Uncategorized

35 năm sau ngày Ðạo Luật Cho Phép Phá Thai tại Hoa Kỳ người Việt hải ngoại học được bài học gì?

Con người ngày nay đang phải đương đầu với rất nhiều những khó khăn từ mọi phía: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, hôn nhân, gia đình, và tôn giáo.

Con người ngày nay đang phải đương đầu với rất nhiều những khó khăn từ mọi phía: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, hôn nhân, gia đình, và tôn giáo. 35 năm nhìn lại kết quả của Ðạo Luật Cho Phép Phá Thai tại Hoa Kỳ, cũng là dịp để cho người Việt khắp nơi trên thế giới nhìn lại những giá trị truyền thống gia đình, luân lý, và đạo đức với hy vọng có thể cứu vãn và duy trì được những giá trị này cho các thế hệ mai sau.

Khi nói đến các thế hệ mai sau, vì theo tâm lý xã hội, thế hệ thứ nhất của các sắc dân di dân thường có khuynh hướng chối bỏ cội nguồn, và hăm hở bước vào dòng chính của xã hội mà mình đang cư ngụ. Ðiều này dễ hiểu, vì định luật sống còn không cho phép họ cứ mãi luẩn quẩn và lo lắng về những gì mà họ đã mất, hoặc bắt buộc phải bỏ đi. Thí dụ, khi những người Việt Nam phải bỏ nước ra đi, tức là chúng ta đã bỏ lại đàng sau quê hương, và tất cả những giá trị văn hóa và tinh thần ở lại Việt Nam. Mà vì phải tranh đấu để sống còn với xã hội và môi trường mới, nên chúng ta bắt buộc cách này hay cách khác phải quên, và phải bỏ lại sau lưng để mà tiến lên, và đi vào dòng chính của cuộc sống mới.

Tuy nhiên, có những điều mà chúng ta có thể quên hoặc bỏ lại sau lưng vì nhu cầu và sự sống còn nơi xã hội và môi trường mới. Nhưng có những điều mà nếu chúng ta bỏ quên hoặc để mất đi thì sẽ không bao giờ có cơ hội để lấy lại. Thí dụ, những giá trị của nền văn hóa, luân lý và đạo đức của chính mình. Mà một trong những vẻ đẹp cao quí của truyền thống văn hóa Việt Nam có lẽ là tình mẫu tử, và vai trò làm cha, làm mẹ trong đời sống hôn nhân gia đình. Ðiều này, do ảnh hưởng của những nền văn minh mới nơi tạm dung, hoặc do vì thiếu ý thức trách nhiệm, phần lớn các phụ huynh đang sao nhãng, và thiếu sót. Và điều này cũng liên quan đến đề tài đang được trình bày nhân dịp những người ủng hộ và phò sự sống đang muốn đặt vấn đề và nhìn lại sau 35 năm luật pháp Hoa Kỳ cho phép phá thai.

NHỮNG CON SỐ THỐNG KÊ:
(Tài liệu được trích dẫn từ truyền đơn được phổ biến do Y07 Heritage House’, Inc. and its licensors 800–040 Item no. 9945YA www.hh.com 08-01-07)

Kể từ ngày 22 tháng 1 năm 1973, Tối Cao Pháp Viện qua vụ án Roe vs Wade hợp pháp việc phá thai tại Hoa Kỳ, tính đến nay:

– Có khoảng 50 triệu thai nhi đã bị giết. 1
– Trung bình cứ 3 em bé sinh ra thì có 1 em bé bị giết. 2
– Tính đến tuổi 45, có khoảng 1/3 phụ nữ Hoa Kỳ đã một lần phá thai. 3
– Phụ nữ phá thai gồm 43% thuộc các giáo phái Tin Lành, và 27% Công Giáo. 4
– 1% những vụ phá thai là do người mẹ bị hiếp dâm, 0.5% là vì loạn luân. 5
– Quan niệm chung về phá thai, 70% phụ nữ Hoa Kỳ cho rằng cần phải nghiêm khắc, trong khi đó 53% nói rằng luật cho phép phá thai cần được duy trì. 6
– Toàn 50 tiểu bang cho phép phá thai cho đến khi trước ngày sinh.

