Sinh – tử là quy luật có từ muôn thuở, đã là người khi cất tiếng khóc chào đời thì đến một ngày nào đó cũng phải trở về Nguồn Cội. Trong dòng chảy quy luật ấy, sáng Chúa nhật 22 tháng 2, Đức Cố Hồng Y Phaolô Maria đã trở về với Nguồn Cội của Ngài, Ngài trở về với Đấng Khiêm Hạ trên mọi người khiêm hạ, Ngài trở về với Đấng Hiền Lành trên mọi kẻ hiền lành trong cuộc đời này.
Lược qua tiểu sử của Đức Cố Hồng Y Phaolô Maria, mọi người sẽ chẳng tìm thấy chỗ nào ghi lại những “chiếc công hiển hách”, những mảnh bằng “tổ quốc ghi công” hay được nhận danh hiệu “giáo sĩ yêu nước” như ai nào đó đã được nhận. Ta cũng chẳng thấy ghi lại là Đức Cố Hồng Y xây được bao nhiêu cái nhà thờ, bao nhiêu cái đền, bao nhiêu cái đài. Đọc kỹ tiểu sử của Đức Cố Hồng Y mọi người sẽ thấy sao mà nó lại giống với dáng hình nhỏ bé khiêm hạ của Ngài. Tiểu sử của Ngài nó đi với Ngài như hình với bóng vậy, hình như nó gắn liền với cuộc đời nhỏ bé của cụ già đáng kính. Đức Cố Hồng Y cũng chẳng để lại tập bài giảng hùng hồn, thuyết phục cho hậu thế như những vị khác đã để lại.
Nhìn cuộc đời của Ngài, một lần nữa ta lại xác tín với nhau rằng Thiên Chúa có cách của Ngài, Thiên Chúa dùng những cây bút chì nhỏ bé trong lòng bàn tay của Ngài để vẽ nên bức tranh tuyệt vời về Đức Khiêm Hạ. Thiên Chúa dùng mỗi người mỗi cách, mỗi người mỗi vẻ theo Thánh Ý của Ngài. Có người, Thiên Chúa dùng trong khả năng hùng biện, tài giảng thuyết để mời gọi mọi người theo Chúa. Có người, Thiên Chúa dùng trong khả năng hoạt động xã hội lo cho những người nghèo khó tất bạt. Với Đức Cố Hồng Y Phạm Đình Tụng, Thiên Chúa lại dùng sự khiêm hạ của Đức Cố để biểu lộ tình thương của Ngài cho mọi người.
Trong vườn hoa nhà Chúa, có những bông hoa khoe sắc bởi những thành công này, những chiến thắng nọ bỗng dưng lại có một bông hoa nhỏ bé khiêm hạ nằm cạnh những bông hoa to lớn khác. Bông hoa nhỏ bé khiêm hạ Hồng Y Phaolô Maria Phạm Đình Tụng đã tô điểm cho những bông hoa rực rỡ khác bằng lối sống nhỏ bé của mình.
Trong bối cảnh lịch sử của xã hội miền Bắc, có quá nhiều biến động, dưới con mắt của người đời, Thiên Chúa phải dùng một con người năng động và mạnh mẽ. Thế nhưng, ngược lại với con mắt của người đời ấy, Thiên Chúa dùng một con người nhỏ bé, khiêm hạ. Mà Thiên Chúa của chúng ta cũng “kỳ cục”, Thiên Chúa ấy hết sức “lạ lùng” từ ngàn xưa, đó là Thiên Chúa luôn thực thi quyền năng của Ngài trong những con người khiêm hạ. Thiên Chúa đã dùng những con người nhỏ bé để biểu lộ tình thương và quyền năng của Ngài. Như ngày xưa Thiên Chúa đã dùng Đavít để chiến thắng với một Goliát hùng mạnh thì ngày nay Thiên Chúa cũng dùng một Phaolô Maria nhỏ bé để sống, để làm chứng trước chủ nghĩa vô thần.
Nhắc đến đây, tôi lại nhớ đến một linh mục đàn anh. Cũng vì hoàn cảnh đất nước. Linh mục ấy được gửi từ miền Nam ra miền Bắc và sau đó Ngài được chịu chức chính thức. Sau “vụ án phong chức” ấy, vài vị có chức kháo láo với nhau rằng: “Không bao giờ có ông … thứ hai !”. Cũng đúng thôi, không bao giờ có ông … thứ hai thì Chúa lại dùng nhiều ông khác nữa !
Sau ngày lãnh sứ vụ linh mục, vị “linh mục bất đắc dĩ” ở miền Bắc ấy sống trong dòng chảy biết bao nhiêu khó khăn cùng với Cha già cố Giuse Vũ Ngọc Bích và Đức Cố Hồng Y Phạm Đình Tụng thân yêu. Chắc có lẽ “bắt mạch” được lối sống của Cha già cố Giuse Bích và Đức Cố Hồng Y nên chăng vị “linh mục bất đắc dĩ” ấy đã sống một đời sống nhỏ bé, khiêm hạ của Ngài giữa lòng Giáo miền Bắc đầy khó khăn thử thách.
