Thấy tiến lên đồi Canvê một nhóm người có võ trang, Mẹ nói với thánh Gioan và ba bà Maria rằng: “Mẹ đau khổ thật hết mức rồi. Người ta còn đến hành hạ Xác Thánh Con Mẹ nữa kia kìa.” Lúc ấy đã là chiều áp ngày Sabát đại lễ. Để chuẩn bị mừng lễ mà không phải bận tâm gì với mấy tử tội, người Do Thái đến xin với Philatô cho phép họ đập giập hết ống chân ba người tử giá để họ chóng chết, mà tháo xác xuống ngay chiều hôm ấy. Viên trấn thủ bằng lòng.
Bọn lính đến đập giập ống chân hai kẻ ác phạm còn sống. Song Chúa Giêsu thì, thấy Chúa đã chết, chúng không đập giập ống chân nữa. Nhưng một người lính tên là Longinô, muốn chắc chắn Chúa Giêsu chết thật, đã đến gần Chúa, lao chiếc đòng lên, phóng vào ngực Chúa. Đòng cắm vào thấu Trái Tim Chúa, liền có Máu và Nước chảy ra, như Thánh Gioan chứng kiến, đã thuật lại trong Tin Mừng của ngài.
Mẹ Maria lúc ấy cũng bị đâm thâu vào Trái Tim bằng cùng một sự đau đớn, y như chịu một lưỡi đòng cắm vào, và cái đau của linh hồn Mẹ thì còn nhức nhối hơn nữa. Nhưng, cảm thương Longinô, Mẹ nói với anh ta: ”Xin Thiên Chúa nhân từ thương nhìn đến anh, vì nỗi khổ đau anh vừa gây cho tôi.”
Chúa Giêsu nhận lời cầu khoan dung ấy của Mẹ: Mấy giọt Máu và Nước từ nơi Trái Tim Chúa chảy ra, bắn vào khuôn mặt khô cằn của người lính đó. Mắt anh ta vốn kém, gần như chỉ một còn mắt còn sáng, nhưng Nước và Máu ấy đã làm anh ta sáng luôn cả hai mắt, đồng thời con mắt linh hồn anh ta lại cũng được soi sáng, mở ra nhìn nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa, mà anh đã đả thương một cách dã man. Anh khóc lóc tội mình, tuyên xưng đức tin của anh vào Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, là Đấng Cứu Thế thật. Người Do Thái rất xấu hổ và căm giận anh. Về sau, ông Longinô đi rao giảng Phúc Âm tại Cappađốc, làm Giám Mục đầu tiên tại Cêsarê. Theo yêu cầu của người Do Thái, Philatô đã sai lính đến chém đầu ông. Giáo Hội kính Thánh tử đạo Longinô vào ngày 15 tháng 3 hằng năm. (Văn Hải dịch, Maria Agrêđa, Thần Đô Huyền Nhiệm)
Lòng Mẹ nhân ái, từ bi vô cùng, không những tha thứ mà còn cầu bầu, cứu giúp ông Longinô, vừa đâm đòng vào Trái Tim Con Mẹ dấu yêu. Hiệp ý cảm tạ, ngợi khen, chúc tụng Mẹ, chúng con kính dâng lên Mẹ bảy đóa hồng Tím sầu bi, khổ đau.
1. Đóa hồng Bi thương
Khi ông thánh Simêon ẵm kính Đức Chúa Giêsu thì nói cùng Đức Mẹ rằng: “Con Bà ngày sau nên như bia bắn và gươm sắc sẽ đâm qua lòng Bà”. Đức Mẹ nghe lời ấy thì lo buồn đau đớn như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một Kinh Lạy Cha, bảy Kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ cầu cho chúng con nhớ sự thương khó Đức Chúa Giêsu cho liên, như Đức Mẹ thuở xưa. Amen. (*)
Lời Mẹ huấn dụ:
Hỡi con, con không thể theo Chúa Giêsu được, nếu con không ẵm lấy thánh giá với Chúa và không làm vui lòng Chúa trong thánh giá ấy! Cho rằng các thụ tạo bỏ rơi con, cho rằng các chước cám dỗ xông đánh con, cho rằng các đau khổ chết chóc vây bọc con đi nữa, thì cũng chẳng có gì mà con phải xao xuyến thất vọng. Con hãy cứ tin tưởng vào ơn Chúa phù trợ và vào tình Mẹ săn sóc cho con. Con hãy kêu lên: “Chúa nâng đỡ tôi, thì tôi còn nao núng nỗi gì? Tôi còn có một người Mẹ bảo bọc tôi luôn nữa mà!”