Tổng số các thai nhi bị giết tính theo mỗi năm

Năm              Con số phá thai         Tổng cộng

1973              766.938                     766.938
1974              925.558                  1.692.496
1975           1.065.226                  2.757.722
1976           1.214.679                  3.972.401
1977           1.356.201                  5.328.602
1978           1.451.888                  6.780.490
1979           1.542.631                  8.323.721
1980           1.600.517                  9.923.638
1981           1.624.619                 11.548.257
1982           1.621.117                 13.169.374
1983           1.622.250                 14.791.624
1984           1.624.516                 16.416.140
1985           1.636.258                 18.052.398
1986           1.621.220                 19.673.618
1987           1.605.873                 21.279.491
1988           1.638.524                 22.918.015
1989           1.613.907                 24.531.922
1990           1.656.858                 26.188.780
1991           1.603.195                 27.791.975
1992           1.574.767                 29.366.742
1993           1.539.850                 30.906.592
1994           1.465.690                 32.372.282
1995           1.400.182                 33.772.464
1996           1.400.965                 35.173.429
1997           1.375.050                 36.548.479
1998           1.358.570                 37.907.049
1999           1.353.420                 39.260.469
2000           1.352.380                 40.612.849
2001           1.342.090                 41.954.939
2002           1.331.790                 43.286.729
2003           1.325.610                 44.612.339
2004*         1.325.610                 45.937.949
2005*         1.325.610                 47.263.559
2006*         1.325.610                 48.589.169
2007*         1.325.610                 49.914.779

Tính trung bình trong 35 năm qua, năm 1990 là năm mà số phụ nữ phá thai lên cao nhất với 1.656.858 vụ. Cũng theo thống kê, thì kể từ năm đó, con số những vụ phá thai giảm chừng 20%.

Trên đây là những con số được ghi nhận bằng thống kê chính thức, còn những vụ phá thai lén lút được thực hiện tại những phòng mạch tư, vụng trộm mà không được ghi nhận hẳn là sẽ còn cao hơn nhiều. Ngoài Hoa Kỳ ra, còn có bao nhiêu vụ phá thai hằng ngày vẫn thường xẩy ra trên thế giới, và ngay cả trên quê hương Việt Nam? Phá thai đã trở thành một đại họa trên thế giới, và lương tâm nhân loại.

 

NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI THÌ SAO?

Người Việt tỵ nạn, cách riêng những người Việt Nam hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ thì sao? Ảnh hưởng của nền văn hóa và môi trường mới có tạo nên khủng hoảng tâm lý này trong đời sống hôn nhân gia đình, và trong lối sống và suy nghĩ về luân lý đạo đức hay không?

Trong những cuộc khảo cứu về người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ, chưa thấy những thống kê chuyên nghiệp và đầy đủ về ly dị và phá thai. Nhưng dựa vào nhận xét của một bác sỹ sản phụ khoa hành nghề lâu năm tại Bệnh Viện Fountain Valley, nơi có nhiều sản phụ Việt Nam nhất Orange County, California cho biết, thì “người Việt Nam phá thai nhiều hơn đẻ”.

Ðể có thêm dữ kiện thực hiện bài viết này, chúng tôi đã phỏng vấn cô Nancy Nhung Phan, Giám Ðốc Chương Trình Cứu Mạng Thai Nhi (Viet Pro-Life) thuộc Giáo Phận Orange, thì được cô cho biết như sau:

Hiện nay tại Orange County, thủ phủ người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ, có ít nhất 2 chương trình phá thai miễn phí được quảng cáo trên báo chí Việt ngữ. Và tính trung bình chỉ 1 trung tâm thôi con số những phụ nữ Việt Nam đến để phá thai có khoảng chừng 500 vụ mỗi tháng.

Riêng Chương Trình của cô, một chương trình nhằm ngăn chặn ý định muốn phá thai và đồng thời hỗ trợ những phụ nữ Việt Nam muốn giữ lại con mình, thì mỗi tháng chỉ nhận được tối đa khoảng 20 cú phôn xin tư vấn và giúp đỡ. Tuy nhiên, vẫn theo cô Nancy Nhung thì trong số những phụ nữ gọi vào Chương Trình, chỉ có 1 hoặc 2 trường hợp từ bỏ ý định phá thai. Số còn lại, theo cô là họ đã phá thai.

