Uncategorized

Bài giảng lễ các Thánh và tưởng niệm: Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Anh chị em thân mến. Chúng ta vừa nghe đọan Tin Mừng được mô tả như là Cẩm Nang Kitô Giáo hay còn gọi là Hiến Chương Nước Trời.

 

Anh chị em thân mến. Chúng ta vừa nghe đọan Tin Mừng được mô tả như là Cẩm Nang Kitô Giáo hay còn gọi là Hiến Chương Nước Trời.

 

Thực thế, Tám Mối Phúc Thật không chỉ là một bài giảng trong nhiều lời giảng dậy của Chúa Giêsu mà là Phúc Âm thu gọn và là cốt yếu của Lời Hằng Sống. Nếu những điều răn trong Kinh Thánh được tóm gọn vào luật mến Chúa và yêu người, thì những lời giảng dạy của Đức Kitô cũng có thể tóm gọn vào“bài giảng trên núi” của Ngài. Biết bao nhiêu tín hữu và những vĩ nhân thời đại như hai nhà tranh đấu cho nhân quyền Martin Luther King người Mỹ và Mahatma Gandhi người Ấn Độ đã dùng Tám Mối Phúc Thật như kim chỉ nam của đời sống.

 

Thế nhưng, có điều gì rất mâu thuẫn và nghịch lý về Tám Mối Phúc Thật. Nó đi ngược lại với bản năng tự nhiên và những tiêu chuẩn của con người về sự thành công và hạnh phúc. “Phúc cho ai nghèo khó…”, “phúc cho ai than khóc…”, “phúc cho ai đói khát…” và nhất là “phúc cho ai bị bắt bớ tù đầy và thậm chí bị giết hại vì lẽ công chính…”. Phải chăng triết lý Kitô giáo qúa bi quan và đầy đọa con người vào một kiếp sống khổ ải trầm luân? Trong một xã hội thường được định nghĩa là mạnh được yếu thua, phải chăng Đức Kitô đã đưa cho chúng ta một công thức hàm chứa sự thất bại nếu không nói là tự hủy? Khi con người tìm kiếm sự giầu sang phú qúy, Ngài lại dậy chúng ta có tinh thần nghèo khó đơn sơ. Khi con người tìm chiến thắng qua sức mạnh và võ lực, Ngài lại dạy chúng ta tìm hoà bình, công lý bằng sự hy sinh chính tính mạng của mình.

 

Kính thưa qúy ông bà anh chị em,

Tám Mối Phúc Thật là những nghịch lý mà chỉ dưới con mắt đức tin, chúng ta mới nhận ra chân giá trị của chúng. Tám Mối Phục Thật dạy chúng ta rằng, mục đích tối hậu của con người không phải là đem lại lợi lộc trần thế cho mình. Mục đích của con người duy vật chủ nghĩa là tranh dành và hưởng thụ vinh quang phú qúy cho mình. Nhưng mục đích của người tín hữu chính là xây dựng một vương quốc trên căn bản của Phúc Âm, tức là trên những giá trị mà Đức Kitô đã dậy chúng ta: trên sự thật, công lý, yêu thương, hòa bình, hiệp nhất. Như thế, Tám Mối Phúc Thật không phải là một triết lý bi quan và tự hủy. Nó là căn bản của một xã hội đầy tình nhân ái và là khởi điểm của hạnh phúc đích thực. Chính khi một người chỉ biết hưởng thụ hôm nay mà không biết ngày mai, chính khi một xã hội chỉ biết tranh dành trục lợi mà vô cảm với người yếu thế cô thân, đó mới là điều bất hạnh. Ngược lại, tình nhân ái và hạnh phúc là hoa qủa của cuộc sống yêu thương, phục vụ và hiến thân. Thánh Phanxicô trong Kinh Hòa Bình đã nhắn nhủ chúng ta là: “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh; chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân; chính khi thứ tha là khi tha thứ; chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.”

 

Hôm nay là ngày Đại Lễ mừng Chư Thánh Nam Nữ, những người được ca tụng trong phụng vụ cũng như những vị hy sinh trong âm thầm. Họ là những người sống Tám Mối Phúc Thật noi gương Đức Kitô. Họ là những người dám chấp nhận sự nghèo khổ, sự đau buồn, sự than khóc, mọi sự thiệt thòi khác và nhất là dám hy sinh cuộc đời vì lý tưởng Phúc Âm. Nơi các Ngài, tình yêu của Chúa Kitô đã chiến thắng tất cả những thế lực của sự dữ, như lời Thánh Phaolô qủa quyết: ”Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta”. Chính tình yêu Thiên Chúa và đồng loại, chính lòng trung kiên vơí một ước mơ xây dựng triều đại chính trực mà ngày hôm nay, chúng ta nghiêng mình kính phục và cùng quyết tâm theo bước các ngài.
 