Như vậy, con sẽ duy trì được sự bình an tâm hồn, như Mẹ đã duy trì lới tiên tri của thượng tế Simêon xuyên thủng tâm hồn Mẹ. (Thần Đô Huyền Nhiệm)
“Gian khổ nặng nề, nếu con khiếp sợ, trốn tránh. Gian khổ dịu dàng, nếu con can đảm chấp nhận.” (Đường Hy Vọng, số 717)
2. Đóa hồng Mẫu tử
Khi Đức Mẹ nghe thấy thánh Thiên Thần báo tin vua Hêrôđê đi tìm Đức Chúa Giêsu mà giết, thì đưa Con sang nước Ai Cập, thì Đức Mẹ rất khốn cực mọi đàng, như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một Kinh Lạy Cha, bảy Kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ cầu cho chúng con được giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho liên, chớ làm sự gì trái nghịch mất lòng Đức Chúa Giêsu nữa. Amen. (*)
Lời Mẹ huấn dụ:
Biến cố trên đời xảy ra thế nào đi nữa, con cũng phải luôn luôn tin cậy vào Thiên Chúa. Nếu người ta cần khát mong có những gì thật cần thiết thôi, thì họ thật là điên dại khi đặt tin tưởng vào những thụ tạo hèn yếu, chứ không vào Đấng Quan Phòng cho cả loài chim bé nhỏ. Vì thâm tín như vậy, nên Mẹ không có thể e ngại một chút nào trong cuộc hành trình dài sang Ai Cập. thật là một an ủi lớn lao khi nghĩ rằng ta được phụng sự Đấng duy nhất có quyền tuyệt đối cai trị hết mọi thụ tạo. Cho nên, hỡi con, con hãy yêu thích luôn luôn nói lại lời này: “Ai như Thiên Chúa ngự trên nơi cao thẳm mà vẫn nhìn xuống chỗ thấp nhất trên trời dưới đất được? Ai như Đấng toàn năng không lệ thuộc một ai, Đấng luôn toàn thắng kẻ thù và giam cầm ma quỷ trong hỏa ngục?” (Thần Đô Huyền Nhiệm)
“Những lúc vinh hiển nhất của đời Chúa Giêsu: Núi Taborê, vào thành Giêrusalem, làm phép lạ,.. Mẹ ở trong bóng tối. Những giây phút nguy hiểm, đau buồn nhất, Mẹ can đảm hiện diện: Di tản sang Ai Cập, dọc đường tử nạn bi thảm, nát lòng dưới Thánh giá, cầu nguyện trong nhà Tiệc ly. Mẹ không sống cho Mẹ, chỉ sống cho Chúa, cho công cuộc cứu chuộc.” (Đường Hy Vọng, số 928)
3. Đóa hồng Hiếu tử
Khi Đức Mẹ đem Con đi lễ đền thờ Giêrusalem, mà khi trở về thì lạc mất Con, thâu* đêm những* lo buồn khóc lóc, như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một Kinh Lạy Cha, bảy Kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ cầu cho chúng con, chớ có đi đàng tội lỗi, mà bỏ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu nữa. Amen. (*)
Lời Mẹ huấn dụ:
“Giấu ẩn nhan thánh Chúa đi cũng là một kỹ thuật khôn ngoan Chúa dùng để thử thách xem họ có yêu mến Chúa thật không, và để họ nâng lên cao trong nhân đức, hạ thấp họ xuống trong khiêm nhường, in sâu vào họ niềm e ngại hữu ích, sợ lỡ ra lạc mất Chúa, và sau cùng là an ủi họ trong hân hoan, khi Chúa trở lại với họ. Phần họ có trách vụ phải cẩn thận xa lánh những vướng víu làm cho họ không còn được thấy Chúa nữa. Nếu không thấy Chúa nữa thì là một hình phạt rồi.
