Uncategorized

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Lễ Khai Mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XIV về “Ơn Gọi và Sứ Vụ của Gia Đình trong Giáo Hội và Thế Giới hiện đại.”

“Nếu chúng ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa ở trong chúng ta và tình yêu của Ngài nên hoàn hảo nơi chúng ta” (1Gioan 4:12).

 

“Nếu chúng ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa ở trong chúng ta và tình yêu của Ngài nên hoàn hảo nơi chúng ta” (1Gioan 4:12).

 

Những bài đọc Thánh Kinh của Chúa Nhật hôm nay dường như được chọn chính yếu cho giây phút ân sủng mà Giáo Hội đang trải qua đây, đó là Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Thường Lệ về gia đình, được mở đầu bằng việc cử hành Thánh Thể.

Các bài đọc tập trung vào 3 đề tài: cô đơn, tình yêu giữa người nam với người nữ, và gia đình

Cô đơn

Adong, như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất, đã sống trong Vườn Địa Đường. Ông đã đặt tên cho tất cả mọi tạo vật khác như là một dấu hiệu cho thấy quyền thống trị của chàng, cho thấy quyền năng minh nhiên không thể chối cãi của ông, trên tất cả những tạo vật ấy. Tuy nhiên, ông vẫn cảm thấy lẻ loi một mình, vì ông “không tìm thấy được một hỗ trợ thích hợp với mình”. (Khởi Nguyên 2:20). Ông đã sống lẻ loi cô độc.

Thảm kịch cô đơn đang được cảm nghiệm thấy bởi vô vàn con người nam nữ trong thời đại của chúng ta đây. Tôi nghĩ đến những vị lão thành, bị bỏ rơi bởi cả những người thân yêu và con cái của mình; những người góa chồng góa vợ; nhiều con người nam nữ bị người phối ngẫu của mình lìa bỏ; tất cả những ai cảm thấy lẻ loi một mình, bị hiểu lầm và quên lãng; những người di dân và tị nạn vượt thoát chiến tranh và bách hại; và nhiều giới trẻ đang là nạn nhân của thứ văn hóa hưởng thụ, thứ văn hóa phế thải, thứ văn hóa thừa thãi đổ đi. 

Ngày nay chúng ta đang nghiệm thấy cái mâu thuẫn ngược đời của một thế giới toàn cầu hóa đầy những lâu đài và những tòa nhà chọc trời sang trọng, nhưng lại thấp kém những gì là nồng ấm của các ngôi nhà và của các gia đình. Đầy những dự án và dự phóng tham vọng, nhưng hiếm có giờ để hưởng dùng chúng. Đầy những phương tiện tinh vi để giải trí những lại càng sâu xa trống rỗng nội tâm. Đầy những khoái thú những ít yêu thương. Đầy những gì tùy ý muốn làm nhưng lại ít tự do… Số người cảm thấy đơn côi cứ gia tăng, gia tăng cả con số những ai bị cuốn hút vào những gì là vị kỷ, những gì là u ám, vào tình trạng bạo động hủy hoại và vào tình trạng sống nô lệ cho khoái lạc cùng tiền bạc.

Cảm nghiệm của chúng ta ngày nay, ở một cách nào đó, như cảm nghiệm của Adong: đầy những quyền năng mà đồng thời lại cũng đầy những cô đơn và dễ bị tổn thương. Gia đình là hình ảnh ấy. Con người càng ngày càng ít nghiêm trọng hóa vấn đề xây dựng một mối liên hệ yêu thương vững chắc và hiệu năng, cả khi yếu đau và mạnh khỏe, cả khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, cả khi may lành cũng như rủi ro. Tình yêu là những gì bền bỉ, thủy chung, tận tâm, vững chãi và phong phú lại là những gì càng ngày càng bị coi thường, bị coi như là một thứ di tích kỳ quặc của quá khứ. Dường như đang xẩy ra là các xã hội tân tiến nhất là chính những xã hội đang có mức sinh sản thấp nhất và có tỷ số cao nhất về phá thai, ly dị, tự tử cùng tình trạng phóng uế về xã hội cũng như môi sinh.

Tình yêu giữa người nam với người nữ

Trong bài đọc thứ nhất chúng ta cũng nghe thấy Thiên Chúa cảm thấy làm sao ấy trước cảnh lẻ loi cô độc của Adong. Ngài đã phán: “Con người ở một mình không tốt; Ta sẽ làm nên cho nó một trợ giúp xứng hợp” (Khởi Nguyên 2:18). Những lời này cho thấy rằng không một sự gì làm cho con tim của con người hạnh phúc giống như con tim khác tương tự con tim của họ, một con tim yêu thương họ và làm cho họ hết cảm thấy cô đơn. Những lời này còn cho thấy rằng Thiên Chúa không tạo dựng nên chúng ta để sống một cách sầu thương hay lẻ loi cộ độc một mình. Ngài tạo dựng nên con người nam nữ để được hạnh phúc, để chia sẻ cuộc hành trình của họ với ai đó bổ túc cho họ, để sống cảm nghiệm yêu thương tuyệt vời, tức là để yêu và được yêu, và để thấy tình yêu của họ trở sinh hoa trái nơi con cái, như bài Thánh Vịnh đáp ca hôm nay (xem Thánh Vịnh 128).