Hôm nay cũng là ngày tưởng nhớ một vị mà cả cuộc đời, khi nhìn theo lăng kính Kitô Giáo, đã được định nghĩa bởi Tám Mối Phúc Thật, cũng như đã hiến mình cho quê hương dân tộc. Qủa thế, tôi mạnh dạn dùng những lời này để nói về vị nguyên thủ quốc gia và người khai sinh ra nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam, cụ Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm. Cuộc sống dản dị của cụ, ngay cả khi cụ có đủ điều kiện để hưởng thụ, đã phản ảnh đức tin được thấm nhuần và tôi luyện ngay từ thưở còn thiếu thời. Người ta có thể phát họa nhiều hình ảnh tiêu cực về cụ; thậm chí nhiều kẻ đã bóp méo lịch sử để triệt hạ cả danh dự của cụ. Nhưng ít ai còn chút lương tâm có thể phủ nhận một con người liêm khiết, đức độ, nhân ái, một tinh thần ái quốc, kiêu hãnh với chủ quyền đất nước và trung kiên với vận mệnh dân tộc.

 

Ở một góc cạnh nào đó, cụ là một con người thật bất hạnh. Cụ chết trong sự phản bội, trong gian ác, trong tủi hờn, trong cô đơn, trong đớn đau ngút ngàn. Đã gần 50 năm từ ngày định mệnh phũ phàng, nhưng cụ và bào huynh còn chưa có một nơi an nghỉ xứng đáng, tên tuổi cụ trong quyên lãng và danh dự của cụ chưa đựơc phục hồi. Nhưng nếu chúng ta nhìn bằng lăng kính đức tin, thì phải chăng cụ là người có phúc vì cụ đã “bị giết hại vì lẽ công chính”? Phải chăng, cuộc đời và sự hy sinh của cụ phản ảnh một sự hiến thân hoàn toàn của Đức Kitô? Phải chăng cụ –như Thầy Chí Thánh- là phiến đá mà người thợ xây loại bỏ, để trở nên tảng đá góc tường? Phải chăng tấm gương vị quốc vong thân, phải chăng ước mơ xây dựng một triều đại chính trực trên quê hương của cụ sẽ mãi mãi làm ngọn đuốc soi đường cho thế hệ mai sau?
 

Có lẽ đây cũng là một vấn nạn cho những ai đang tìm kiếm và tranh đấu cho tự do, nhân quyền và công lý, nhất là trên quê hương Việt Nam: Khi kẻ chính nhân thì bị hãm hại, ngược đãi hay quyên lãng, trong khi kẻ gian tà thì được tôn vinh; khi những tên tuổi của anh hùng hào kiệt được thay thế bởi kẻ ác nhân; khi vị ân nhân của tổ quốc không có tấm bia, mà những công thần chế độ cộng sản thì được tôn sùng. Lời Kinh Thanh cũng chia sẻ với vấn nạn của chúng ta: “Lạy Chúa, bao giờ kẻ dữ mới hết chế ngự người lành.” Nhưng cũng Lời Chúa nhắc nhở chúng ta là phần thưởng của kẻ chính nhân không phải là ở đời này mà ở đời sau. Đồng thời, như tổ phụ Abraham va Môisen, chúng ta tranh đấu cho một tương lai tươi sáng mà không mong đợi chính mình phải được đặt chân vào và hưởng hoa qủa của đất hứa.

 

Anh chị em thân mến,

Thánh Lễ hôm nay nhắc nhở cho chúng ta một chân lý là chỉ có tình yêu hiến thân cho lẽ phải, cho công lý và cho triều đại chính trực mới là lẽ sống của người tín hữu. Sứ mạng của Đức Kitô cũng chính là hiến thân để sự sống viên mãn được thể hiện nơi con người. Chúng ta hãy can trường bước theo con đường hiến thân phục vụ, như các thánh nhân cũng như các anh hùng hào kiệt đã đi trước chúng ta. Xin Thiên Chúa chúc lành và kiện toàn mọi nỗ lực tranh đấu của chúng ta cho những giấc mơ của tiền nhân, vững tin vào sự viên mãn của công lý và sự thật trong Chúa Giêsu Kitô, viên đá tảng của niềm tin và niềm hy vọng chúng ta.

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.