Khi được hỏi số tuổi trung bình những người gọi vào Chương Trình, cô Nancy Nhung Phan cho biết, họ ở tuổi trung bình từ 18 đến 43, và đa số là những phụ nữ có trình độ học thức ở bậc Trung Học và mới tới Hoa Kỳ. Những thành phần học thức và đã ở Hoa Kỳ lâu hoặc sinh ra tại Hoa Kỳ, vẫn theo cô Nancy Nhung, họ rất ít khi gọi vào Chương Trình của cô. Một điều mà cô cho là rất đau lòng, đó là phần đông những phụ nữ ấy lại là người Công Giáo.

Không khí của nền văn hóa sự chết đã lan tỏa đến sinh hoạt tâm linh và văn hóa của người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Quan niệm và truyền thống văn hóa người Việt vẫn coi trọng và đặt nặng giá trị về luân lý và đạo đức gia đình. Một trong những điểm nổi bật nhất của những giá trị truyền thống đó là việc sinh thành và dưỡng dục con cái. Gia đình nào không có con, hoặc ít con thường được coi như kém may mắn. Nhưng ngược lại, với ảnh hưởng và trào lưu mới, vấn đề con cái đang được đặt lại, và vì thế, nhiều người Việt Nam đã bị ảnh hưởng một cách trầm trọng. Có lẽ hơn bao giờ hết, câu ca dao tục ngữ: “Con là nợ, vợ là giây oan”, đang từ trở thành một thực tế hết sức phũ phàng.

 

ÐÂU LÀ NHỮNG NGUYÊN NHÂN?

Tại sao lại phá thai? Người ta phá thai vì những lý do gì? Tài liệu trích dẫn ở trên đã cho thấy chỉ có 1% những vụ phá thai ở Hoa Kỳ là người phụ nữ bị hiếp dâm và không muốn giữ lại bào thai đó. Và cũng chỉ có 0.5% những vụ phá thai liên quan đến hành động loạn luân, tức là con gái có thai với bố, hoặc em, chị gái có thai với anh, hay em trai mình. Còn lại, tất cả đều do những giao du tình dục ngoài hôn nhân, trong hôn nhân mà người quyết định chấp nhận phá thai là những người cha, người mẹ tương lai.

Một điều hết sức phi lý và như diễu cợt, khi hàng loạt bác sĩ, y tá, và những chuyên viên y tế cố gắng cứu sống cho một con vịt, một con chó, hoặc một con cá voi sa lầy, hoặc bị thương trong khi đó lại giết chết hàng triệu những thai nhi mà chỉ một hoặc vài ngày nữa là các em được nhìn thấy ánh sáng mặt trời.

Một điều cũng hết sức phi lý và khó hiểu khi các bác sĩ chuyên khoa, các y tá và các nhân viên ý tế cố gắng để cứu cho một bệnh nhân đang thoi thóp trên giường bệnh chờ chết, nhưng lại mau mắn, nhanh nhẹn giết chết hàng triệu triệu những thai nhi đang sống động, đầy sức sống và tương lai ngay trong bụng mẹ của các em. Người viết đã có lần được xem một số hình ảnh trên internet về hành động phá thai và giết người ghê tởm của một nhóm người tại Hoa Lục. Thai nhi bị giết, bị trục ra khỏi lòng mẹ, và người ta chiên cái đùi em bé rồi cầm lấy cắn mà ăn như ăn một cái đùi gà. Bên cạnh đó, là một số chai lọ ngâm những em nhỏ khác dùng để làm rượu bổ. Lương tâm con người ở vào thời đại văn minh tân tiến như hiện nay không lẽ lại u mê và chai lỳ đến thế sao? Ảnh hươởng của nền văn hóa sự chết mà Ðức Gioan Phaolô II nói đến phải được hiểu một cách trực tiếp liên quan đến hành động phá thai và những đạo luật cho phép phá thai hiện nay trên thế giới.

