Uncategorized

Ba năm để tang vợ

Mở cánh cửa ra thấy hoa mai nở
Tôi nhìn bâng khuâng nghĩ kiếp phù du
Chợt thấy u buồn, lời hoa tạ từ
 

1.

 

Mở cánh cửa ra thấy hoa mai nở
Tôi nhìn bâng khuâng nghĩ kiếp phù du
Chợt thấy u buồn, lời hoa tạ từ
 

1.

 

Trước tôi,  đã có người viết về người vợ đã khuất của mình, nhưng tôi chưa biết có ai đã  viết về thời gian kể từ ngày người bạn đời của mình ra đi cho tới ngày “mãn tang”, (ít là vậy), họ đã nghĩ gì và sống thế nào với một hình bóng đã trở nên người thiên cổ ? Có lẽ nói về giai đoạn này, nó liên quan đến  “cái tôi” của một cá nhân, mà quan niệm của dân gian cho đến nay, vẫn còn ít nhiều, là không thể tránh được tiếng thị phi, khen ít, chê bai thì nhiều. Nhưng theo những cây bút “phóng nhiệm”, nói về “cái tôi” của mình, những gì có thể nói ra chốn công khai, phù hợp với văn hóa dân tộc mà mình là một thành phần, một công dân văn hóa, thì đó là một điều hầu như đương nhiên, một niềm vui.

 

Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết. Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà.” (Lc 12, 2-3)

 

Trường hợp của tôi, như tựa đề của bài, nói ra đây những việc nhà tôi đã làm, đã xây dựng cho gia đình mình, đặc biệt là sự chịu đựng của nàng trong cuộc sống hôn nhân, bên cạnh một người chồng  xác thì viễn du mà tâm tư thì ở quê nhà, thân thì ở miền lưu đày, còn hồn thì vương vấn trên cao, tôi thiển nghĩ nói ra cũng được, may ra có ai đó đang sống đời hôn nhân cảm thông với mình chăng ? Thì vui rồi.

 

2.

 

Ngày Mồng 6 Tết Nhâm Thìn vừa qua, nhằm ngày Thứ bảy, bà xã tôi lặng lẽ ra đi vừa tròn 3 năm. Ngày ấy, Mồng 6 Tết Kỷ-Sửu 2009, cũng là ngày Thứ bảy.

 

Ngày ấy, sau mấy ngày bối rối và bận rộn, tiếp khách đến nhà chia buồn, phúng điếu và cầu nguyện cho linh hồn người vừa đi về một “cõi khác”, sau đó là việc mai táng, tôi nhận được những an ủi từ những gia đình lân cận, những anh em đang đồng hành trong công tác phục vụ bệnh nhân, nằm tại nhà và những bệnh nhân nằm điều trị tại nhà thương. Rồi mấy thân hữu trong làng văn, một sáng nọ, rủ tôi uống cà-phê tại một tiệm thanh lịch ở khu Tân Định. Chúng tôi 5 người, có một nhà văn nữ thời danh về thơ. Chị kể chúng tôi nghe một chuyện về người đàn bà khóc chồng vừa mất. Bà gào thét, nói với chồng : Ông ơi, khi còn sống, ông hay phàn nàn và gắt gỏng với tôi, tôi buồn ông, giận ông. Bây giờ, tôi muốn được sống với ông , muốn được nghe ông phàn nàn, được ông gắt gỏng, để tôi thấy mình không cô đơn. Nhưng không được, vì ông đã ra đi, đã bỏ tôi ở lại một mình…

 

Khi nhà thơ này ngừng kể, tôi nói, mình cũng đang trong tình trạng này:

 

Tôi và bà xã có nhiều khác nhau trong cuộc sống, từ việc lặt vặt như quét nhà, phơi cái khăn rửa mặt , việc giáo dục đứa con duy nhất trong nhà, việc bạn văn nghệ đến nhà chơi, cách riêng trong một trường hợp cụ thể.

 

Đó là việc chúng tôi bán nhà và mua một cái nhà khác, theo ý của nàng là chuẩn bị cho cô con gái đã  xuân xanh xấp xỉ đến tuần cập kê.