Giấc mộng của Thiên Chúa cho tạo vật yêu dấu của Ngài đó là thấy nó được nên trọn nơi mối hiệp nhất yêu thương giữa một người nam và một người nữ, thấy họ hoan hỉ trong cuộc đồng hành trình của họ, trong việc trổ sinh hoa trái nơi việc họ trao tặng bản thân mình cho nhau. Chính dự án ấy đã được Chúa Giêsu nói đến trong bài Phúc Âm hôm nay: “Ngày từ lúc tạo dựng ban đầu 'Thiên Chúa đã dựng nên họ có nam có nữ'. Vì thế mà người nam sẽ bỏ cha mẹ của mình mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một xác thịt. Vậy họ không còn là hai nhưng là một xác thịt” (Marco 10:6-8; xem Khởi Nguyên 1:27;2:24).

Để trả lời cho một câu hỏi có vẻ cường điệu – được đặt ra có lẽ như là một cái bẫy để làm cho Người không còn được dân chúng mộ mến nữa, vì dân chúng đã thực hiện việc ly dị như là một sự kiện đã được thiết định bất khả vi phạm – Chúa Giêsu đã nói một cách thẳng thắn và ngoài những gì dự tưởng. Người đã mang tất cả trở về với thuở ban đầu, thuở khởi nguyên tạo dựng, để dạy chúng ta rằng Thiên Chúa chúc lành cho tình yêu thương của con người, chính Ngài là Đấng đã kết hợp con tim của hai người yêu thương nhau, Ngài là Đấng kết hiệp chúng trong hiệp nhất bất khả phân ly. Điều này cho chúng ta thấy rằng đích điểm của đời sống phối ngẫu không phải chỉ là để sống đời với nhau, mà là để trọn đời yêu nhau! Như thế, Chúa Giêsu đã tái thiết lập trật tự đã có ngay từ ban đầu. 

Gia đình

“Những gì Thiên Chúa đã kết hợp lại với nhau thì không ai được phép phân ly” (Marco 10:9). Đó là lời huấn dụ cho các tín hữu trong việc thắng vượt hết mọi hình thức cá nhân chủ nghĩa và duy luật là những gì che đậy một thứ qui kỷ hẹp hòi và một thứ lo âu sợ hãi khi cần phải chấp nhận cái ý nghĩa đích thực của việc phối ngẫu cũng như của tính dục con người theo dự án của Thiên Chúa. 

Thật vậy, chỉ trong ánh sáng của cái điên rồ cho không biếu không nơi tình yêu vượt qua của Chúa Giêsu mới làm sáng tỏ cái điên rồ cho không biếu không của một thứ tình yêu phối ngẫu duy nhất trọn đời mà thôi. 

Đối với Thiên Chúa, hôn nhân không phải là một thứ không tưởng của tuổi trẻ dậy thì, mà là một giấc mơ bất khả thiếu bằng không tạo vật của Ngài sẽ bị quằn quại trong lẻ loi cô độc! Thật vậy, việc tỏ ra sợ hãi chấp nhận dự án ấy là những gì làm tê liệt cõi lòng của con người. 

Ngược ngạo thay, dân chúng ngày nay – thành phần thường nhạo cười dự án này – tiếp tục được cuốn hút và mê hoặc bởi hết thứ tình yêu chân thực, bởi thứ tình yêu bền vững, bởi thứ tình yêu phong phú, bởi thứ tình yêu trung thành và bền vững. Chúng ta thấy dân chúng chạy theo những thứ tình yêu sôi nổi trong khi lại mơ tưởng thứ tình yêu chân thực; họ săn đuổi những khoái lạc nhục thể nhưng lại mong ước có được những gì là trọn vẹn hiến thân. 

“Giờ đây chúng ta đã hoàn toàn nếm được những hứa hẹn của thứ tự do vô giới hạn, chúng ta bắt đầu cảm nhận một lần nữa cụm từ ngày xưa về 'cái thế giới mệt mỏi'. Những thứ khoái thú bị cấm đoán đã mất đi tính chất thu hút của chúng ở chính lúc chúng không còn bị cấm nữa. Thậm chí nếu chúng được đẩy đến chỗ cực đoan và được tái tấu như khôn cùng chúng lại hiện lên một cách lu mờ, vì chúng là những thực tại vô cùng, trong khi đó chúng ta lại khao khát những gì là vô cùng bất tận” (Joseph Ratzinger, Auf Christus schauen. Einübung in Glaube, Hoffnung, Liebe, Freiburg, 1989, p. 73).

Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn về xã hội và hôn nhân này, Giáo Hội được kêu gọi để thi hành sứ vụ của mình một cách trung thành, trong chân lý và trong yêu thương.  

Thi hành sứ vụ của mình một cách trung thành với Vị Sư Phụ của mình như là một tiếng kêu trong sa mạc, trong việc bênh vực tình yêu trung thành và phấn khích nhiều gia đình sống đời hôn nhân như là một cảm nghiệm thể hiện tình yêu của Thiên Chúa; trong việc bênh vực tính chất linh thánh của sự sống, của hết mọi sự sống; trong việc bênh vực tính chất duy nhất và bất khả phân ly của mối liên hệ phu thê như là một dấu hiệu của ân sủng Thiên Chúa cũng như của khả năng trân trọng yêu thương của con người.

Giáo Hội được kêu gọi để thi hành sứ vụ của mình trong chân lý  là những gì không thay đổi trước những nhiệt liệt mau qua hay những ý nghĩ phổ thông thịnh hành. Sự thật là những gì bảo vệ riêng cá nhân cũng như chung nhân loại khỏi khuynh hướng qui kỷ và khỏi hướng tình yêu thương phong phú về những gì là vị kỷ cằn cỗi, khỏi hướng mối hiệp nhất dồi dào về những thứ liên hệ tạm thời. "Không có sự thật, bác ái bị hạ cấp thành cảm tính. Tình yêu trở thành một thứ vỏ bọc rỗng tuyếch, một vỏ bọc được nhồi nhét cho đầy một cách độc đoán. Trong một nền văn hóa phi chân lý thì đó là một thứ nguy cơ ác hại đối với tình yêu vậy" (Benedict XVI, Caritas in Veritate, 3).

Giáo Hội được kêu gọi để thi hành sứ vụ của mình trong yêu thương, chứ không phải bằng việc chỉ tay lên án kẻ khác, trái lại – trung thành với bản chất làm mẹ của mình – Giáo Hội ý thức được nhiệm vụ của mình trong việc tìm kiếm và chăm sóc cho các đôi phối ngẫu bị thương đau bằng dầu thơm chấp nhận và xót thương; trong việc trở thành một "bệnh viện lưu động" mở rộng cửa cho bất cứ ai tìm đến gõ cửa xin cứu giúp và hỗ trợ; thậm chí còn hơn thế nữa, trong việc vươn đến với người khác bằng tình yêu thương chân thật, bằng việc bước đi với những con người nam nữ đồng loại của chúng ta đang chịu khổ đau, để bao gồm họ và hướng dẫn họ đến suối mạch của ơn cứu độ.  

Một Giáo Hội giảng dạy và bênh vực những giá trị nồng cốt nhưng vẫn không quên rằng "Ngày Hưu Lễ được thiết lập cho con người chứ không phải con người cho Ngày Hưu Lễ" (Marco 2:27); và không quên lời Chúa Giêsu cũng đã nói: "Những ai khỏe mạnh thì không cần thày thuốc, mà là những ai yếu đau bệnh hoạn; Tôi đến không phải để kêu gọi thành phần công chính mà là tội nhân" (Marco 2:17). Một Giáo Hội giảng dạy tình yêu chân thực, một tình yêu có khả năng lấy đi tình trạng lẻ loi cô độc, mà vẫn không lơ là với sứ vụ trở thành một người Samaritanô nhân lành đối với nhân loại đang bị thương tích

Tôi nhớ có lần Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Bao giờ cũng phải lên án và chống lại những gì là lầm lỗi và sự dữ; thế nhưng cần phải thông cảm và yêu thương con người sa ngã và con người lầm lỗi… chúng ta cần phải yêu thương thời đại của chúng ta và giúp đáp con người của thời đại chúng ta” (John Paul II, Address to the Members of Italian Catholic Action, 30 December 1978). Giáo Hội cần phải tìm kiếm những con người ấy, đón nhận và hỗ trợ họ, vì một Giáo Hội đóng cửa là một Giáo Hội phản bội lại chính mình cũng như sứ vụ của mình, và thay vì cần phải là một cây cầu thì lại là một thứ rào cản: "Vì Đấng thánh hóa và những ai được thánh hóa đều có cùng một nguồn gốc. Đó là lý do tại sao Người không hổ thẹn gọi họ là anh em" (Do Thái 2:11).  

Trong tinh thần ấy, chúng ta xin Chúa hỗ trợ chúng ta trong Thượng Nghị này và hướng dẫn Giáo Hội của Người, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse là vị hôn phu thanh khiết nhất của Mẹ.  

   

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2015/documents/papa-francesco_20151004_omelia-apertura-sinodo-vescovi.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển ngữ

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.