Khi cha mẹ lục đục, cãy lẫy, chửi mắng nhau và dẫn đến ly dị thì nạn nhân đầu tiên của những hành động này không ai khác mà chính là những đứa con vô tội. Các bạn có nghe như con mình đang nói với mình những lời nức nở này không: “Ðừng bỏ nhau, tội con lắm bố mẹ ơi!”
Nhiều phụ huynh hôm nay, đặc biệt những cha mẹ đã không tôn trọng và đặt nặng trách nhiệm của mình trên con cái, vẫn cho rằng ly dị không ảnh hưởng gì đến con cái, vì đó là chuyện của người lớn. Ngay cả phần đông các nhà tâm lý cũng cho rằng nếu cha mẹ mà không thuận hòa với nhau, không hạnh phúc với nhau thì tốt hơn là nên ly dị để tránh phần thiệt hại trong việc giáo dục con cái sau này.
Nhưng đối với những nhà giáo dục chân chính, những nhà đạo đức học, và một số các tâm lý gia có cái nhìn nghiêm chỉnh về tương lai của tuổi trẻ do ảnh hưởng ly dị gây ra, thì quan niệm trên không có căn bản và không phải là giải pháp tốt nhất cho vấn đề ly dị. Lý do, sau khi ly dị rồi thì hậu quả trước mắt vẫn là những bất hạnh cho tương lai của con cái. Ít nhất về mặt tâm lý và giáo dục.
Trường hợp 1:
Chi và chị của em sống với mẹ. Sau một thời gian sống độc thân mẹ em đã quen một người đàn ông khác. Cuộc sống tình cảm của mẹ em đã làm cho những gắn bó của mẹ con em bắt đầu lơ là, và đã dẫn đến những buồn tủi cho em và chị em.
Chuyện sẩy đến không chỉ là những chia sẻ tình cảm giữa mẹ con, mà là mối quan hệ giữa em, chị em và người đàn ông kia. Vì một buổi chiều nọ, lợi dụng lúc không có mẹ em và chị em ở nhà, ông ta đã xúc phạm tiết hạnh của em bằng cách sờ mó và nắn bóp em. Em tỏ ra sợ hãi và khóc lóc, nhưng người đàn ông ấy đã hăm dọa rằng: “Mẹ mày sẽ không tin mày đâu, tốt hơn là đừng nói chuyện này với bà ấy.” Em định sẽ nói chuyện này với mẹ, nhưng lại sợ mẹ mình không tin, và vì thế hành động ấy vẫn tiếp diễn cho tới một hôm mẹ em bất ngờ về nhà và bắt gặp cảnh này.
Câu truyện kết thúc khi mẹ em sớm kịp thời nhận ra mối đe dọa tới tương lai của em và chị em. Và điều kinh khủng hơn là cả hai chị em của em đều đã trở thành nạn nhân của người đàn ông tồi tệ ấy mà không ai dám nói với mẹ hoặc với nhau. Khi sẩy ra những hành động lạm dụng tình dục, lúc đó em mới 8 tuổi và chị em lên 10 tuổi.
Trường hợp 2:
Jonny là một em trai 15 tuổi. Em đã bắt đầu thay đổi cách sống và lối sống khoảng chừng 6 tháng trở lại. Ðầu óc bù xù, áo quần chim cò, và em đòi xỏ tai, xỏ lưỡi, xỏ rún, xâm mình. Em trở nên lỗ mãng, mất dậy, và vô lễ đối với mẹ em. Em đòi hỏi đủ điều và nếu mẹ em không làm hài lòng em, em liền nổi cơn thịnh nộ và nói năng vô lễ với mẹ. Em không còn là đứa trẻ dễ thương như chỉ 6 tháng trước đó. Ðiểm học của em xuống dốc cách thê thảm. Em đi sớm, về khuya và giao du với những bạn bè cùng hoàn cảnh với em. Tóm lại, em là một đứa trẻ hoàn toàn khác, hoàn toàn đổi mới!
