Tháng mười đã trôi qua, hôm nay, chúng ta bắt đầu bước vào tháng mười một. Như là một truyền thống đẹp, tháng mười một là tháng Giáo Hội dành riêng, trước là kính trọng thể các thánh nam nữ, sau là tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người anh chị em tín hữu đã “Về bên kia thế giới”.
Các thánh nam nữ là ai? Thưa, các ngài chính là những người đã ly trần, đã để lại những tấm gương mẫu mực trong đời sống đức tin, đức cậy và đức mến. Giáo Hội, dựa trên quyền năng tối thượng, tôn phong các ngài sau nhiều cuộc điều tra cẩn thận và tỷ mỉ về các nhân đức mà các ngài đã thể hiện khi còn tại thế.
Còn với những người anh chị em tín hữu đã “về bên kia thế giới”, nhớ và cầu nguyện cho họ, là để thể hiện niềm tin “tôi tin có hội thánh ở khắp thế này, các thánh thông công”, và hơn thế nữa, đó là tin vào : “Xác loài người sẽ sống lại và sự sống đời sau”.
**
Đây không phải là một niềm tin mơ hồ, niềm tin này đã được chính Đức Giêsu dạy dỗ trong những ngày Ngài còn tại thế.
Từ khởi nguyên: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật… Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Eden , để cày cấy và canh giữ đất đai. Đức Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn NGƯƠI SẼ PHẢI CHẾT”.(St 2,7…16-17).
Con người đã ăn và con người đã phải chết. Sự trừng phạt cho tội bất tuân chính là cái chết. Đức Chúa đã phán với con người rằng: “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất”(St 3,…19).
Sự chết đã ám ảnh suốt chiều dài lịch sử của con người. Và khi Đức Giêsu đến, ám ảnh đó đã được giải tỏa. Một thông điệp đã được Ngài loan báo: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).
“Được sống muôn đời” không có nghĩa là không phải chết đi với cái thân xác hư nát thuộc dòng dõi nguyên tổ. Sự sống muôn đời, theo niềm tin mới, đã được Đức Giêsu công bố trong một lần Ngài đến Caphácnaum.
Hôm đó, tại Ca-phácnaum, có thể nói, đó là một ngày trọng đại, trọng đại bởi Đức Giêsu đã gởi đến cho thế gian một thông điệp, một thông điệp hệ trọng cho cả một đời người.
Thông điệp rằng: “…Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết”.
Trước một rừng cử tọa vây quanh, hôm đó, Đức Giêsu kết thúc thông điệp, rằng “…Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 40).
Không phải bây giờ Giáo Hội mới xác tín niềm tin này, ngay từ thời tiên khởi, Giáo Hội đã xác tín, sự xác tín đó được biết đến qua thị kiến của thánh Gioan rằng: “Tôi thấy; kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta… Họ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh”. (Kh 7, 16).
“Nguồn nước trường sinh”, vâng, hãy nhớ, đó chính là nguồn nước Đức Giêsu đã nói với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp, rằng “đem lại sự sống đời đời” (Ga 4, …14).
**
Trở lại với lịch Phụng Vụ tháng mười một hôm nay. Kinh Thánh có chép rằng: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời; một thời để chào đời, một thời để lìa thế…” (Gv 3, 1-2).
Với những gì sách Giảng Viên đã chép, nên chăng, gọi tháng này là tháng của “một thời để lìa thế”! Vâng, sẽ có một ngày chúng ta phải lìa thế. Hôm nay là anh và ngày mai là tôi, không một ai trong chúng ta mà không phải chết.
Cho nên, hãy dành một phút thinh lặng để:“… nói về cuộc đời; Khi tôi không còn nữa… Sẽ lấy được những gì! Về bên kia thế giới….” (Thơ Du Tử Lê).
Nói cách khác, khi tôi không còn trên cõi đời này nữa, tôi có được “sống lại và được hưởng sự sống đời đời” hay không?
Hay, điều chúng ta “sẽ lấy được” sau cái chết, đó là sự “cực hình lửa thiêu đốt”?