Cách đây khoảng 20 năm, ảnh hưởng của phá thai còn được coi là một hội chứng tâm lý. Theo đó, người mẹ phá thai thường bị nhiều uẩn ức, dằn vặt, và dồn nén nhiều năm, nhưng ngày nay, ảnh hưởng này không được coi là một hội chứng tâm lý nữa. Ngoài ra, nó chỉ được coi như một phản hứng hoàn toàn thể lý, và không để lại một dấu ấn gì trong tâm trí của phần đông người phụ nữ phá thai. Vì thế, nhiều người không những chỉ phá thai một lần, mà là nhiều lần.

1. Vấn đề con cái**

Theo tài liệu được Ðại Học New Jersey phổ biến liên quan đến thái độ về con cái của những cặp vợ chồng người Hoa Kỳ. Theo đó, con số những người bước vào đời sống hôn nhân mà không có con hoặc sinh con trễ đang mỗi ngày một nhiều.

Thế hệ của những người trên 50 tuổi, vấn đề con cái là một phần quan trọng trong đời sống hôn nhân gia đình, và có con sau khi lập gia đình là một việc hệ trọng. Ở vào thế hệ cha ông chúng ta, hễ lập gia đình sau một năm mà không có con là bị cho là có vấn đề. Ngược lại, đối với thế hệ trẻ, thì con cái không phải là việc quan trọng, và do đó, những cặp vợ chồng lấy nhau mà không có con càng ngày càng đông. Ðối với nhiều người, có con không phải là một vấn đề hấp dẫn và tạo hạnh phúc. Ngược lại, con cái chính là một ngãng trở hạnh phúc hôn nhân của họ. Vì việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái gần đây đang trở thành đề tài tranh cãi của nhiều cặp vợ chồng.

Vẫn theo thống kê trên, nhiều phụ nữ cho rằng họ chỉ sẵn sàng có con khi hoàn cảnh thuận lợi, và tương lai bảo đảm rằng việc có con là một cái gì đem lại hạnh phúc. Và nếu họ chờ đợi cơ hội thuận lợi lâu quá, thì phần lớn họ sẽ không nghĩ đến việc sinh con nữa. Ðối với những người chủ trương không con, thì có con cũng không phải là lý do giữ được vợ chồng khỏi ly dị. Vì thế, những ai có tư tưởng ly dị, phần lớn đều cố tránh phải có con. Thống kê cho biết:

– Năm 1960, có 71% phụ nữ có con sau 3 năm đầu kết hôn. Năm 1990, con số này giảm xuống chỉ còn 37%. Ðiều này cho thấy, khuynh hướng không có con đang tăng vọt trong những cặp vợ chồng sau khi cưới nhau.

– Năm 1970, số tuổi trung bình của phụ nữ khi kết hôn là dưới 21. Ngày nay, tuổi trung bình của phụ nữ khi kết hôn là 26 tuổi. Ðối với những phụ nữ có bằng cấp 4 năm đại học, số tuổi này dĩ nhiên cao hơn.

– Năm 1970, có 73.6% phụ nữ tuổi từ 25-29 đã có con và có ít nhất một con nhỏ đang sống với họ. Năm 2000, con số này giảm xuống còn 48.7%. Ðối với nam giới cùng tuổi, năm 1970 có 57.3% sống với con. Năm 2000 giảm xuống còn 28.8%.

– Năm 1970, có 27.4% phụ nữ và 39.5% đàn ông thuộc lứa tuổi 50-54 có ít nhất một con tuổi vị thành niên sống trong gia đình. Năm 2000 chỉ còn 15.4% và 24.7%.

Phụ nữ không muốn có con ngày càng gia tăng. Năm 1976, có khoảng 1/10 phụ nữ không muốn có con, đến năm 2004, con số này tăng lên đến 1/5.

Thống kê cũng cho thấy, con số các gia đình có con cũng giảm dần từ Ệ ở năm 1960, đến nay lên đến 1/3, một tỷ lệ được coi là thấp nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ.