Tôi đạp xe đi nhiều nơi, nhiều quận trong thành phố tìm nhà phù hợp với nhu cầu bình thường, một không gian không xô bồ, chật chội, giá cả tương ứng với túi tiền của minh. Có ngày, chúng tôi đã tới một văn phòng xây nhà chung cư tại khu vực quận Tân Bình. Không có nhà trống. Muốn mua, phải đăng ký, chờ xây khu nhà mới. Một lần khác, chúng tôi xuống vùng nhà thờ Tân Hương, thuộc Tân Phú, hỏi một căn trước cửa nhà thờ này, lúc đó đang là một trạm mua bán đồ ve chai, giá cả có thể trao đổi. Trở về nhà, nghĩ tới nghĩ lui, từ việc bà xã còn đi làm đến việc cô con gái còn đi học, cả ngày và đêm. Vậy là không xong. Bỏ cả hai ý định này, chúng tôi nhờ người giới thiệu một nhà nào đó muốn bán tại một trong các giáo xứ nằm ở vùng ông Tạ. Chúng tôi được giới thiệu cho một căn theo nhu cầu bình thường, giá cả thì chúng tôi phải cố gắng thực hiện. Như vậy là việc mua nhà đã xong. Còn việc bán nhà tương đối xuôn xẻ, vì người lân cận cũng ưa nó. Mọi thủ tục mua bán, như sang tên, ra công chứng đã xong.

 

Nhưng đến lúc đóng thuế trước bạ thì một chuyện xảy ra. Theo quy định, người chủ căn nhà cũ phải đóng thuế sử dụng đất, xong phần này, sở thuế mới thu tiền trước bạ của chủ mới, ở đây là vợ chồng tôi. Chúng tôi yêu cầu đóng trước, phần thuế của chủ cũ, 2 triệu đồng, đóng sau. Sở thuế không chấp thuận việc này. Khó cho chúng tôi là người chủ cũ mua nhà ở đâu, chúng tôi không biết. Có mấy ý kiến giúp chúng tôi giải quyết việc này, là hãy coi như mình mua căn nhà đắt thêm mấy triệu nữa, là xong, khỏi mất giờ đi lại và tìm nhà người đã bán cho mình căn nhà ấy. Nhưng vợ tôi dứt khoát không chịu, nói rằng bổn phận của người ta, tại sao mình chuốc lấy. Chuyện của mình bây giờ là tìm ra nhà mới của ông ấy, tức chủ cũ.

 

Khi làm thủ tục giao nhà giữa chúng tôi, tôi hỏi: Ông mua nhà mới ở đâu, có dịp tôi đến nhà thăm ông bà.Ông ta chỉ nói đến Tổ dân phố chứ không nói đến số nhà và tên đường, vì ông mua đất để xây dựng ở khu vực đang mở mang thuộc quận Tân Bình, vùng Tân Phú, nên chưa có đặt tên đường.Khi gặp chuyện thuế má, tôi đã xuống vùng này hỏi rất nhiều người sống lâu năm ở đây, vào cả nhà ông cựu chủ tịch hành chánh tại địa phương để hỏi, đến cả văn phòng UBND Phường vùng Tân Phú…không ai biết Tổ dân phố tôi hỏi ở đâu. Chỉ nguyên chuyện hỏi việc này, tôi mất hơn tuần lễ, sáng và chiều.

 

Tôi đã khá mệt mỏi trong việc mua nhà, từ chuyện đi tìm đến chuyện làm thủ tục hành chính, mất gần một năm ròng rã. Nay lại đến chuyện thuế má, đi tìm chủ cũ để nói cho họ biết, thuế sử dụng đất là phần của họ. Người có tiền, họ nhờ dịch vụ hay là “cò” làm tất cả những việc trên, là xong. Còn trường hợp chúng tôi, nhẫn nại, chịu đựng, chịu khó đạp xe đi đạp xe về, bất kể mưa nắng. Ngoài ra, thánh lễ và cầu nguyện là then chốt để giải quyết chuyện bế tắc. Vì chúng tôi mong sớm xong thủ tục hành chính, cầm chắc cái giấy chủ quyền nhà, kẻo mấy ông hành…dân (cách nói của báo chí CS về vấn đề hành chính trong chế độ CS ở VN, như rườm rà, phức tạp, đòi hỏi nhiều loại giấy tờ mà người dân rất khó có được, hoặc họ muốn có thì lại phải dùng đến “cò” là xong, lại nữa là chuyện hay thay đổi, càng về sau càng khó cho dân.)

