Uncategorized

Ánh Sáng huy hoàng

Paris nổi tiếng với tên gọi "Kinh đô ánh sáng", vốn từ trong tiếng Pháp là " Ville lumière ", dịch chính xác là Thành phố ánh sáng, cũng giống trong tiếng Anh: The City of Lights. Tên gọi này được bắt đầu từ nghĩa đen của nó: Cuối  thế kỷ 17, trung tướng cảnh sát đầu tiên của Paris là Gabriel Nicolas de La Reynie ra lệnh thắp sáng những khu vực công cộng, nhiều tệ nạn của thành phố.

Paris nổi tiếng với tên gọi "Kinh đô ánh sáng", vốn từ trong tiếng Pháp là " Ville lumière ", dịch chính xác là Thành phố ánh sáng, cũng giống trong tiếng Anh: The City of Lights. Tên gọi này được bắt đầu từ nghĩa đen của nó: Cuối  thế kỷ 17, trung tướng cảnh sát đầu tiên của Paris là Gabriel Nicolas de La Reynie ra lệnh thắp sáng những khu vực công cộng, nhiều tệ nạn của thành phố. Nhưng bởi Paris nổi tiếng với vị trí trung tâm văn hóa, tri thức của cả thế giới, nên tên gọi này thường được hiểu theo nghĩa bóng.

 

Nổi tiếng với tên gọi Kinh đô ánh sáng, Paris là một trung tâm văn hóa lớn của thế giới và cũng là một trong những thành phố du lịch thu hút nhất. Sự nhộn nhịp, các công trình kiến trúc và không khí nghệ sĩ đã giúp Paris mỗi năm có đến 30 triệu khách nước ngoài. Thành phố còn được xem như kinh đô của thời trang  cao cấp với nhiều khu phố xa xỉ cùng các trung tâm thương mại lớn. Là nơi đặt trụ sở chính của các tổ chức quốc tế như OECD, UNESCO,…  cộng với những hoạt động đa dạng về tài chính, kinh doanh, chính trị và du lịch đã khiến Paris trở thành một trong những trung tâm trung chuyển lớn nhất trên thế giới và được coi như một trong bốn " thành phố toàn cầu” cùng với New York, Luân Đôn và Tokyo. (Wikipedia)

 

Tuy nhiên, vào cuối năm 2012, Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường Pháp Delphine Batho đã giới thiệu đề xuất tắt điện tại những cửa hiệu, văn phòng và tòa nhà công sở từ 1 giờ đến 7 giờ sáng kể từ tháng 7/2013, gồm cả những cửa hiệu Louis Vuitton và hộp đêm Lido ở đại lộ Champs Elysees.

 

Với  Paris hoa lệ, kế hoạch của chính phủ nhiều khả năng sẽ làm sứt mẻ thương hiệu  “Kinh đô Ánh sáng”, vốn có được nhờ danh tiếng của một trung tâm tư tưởng và nghiên cứu vào thời kỳ Khai sáng cũng như những ánh đèn điện thâu đêm trên đường phố.

 

Vì suy thoái kinh tế, “Kinh đô Ánh sáng” đang tắt dần hào quang từ đèn điện đến tầm ảnh hưởng quốc tế. Nhưng còn Ánh Sáng Chúa Kitô vẫn mãi huy hoàng mọi thời, mọi lúc và mọi nơi trên khắp thế giới.

 

Khởi sự cuộc đời công khai, Đức Giêsu đi lên phía Bắc, là miền Galilê, một vùng xôi đậu, không toàn tòng Do Thái như Giuđêa, phía Nam. Bấy giờ, Galilê, miền đất dân ngoại, đang ngồi trong cảnh tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu dọi. (Mt 4, 15 -16)

 

Ánh Sáng chiếu nơi tăm tối

 

Ánh Sáng huy hoàng Đức Giêsu không chiếu dọi xuống thánh đô Giêrusalem, nhưng chiếu xuống Bêlem nghèo hèn, xa xôi, hẻo lánh, chẳng mấy ai biết đến. Hôm nay, Ánh Sáng lại tỏa chiếu xuống miền Galilê, dân ngoại. Vượt khỏi biên cương hạn hẹp của xứ Giuđêa, vượt ra khỏi Cựu Ước với dân riêng, Ánh Sáng mời gọi muôn dân tỉnh thức, thoát khỏi đêm đen tội lỗi, thoát khỏi hào nhoáng xa hoa vật chất, hưởng thụ sa đọa. Ánh Sáng giải thoát thân phân chịu đàn áp, nô lệ vật chất, tiền tài, danh vọng.

