Uncategorized

Ảnh hưởng và trách nhiệm giáo dục của cha mẹ

Hằng ngày tôi vẫn được dịp chứng kiến những hình ảnh mà không thể nào có thể quên được trong ký ức, và trong cuộc sống. Và cũng qua những hình ảnh này, tôi có dịp ca ngợi những kỳ công của Thiên Chúa, và đồng thời nhìn ra tôi là người được chúc phúc, may mắn. Gia đình tôi, con cái tôi cũng là những người may mắn và hưởng tràn trề hồng ân của Ngài.

Hằng ngày tôi vẫn được dịp chứng kiến những hình ảnh mà không thể nào có thể quên được trong ký ức, và trong cuộc sống. Và cũng qua những hình ảnh này, tôi có dịp ca ngợi những kỳ công của Thiên Chúa, và đồng thời nhìn ra tôi là người được chúc phúc, may mắn. Gia đình tôi, con cái tôi cũng là những người may mắn và hưởng tràn trề hồng ân của Ngài. Những hình ảnh ấy gồm các em, các thanh thiếu niên, và đôi khi cả những người lớn tuổi và già lão mang trong họ những hội chứng chậm phát triển về thể lý, tâm lý, và tâm thần.

 

Trường hợp 1: Em Vân là một bé gái 14 tuổi sinh ra bởi cha mẹ vị thành niên. Cặp cha mẹ này là những người nghiện hút rất nặng. Em tuy khỏe mạnh về thể xác, nhưng tâm lý và tâm thần của em hoàn toàn bệnh hoạn. Em đi qua từ bệnh viện tâm thần này đến bệnh viện tâm thần nọ. Cuộc đời em coi như bị gắn liền với thuốc tâm thần và nhà thương tâm trí.

 

Em nghịch ngợm, phá phách, ngang tàng, liều lĩnh một cách không thể tưởng tượng nổi. Thêm vào đó, đầu óc em đần độn, và dốt nát. Em chỉ biết hành động như một cái máy, và hoàn toàn bị sai khiến bởi những bản năng tự nhiên mà không hề có một chút suy nghĩ.

 

Cha mẹ em bỏ em. Và họ ở đâu lúc này cũng không ai biết. Em sống lây lất trong các nhà giữ trẻ và nhờ vào các chương trình xã hội.

 

Trường hợp 2: Thanh năm nay 23 tuổi, bụi đời từ năm 15. Em sinh ra trong một gia đình giầu có về mặt tiền bạc. Nhưng cha mẹ em tối ngày chửi nhau, đánh nhau, và hưởng thụ. Em bị đẩy ra ngoài ngưỡng cửa của gia đình do cái thiếu sót và lỗi lầm của cha mẹ. Ngoài xã hội, em đã bị dụ dỗ để tham gia những hoạt động băng đảng, hút sách và rượu chè.

 

Một thời gian sau việc dùng những độc dược từ những thuốc kích thích và rượu, não bộ của em bị thoái hóa và thần kinh em bắt đầu bị ảnh hưởng. Em trở nên hoang tưởng, ảo mộng và ảo giác. Ðôi lúc hiền lành, trầm ngâm như một triết gia. Ðôi lúc trở thành hung hãn và rất nguy hiểm. Em cười nói vu vơ, thơ thẩn, và bất định. Em được chuyển từ bệnh viện tâm thần này qua bệnh viện tâm thần khác. Lúc ở nhà với gia đình, lúc nhập viện.

 

Hai hình ảnh trên chỉ là những hình ảnh mờ nhạt và tượng trưng cho những gì mà tôi thấy và phải tiếp xúc hằng ngày trong lãnh vực nghề nghiệp. Thật vậy, không thể nào tưởng tượng được có những em nhỏ ngây thơ và hồn nhiên như thiên thần, những thanh thiếu niên nam nữ đẹp đẽ, căng tràn nhựa sống, hoặc những người cao niên được liệt vào những thành phần tâm lý, thể lý chậm phát triển qua những hội chứng Down Syndrome, Mental Retardation, Autism, hoặc Seizures mà hậu quả là do sự nghiện ngập, rượu chè, hoặc do sự thiếu trách nhiệm và giáo dục của các phụ huynh gây ra. Họ thật sự là nạn nhân vì họ được sinh ra không những không do lựa chọn riêng mình, mà còn không may rơi vào những gia đình mà trong đó cha mẹ:

 

 – Rượu chè, nghiện hút.

 

 – Bầu khí gia đình bất hạnh, cha mẹ chửi bới, đánh đập nhau, ly dị nhau.

 

– Không dành thời giờ và tình cảm cho con cái, nhưng chỉ lo hưởng thụ, lo làm giầu.