Nếu lỡ ra để lạc mất Chúa, họ phải đi tìm Chúa, thao thức, âu lo, cho tới khi lại tìm thấy, rồi hết sức cẩn phòng để tỉnh thức luôn mãi, hầu không lạc mất được Chúa bao giờ nữa. (Thần Đô Huyền Nhiệm)
“Phản ứng đầu tiên của trẻ thơ là gọi: “Mẹ ơi!” khi lo sợ, khi lúng túng, khi đau buồn. Tiếng Mẹ là tất cả cho trẻ. Con hãy năng gọi: “Mẹ, Mẹ ơi! Con yêu mến Mẹ, Mẹ là tất cả của con.” (Đường Hy Vọng, số 921)
4. Đóa hồng Hy tế
Khi Đức Mẹ thấy Con vác cây Thánh Giá mà lên núi Calvariô, bởi cây Thánh Giá nặng thì ngã xuống đất nhiều lần, mà quân dữ đạp dậy, giục đi cho chóng, thì Đức Mẹ lo buồn sầu não, hai con mắt nên như hai suối nước chảy xuống đau đớn thảm thiết khốn cực mọi đàng, như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một Kinh Lạy Cha, bảy Kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ cầu cho chúng con vác Thánh Giá theo chân Đức Chúa Giêsu cho đến trọn đời. Amen. (*)
Lời Mẹ huấn dụ:
“Hỡi con, có thể rằng Chúa Giêsu đã không chu toàn sứ mạng Cứu Chuộc loài người, nếu Chúa đã không dạy họ rằng: Họ phải vác thánh giá mới thắng lướt được chính mình họ và chiến thắng ma quỷ. Cho nên, con hãy yêu đương ôm lấy thánh giá của con, hãy vui tươi vác lấy nó, mà đi theo vết chân Chúa Cứu Thế. Con phải lấy làm vinh hạnh khi chịu bắt bớ, chê cười, nhục mạ, bệnh tật, nghèo túng và tất cả những gì gọi là đau khổ. Muốn đẹp lòng Mẹ, con đừng tìm an ủi nào nơi các sự vật trần gian, con đừng để thời giờ suy lại những đau khổ con đã chịu, và đừng tỏ lộ đau khổ con đã chịu với một ai, với hy vọng giảm bớt đau khổ. Nhất là con hãy ý tứ đừng phóng đại những cái khó chịu mà thụ tạo gây cho con, đừng nói rằng, con phải đau khổ nhiều, và đừng so sánh con với những người đau khổ khác.” (Thần Đô Huyền Nhiệm)
“Khi lạc mất Chúa Giêsu, lòng Mẹ đau khổ tìm kiếm Con, chính lúc đó tình yêu của Mẹ biểu lộ rất rõ rệt. Khi con không còn được bao bọc bằng bầu khí huynh đệ thánh thiện, hầu như mất Chúa rồi. Chúa Giêsu sẽ trắc nghiệm rõ rệt tình yêu của con đối với Chúa có thành thực không! (Đường Hy Vọng, số 946)
5. Đóa hồng Di ngôn
Khi Đức Mẹ thấy Con ở trên cây Thánh Giá phán ra bảy lời như lối*của trọng để lại cho Mẹ vậy, đoạn thì gục đầu xuống mà sinh thì, thì lòng Đức Mẹ đau đớn quá sức, như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một Kinh Lạy Cha, bảy Kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ cầu cho chúng con hằng nhớ bảy lời cực trọng ấy như của châu báu cha lối cho con, mà tích vào lòng chúng con cho đến trọn đời. Amen.(*)
Lời Mẹ huấn dụ:
