt

 

Độc giả có thể tìm mua các tác phẩm sau đây viết về hôn nhân của tác giả:

– Tình yêu và tuổi trẻ.

– Bí quyết hạnh phúc của hôn nhân.

– Duy trì và phát triển đời sống hôn nhân.

– Sinh lý trong hôn nhân.  

– Tình yêu & Cảm xúc của Phụ Nữ. 

Qua địa chỉ emai: tmduyet@sbcglobal.net 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.