 

May cho tôi sau nhiều tháng gặp chuyện không xuôn xẻ như nói ở trên, một người nghe tôi kể việc mình mua nhà, không biết chủ cũ ở đâu để cho biết, họ còn phải đóng một số tiền thì việc bán và mua nhà giữa chúng tôi mới xong. Người này nói, người con gái của ông ấy (chủ nhà cũ), lấy chồng, đang ở giáo xứ nọ…Tôi như người đang trong dòng nước lũ, dìm sâu trong mệt mỏi cố thoát được lên bờ. Cuối cùng tôi gặp được người con gái của chủ nhà cũ, cô cho biết nhà của bố mẹ cô. Tôi xuống Tân Phú, tìm khu đang mở mang. Một con đường đang trong giai đoạn san mặt bằng. Về sau tôi biết, con đường này đi vòng qua khu nhà thờ Tân Hương  sầm uất.

 

Tuy tìm được người cần tìm, song lúc đầu, người bán nhà cho tôi không nói gì đến chuyện tiền bạc. Có lẽ ông nghĩ ngu gì mà đóng, một khi mình đã nhận đủ số tiền bán và nay đã yên ổn trong căn nhà mới.Số tiền 2 triệu đồng là phần ông phải đóng ở thời giá cách nay gần 20 năm, không phải là số tiền nhỏ. Nhưng vì tôi kiên trì đi lại, gắng đạp xe từ vùng chợ Ông Tạ xuống Tân Phú nhiều lần để nói chuyện công bằng với ông. Cuối cùng, ông nhận đóng một nửa số tiền trên. Bà xã tôi không chịu. Tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện, xin cho nhà tôi chấp nhận một phần thiệt thòi, vì “Con mệt mỏi lắm rồi, lạy Chúa!” Rồi một ngày đi làm về, nhà tôi kể chuyện trong sở, nói đến một người khách hàng tới đóng tiền nước. Ông ta là một cán bộ về hưu, gặp trường hợp mua nhà như mình.Người bán không chịu đóng thuế sử dụng đất là phần của họ sau khi nhận đủ tiền bán, chỉ bằng lòng đóng một nửa thôi.Tôi hỏi:- Sao nữa, người cán bộ nói với em, nghĩ sao ?- Ông ta nói là mình phải chịu thôi, cứ coi như mình  phải trả thêm tiền mua nhà vậy. Tôi hỏi bà xã tiếp : – Còn trường hợp nhà mình, em bằng lòng nhận một nửa chứ ? – Đành vậy và nàng cười.

 

Tôi coi đây là kết quả của lời cầu nguyện. Chúa dùng người khác để tác động đến suy nghĩ của nhà tôi.

 

Còn phần chúng tôi, đương nhiên cũng phải đóng thuế sử dụng đất căn nhà mình vừa bán. Tôi không thể làm theo lối của người bán nhà cho chúng tôi cũng như người bán nhà cho ông cán bộ nọ. Như thế là lỗi phép công bằng. Nhà tôi cũng chỉ bằng lòng đóng một nửa số tiền do Sở thuế quy định, như người chủ cũ chỉ đóng một nửa cho chúng tôi.Theo nàng, đó là sòng phẳng. Vì nhà cũ của chúng tôi nhỏ hơn nhà mới mua, nên tiền sử dụng đất cũng thấp hơn. Tôi cần gia đình yên ổn, không thể bắt bà xã phải bỏ ra thêm vài trăm ngàn nữa, nên tôi đi vay mượn trao cho người mua nhà của chúng tôi đủ số tiền thuộc phần chúng tôi. Đây là lần nói dối vợ duy nhất của tôi suốt gần 40 năm chung sống và cũng là vấn đề lớn nhất của chúng tôi suốt bấy nhiêu năm.

 

3.