Tuy không vâng lời mẹ, nhưng vì ở với người “cha kế” người Mỹ to con, mạnh mẽ và điều này có thể là một lý do khiến Johnny còn nghe ông đôi chút. Nhưng những bất đồng về quan niệm giáo dục, văn hóa của ông lại không làm cho mẹ em khỏi băn khoăn và lo lắng cho đứa con trai duy nhất mà bà đã cưng chiều từ hồi còn thơ trẻ.
1. Hậu quả tiêu cực của ly dị đối với con cái:
Trước hết, hậu quả tiêu cực của ly dị đối với con cái là những trẻ em này sẽ bị giằng co giữa bố và mẹ sau khi ly dị. Ai thắng, ai thua, ai phải, ai trái. Tất cả những điều này sẽ tùy vào từng hoàn cảnh của phụ huynh mà con cái được nghe những điều xấu xa về bố hay mẹ của chúng. Thông thường, sau khi ly dị sẽ không ai chịu trách nhiệm phần lỗi về mình, và do đó, sẽ tìm cách bao che khuyết điểm của mình bằng đổ lỗi cho người phối ngẫu. Trong nhiều năm hành nghề của tôi, tôi không thấy mấy trường hợp cha mẹ sau khi ly dị đã nhận phần lỗi của mình, và tìm cách đền bù lại đối với con cái trong lãnh vực giáo dục.
Tiếp đến, trong tâm trí của các em, bố mẹ vẫn là bố mẹ. Chúng không cần biết bố mẹ mình như thế nào. Hoặc nếu muốn biết, thì là những điều tốt, đẹp, hãnh diện về bố mẹ chứ không phải là những điều xấu, những lý do đã khiến cho bố hoặc mẹ bỏ nhau.
Sau cùng, khi những điều tiêu cực kia ngày ngày được đưa vào tâm trí những đứa trẻ này, chúng sẽ mất dần hình ảnh đẹp của bố mẹ, nhất là khi chúng gặp những khó khăn và thử thách của cuộc sống. Ảnh hưởng này sẽ khiến các em có cái nhìn tiêu cực về hôn nhân và gia đình. Các em sẽ không tìm được một mô hình gia đình và hôn nhân hạnh phúc. Ý nghĩa và đặc tính của hôn nhân cũng sẽ được diễn dịch một cách lệch lạc khi các em nhìn vào bố mẹ mình và đời sống hôn nhân gia đình của bố mẹ sau khi đã ly dị. Có thể cho rằng những hậu quả tiêu cực này dẫn đến hiện tượng đồng tính và hôn nhân đồng tính, tệ nạn phá thai, và ly dị hiện nay, vì theo kết quả khảo cứu, thì con cái của những cha mẹ ly dị có xác xuất ly dị cao hơn những gia đình mà cha mẹ không ly dị.
2. Hậu quả tích cực của ly dị đối với con cái:
Trở lại quan niệm cho rằng ly dị sẽ tạo điều kiện tốt cho ảnh hưởng giáo dục con cái. Quan niệm này thực ra chỉ là một tư tưởng đẹp, đúng hơn, một lý do bào chữa cho việc làm ly dị. Nhiều người có cái nhìn nghiêm chỉnh về gia đình rất lấy làm ngạc nhiên, bỡ ngỡ khi thấy có những khảo cứu cho rằng sự khác biệt về ảnh hưởng tâm lý và lối sống của con cái không có gì khác nhau trước và sau khi cha mẹ đã ly dị.