Vị “linh mục bất đắc dĩ” ấy có thân hình nho nhỏ như Cha già cố Giuse, như Đức Cố Hồng Y Tụng. Vui nhất là không chỉ giống thể xác, thân hình mà còn giống cả cái lối sống khiêm hạ. “Linh mục bất đắc dĩ” ấy cũng chẳng vung tay vung chân mỗi lần ra toà giảng, cũng chẳng để lại những tập sách để đời nhưng cuộc đời của “linh mục bất đắc dĩ” ấy cũng là một bài giảng sống động cho nhiều người.
Người đời vẫn tìm kiếm những gì là bề ngoài, những gì là hoành tráng còn Thiên Chúa thì ngược lại. Thiên Chúa vẫn tìm đến những gì là nhỏ bé, khiêm hạ.
Một linh mục đàn anh trong Dòng khi nhắc đến vị “linh mục bất đắc dĩ” này nói với tôi: “Anh chẳng thua Cha … gì ngoài đức khiêm nhường !”.
Câu nói ấy nghe rất thấm thía! Quả thật, người ta vẫn đi tìm những điều gì đó là hoành tráng bên ngoài, là đình đám bề nổi để được người đời tôn kính, xông hương. Thế nhưng, trong dòng chảy của cuộc đời nhiều người tìm cái vẻ bên ngoài ấy vẫn có những con người lội ngược dòng chảy bình thường ấy để tìm sự nhỏ bé, khiêm hạ và sống cái sự nhỏ bé khiêm hạ ấy trong cuộc đời mình.
Phải nói là đức khiêm nhường sao mà nó khó học thật. Đâu có đơn giản để mặc lấy đức khiêm nhường nơi Đức Hồng Y, như Cha già cố Giuse Vũ Ngọc Bích, như vị “linh mục bất đắc dĩ” kia … Phải có ơn Chúa và sự cố gắng của mình mới học và sống được bài học khiêm hạ của Thầy Chí Thánh Giêsu. Nó khó học vì lẽ phần đông trong cuộc đời mình luôn luôn muốn khẳng định vị thế, vai trò của mình trong cái cõi tạm này. Lẽ ra người ta đi tìm vị thế, vai trò của mình trong Cõi Hằng Sống đàng này họ lại đi tìm những thứ phù vân.
Đức Cố Hồng Y Phaolô Maria cũng vậy, trong cái dòng chảy của vinh quang của người đời, Ngài phải nhận lấy sứ mạng là Tổng Giám Mục, là Giám đốc Chủng Viện, là tước Hồng Y đấy nhưng trong sâu thẳm lòng mình, Ngài vẫn sống cuộc đời nhỏ bé, đơn sơ.
Những ngày này, Đức Cố Hồng Y đang nằm giữa Nhà Thờ Lớn Hà Nội, được nhiều và rất nhiều phái đoàn kính viếng, tiễn biệt.
Với tâm tình con thảo và biết ơn vị cha già kính yêu của Giáo Hội nên con cái của Giáo Hội từ Bắc chí Nam đã cố làm những gì có thể được để tỏ lòng kính mến ấy nhưng thật tâm, tôi trộm nghĩ Đức Cố Hồng Y cũng chẳng bao giờ mong mình được người ta làm long trọng như vậy vì vốn dĩ cả đời Ngài sống trong nhỏ bé, trong khiêm hạ.
Nhìn lại cuộc đời của Đức Cố Hồng Y, có lẽ điểm son mà mọi người nhận ra đó là bài học về sự nhỏ bé, về lòng khiêm hạ. Và bài học sống động nhất Ngài để lại cho hậu thế chính là bài học này.
Đâu cần phải có nhiều bằng nhiều cấp mới có bài học khiêm hạ này. Chưa chắc có nhiều bằng Thạc sĩ, Tấn sĩ lại học và sống được bài học mà Đức Cố Hồng Y Phaolô Maria đã sống.
Ngài đã khuất bóng, sự khuất bóng của Ngài để lại cho chúng ta nhiều bài học nhưng bài học quan trọng nhất, ý nghĩa nhất, đặc biệt nhất chính là bài học về lòng khiêm hạ. học về lòng khiêm hạ xem ra đơn giản ấy vậy mà đôi khi cả đời cũng khó có thể hoàn tất. Bài học về lòng khiêm hạ nơi Đức Cố Hồng Y xem ra đơn giản ấy vậy mà các đấng các bậc cao cả khác chưa chắc đã học xong.
Tạ ơn Chúa, cảm ơn Đức Cố Hồng Y vì lẽ Thiên Chúa, qua con người nhỏ bé, đơn sơ khiêm hạ của Đức Cố Hồng Y, Thiên Chúa đã vẽ nên bức hoạ tuyệt tác về sự khiêm nhường. Xin Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Cố Hồng Y giúp cho mỗi người chúng ta ngày mỗi ngày học và sống bài học khiêm hạ mà Đức Cố Hồng Y đã học nơi Chúa Giêsu và đã sống như Chúa Giêsu.
nguồn: VietCatholic News (25 Feb 2009 13:11)
Views: 0