 

Sau khi vợ tôi mất, tôi báo tin cho ông Trùm chánh của giáo họ để ông trình cha xứ, sau đó bảo vệ sẽ giật một hồi chuông. Nữ thì 9 tiếng, nam 7 tiếng. Ông Trùm ngạc nhiên vì người chết là nhà tôi, bởi nhà tôi “đi” nhanh quá, không nghe nói đến ốm đau bao giờ. Một tờ Cáo phó được dán lên trước cửa nhà thờ. Đa số không biết người chết là ai, là vợ của ai, vì vợ tôi là bổn đạo mới, không tham gia vào một đoàn thể Công giáo Tiến hành nào. Nhưng khi biết là vợ của tôi, người ta bàn tán về nàng. Gặp tôi, người ta chia buồn và thành thật nói rằng, nghe nói bà trẻ và đẹp.Rồi đến nhà cầu nguyện cho linh hồn vừa  ly trần, đoàn thể có, cá nhân có. Theo ông Trùm chánh của giáo họ chúng tôi, số người trong giáo họ nhà tham dự các buổi cầu nguyện và một thánh lễ tại gia cũng như trong thánh lễ an táng tại nhà thờ, lên đến 60%.

 

4.

 

Từ sau ngày đó, tôi sống trong hoài niệm, cám ơn nàng đã hy sinh cho tôi, chấp nhận sống nghèo, chung thủy và trung thực với tôi, đến nỗi một người chị ruột của nàng đã nói với tôi : “Bao nhiêu năm, nó chẳng được cái gì !” Còn người em gái út của nàng ở nước ngoài thì yêu cầu tôi nói cái gì đó về người chị vừa khuất của mình. Tôi đã viết một bức thư dài 5,6 trang giấy gửi cho người này. Tôi nói đến hai việc lớn mà người chị của cô đã làm , một là mua nhà vì cô con gái chúng tôi, hai là sửa nhà vì tôi làm việc trên nhà thờ. Nàng nghĩ, thế gian thường nhìn người theo bề ngoài, mình đành phải thế.

 

Sau ngày vợ tôi hóa thân thành tro bụi, có vài người hỏi tôi “có thấy bà về không ?” Tôi nói “Có”, 8 tháng sau, trong giấc ngủ trưa. Toàn thân giống như tấm lụa trong gió, trắng như tuyết, bay về bên tôi rồi nàng cười, một nụ cười tôi không thấy ở nàng bao giờ, trong gần 40 năm sống với nhau. Hình bóng này chỉ thoáng qua, không đầy một dây đồng hồ. Tôi đem giấc chiêm bao này nói cho con gái chúng tôi biết. Nó cười, nói rằng má con tỏ cho ba biết là má hài lòng về ba, đã thay má chăm sóc hai cháu nhỏ rất tốt trong ba tháng hè vừa qua.Lúc đó, hai cháu nhỏ của chúng tôi mới 6,7 tuổi.Tôi nghĩ khác. Hình bóng trắng như tuyết của nhà tôi, là một dấu chỉ : nàng đã qua thanh luyện, giờ trở nên thanh khiết trước mặt Đấng Tối Cao.Và hiện ở nơi thanh nhàn.

 

Từ ngày đó đến nay, sau 3 năm để tang vợ và có lẽ tôi vẫn sống trong hoài niệm về tất cả những gì nhà tôi đã làm cho gia đình. Mỗi khi tôi ra khỏi nhà, tôi đều nhìn lên bức di ảnh nhà tôi, nói với nàng lý do đi. Chẳng hạn, khi đến trường học đón hai đứa cháu về, tôi nói với nàng : Em ở nhà, anh đi đón hai đứa nhỏ. Còn khi đi thăm ai đó mà nhà tôi cũng biết, tôi nói như khi nàng còn sống : Anh đến anh đó, chú đó v.v…,em ở nhà nhé.Vào nhà thờ cũng thế, tôi nói: Anh vào nhà thờ đây. Còn khi vợ chồng con gái chúng tôi dẫn nhau về bên nội hoặc đi chơi xa vài ngày, nếu tôi phải ra khỏi nhà, thì tôi nói : Chúng nó mang nhau về bên nội rồi, hay : Chúng nó đi chơi xa vài ngày, chỉ có anh và em ở nhà thôi. Nhà này do em tạo dựng, em trông nom giúp anh nhá.Anh tin rằng em vẫn ở trong nhà này, đừng bỏ anh và con một mình. Anh đi một chút rồi về. Mỗi lần như thế, tôi đều nhìn vào đôi môi mỏng của nàng để thấy nụ cười của nàng.