Thật ra, cũng có những giá trị tích cực trong việc ly dị của cha mẹ ảnh hưởng trên vấn đề giáo dục con cái, nhưng phải được coi như những trường hợp họa hiếm. Trong tạp chí Chân Trời Mới (New Horizon) kỷ niệm 25 năm người Việt sống trên đất Mỹ đã nêu lên hai trường hợp tương tự. Tiến sỹ và là nhà xã hội học Yến Lê Espiritu đã được nuôi dưỡng và chịu ảnh hưởng tốt của người cha kế là một người Hoa Kỳ. Ông đã thương yêu cả hai mẹ con bà và đã giúp bà vượt qua những khó khăn của thời thơ trẻ. Bà đã may mắn trở thành một nhà xã hội học và là một khoa trưởng về xã hội chuyên khảo cứu về di dân, phái tính và người Mỹ gốc Á Châu tại Ðại Học San Diego, California.
Trường hợp thứ hai là thẩm phán Thắng Nguyễn Barrett, thuộc tòa thượng thẩm quận hạt Santa Clara, bang California. Vào năm 1998, Ông là người Mỹ gốc Việt đầu tiên giữ chức vụ cao này. Ông cũng được nuôi dưỡng và may mắn chịu ảnh hưởng tốt của người cha kế là một người Hoa Kỳ.
Nhưng trong hai trường hợp trên, ngoài yếu tố may mắn có được một người cha kế và sự săn sóc của người mẹ tốt, thì sự cố gắng nội tâm và nghị lực vươn lên của hai nhân vật này vẫn được xem như động lực chính.
3. Ảnh hưởng tâm lý của con cái trong vấn đề ly dị:
Như trên đã vừa đề cập, ảnh hưởng tâm lý để lại nơi con cái sau khi cha mẹ quyết định ly dị là điều mà phụ huynh cần phải nghiêm chỉnh suy nghĩ. Nó không đơn giản và không dễ dàng.
Theo tâm lý học sinh vật học, ngay khi một em nhỏ trong thai kỳ ở tháng thứ 6 trong bụng mẹ, em đã biết cười, biết khóc theo những diễn tiến và ảnh hưởng tâm lý của mẹ em. Tóm lại, những gì cha mẹ em đối xử với nhau, vui hay buồn em đều là nạn nhân.
Cũng theo khảo cứu của tâm lý học, thì tuy các em gái phản ứng tình cảm hơn về việc cha mẹ ly dị, nhưng những cảm tình này lại mau qua. Còn đối với các em trai tuy không mấy biểu lộ tình cảm, buồn bã, nhưng nó lại âm hưởng một cách sâu thẳm sau này khi các em đã trưởng thành. Và ảnh hưởng này có tác dụng trên đời sống hôn nhân và gia đình của các em.
Về vấn đề tuổi tác, các em ở dưới tuổi vị thành niên, ảnh hưởng ly dị không mạnh mẽ lắm, nhưng đối với các em ở tuổi vị thành niên hay đã trưởng thành thì đây là một cú “xốc” tinh thần rất mạnh mẽ. Nhiều khi nó dẫn đến chống đối.
Trong 2 trường hợp vừa nêu trên, thì ảnh hưởng trước nhất đối với Chi là sự mất tin tưởng nơi người đàn ông. Hay có thể nói là các đàn ông. Ðiều này sẽ ảnh hưởng tai hại sau này khi em bước vào tuổi thành hôn, và trong đời sống hôn nhân của em. Trong những trường hợp tương tự, nhiều em gái khi lớn lên sẽ buông xuôi và mặc tình phóng túng. Các em có thể sẽ coi nhẹ giá trị luân lý, đạo đức. Có em còn mang mặc cảm trả thù đàn ông bằng một con tim lạnh giá.
Trường hợp của Johnny tuy có may mắn sống với người cha kế biết tôn trọng và yêu thương hai mẹ con em, nhưng sự may mắn ấy bị khựng lại ở mặc cảm về hành động ly dị của mẹ em, ở khác biệt giữa hai nền văn hóa và hai lối sống. Mẹ em chỉ lo bù đắp mặc cảm ly dị của bà bằng những chiều chuộng và mơn trớn mà quên đi bổn phận giáo dục của mình. Kết quả đã đưa em tới những hậu quả như em đang có hiện nay.
