Một số nhận định của Đức Hồng Y Walter Brandmueller, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh các khoa sử học, về 7 năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.
Cách đây bẩy năm, ngày 22 tháng 4 năm 2005, tức 22 ngày sau khi Đức Gioan Phaolô II qua đời, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại thềm đền thờ Thánh Phêrô để chính thức bắt đầu chức vụ Chủ Chăn Giáo Hội hoàn vũ.
Trước hơn 300 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ, Đức Joseph Ratzinger mở đầu bài giảng bằng cách suy tư về Kinh cầu Các Thánh, đã vang lên trong thánh lễ an táng Đức Gioan Phaolô II, trong Mật nghị Hồng Y bầu Giáo Hoàng và sau cùng trong ngày lễ bắt đầu sứ vụ Người Kế Vị Tánh Phêrô. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói: ”Giờ đây, trong lúc này, tôi, người đầy tớ yếu đuối của Thiên Chúa, tôi phải lãnh trách nhiệm chưa từng nghe thấy này, nó thực sự vượt qúa mọi khả năng của con người. Tất cả các bạn thân mến, các bạn vừa mới khẩn cầu toàn đoàn ngũ các thánh. Và như thế trong tôi cũng sống dậy ý thức này: đó là tôi không cô đơn. Đoàn ngũ các Thánh che chở tôi, nâng đỡ tôi và đem tôi đi”.
Tiếp đến Đức Ratzinger quảng diển ý nghĩa hai dấu hiệu của dây Pallium và nhẫn của người chài lưới, và kết thúc bài giảng bằng cách nhắc lại lời Đức Karol Wojtyla đã gióng lên trong ngày lễ bắt đầu sứ vụ Phêrô của người hồi năm 1978: ”Anh chị em đừng sợ, hãy mở, nhưng còn hơn thế nữa, hãy mở toang cửa cho Chúa Kitô”.
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 18-4-2012 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã xin tín hữu cầu nguyện cho ngài. Ngài nói: ”Tôi xin anh chị em luôn nâng đỡ tôi với lời cầu nguyện của anh chị em, để với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, tôi có thể kiên trì trong việc phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội”. Trong buổi đọc kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng Chúa Nhật trước đó Đức Thánh Cha cũng đã xin tín hữu cầu nguyện nhiều cho ngài.
Trong bẩy năm làm Giáo Hoàng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã công bố ba Thông Điệp: ”Deus Caritas” năm 2005, ”Spe Salvi” năm 2007 và ”Caritas in veritate” năm 2009. Ngài cũng đã công bố ba Tông Huấn ”Sacramentum caritatis” năm 2007, ”Verbum Domini” năm 2010 và ”Aficae munus” năm 2011. Đức Thánh Cha cũng công bố ba Năm đặc biệt là Năm thánh Phaolô (2008-2009) Năm Linh Mục (2009-2010) và Năm Đức Tin (2012-2013). Ngài đã thực hiện 23 chuyến công du mục vụ tại các nước ngoài và 26 chuyến viếng thăm trong nước Italia.