 

Nhưng Ánh Sáng không chiếu dọi vào những thành trì kiên cố, hừng hực đỏ lửa bảo thủ, ngoan cố, ngạo nghễ, hợm hĩnh, kiêu căng, tự cao, tự đại, tự đắc, tự mãn, sôi sục đố kỵ, ganh ghét, oán hận, thù địch. Ánh Sáng chỉ chan hòa chiếu vào nơi tăm tối, nơi bóng tối tử thần đang đe dọa, đang hủy diệt, đang tung hoành lưỡi hái, nơi cư dân khiếp hãi, rụng rời, đang khắc khoải lo âu, hết lòng cởi mở, tha thiết hy vọng, khẩn cầu được giải thoát, được ơn cứu độ.

 

“Khi Đức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, người lánh qua miền Galilê. Rồi người bỏ Nazareth, đến ở Capharnaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc hạt Dơvulum và Naptali, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói…”(Mt 4, 12-16)

 

Ánh Sáng chiếu người hèn mọn

 

Ánh Sáng không chỉ chiếu giãi đường đi, sự thật và chân lý cho tất cả những ai đang khát vọng giải thoát khỏi tăm tối cuộc đời, mà còn ưu ái cách riêng cho những người hèn mọn, khiêm nhu, đơn sơ, mà nhiệt thành dấn thân.

 

Đức Giêsu không đến mời gọi những nhà trí thức khoa bảng, những học giả uyên thâm, chẳng kêu gọi những đại gia thừa tiền lắm bạc, chẳng chiêu mộ những bậc quân vương quyền cao chức trọng, cũng chẳng đoái hoài đến những thầy tư tế, thầy cả thượng phẩm, luật sĩ, kinh sĩ, những người Biệt phái Pharisiêu, hay Sa Đốc. Trái lại, Người lại ân cần, thân mật, tha thiết mời gọi những gã thuyền chài chân chất, cục mịch, hục tặc, vai u thịt bắp, thất học, nghèo nàn, cơ cực, ăn gió nằm sương, tầm thường, xoàng xĩnh, đến huấn luyện làm môn đệ chân truyền.

 

Ánh Sáng chiếu giãi chan hòa trên những ngư dân đơn sơ, khiêm hạ, chân tình, thâm nhập dễ dàng vào lòng trí họ, vì họ cởi mở rộng rãi, mau mắn đón nhận, không bị ngăn trở, không bị sốc vì kiêu căng với học thức, vì vô cảm với giàu sang phú quý, vì tự mãn với lòng đạo đức hình thức, giáo điều mê muội. Các ông chẳng còn e ngại phong ba bão táp, vất vả, khó khăn, gian truân, mà cháy lửa Tình Yêu, xả thân, cuồng nhiệt theo Thầy Giêsu, dấn bước phiêu lưu, chuyên cần rao giảng Tin Mừng. “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những người lưới người như lưới cá.” Lập tức  hai ông bỏ chài lưới mà theo Người. (Mt 4, 19-20) “Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.”(Mt 4, 21-22)

 

Ánh Sáng Cứu Độ

 

“Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt, 4, 17) Lời kêu gọi quan trọng, vô cùng khẩn thiết và hết sức cấp bách của Đức Giêsu khai mạc công cuộc rao giảng, được lập đi lập lại xuyên suốt ba năm phục vụ. Điều kiện tiên quyết đế lãnh nhận được Ánh Sáng cứu độ, chính là sám hối, canh tân đổi mới cuộc đời.

 

Sám hối không chỉ có nghĩa chỉ ăn năn, hối hận những tội lỗi vấp phạm, mà còn cần cải hóa, hoán cải, quyết tâm chừa bỏ tội lỗi, làm lại cuộc đời mới tử tế, đàng hoàng, đức độ. Các môn đệ đầu tiên không chỉ bỏ nghề đánh cá, bỏ chài lưới lẫn thuyền bè, mà còn bỏ cả những thói hư tật xấu, rượu chè, ăn nhậu, bài bạc đỏ đen, phét lác, ăn sóng nói gió, chửi thề, như thói quen phổ biến.

 

“Canh tân không phải chỉ đổi nước mã bên ngoài, đổi một số nghi thức cho ngoạn mục hơn, đổi tên các ủy ban cho kêu hơn, đạp đổ cơ cấu cũ, dựng nên một số tổ chức mới, hội nghị, tuyên ngôn…

 

Thánh Phaolô nói rõ:“Hãy cởi con người cũ, mặc lấy người mới là Chúa Giêsu.” (Đường Hy Vọng, số 635)

 

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy cho chúng con bắt chước các tông đồ xưa, nghe Đức Giê-su kêu gọi là "lập tức" bỏ tất cả mà đi theo, không chần chừ, so đo, tính toán hơn thiệt. Xin ban cho chúng con tấm lòng nhiệt thành, trái tim quả cảm, tinh thần tin tưởng và phó thác nơi quyền năng vô biên của Chúa trong mọi sự.

 

Lạy Mẹ Maria, xin cầu bầu giúp chúng con sống đơn sơ, khiêm hạ, nhỏ bé, chân thành, can đảm để tỉnh thức, sẵn sàng vâng theo tiếng Chúa gọi làm tông đồ, đem ánh sáng cứu độ đến cho tha nhân. Amen.

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.