2. Lý do bào chữa**

Trước đây thời gian có con sau khi lập gia đình thường là ngắn sau khi tốt nghiệp và sau thời gian lập gia đình. Một số ít sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ học thêm lên; nhưng phần đông sẽ kiếm một nghề rồi lo kết hôn và sinh con cái. Thời gian dành cho việc sinh sản, nuôi nấng, và giáo dục con thường kéo dài đến khoảng 50 hoặc 60 tuổi. Khi về hưu ở tuổi 65 là lúc người ta an hưởng đúng nghĩa. Nghỉ ngơi không bận rộn công việc và an vui với con, cháu.

Hiện nay số người ở tuổi 50-60 mà muốn có cháu đang từ từ tăng dần, vì con họ không lập gia đình, mà nếu lập gia đình thì lại không muốn sinh con, hoặc có con quá trễ. Thí dụ, một thanh niên trên 30 tuổi mới lập gia đình, và chờ đến khoảng 35 hoặc hơn nữa mới có con, nên kết quả là ông bà ở tuổi 50 hoặc 60 vẫn không có cháu bế.

a) Cá nhân chủ nghĩa.

Thời gian dành cho riêng mình trước và sau kết hôn đã tăng vọt. Những cặp vợ chồng không con được coi là may mắn và hạnh phúc. Ngược lại, con cái đối với nhiều người và nhiều cặp vợ ngày nay được gói gọn trong câu: “Con là nợ, vợ/chồng là oan gia”. Một hình thức không muốn có con. Truyền thống văn hóa Việt Nam với việc đông con nhiều cháu đang từ từ trở nên lỗi thời.

Ðời sống không con, ngày nay bắt nguồn từ quan niệm như một đời sống dành cho chính mình. Một đời sống chú tâm vào cái tôi, và được coi là lối sống ích kỷ của cá nhân chủ nghĩa.

Ngoài ra, việc mang thai, sinh nở đối với nhiều phụ nữ ngày nay còn mang ý nghĩa tự quyết: thân xác tôi, tôi có quyền quyết định. Ngừa thai, phá thai theo quan niệm của những phụ nữ này cũng nằm trong quan niệm đó.

Trước đây được làm cha mẹ là một vinh dự, hạnh phúc lớn lao. Nhiều phụ huynh không ngại hy sinh tất cả vì con cái. Vất vả, lo lắng và hy sinh bản thân mình miễn sao con cái an vui, hạnh phúc là mình thấy hạnh phúc. Nhưng quan niệm ấy ngày nay đang từ từ thay đổi. Hình ảnh những cha mẹ hy sinh cho con cái đang lu mờ, trước hình ảnh những đôi vợ chồng trẻ dành thời giờ tại các phòng trà, các câu lạc bộ, các cuộc du hý và du lịch. Ðó là chưa kể đến hằng chục triệu thai nhi mỗi năm bị chính cha mẹ mình giết bỏ trước khi chúng được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, vì cha mẹ chúng không muốn mang trách nhiệm, và không muốn hy sinh.

b) Trốn tránh trách nhiệm giáo dục.

Việc giáo dục con cái ngày nay cũng là một ngãng trở và đã khiến nhiều phụ huynh không muốn có con hoặc không muốn có nhiều con. Những trẻ em ngày nay mang các hội chứng như tâm lý chậm phát triển, Autism, Down Syndrome, hoặc ADHD tăng nhiều. Hằng trăm thứ cám dỗ, và hằng trăm những thử thách của tuổi dậy thì, cộng thêm những khắc nghiệt của đời sống, của công ăn việc làm đã khiến nhiều người không nghĩ đến việc có con. Hình ảnh nhiều phụ huynh phải vác chiếu hầu tòa về mang tội “hành hung con cái”, trong khi chính con cái mới là kẻ “hành hung cha mẹ”do sự bướng bỉnh, mất dậy và vô lễ, coi thường công ơn cha mẹ là một trong những ám ảnh đối với nhiều phụ huynh trẻ tuổi.

Thật ra, vấn đề giáo dục không phải là một thách đố quá sức của bậc làm cha mẹ, và việc con cái hư hỏng cũng còn tùy ở chính tư cách, quan niệm và lối sống của phụ huynh nữa.

Một điều tương phản là cha mẹ thì cho rằng con cái khó dậy, hư hỏng vì không vâng lời mình. Ngược lại, những hồ sơ tâm bệnh, những hồ sơ của thiếu niên phạm pháp lại tố cáo sự chểnh mảng, vô trách nhiệm của giới phụ huynh.