“Hỡi con, Mẹ muốn từ nay con hãy sống như đã chịu tử giá với Chúa Giêsu, trở nên tương tự Đấng làm mô phạm đáng tôn thờ, bằng cách con chết khỏi đời sống trần gian. Loài người đã sống xa gương mẫu ấy biết bao. Họ tìm cách làm cho luật Chúa giảm bớt đi cho dễ chịu, và mặc cả phần rỗi họ để mua Nước Trời với một giá rẻ, liều mất luôn nước ấy. Thật là ảo tưởng nguy hại! Con phải luôn thắng lướt mỗi sợ hãi những nghiêm khắc của Thánh Giá…
Ngày nay, người ta đã lìa bỏ con đường Thánh Giá, để theo đường thỏa mãn xác thịt, do đó Satan mới thống trị. Để con khỏi bị lôi cuốn vào con đường trầm luân này, con hãy đau đớn khóc than vì các linh hồn hư hỏng, hãy suy niệm những mầu nhiệm Nhập Thể và Tử Nạn của Chúa: Sự nhớ đến các mầu nhiệm ấy làm cho lũ đầu đảng hỏa ngục phải lo hãi kinh hồn.” (Thần Đô Huyền Nhiệm)
“Đây là Mẹ con!” Sau phép Thánh thể, Chúa không thể trối gì hơn cho con. Mẹ đã đạp đầu con rắn. Mẹ sẽ giúp con chiến thắng ma quỷ, xác thịt, thế gian. Mẹ sẽ ban ơn cho con giữ vững lý tưởng cao cả Chúa đã đặt vào lòng con. (Đường Hy Vọng, số 913)
6. Đóa Hồng Thống hối
Khi ông thánh Giuse và ông thánh Nicôđêmô, tháo đanh mà đem xác Đức Chúa Giêsu xuống, thì Đức Mẹ giơ hai tay lên cho được đỡ lấy xác Con, mà khi đã được thì ôm vào lòng, liền sấp mặt xuống trên đầu Con, cùng chẳng nề những gai nhọn ở đầu Con phải mặt Mẹ, mà mặt Mẹ thì dính những máu Con, mà mặt Con thì tràn ra những nước mắt Mẹ chảy xuống. Ai suy được sự thảm thiết đau đớn trong lòng Đức Mẹ bấy giờ ? Thật là như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy. Đoạn* lấy khăn trắng mà liệm. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một Kinh Lạy Cha, bảy Kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ cầu cho chúng con được lòng ăn năn khóc lóc, vì tội lỗi chúng con đã phạm làm cho Đức Chúa Giêsu chịu chết làm vậy. Amen. (*)
Lời Mẹ huấn dụ:
Hỡi con, con đã thấy Mẹ xử sự như thế nào trong suốt cuộc Chúa tử nạn: Mẹ nhiệt thành săn sóc đến các tông đồ, các phụ nữ đạo hạnh và những chuẩn bị an táng Chúa, Mẹ vẫn luôn điều hòa những bận rộn bề ngoài với những hành động trong linh hồn Mẹ. Không để việc bề ngoài ngăn cản việc bề trong. Để noi gương Mẹ điểm này, con đừng để cho việc tiếp xúc không thể tránh với thụ tạo, công việc bậc con phải làm, những đau khổ đời này, những cám dỗ của ma quỷ, con đừng để những điều ấy đánh lạc chủ tâm của con, xáo trộn nội tâm con. Chính trong cung thánh thanh thản và lặng lẽ ấy mà con được hưởng những ơn giao tiếp với Thiên Chúa. Để khỏi mất những ơn này, con hãy ý tứ đừng tự ý vướng víu bất cứ cách nào, đừng lưu luyến tự nhiên với vật nào, và đừng lo lắng vô ích. Không đề phòng như thế là có thể bỏ phí những ân huệ Chúa ban cho ở đời này và biết bao ân thưởng ở đời sau nữa. (Thần Đô Huyền Nhiệm)
“Dưới chân Thánh giá, con thấy Mẹ Maria đạt đến mức độ anh hùng của mọi nhân đức: Hiền lành, khiêm nhường, thinh lặng, nhẫn nại, tin tưởng cậy trông, yêu mến.