Vâng, câu trả lời phụ thuộc vào đời sống của chính mỗi chúng ta, như người xưa có nói “sống sao chết vậy”.
***
Thưa bạn, trong đời sống thường nhật, để bảo đảm cho sức khỏe, cho tuổi già, cho tương lai cuộc sống, chúng ta thường chạy đến những công ty bảo hiểm và đặt niềm tin vào đó bằng cách mua đủ loại bảo hiểm. Nào là bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm nhân thọ v.v… và v.v…
Thế còn, bảo hiểm cho “sự sống lại và sự sống đời đời”; chúng ta có nghĩ đến? Và khi nghĩ đến, chúng ta sẽ đến “công ty bảo hiểm” nào đây?
Sẽ không có công ty nào ngoài công ty mang tên “Giêsu”. Ông chủ Giêsu luôn cất tiếng mời gọi, mời gọi những ai “mệt mỏi và gánh nặng”, gánh nặng về sức khỏe, về bệnh tật, và nhất là về một “sự sống lại và sự sống đời đời” rằng: “Hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ”.
Vẫn biết rằng, những bảo hiểm về thể xác, tốt, thế nhưng, rồi nó cũng sẽ lụi tàn, lụi tàn “khi tôi không còn nữa”. Nhưng, với việc “bảo hiểm cho linh hồn”, một loại bảo hiểm cho “sự sống lại và sự sống đời đời” cho dù chúng ta đã “về bên kia thế giới” nó vẫn tồn tại, tồn tại theo chúng ta tới tòa phán xét, nơi ông chủ Giêsu sẽ chọn “những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết” (Lc 20, 34-35).
Với việc bảo hiểm cho thể xác, chúng ta sẽ phải mất nhiều tiền… rất nhiều tiền. Theo phát ngôn viên của Real Madrid, ông chủ của câu lạc bộ hoàng gia này đã phải bỏ ra không dưới 4,5 triệu euro mỗi năm để mua bảo hiểm cho Cristinao Ronaldo.
Thế nhưng, với việc “bảo hiểm cho linh hồn”, một loại bảo hiểm cho “sự sống lại và sự sống đời đời”, ông chủ Giê-su không lấy một xu. Chỉ cần người đó “thấy người Con và tin vào người Con” là chính Đức Giêsu, là đủ. Đủ để người đó “được sống muôn đời” và theo lời Ngài tuyên phán, Ngài “sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 40).
****
Giờ đây, chúng ta hãy trở lại với thị kiến của thánh Gioan, ngài đã làm chứng rằng: “Tôi nghe nói đến con số những người được đóng ấn: một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn…” (Kh 7, 4).
Đừng để ý đến con số “tượng trưng” đó, mà hãy tự hỏi lòng mình rằng, liệu, “khi tôi không còn nữa”, tôi có là một trong số những người đã được thánh Gioan “nghe nói đến”? Và rằng, khi tôi “về bên kia thế giới” tôi có là người đã được “đóng ấn”?
Muốn “tôi có là ư!” Phải có tấm thẻ bảo hiểm mang tên công ty Giêsu.
Ngày xưa, như chúng ta được biết, là một quân nhân, không một ai mà không luôn đeo “tấm thẻ bài” trên người của mình, bởi nhờ đó, ban chung sự mới biết được tên tuổi và số quân khi người quân nhân đó tử trận để làm hồ sơ lãnh tiền tử tuất.
Cũng vậy, với chúng ta, là người Ki-tô hữu, đừng bao giờ rời bỏ “tấm thẻ bảo hiểm mang tên công ty Giêsu”, bởi, tấm thẻ đó chính là “vật chứng” để làm hồ sơ, không phải hồ sơ lãnh tiền tử tuất, nhưng là hồ sơ hưởng phúc đời sau, một hạnh phúc “được sống muôn đời”.
Thưa Bạn… Bạn đã có tấm thẻ bảo hiểm mang tên công ty Giêsu? Vâng, phải có Bạn nhé! Bởi, tấm thẻ đó, chính là câu trả lời cho câu hỏi “Khi tôi không còn nữa… Sẽ lấy được những gì! Về bên kia thế giới….”
Petrus.tran
Views: 0