Vatican, ngày 25 tháng 1, 2016, (Zenit.org) “Tôi là tông đồ hèn mọn nhất vì tôi ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng nhờ ơn Chúa, tôi mới được như thế này, và nhờ ơn Người ban cho tôi đã không uổng phí” (1 Cr 15:9-10). Thánh Tông Đồ Phaolô đã tóm lược ý nghĩa của sự trở lại của ngài như thế. Việc này xẩy ra sau khi ngài gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh cách lạ lùng (1 Cr 9:1) trên con đường từ Giêrusalem đến Đa Mát – không phải trên hết là một sự thay đổi về luân lý, mà là một kinh nghiệm hoán cải nhờ ơn Chúa Kitô, và đồng thời, kêu gọi một sứ mệnh mới, đó là tuyên xưng cho tất cả mọi người rằng Chúa Giêsu, Đấng ngài đã đàn áp, và đàn áp cả các môn đệ của Người. Thực vậy, vào lúc đó, Phaolô hiểu rằng đã có một sự hiệp nhất siêu việt giữa Chúa Kitô hằng sống và các môn đệ của Người: Chúa Giêsu đang sống và hiện diện trong họ và họ sống trong Người. Ơn gọi làm môn đệ không dựa vào sự xứng đáng của Phaolô, nhưng nhờ vào lòng nhân lành vô bờ của Thiên Chúa, Đấng đã chọn ngài và trao cho ngài sứ vụ mới.
Chúng ta cũng có thể hiểu được những gì đã xẩy ra trên đường đi Đa Mát qua lời tuyên xưng của Thánh Phaolô trong Thư gửi Timôtê: “Tôi tạ ơn Đức Kiô Giêsu, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm tôi mà gọi tôi đến phục vụ Người. Trước kia tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và bạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin. Đức Giêsu Kitô đã ban cho tôi đầy ân sủng cùng với đức tin và đức mến” (1:12-14). Lòng thương xót siêu nhiên vô bờ của Thiên Chúa là lý do duy nhất cho việc xây dựng sứ mệnh của Phaolô, và đồng thời cũng là điều vị tông đồ này phải loan truyền.
Cảm nghiệm của Thánh Phaolô cũng giống như cảm nghiệm của các cộng đồng được Thánh Phêrô viết trong lá thư thứ nhất của ngài. Thánh Phêrô viết cho các thành phần của các cộng đồng nhỏ bé và mỏng dòn này, đang bị đe dọa phải chịu bách hại, và ngài đặt cho họ những danh hiệu quang vinh dành cho dân thánh Chúa: “anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa” (Pr 12:9). Đối với những Kitô hữu tiên khởi ấy, cũng như chúng ta ngày nay, những người đã chịu phép rửa, đó là nguồn an ủi và ngạc nhiên mãi mãi để khi biết rằng chúng ta đã được lựa chọn như một thành phần của kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, được Chúa Giêsu Kitô thực hiện và nhờ Giáo Hội. "Lạy Chúa! Tại sao vậy? Tại sao lại là con? tại sao lại là chính chúng con?" Chúng ta rút tỉa ở đây mầu nhiệm của lòng Chúa thương xót và chọn lựa chúng ta. Chúa Cha yêu thương tất cả chúng ta và muốn cứu độ tất cả chúng ta, vì thế Ngài kêu gọi một số người “thấu hiểu được” mầu nhiệm này nhờ ân sủng của Ngài, để qua họ tình yêu của Ngài có thể đến với tất cả mọi người. Sứ mệnh của toàn Dân Chúa là loan báo các công trình kỳ diệu của Chúa, trước hết là Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, nhờ đó chúng ta đi từ bóng tối tội lỗi và sự chết đến chỗ huy hoàng của sự sống mới và hằng hữu của Người.
Dưới ánh sáng của Lời Chúa chúng ta đã được nghe và đã hướng dẫn chúng ta trong Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo này, chúng ta có thể thật sự nói lên rằng tất cả các tín hữu tin vào Chúa Kitô, “được mời gọi để loan truyền những kỳ công của Người” (Pr 1 2:9). Ngoài những dị biệt vẫn còn phân cách chúng ta, chúng ta hân hoan công nhận rằng tại cỗi nguồn của đời sống Kitô hữu luôn luôn có những ơn gọi đến từ chính Thiên Chúa. Đấng dùng ân sủng Người để mời gọi chúng ta làm môn đệ. Chúng ta có thể thăng tiến trên con đường dẫn đến chỗ hiệp thông toàn diện giữa các Kitô hữu, không những chỉ khi chúng ta lại gần nhau hơn, mà nhất là phải theo mức độ chúng ta đã hoán cải để trở về với Chúa. Việc hoán cải bản thân mình có nghĩa là để cho Chúa sống và hoạt động trong chúng ta. Vì thế, khi các Kitô hữu thuộc những Giáo Hội khác nhau cùng lắng nghe Lời Chúa và tìm cách đem ra thực hành, thì họ thực sự có thể làm được những bước tiến quan trọng đưa tới sự hiệp nhất.
Trong Năm Thánh Ngoại Thường của Lòng Thương Xót này, chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng không thể nào có cuộc tìm kiếm chính đáng cho mối hiệp nhất Kitô giáo mà thiếu sự tin cậy hoàn toàn vào tình thương của Chúa Cha. Trước hết chúng ta hãy xin ơn tha thứ về những tội lỗi đã làm chia rẽ chúng ta, đó là những vết thương xâu xé nhiệm thể Chúa Kitô. Là Giám Mục Thành Rôma và là chủ chăn của Giáo Hội Công Giáo, tôi muốn gợi đến lòng thương xót và sự tha thứ cho những hành vi phản lại các giá trị Phúc Âm của người Công giáo đối với các Kitô hữu thuộc những Giáo Hội khác. Đồng thời tôi mời gọi tất cả các anh chị em Công giáo hãy thứ tha, nếu họ, ngày nay hay trong quá khứ, đã đau khổ vì bị những Kitô hữu khác xúc phạm. Chúng ta không thể xóa bỏ được những gì đã xẩy ra, nhưng chúng ta không muốn cho những gánh nặng của các lỗi lầm trong quá khứ tiếp tục làm ô nhiễm các mối tương quan của chúng ta. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa sẽ đổi mới những mối tương quan của chúng ta.
Bùi Hữu Thư
Views: 0