Uncategorized

All Souls – Các Linh Hồn

Hôm nay ba nói chuyện với Rose Mary, một bà bạn làm chung với ba về tháng của các linh hồn và cầu nguyện cho các linh hồn.

 

Hôm nay ba nói chuyện với Rose Mary, một bà bạn làm chung với ba về tháng của các linh hồn và cầu nguyện cho các linh hồn.

 

Bà ta không biết và chưa bao giờ cầu nguyện cho các các tiên nhân và cho “Các Linh Hồn” . Theo như ba biết thì Rose đạo gốc là Christian và cải đạo theo Tin  Lành; bà ta khẳng định rằng chỉ có tin vào Jesus thì mới được cứu rỗi và không có nửa vời là không theo Jesus mà lại được cầu thay, nguyện giúp để được lên Thiên Đường.

 

Các con thân mến !

 

Thật ra, lễ các linh hồn – All souls có nguồn gốc từ Thánh Kinh Cựu Ước: “Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2Mcb 12,43-46).

 

Giáo hội từ những thế kỷ đầu cũng đã có cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Thánh Augustinô, thế kỷ IV, đã nói: “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ.” Các dòng tu đặc biệt quan tâm đến việc này. Thánh Ôđilô, Tu viện trưởng Dòng Cluny, vào giữa thế kỷ XI (1048) đã có sáng kiến cho dòng của ngài cầu nguyện cho những người đã qua đời vào ngày 2/11, ngay sau lễ Các Thánh. Sáng kiến này được Giáo Hội đưa vào lịch Phụng vụ Rôma. Công Đồng Triđentinô (1545-1563) nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết. Công Đồng Vaticanô II cũng dạy: “Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh…” (GH 50), về sự bầu cử của các linh hồn, Công Ðồng dạy: “Khi được về quê trời và hiện diện trước nhan Chúa… các thánh lại không ngừng cầu bàu cho chúng ta bên Chúa Cha…” (GH 49). Sự trao đi nhận lại đó vừa là một việc bác ái vừa là một bổn phận thảo hiếu phải đáp đền, đã thực sự củng cố Giáo Hội thêm vững bền trong sự thánh thiện. Ngày cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời liên quan đến niềm tin về luyện ngục và các thánh thông công.

 

Chúng ta hay gọi các “Đẳng”  là để chỉ tất cả thứ bậc. Tất cả các linh hồn người quá cố trong luyện ngục  (thuộc thành phần Hội thánh đau khổ), phân biệt với “Các thánh nam nữ” là các phúc nhân trên thiên đàng (Hội Thánh vinh quang).

 

Có người cho rằng quan niệm về “linh hồn mồ côi” và “các linh hồn” là chịu ảnh hưởng tư tưởng “cô hồn các đẳng” từ các tôn giáo bạn. Thí dụ như  Phật Giáo chia địa ngục ít nhất có 18 tầng và quỷ cũng có nhiều cấp bậc. Trong “Phật thuyết quỷ vấn Mục Liên kinh” có rất nhiều thứ quỷ: quỷ đau đầu, quỷ mặc áo rách, quỷ ngủ bờ ngủ bụi, quỷ đói, quỷ nam căn bị thối rửa…v..v..

 

Trong xã hội loài người cũng chia làm nhiều giai cấp, tức là thứ bậc khác nhau trong xã hội: sĩ, nông, công, thương, binh…và khi chết rồi thì trở nên thập đạo “cô hồn” mà trong tác phẩm “Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn” (Lê Thánh Tông) đề cập đến 10 hạng “cô hồn”. Đó là: Thiền tăng, nho sĩ, đạo sĩ, thiên văn địa lý, lương y, quan liêu, tướng quân, hoa nương, thương cổ và đãng tử. Trong “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” (Nguyễn Du) cũng nói đến 10 loại: Vua chúa, tể thần, đại tướng, kẻ ham giàu, kẻ ham danh, thương nhân, binh lính, quý nữ, kỹ nữ, bần nhân gặp nạn chết oan… Một con số 10 tượng trưng chỉ là số phiếm chỉ cho tất cả các loại cô hồn tồn tại trong “lục đạo” (sáu đường luân hồi) mà theo Phật giáo chúng sanh tùy theo căn quả thiện hay ác mà chuyển vào trong Lục đạo luân hồi. Lục đạo luân hồi gồm: (1) Thiên (Tiên), (2) A-Tu-La (Thần), (3) Nhơn (người), (4) Địa ngục, (5) Ngạ quỉ (ma đói), (6) Súc sanh (thú vật). Từ bậc (4) đến (6) thật là khốn khổ, nguy nan, nên gọi là Tam ác đạo (Ba đường dữ) là những người mà chúng ta cần nguyện cầu giúp cho họ.