“Cha mẹ sinh con trời sinh tính” chỉ có nghĩa đối với những phụ huynh coi thường và lơ là trong vấn đề giáo dục con cái. Bầu khí gia đình cãi vã, cha mẹ đánh chửi nhau là một bầu khí làm cho con cái chán nản, bỏ nhà đi hoang. Ðặc biệt là những cha mẹ làm gương xấu cho con cái bằng chính quan niệm, lối sống, và tư cách của mình.

Tuy nhiên, thực tế rõ ràng là vấn đề giáo dục con cái ngày nay đang gặp phải nhiều khó khăn do môi trường, hoàn cảnh, và những cám dỗ của thế giới văn minh, vật chất.

Tóm lại, đời sống hôn nhân ngày nay đang bị chao đảo vì bị lôi cuốn vào những tư tưởng và lối sống phóng khoáng, tự do và ích kỷ. Vì nền tảng hôn nhân bị lung lay, sụp đổ, nên hệ quả của đời sống này là gia đình cũng bị ảnh hưởng. Ảnh hưởng rõ ràng nhất là con người ngày nay không muốn có trách nhiệm, nhưng chỉ muốn hưởng thụ. Không muốn vất vả vun trồng cho thế hệ tương lai, nhưng chỉ nhằm hưởng cái lợi trước mắt. Quan niệm và lối sống này hoàn toàn khác với những gì mà Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã huấn dụ trong bài giảng lễ bế mạc Ngày Họp Mặt Thế Giới Về Gia Ðình lần thứ 5 tại Tây Ban Nha như sau: “Bằng một tình yêu cha mẹ chúng ta đã vui mừng đón nhận chúng ta và đã đồng hành với chúng ta từ những bước đầu trong thế giới này, giống như dấu chỉ của bí tích và sự tiếp nối tình yêu ân sủng của Thiên Chúa, từ đó chúng ta vào đời”.

Cảm nghiệm được đón tiếp và yêu thương bởi cha mẹ, theo ngài, “luôn là một nền tảng vững chắc cho việc phát triển và lớn lên vững vàng, giúp chúng ta trưởng thành trên con đường dẫn tới tình yêu, chân lý và vượt qua chính chúng ta để tiến vào sự thông hiệp với người khác và với Thiên Chúa”. Ðó là những nét tích cực và cao cả của sứ mạng làm cha mẹ, ngược lại với quan niệm và lối sống hưởng thụ một cách ích kỷ.

 

HOA TRÁI TÌNH YÊU VÀ QUÀ TẶNG CỦA THƯỢNG ÐẾ

Ðúng ra, con cái phải được coi như hoa trái của tình yêu giữa cha mẹ dành cho nhau, và trên hết, chúng là một quà tặng của Thượng Ðế. 35 năm sau ngày Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ ban hành luật phá thai, và trong khi những người ủng hộ quyền sống các thai nhi đang hoạt động để hạn chế và chấm dứt hành động giết người vô luân này, người Việt tỵ nạn, cách riêng những người Công Giáo Việt Nam đang sinh sống tại Hoa Kỳ và các quốc gia trên thế giới nghĩ gì và học được gì qua bài học cho phép phá thai của Hoa Kỳ.

______________
1 http://www.guttmcher.org/pubs/2006/08/03/ab_incidence.pdf, access 7-0-007
2 Ibid
3 http://www.guttmcher.org/pubs/sfaa/texas.html, access 7-0-007
4 Ibid
5 http://www.guttmcher.org/pubs/journals/3711005.pdf, access 7-0-007
6 73% includes both those who want abortion illegal and those who want it illegel except in cases of inecest and rape (about 1.5% of abortions). http://www.advancewomen.org/images/uploads/Women on Religion Website
Report. pdf, accessed 7-0-07
* Estimated All statistics from the Alan Guttmacher Institute (Planned Parenthood’s Research Affiliate) and include th 3% that AGI reports as under-report
** Giáo Dục Tuổi Trẻ: Những Nguyên Tắc và Hướng Dẫn Tổng Quát. Trần Mỹ Duyệt, Ra Khơi, 2007, tr.95- 99.
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.