Giảng trong thánh lễ mừng sinh nhật thứ 85 trong nhà nguyện Paolina sáng 16-4-2012, Đức Thánh Cha nói: ”Tôi đang đứng trước chặng cuối cùng trong cuộc đời tôi và tôi không biết điều gì chờ đợi tôi. Tuy nhiên, tôi biết rằng có ánh sáng của Thiên Chúa, rằng Người đã sống lại và ánh sáng của Người mạnh hơn mọi tối tăm; lòng lành của Người mạnh hơn mọi sự dữ của trần gian này. Và điều này giúp chúng ta vững vàng tiến bước, và trong giờ này tôi hết lòng cám ơn tất cả những ai liên lỉ làm cho tôi cảm nhận được tiếng ”có” của Thiên Chúa qua đức tin của họ”.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Walter Brandmueller, về 7 năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Đức Hồng Y Brandmueller sinh năm 1929 tại Bavière miền nam nước Đức và từng là giáo sư môn lịch sử Giáo Hội thời trung cổ và tân thời tại đại học Augsburg. Năm 1981 cha Brandmueller bắt đầu là thành viên Hội Đồng Tòa Thánh Khoa Học Lịch Sử, thay thế cha Hubert Jedin chuyên viên lịch sử Công Đồng Đồng Chung Trento, qua đời năm trước đó. Từ năm 1998 tới 2009 Đức Tổng Giám Mục Brandmuelller là chủ tịch Hội Đồng này, và năm 2010 ngài được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI vinh thăng Hồng Y. Là chuyên gia về lịch sử các Công Đồng Chung, Đức Hồng Y Brandmueller đã thành lập và in ấn nguyệt san ”Annuarium Historiae Conciliorum – Niên giám lịch sử các Công Đồng” và loạt sách ”Konziliengeschichte – Lịch sử các Công Đồng”.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, ngày 24-4 vừa qua là đúng bẩy năm Đức Thánh Cha Biển Đức XVI giữ chức vụ Chủ Chăn Giáo Hội Hoàn Vũ, một triều đại mà có người vẫn tiếp tục gọi là triều đại ”chuyển tiếp”, Đức Hồng Y nghĩ sao?
Đáp: Tôi thấy đó là một nhận xét rất giản lược. Cùng lắm thì có thể định nghĩa là ”chuyển tiếp” triều đại của Đức Gioan Phaolô I, là vị trong một nghĩa nào đó đã ghi dấu sự cáo chung của hiện tượng độc quyền của Italia trên ngai tòa Thánh Phêrô, chứ không phải là triều đại của Đức đương kim Giáo Hoàng. Và không phải chỉ vì bẩy năm, bẩy năm đâu có phải là ít…
Chúng ta hãy lấy khẩu hiểu mà Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chọn khi được chỉ định làm Tổng Giám Mục Muenchen Freising ”Cooperatores veritatis” Cộng sự viên của Chân Lý. Từ khẩu hiệu này người ta có thể suy diễn ra đâu là sợi chỉ đỏ nối liền xuyên suốt toàn cuộc sống của vị đương kim Giáo Hoàng, ngay từ thời người còn là giáo sư: đó là vấn đề liên quan tới chân lý.
Hỏi: Trong nghĩa nào thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Trong thế giới ngày nay với chủ trương thực tiễn và tương đối hóa của nó, người ta cho rằng không thể nhận ra một sự thật. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, trái lại, liên lỉ nhắc cho chúng ta biết rằng có thể nhận biết chân lý nhờ việc đối thoại phong phú giữa đức tin và lý trí.
Hỏi: Theo Đức Hồng Y, một cách tổng hợp và trong một viễn tượng lịch sử, đâu là các điểm nổi bật khác trong triều đại của Đức đương kim Giáo Hoàng?
Đáp: Theo tôi, đó là việc giải thích Công Đồng Chung Vaticăng II một cách đúng đắn. Đây là điều đã khiến cho Đức Ratzinger say mê ngay từ sau khi kết thúc Công Đồng. Trong nghĩa này, diễn văn chúc mừng nói với các chức sắc Trung Ương Tòa Thánh hồi tháng 12 năm 2005 có tầm quan trọng đặc biệt. Đức Thánh Cha đã cảnh báo chống lại một kiểu giải thích Công Đồng như là một bẻ gẫy sự tiếp nối của truyền thống Giáo Hội cho một sự cải tổ. Các lời người nói vài tháng sau khi được bầu làm Chủ Chăn Giáo Hội hoàn vũ không phải là không có hiệu qủa, nhưng đã bao gồm các cử chỉ chính xác trong việc cai quản Giáo Hội.
Hỏi: Có phải Đức Hồng Y có ý nói tới tự sắc ”Summorum Pontificum” không?