Mẹ nghẻo trơ trọi, vì mất cả con ruột là Giêsu, Thiên Chúa làm người.
Mẹ mến Chúa đến hiến dâng cả mạng sống mình và Máu Con để cứu chuộc nhân loại.
Mẹ chết tử đạo, vì không được chết theo con.
Mẹ tin cậy vững vàng trước điều thiên hạ cho là thất bại, sụp đổ hoàn toàn: Chúa chết. (Đường Hy Vọng, số 945)
7. Đóa hồng Tái sinh
Khi cất xác Đức Chúa Giêsu mà táng trong hang đá, đoạn lấy hòn đá lớn che ngoài cửa hang, thì lòng Đức Mẹ đau đớn thảm thiết như chết mà chôn trong một mồ cùng Con vậy, vì khi trước còn thấy xác Con mà còn đau đớn dường ấy, phương chi bây giờ chẳng còn thấy Con nữa, thì lòng Đức Mẹ rất khốn cực đau đớn là dường nào, như gươm sắc đâm qua lòng Đức Mẹ vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một Kinh Lạy Cha, bảy Kinh Kính Mừng, xin Đức Mẹ cầu cho chúng con được bỏ đàng tội lỗi mà đi đàng các nhân đức, cho được chết làm một cùng Đức Chúa Giêsu. Amen. (*)
Lời Mẹ huấn dụ:
“Sau cùng, con hãy nhìn ngắm sự việc xảy ra ở núi Canvê mà học cho biết tin cậy ở Chúa Quan Phòng. Lúc Mẹ không biết cách nào để táng xác Con Mẹ, thì Chúa Quan Phòng đã soi cho ông Giuse và ông Nicôđêmô làm việc ấy. Hai ông đã được phần thưởng trọng hậu vì dễ ngoan ngoãn vâng theo. Đó là trật tự lạ lùng Cháu Quan Phòng vẫn vui giữ khi xử sự. Muốn cho những người này được công nghiệp, Chúa Quan Phòng hay nhờ những người kia chịu đau khổ. Chúa cũng tu sửa những sỉ nhục người ta nhẫn nại chịu như vậy. thế nên, sau khi chịu nhục hình trên Thánh Giá, Chúa Cứu Chuộc liền được tôn kính thờ lạy và được mai táng một cách rất vinh dự uy nghi.”(Thần Đô Huyền Nhiệm)
“Con trào mước mắt đến với Mẹ, an ủi kẻ âu lo. Con đau khổ ê chề đến với Mẹ, phù hộ các giáo hữu. Con tội lỗi ngã sa, đến với Mẹ, bầu chữa kẻ có tội. Và chính con hãy trở thành một Maria khác, để đón tiếp mọi người đến trú ẩn, và con cũng là nguồn sống, là an vui, là hy vọng của anh em.” (Đường Hy Vọng, số 935)
Lạy Chúa Giêsu chịu khổ nạn và chịu đóng đinh, kính xin Chúa ban cho chúng con thêm lòng Tin Cậy Mến sâu đậm, để có thể can đảm chịu nạn vì danh Chúa, chịu đóng tính xác thịt vào Thánh Giá, mà theo Chúa đến cùng.
Lạy Mẹ Maria kính yêu, Mẹ đã đồng hành chịu khổ nạn, đồng công cứu chuộc với Chúa Giêsu. Mẹ đã đau đớn trải qua bảy sự thương khó tột cùng với Người. Kính xin Mẹ cầu bầu, che chở, dìu dắt, hướng dẫn chúng con đang lao đao giữa chốn ba đào, giữa thung lũng đầy nước mắt, để bình an về đến Quê Trời cùng Mẹ. Amen.
(*) Ngắm Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ
AM Trần Bình An
Views: 0