Hậu quả ấy sẽ đi đến đâu? Liệu người cha kế kia có tiếp tục còn ảnh hưởng được trên em bao lâu nữa? Và liệu ông có còn tỏ ra quan tâm đến em sau khi em đã bước vào tuổi 17 hay 18 là tuổi mà một đứa trẻ theo quan niệm sống của người Hoa Kỳ sẽ phải tự lập và tự sống, một điều mà chính mẹ em hiện nay đang lo lắng.
Trong hai trường hợp trên, trường hợp của Chi thì hình ảnh tốt về một người đàn ông hoàn toàn bị bóp méo và vấy bẩn. Trường hợp của Johnny thì mô hình về một người cha, một người chủ gia đình bị thay thế bằng hình ảnh người mẹ không biết làm gì hơn, ngoại trừ bù đắp mặc cảm của mình bằng những chiều chuộng vô lý. Và trong cả hai trường hợp này, ảnh hưởng tâm lý và giáo dục của con cái sau khi ly dị đã có một tác dụng tiêu cực nhiều hơn tích cực.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải nghĩ đến ảnh hưởng của những người con cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha, hoặc những người con mà anh, chị, em chúng đều là cùng cha, khác mẹ; cùng mẹ khác cha. Tiếng Việt Nam gọi nôm na là “con ông, con tôi, con chúng ta”. Không riêng các em, mà ngay đến cả phụ huynh trong những trường hợp ấy cũng rất khó xử và rất khó tạo được ảnh hưởng tốt trên con mình, con người, và con chúng ta.
Kết luận:
Tóm lại, những phân tích và kết quả khảo cứu của một số các nhà tâm lý hiện nay, theo tôi, đang làm cho nhiều người hiểu lầm về ảnh hưởng ly dị trong việc giáo dục con cái. Ðối với họ ly dị không có gì thay đổi đối với ảnh hưởng giáo dục con cái. Chính những tư tưởng này đang ru ngủ và bào chữa cho hành động ly dị của nhiều phụ huynh. Nhưng kết quả đã chứng minh hậu quả tai hại của hành động ly dị khi nhìn vào con số các em bỏ học, trốn học, băng đảng, và tội ác. Nhiều cha mẹ cho rằng đó là hệ lụy của một xã hội tân tiến, nhưng có ít người dám đối diện với sự thật khi nghĩ rằng, hành động ly dị của mình đã góp phần quan trọng trong cái hệ lụy mà chính con em mình là nạn nhân.
Ðể đi tìm một lối thoái an toàn cho những chia lìa và đổ bể mà hậu quả đem lại một tương lai đen tối cho con em, Gia Ðình Nazareth là một câu trả lời rất thiết thực. Qua những buổi hội thảo, những buổi gặp gỡ mang tính cách nâng đỡ nhau, nhất là những khóa Nazareth được tổ chức thường xuyên đó đây sẽ giúp cho nhiều phụ huynh ý thức hơn, tái khám phá giá trị và vẻ đẹp hôn nhân, tình yêu lứa đôi, và nhận ra quà tặng tuyệt vời Thượng Ðế trao cho cha mẹ là những người con.
Mời bạn thường xuyên ghé thăm trang nhà của chúng tôi www.giadinhnazareth.org hay tham dự với chúng tôi trong những hoạt động nhằm bảo vệ hạnh phúc gia đình, và tương lai con cái của quí bạn qua Gia Ðình Nazareth.
Hoặc tham dự những buổi hội thảo, hồi tâm về những vấn đề liên quan đến hôn nhân gia đình do cá nhân hay các hội đoàn, đoàn thể tổ chức.
Trước khi ly dị, phụ huynh nên dành nhiều giờ suy nghĩ đến tương lai cũng như hệ quả mà con cái sẽ lãnh nhận sau khi mình đã ly dị.
Views: 0