Uncategorized

Bệnh mất trí nhớ (Alzheimer)

Trong những năm gần đây, hầu như các talk show trên đài truyền hình Mỹ và các tạp chí lớn như báo Time, Newsweek, đều có những bài phóng sự nói về bệnh Alzheimer, tạm dịch là bệnh mất trí, những triệu chứng ban đầu cũng như các chương trình nghiên cứu y khoa để tìm cách ngăn ngừa và chữa trị.

Trong những năm gần đây, hầu như các talk show trên đài truyền hình Mỹ và các tạp chí lớn như báo Time, Newsweek, đều có những bài phóng sự nói về bệnh Alzheimer, tạm dịch là bệnh mất trí, những triệu chứng ban đầu cũng như các chương trình nghiên cứu y khoa để tìm cách ngăn ngừa và chữa trị. Bệnh nầy đáng sợ không thua gì bệnh ung thư, làm tiêu mòn trí óc dần dần và nhất là gây đau khổ không những cho người mắc bệnh mà cả đến thân nhân và gia đình.

 

Thống kê mới nhất cho biết hơn 60% người Mỹ đều biết và nghe nói về bệnh ấy. Tổng thống Reagan chết vì bệnh nầy vào năm 2004. Thân phụ bà cựu thống đốc California, Sargent Shriver, cũng chết vì bệnh nầy vào năm 2003. Bản thống kê còn cho biết có hơn 5 triệu người Mỹ đang mắc bệnh nầy và dự đoán vào năm 2050, hơn 13 triệu người Mỹ sẽ mắc bệnh nầy vì thế hệ baby boomer sẽ rất đông và sống lâu hơn.

 

Đọc xong những thống kê nầy tôi tự nhiên đâm lo (!). Hình như những triệu chứng ban đầu của căn bệnh nó đúng về tình trạng chính mình: tôi thuộc về baby boomer và nhất là những triệu chứng của căn bệnh như sau:

– Bao nhiêu lần vợ sai ra chợ mua thức ăn, nhưng đến nơi không nhớ cần mua những gì.
– Tìm được phù hiệu GĐN để mang đi họp là cả môt vấn đề vì quên không biết để nơi mô.
– Về đến nhà là không còn nhớ Cha Hùng giảng gì trong thánh lễ.
– Cười cười khi gặp các anh chị trong GĐN vì quen mặt nhưng chẳng nhớ tên.
– Nhiều lần loay hoay đi tìm cặp kính cận để mang, không ngờ mình đang đeo mắt kính.

 

Nếu đó không phải là những triệu chứng ban đầu của căn bệnh mất trí thì là gì?!!

 

Có một câu chuyện, chưa được kiểm chứng, kể rằng có một bác trong gia đình Nazareth mời bạn bè đến đánh chén mừng ngày kỷ niệm 45 năm thành hôn. Sau bữa ăn ngon miệng, các bà vợ đi vào bếp dọn dẹp, còn các ông chồng ra phòng khách trò chuyện.

Một ông bạn thắc mắc: Bác lịch thiệp và yêu vợ thật đấy. Bác luôn luôn gọi vợ là “mèo con của anh”, “mật ngọt của anh”, “thiên thần nhỏ của anh”, “cục cưng của anh”, nghe ngọt ngào làm sao.

 

Bác nhà ta đảo mắt nhìn quanh dè chừng vợ, rồi thì thầm: “Chẳng dấu gì các anh, cách đây 4 năm rồi, tôi quên tiệt tên của bà ấy” (It’s a joke!)

 

Hiện thời, các chương trỉnh nghiên cứu y khoa chưa tìm ra phương thức để trị bệnh mất trí. Dr. Oz Show đưa ra những thức ăn có thể ngăn ngừa căn bệnh. Thực ra, thuốc men cũng như cách thay đổi đời sống để giữ cho đầu óc thanh thản hoặc minh mẫn chỉ là những phương cách trì hoãn căn bệnh thôi, chứ không chữa bệnh. Nhưng để chữa bệnh,  các khoa học gia cần nhiều tình nguyện viên tham gia vào các chương trình nghiên cứu. 84% những người được thăm dò cho biết là họ đang lo sợ là chính họ hoặc một người thân nào đó sẽ mắc bệnh. Tuy nhiên, vấn nạn hiện nay là không mấy ai muốn tham gia vào các chương trình nghiên cứu. Lý do đưa ra là cho dù tôi có mắc bệnh nầy trong tương lai, nhưng chưa có cách chữa trị nào rõ rệt để giúp tôi ngăn ngừa chứng bệnh nầy. Do đó, bà Cựu Thống Đốc tiểu bang California, Maria Shriver, đang dẫn đầu cuộc vận động tại quốc hội để tài trợ nhiều hơn cho các chương trình nghiên cứu y khoa.