 

Như vậy, khi nói đến “các linh hồn”, chúng ta nghĩ tới tất cả các linh hồn của mọi hạng người trên đời này đã quá cố và đang còn phải thanh luyện trong luyện ngục. Họ có thể là ông bà, tổ tiên, thân nhân, bạn hữu của chúng ta hay là những người xa lạ. Khi còn ở tại thế, có thể họ là người giàu sang quyền quý hay nghèo khó mọn hèn; Họ có thể là những người đã chưa lần nào biết đến Đức Kitô hay họ có thể là những Kitô hữu hữu danh hoặc “Kitô hữu vô danh”.  Tất cả họ đều là chi thể của Chúa Kitô, giờ đây đang thuộc về Giáo Hội đau khổ và cần đến lời cầu nguyện của chúng ta.

 

Các con thân mến!

 

Khi nói “linh hồn mồ côi”, chúng ta nghĩ tới linh hồn của hạng người phải đơn độc trong cuộc lữ hành đức tin khi còn ở trên đời. “Đơn độc”, “cô hồn, ngạ quỷ”, “cô quả”, “mồ côi”…. hiểu theo nghĩa đời thường là không có người thân thích, bạn bè, không có ai đồng hành để được quan tâm, nâng đỡ đời sống đức tin. Họ có thể là những tín hữu cô nhi, quả phụ hay kẻ cơ bần sống đời đơn chiếc. Họ cũng có thể là những tín hữu giàu sang, con đàn cháu đống, bạn hữu tứ phương mà thực ra những người quen biết xung quanh họ không ai có niềm tin Công Giáo như họ để xin lễ hay cầu nguyện cho họ. Và nay, những linh hồn đó đang ở trong Luyện Ngục, đang cần đến lời cầu nguyện từ  Giáo Hội chiến đấu.

 

“Linh hồn mồ côi” không phải là linh hồn không được Chúa đoái thương, chăm sóc và ít được Chúa yêu thương hay bị Ngài lãng quên. Điều đó hoàn toàn sai lầm. Mọi linh hồn đều được Thiên Chúa tạo dựng. Mọi người đều được Chúa yêu thương bằng một tình yêu riêng biệt, không ai giống ai, Ngàivẫn không ngừng gọi chúng ta bằng chính tên riêng của từng người: “Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Đức Chúa đặt cho” (Is 62,2) và tình yêu đó luôn luôn đầy tràn: “Ơn của Ta đủ cho ngươi” (2Cr 12,9).

 

Vì vậy, khi các con dâng các việc lành phúc đức và cầu nguyện cho những người đã khuất tức là các con trực tiếp bày tỏ tấm lòng biết ơn và tấm lòng thảo hiếu. Kitô hữu không phải là người bất hiếu vong ân nhưng trái lại chúng ta có một tháng để tỏ lòng hiếu thảo. Việc nguyện cầu này còn thể hiện tấm lòng bác ái của người Kitô hữu. Bác ái trong Kitô giáo không chỉ được thể hiện đối với những người còn sống mà cả đối với những người đã qua đời. Đức bác ái thúc đẩy ta cầu nguyện và dâng những việc lành phúc đức cho tất cả các linh hồn ở bên kia thế giới. Lời cầu nguyện có thể rút bớt thời gian thanh luyện của các linh hồn nơi luyện ngục. Từ đó các con tuyên xưng niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời đời. Đó là sự sống mà chính Đức Kitô đã khai mở cho chúng ta bằng chính cái chết và sự phục sinh của Ngài.

 

Giáo hội Tin lành họ không có chuyện cầu hồn hay xin lễ cho các đẳng, vì họ không tin vào sự phán xét cá nhân, vào sự thưởng phạt ngay sau khi chết. Còn chúng ta khi dâng các việc lành phúc đức và cầu nguyện cho những người đã khuất là chúng ta gián tiếp tuyên xưng niềm tin vào sự sống, và sự thưởng phạt sau khi chết.

 

Mong rằng từ cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, và từ niềm tin vào sự sống vĩnh cửu mà các con có cái nhìn về niềm tin Kitô giáo sống chiến thắng cái chết từ tội lỗi và phục sinh thành con người mới mà Thượng Đế trao ban.

 

Thương các con
Orange County ngày 31 tháng 10 năm 2013
Ngoan-Thùy-Dương

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.