Bốn mươi ngày (đúng ra là bốn mươi ba ngày), kể từ Chúa Nhật Mừng Lễ Phục Sinh, đã trôi qua. Hôm nay, toàn thể cộng đồng dân Chúa trên khắp thế giới Mừng Lễ Thăng Thiên.
Thăng Thiên nghĩa là gì? Thưa, nghĩa là lên trời. Ai đã lên trời? Thưa, Chúa Giêsu chứ không ngoài ai khác.
Vâng, người tín hữu Công Giáo tin rằng, Đức Giêsu “…Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết…”
“Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha”, đây là niềm tin tông truyền, các tông đồ chính là chứng nhân. Tin Mừng thánh Luca có chép rằng, Đức Giêsu đã “được đem lên trời”, và các tông đồ chính là “chứng nhân về những điều này” (Lc 24, 48).
**
Thật vậy, sau sự kiện phục sinh của Đức Giêsu gây chấn động khắp Giêrusalem, và sau những lần chứng kiến sự thần hiện của Ngài, các môn đệ, có thể nói rằng, đã biến những nỗi chán chường và thất vọng thành niềm tin tưởng và hy vọng vào Thầy của mình.
Với hai môn đệ trên đường Emmau, tấm lòng của họ đã “bừng cháy lên”, khi Đức Giêsu hiện đến với họ và giải thích Kinh Thánh cho họ nghe. Trong khi đó, với nhóm mười hai, các ông tin tưởng và hy vọng rằng, rồi đây Thầy Giêsu sẽ “khôi phục vương quốc Israel ” trong nay mai.
Thế nhưng, đó không phải là điều Đức Giêsu sẽ thực hiện. Bốn mươi ngày qua, kể từ khi sống lại từ cõi chết, Đức Giêsu không ngừng hiện ra với các môn đệ. Nhưng, mỗi khi hiện ra với các ông, Ngài chưa một lần có những lời nói hay việc làm ngụ ý như thế. Trái lại, Đức Giêsu đã cảnh báo với các ông rằng, “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt…”
Trái lại, điều Đức Giêsu chú trọng đến, đó là những lời dạy dỗ và giải thích Kinh Thánh, một trong những điều quan trọng, đó là việc Ngài đã “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh” (Lc 24, 45).
Trong một lần hiện đến, Đức Giêsu đã khuyến cáo với các ông rằng “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách luật Môsê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” (Lc 24, 44).
Thánh Vịnh đã chép gì! Thưa, Thánh Vịnh (110, 1) đã chép rằng “Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con”.
Và quả thật, đúng như lời mô tả trong Thánh Vịnh (68, 19), rằng, “Ngài đã lên cao… ở bên cạnh CHÚA TRỜI”, hôm đó, tại Bêtania, đang khi chúc lành cho các môn đệ, Đức Giêsu “Người rời khỏi các ông và được đem lên trời”. (Lc 24, 51)
Câu chuyện được kể tiếp rằng, các môn đệ “trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỉ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24, 52).
Có một thực tế là, có một số người, khi đến Lễ Giáng Sinh, họ nao nức chờ đợi, đón mừng một cách hết sức rộn rã và “lòng đầy hoan hỉ”. Nhưng, đến lễ Phục Sinh và lễ Thăng Thiên, thì… than ôi! thật là “Lạnh lùng sương rơi heo may. Buồn ngơ ngác bóng chim bay. Mây tím giăng sầu đó đây…” (*)
Tại sao? Phải chăng, đến với Hài Nhi Giêsu, thật dễ dàng, chỉ cần “bái lạy Ngài”! Còn đến với một Giêsu chết trên Thập Tự, một Giêsu Phục Sinh và Thăng Thiên phải thực hiện quá nhiều điều thật khó mà thực hiện?
Sống đức tin như thế là một cách sống đức tin chưa trọn vẹn.
Là một Kitô hữu, chúng ta cần biết rằng, Đức Giêsu sẽ không thể là “Chúa Giêsu” để chúng ta tôn thờ, nếu Ngài không “Giáng Thế, Tử nạn, Phục Sinh và Thăng Thiên”.
Qua biến cố Giáng Sinh của Đức Giêsu, Thiên Chúa đã ban cho nhân loại, điều đã bị nguyên tổ đánh mất, đó là “ Sự Bình An”.
Qua biến cố Tử nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu, Thiên Chúa đã ban cho nhân loại “Ơn Cứu Độ Từ Nơi Danh Chúa Mà Đến”.
Và qua biến cố Chúa Giêsu Thăng Thiên, Thiên Chúa đúng là một Thiên-Chúa-Cha hoàn hảo, Người đã “Tôn Đức Kitô trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (Ep 1, 21-23).
Sự “viên mãn” đó, có thể được gói gọn trong lời Đức Giêsu đã nói trong bữa tiệc ly, rằng, “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng bảo trợ sẽ không đến với anh em , nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em”.
“Đấng ấy” , Đức Giêsu nói, chính là “Quyền năng từ trời cao ban xuống”.
Vâng, có thể kết luận, với chúng ta hôm nay, một đức tin trọn vẹn, là một đức tin, không chỉ như mấy nhà thông thái xưa, tìm đến Hài Nhi Giêsu “bái lạy Ngài” nhưng còn phải là một đức tin, như người gian phi sám hối đã cất tiếng lên, nói với một Giêsu tử nạn trên thập giá rằng, “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”, và cuối cùng, một đức tin trọn vẹn, còn phải thực thi những lời truyền dạy của Chúa Giêsu Phục Sinh, rằng “Chính anh em là chứng nhân về điều này”.
****
“Chính anh em là chứng nhân về điều này”. Phải chăng, hai chữ “anh em” trong lời truyền dạy của Đức Giêsu xưa kia, có chúng ta? Thưa, đúng vậy.
Vâng, linh mục Tanila Hoàng Đắc Ánh OP, mỗi khi nhắc đến vai trò chứng nhân của người Kitô hữu, Ngài thường có lời khuyên, rằng, hãy ăn ngay ở lành, sống công bằng và bác ái, yêu người như chính Chúa yêu thương ta.
Điểm qua những lời khuyên đó, nếu chúng ta thực hiện một cách trọn vẹn, thì có khác nào chúng ta làm theo đúng lời thánh Phaolô đã cầu xin cho tín hữu Ephesô xưa kia.
Hãy thử tưỏng tượng, nếu chúng ta ăn ngay ở lành, sống công bằng và bác ái, yêu người như chính Chúa yêu thương ta. thì đúng là chúng ta đã được “Chúa soi lòng mở trí (để) thấy rõ, đâu là niềm hy vọng… đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú… đâu là quyền lực vô cùng lớn lao (Thiên Chúa) đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu” (X. Ep 1, 18-19).
“Niềm hy vọng… gia nghiệp vinh quang phong phú… quyền lực vô cùng lớn lao Thiên Chúa sẽ thi thố”, vâng, tất cả những điều đó đã được Đức Giêsu gói gọn trong một bài giảng mà hôm nay chúng ta quen gọi là “bài giảng trên núi”.
Nói cách khác, nếu… nếu chúng ta sống đức tin dựa vào những lời dạy của Đức Giêsu trong “bài giảng trên núi”, hãy tin… ngày Chúa Giêsu “ngự đến y như (ngày) Người lên trời”, vâng, hãy tin rằng, Chúa Giêsu sẽ nói với chúng ta rằng “Anh em (quả) là chứng nhân về những điều này”.
Petrus.tran
_
____
(*) Thu ca – tác giả: Phạm Mạnh Cương
Views: 0