 

Nghĩ cho cùng, cuộc đời thực sự là cái vòng lẩn quần. Lúc còn nhỏ, cha me đút cho ăn, thay tã, rồi đặt trên troller đẩy ra công viên hóng gió. Đến tuổi già, người thân đút cho ăn, thay tã, đặt ngồi xe lăn đưa ra sân sau ngắm cảnh. Phần lớn bệnh nhân mất trí cần được chăm sóc 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần. Nhiều thân nhân bắt buộc phải bỏ việc làm để chăm sóc cho người bệnh. Bà Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Sandra O’Connor  phải từ chức để về lo cho chồng. Thống kê cho biết đến một giai đoạn nào đó, phần lớn người bệnh được đưa vào các viện dưỡng lão để được chăm sóc vì gia đình không thể quán xuyến nỗi.

 

Tôi có dịp đi thăm ba của một người bạn đồng nghiệp đang ở tại Irvine Regents Point, nhà hưu dưỡng dành riêng cho những người bị bệnh mất trí. Nhà thương rất đẹp, sạch sẽ, sang trọng, đầy đủ sinh hoạt và tiện nghi. Khi ra về, tôi mừng cho ba của bạn tôi có nơi nghỉ ngơi thoải mái và được chăm sóc kỹ lưỡng, nhưng cảm thấy bàng hoàng vì suốt cả buổi thăm ông không nhận ra con mình. Cha con nhìn nhau như hai kẻ xa lạ.

 

Thú thật mỗi lần đi dự lễ an táng để tiễn đưa một vị cao niên trong cộng đoàn, tôi cảm thấy một chút gì hối tiếc với người quá cố. Hối tiếc vì có lẽ đã hối hả về nhà nên không có nhiều dịp để bắt tay chào hỏi khi găp nhau sau Thánh lễ. Hối tiếc vì không dành thời giờ để thăm viếng thường xuyên hơn khi được tin đau ốm. Hối tiếc vì có lẽ tôi thiếu dịu dàng, kiên nhẫn trong cách cư xử. Đối với tôi, Gia Đình Nazareth bây giờ là cái vòng lẩn quẩn của cuộc đời, là một đại gia đình trong đó có già có trẻ để cùng nhau trau đồi kinh nghiệm sống đức tin, nâng đỡ tinh thần và hỗ trợ tình cảm, chia sẻ những khó khăn trong đời sống gia đình để cảm thông và giúp nhau thăng tiến. Làm thế nào đề các cặp vợ chổng nhận thức sự thiếu xót nầy.  

 

Mẹ tôi qua đời cách đây hơn 4 năm. Mặc dù đã 93 tuổi, lẫn trí quên trước quên sau, nhưng vẫn đọc sách báo và viết thư đều đặn. Mỗi buổi chiều sau khi đi làm về, tôi thường ghé qua thăm mẹ. Mẹ tôi hay bắt ghế ngồi trước cửa chờ tôi đến. Vừa gặp mặt, mẹ tôi cầm tay tôi thủ thỉ như một đứa trẻ: “Gặp con mỗi ngày là má vui rồi”. Khi nhớ lại những lời nói nầy, tôi hằng cám tạ Chúa đã cho mẹ tôi còn nhận ra tôi cho đến ngày cuối cùng trên giường bệnh.

 

Ước gì bao lâu còn sinh hoạt trong đại gia đình Nazareth, tôi còn nhận diện và gọi được tên các anh chị, chứ cúi đầu chào rồi cười cười bỏ đi thì đúng là triệu chứng bệnh mất trí rồi đó.

 

Còn nhận ra nhau là dzui rồi phải không các anh chị!!   

Ngày Vinh Danh Cha Mẹ 2012
Lê John Mừng & Marie Lan       
      

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.