 

Sau cùng, tôi từ một người khác vợ trong rất nhiều việc trước kia, nay tôi lại hóa thân thành nàng. Quả thật, những tháng đầu sống chung với gia đình con gái, tôi thấy khó chịu quá, từ chuyện ăn uống đến đồ dùng trong nhà, chuyện cái tivi với hai đứa cháu còn nhỏ, đến việc phí phạm điện nước, cửa nhà bề bộn sách vở, đồ chơi mỗi khi chúng về, quần áo thay ra vứt bừa bãi dưới đất hay trên giường v.v…Cái gì cũng khác trước. Lúc chỉ có hai vợ chồng tôi sống với nhau sau khi cô con gái của chúng tôi đi lấy chồng, tối nào chúng tôi cũng theo dõi tin tức quốc tế trên màn hình, theo dõi những trận bóng đá trong nước và quốc tế, và cùng ngồi bên nhau xem một bộ phim hay nào đó. Nay, tôi phải nhường những phần này cho hai đứa cháu. Tuy nhiên cũng có một dạo, kênh truyên hình SCTV 17, chiếu lại bộ phim của Hàn Quốc mà trước kia con gái chúng tôi biết là vợ chồng tôi rất thích, không bỏ sót tập nào. Đó là phim Nàng Dae Jang Geum. Nên nó bảo hai đứa con phải ngưng phim hoạt hình, để cả nhà cùng xem phim này..Chúng ngoan ngoãn nghe.

 

5.

 

Để sống hòa hợp với một gia đình trẻ như vậy, tôi theo gương thánh Martinô Porrès, vào dòng như một người giúp việc, làm những việc vặt với lòng yêu thương, bỏ cái tôi của mình đi, quan sát và lắng nghe con trẻ nói, đáp ứng nhu cầu chính đáng , chừng mực của con trẻ, tạo một không khí thân mật, gần gũi trong gia đình.

 

Sau khi nhà tôi mất, tôi cảm xúc làm bài thơ Khóc vợ. Nay đọc lại, tôi thấy đoạn cuối chưa ăn nhịp với đời sống thực của chúng tôi, cũng như niềm tin về mai sau của người Kitô hữu, nên có sửa chữa (Chữ nghiêng). Xin được đăng lại ở đây toàn bài :

 

  KHÓC VỢ

Mở cánh cửa ra thấy hoa mai nở
Tôi nhìn bâng khuâng nghĩ kiếp phù du
Chợt thấy u buồn, lời hoa tạ từ
Lòng hoang vắng lạnh đầy nỗi ưu tư.

 

Khép cánh cửa vào nhìn hoa mai rụng
Em đi không lời, như mây như gió
Em đi bình an, như gió như mây
Em vào hư vô, tôi khóc từng giờ.

 

Mở cánh cửa ra thấy hoa mai nở
Khép cánh cửa vào lại thấy hoa rơi
Em đã đi rồi, tôi đứng ngẩn ngơ !
Lặng thầm em đi không lời trăn trối.

 

Em sống với anh như có như không
Bốn mươi năm trường bao điều đau khổ
Bốn mươi năm trường sống đời nghèo khó
Em đã đi rồi ! Gặp em mai sau.

 

Đến nay, sau 3 năm nhà tôi mất, tôi vẫn sống với một gia đình trẻ như đã nói, và thấy có dấu hiệu tốt về đời sống đạo.

Chẳng hạn, dịp trước Noel năm 2011, học sinh các cấp đều phải ôn lại bài, chuẩn bị thi học kỳ. Một hôm, con rể tôi (tân tòng)cho hai đứa con nghỉ học thêm một buổi để ở nhà ôn bài. Thấy thế, hôm sau, trong bữa cơm tối, tôi nói với hai đứa cháu: “Ngày mai thứ năm, lẽ ra các con phải đi lễ dành cho thiếu nhi như thường lệ, nhưng vì sắp sửa thi học kỳ nên các con có thể nghỉ ở nhà ôn bài”.Tôi vừa dứt lời thì cả hai đứa ồ lên một tiếng rồi cùng nói một lượt như thể chúng đã có chuẩn bị trước để nói: “Không ! Chúng con đi lễ.” Riêng đứa lớn là gái, học lớp 5, nói thêm : “Lễ về chúng con học cũng được mà. Lễ chỉ có nửa tiếng thôi, ông ngoại.”

 

Đấy là phần thưởng tinh thần của tôi.

 

Khải Triều
(Ngày 1-2-2012)

 

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.