Đáp: Chắc chắn là đối với Đức Giáo Hoàng phụng vụ có một vai trò thực sự trung tâm trong đời sống của Giáo Hội. Từ đó người cũng lo lắng để cho phụng vụ được cử hành một cách tốt đẹp. Nhưng như là hành động cai quản của Đức Giáo Hoàng tôi cho rằng Tông hiến “Anglicanorum coetibus” cũng không kém phần quan trọng, vì nó ghi dấu một kiểu canh tân trong việc theo đuổi cuộc đối thoại đại kết, và nó cũng có thể cống hiến một mô thức cho các trường hợp khác nữa.
Hỏi: Đức Hồng Y nói tới các hành động cai quản của Đức Giáo Hoàng, nhưng cũng có người cho rằng hơn là cai quản Giáo Hội Đức Thánh Cha thích viết sách hay soạn các bài giảng cho các lễ nghi phụng vụ trang trọng hơn, Đức Hồng Y nghĩ sao?
Đáp: Trước hết tôi không thấy có sự mâu thuẫn nào giữa việc cai quản tốt và việc viết sách, là đam mê của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Đối với Đức Thánh Cha, điều nòng cốt đó là làm cho người ta hiểu biết và yêu mến Chúa Giêsu và Giáo Hội của Chúa. Và đây là điều Đức Thánh Cha đã làm một cách rất tốt với các sách, các bài giảng và cả công việc thường ngày của vị Chủ Chăn Giáo Hội công giáo hoàn vũ. Khi luôn luôn có trước mắt tiêu chuẩn củng cố và an ủi các anh chị em khác trong đức tin, Đức Thánh Cha rất hiểu biết rằng trong một vài bối cảnh ngày nay tình hình của Giáo Hội ”thê thảm”, và vị thuốc duy nhất là tái khám phá ra đức tin: đó chính là trực giác khiến cho ngài công bố Năm Đức Tin, bắt đầu cử hành vào tháng 10 tới đây.
Hỏi: Như là sử gia, Đức Hồng Y đánh giá kiểu mà Đức đương kim Giáo Hoàng cai quản Cơ quan trung ương Tòa Thánh ở Roma và Giáo Hội hoàn vũ như thế nào?
Đáp: Tôi giả thiết rằng Giáo Hội khác và phải khác với bất cứ hiệp hội nào khác của loài người, lý do cũng là vì cung cách nó được cai quản. Và Đức Thánh Cha Biển Đức XVI có kiểu cai quản ”hiền dịu cương quyết”, là cung cách đúng với tinh thần Tin Mừng nhất. Gương mẫu trong nghĩa này là kiểu Đức Thánh Cha đương đầu với vấn đề rất nghiêm trọng: đó là nạn giáo sĩ tu sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, cả khi theo thống kê nó là điều ít nhất. Và đương nhiên bổn phận của các cộng sự viên của Đức Giáo Hoàng là biết thực thi một cách trung thành và cụ thể các chỉ dẫn mà thỉnh thoảng Đức Thánh Cha đã đề ra.
Hỏi: Người ta cũng nhận xét rằng Đức đương kim Giáo Hoàng ít chú ý tới các vấn đề ngoại giao, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Lãnh vực các bổn phận của của một vị Giáo Hoàng vượt qúa khả năng của một người. Vì thế mỗi vị Giáo Hoàng phải lựa chọn tập trung sự chú ý của sứ vụ mình vào điểm nào. Và như đã nói, sự lựa chọn của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI là sự thật của đức tin và sự hiệp nhất của Giáo Hội. Như là sử gia tôi nhận xét rằng với triều đại giáo hoàng này, mạng lưới các vị đại diện ngoại giao đã không giảm, trái lại đã gia tăng. Tòa Thánh đã thiết lập liên lạc ngoại giao với nhiều quốc gia khác. Nhưng tôi xin lập lại: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI muốn tập trung nòng cốt sứ vụ Người Kế Vị Thánh Phêrô của ngài vào việc loan báo Tin Mừng một cách thuyết phục và tươi vui cho con người ngày nay.
Linh Tiến Khải5/5/2012
(Avvenire 25-4-2012)
Views: 0