 

 Tất cả những ảnh hưởng trên đã hoặc làm họ sinh ra dưới di truyền của cha mẹ. Hoặc họ sinh ra dưới ảnh hưởng của rượu mạnh, thuốc và ma túy mà cha mẹ họ đã trao vào máu huyết họ. Trong những trường hợp ấy, nếu may mắn được sinh ra tay chân lành mạnh, thì tâm thần và tâm lý họ bệnh hoạn. Nếu bất hạnh, họ sinh ra tật bệnh cả tinh thần lẫn thể xác.

 

Trường hợp của em Vân, rõ ràng em đã được sinh ra dưới ảnh hưởng của rượu và thuốc xái. Do tính ích kỷ và hưởng thụ một cách thiếu trách nhiệm của cha mẹ, em đã trở thành nạn nhân của chính cha mẹ em. Và em đã lãnh cái hậu quả do chính cha mẹ em để lại.

 

Không những em là nạn nhân của cha mẹ em, mà xã hội và tất cả những ai liên quan đến em cũng trở thành một thứ nạn nhân bất đắc dĩ. Các bác sĩ, các y tá, các nhân viên xã hội và các chương trình xã hội. Cả đến ngân sách chính phủ và sự an sinh của những người chung quanh em cũng là một thứ nạn nhân của em và cha mẹ em.

 

Nhưng cái bất hạnh là trong một tâm lý và tinh thần bệnh hoạn ấy, em đã để mất ý nghĩa và giá trị cuộc sống của chính em. Cuộc đời em đã bị cột chặt với những triệu chứng tâm thần, và em không có hy vọng trở lại cuộc sống bình thường. Em mất đi tương lai. Cha mẹ em mất đi một người con. Xã hội phải nhận gánh thêm một gánh nặng.

 

Trường hợp Thanh thì tuy không sinh ra trong cái di sản bệnh tật của cha mẹ, nhưng do việc thiếu trách nhiệm của chính em cũng như của cha mẹ em.

 

Cha mẹ em phải chịu phần lớn trách nhiệm về bệnh hoạn và tương lai của em. Cái trách nhiệm mà chính ra, họ phải có trong việc yêu thương, giáo dục em bằng cách tạo cho em một môi trường lành mạnh, an vui, và hạnh phúc dưới mái ấm gia đình.

 

Việc em đi vào con đường hư hỏng để tự hủy hoại đời mình cũng là cái giá mà em phải trả cho sự bất tuân và buông thả của em. Vì không phải hễ gặp cảnh gia đình lục đục là con cái có quyền bỏ nhà đi hoang. Và không phải vì thiếu sự yêu thương, săn sóc của cha mẹ là con cái có quyền tìm bù đắp bằng việc bỏ nhà đi hoang, bằng thuốc xái hoặc nghiện ngập.

 

Một trong những nguyên tắc giáo dục mà tôi mỗi khi đối diện với những bệnh nhân này, đó là cha mẹ hay phụ huynh không thể chạy trốn trách nhiệm về tương lai con cái mình, bằng cách đổ lỗi cho Thiên Chúa: “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính”. Nhưng phải chấp nhận trách nhiệm về phía mình: “Trồng ớt thì ăn ớt, trồng cam thì ăn cam”. Câu nói này tôi đã học được nơi một bệnh nhân lão thành của tôi. Bà lúc gần đất xa trời, nhìn lại suốt quãng đường đời của mình đã thổn thức nói với tôi câu đó.

 

Tuy nhiên, bà cũng cho biết là may mắn cho bà là bà đã chỉ bị ăn cam chua thôi. Và ở đây tôi hiểu rằng, thuở thiếu thời bà cũng đã trồng cam, nhưng vì không chăm bón, hoặc không để ý săn sóc, nên cây cam của bà chỉ cho bà những trái cam chua. Dầu vậy, bà cũng chưa bị ăn ớt.

 

Nếu trồng cam mà vì không tuới bón, không vun xới nên phải ăn cam chua, thì những người suốt đời chỉ trồng ớt lúc về già, hoặc khi cần đến làm sao có cam ăn dù chỉ là một trái cam chua?!! Kết luận này đưa đến một quyết định thực hành hết sức cần thiết trong vấn đề giáo dục, đó là cha mẹ, phụ huynh phải là người làm gương sáng cho con cái. Phải tạo bầu khí trong lành, yêu thương, và săn sóc cho con cái, để đừng đẩy xa chúng vào con đường hủy hoại, cũng như đừng trao cho con cái mầm mống bệnh hoạn và chết chóc của mình.

 

Hậu quả của những hành động thiếu trách nhiệm, hoặc lơ là trong cái nhìn về con cái, và trong đường lối giáo dục con cái không chỉ ở chỗ “Ðời cha ăn mặn, đời con khát nước”, mà hơn nữa là “Ðời ông ăn mặn, đời cha khát nước, và đời cháu đi tiểu”.
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.