Thời gian và không gian thường được con người sử dụng như là điểm mốc để ấn định cho một biến cố quan trọng nào đó xảy ra trên cuộc đời này.
Xưa kia, khi chưa sử dụng lịch để tính thời gian, người ta thường tính theo niên hiệu triều đại vua chúa hay quan quyền. Ví dụ, khi hỏi Chúa Giêsu chịu khổ hình và chết vào thời điểm nào. Chúng ta không thể trả lời vào ngày mấy, thứ mấy, năm mấy. Nói tắt một lời, chúng ta không thể đưa ra một con số cụ thể nào đó. Nhưng chắc chắn mọi người đều trả lời rằng : “thời tổng trấn Philatô”.
Nhưng khi đã sử dụng lịch. Người ta thường đưa ra những “con số” để xác định thời gian cho một biến cố quan trọng nào đó đã xảy ra. Ví dụ, khi nói tới con số “4.7.1776”, hẳn nhiên sẽ có nhiều người nghĩ rằng, đó là ngày bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ được công bố.
Ở một trường hợp khác, cũng tại xứ sở “Cờ Hoa” này. Nhắc tới con số “11.9.2001” hay viết theo lối ngày tháng tại Mỹ “9.11”. Vâng, người ta không thể không nhớ tới vụ mười chín tên không tặc, cướp bốn chiếc máy bay, trong đó có hai chiếc đâm vào tòa tháp đôi của Trung Tâm Thương mại thế giới tại Manhatta – NewYork. Hậu quả như thế nào mọi người đều đã rõ.
Nếu con số “9.11” trở thành con số ám ảnh toàn nước Mỹ. Thì có một con số khác đem đến niềm vui và hạnh phúc cho thế gian. Nó có liên quan đến vận mệnh con người trên trái đất này. Đó chính là con số “3.16”.
Có thật vậy không ? Trước khi trả lời chi tiết cho câu hỏi này, chúng ta hãy trở về quá khứ của nhiều ngàn năm xa trước đó. Hay đúng hơn, hãy trở về cái ngày được gọi là ngày “tạo thiên lập địa”. Ngày mà với niềm tin, chúng ta tin rằng “Từ ban đầu Thiên Chúa sáng tạo trời và đất” (St 1,1). Thiên Chúa còn “làm ra con người theo hình ảnh (Thiên Chúa) và để cho con người làm bá chủ trên mặt đất” (St 1,26).
Buồn thay ! con người đã phạm tội bất tuân. Chính tội lỗi đã phá hủy chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Nó đã hủy diệt tất cả những gì là tình yêu thương mà Thiên Chúa đã dành cho con người. Nó đã làm cho con người sợ hãi để rồi trốn chạy Thiên Chúa. Nó đã đặt sự chết thống trị con người. “Là bụi đất, (con người) sẽ trở về với bụi đất” (St 3,…19).
Và điều đau buồn hơn hết, chính vì tội lỗi đã phạm, nên con người phải lìa xa Thiên Chúa. Mất đi hồng phúc làm con Thiên Chúa.
Có người sẽ hỏi, thế có gì liên quan đến con số “3.16” ? Vâng, chẳng liên quan gì đến con số đó, nếu nó đứng riêng lẻ một mình. Nhưng nếu con số “3.16” được kèm thêm hai chữ. Chỉ hai chữ thôi, nó sẽ cho chúng ta thấy “Tình Yêu Thiên Chúa” đối với con người như thế nào.! Đó là hai chữ “đoạn và câu”. Vâng, chúng ta hãy thêm chữ “đoạn” trước số 3, và chữ “câu” trước số 16.
Đoạn 3 câu 16 trong Tin Mừng thánh Gioan đã ghi lại lời “Con Trời” nói với con người rằng : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).
Trong ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng. “Con Trời” là Đức Giêsu, qua những lời giảng dạy, Ngài đã nhấn mạnh với con người rằng “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,17).
Với bài dụ ngôn “người con hoang đàng”(Lc 15, 11-32), qua nhân vật người cha, Đức Giêsu đã cho con người thấy rõ nét về một Thiên Chúa Cha nhân hậu và bao dung. Một Thiên Chúa luôn “chạnh lòng thương xót” trước những hối nhân trở về.
Cũng với bài dụ ngôn, Đức Giêsu đã gửi đến một thông điệp rằng, con người không thể đón nhận lòng nhân hậu và sự bao dung của Thiên Chúa nếu không “tin” vào sự tha thứ, không đứng lên và đi về với Thiên Chúa, như người con hoang đàng đã “tin” rằng người cha sẽ tha thứ và anh ta đã “đứng lên, đi về cùng cha”.
Vâng, có thể gọi “3.16” là con số mật mã. Mật-mã-tình-yêu-Thiên- Chúa. Vui thay ! Mật mã đó đã được “giải mã” qua lời công bố của Đức Giêsu, rằng “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3,18).
Một chút tâm tình…
“Mật mã Tình Yêu Thiên Chúa” không chỉ mang đến ơn cứu độ cho thế gian nhưng nó còn mặc khải cho thế gian thấy tình yêu đó chỉ có thể được kiện toàn trong “Ba Ngôi Thiên Chúa”.
Đây không phải là một niềm tin vu vơ, mơ hồ. Niềm tin này đã được chính Con Trời là Đức Giêsu mặc khải trong đêm Ngài trò chuyện với Nicôđêmô.
Trong đêm đó, Đức Giêsu đã nói rằng “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5). Và rằng “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,17).
Qua hai lời tuyên bố trên của Đức Giêsu, không thể phủ nhận, mầu nhiệm về “Ba Ngôi Thiên Chúa : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” đã được sáng tỏ.
Đây là mầu nhiệm đức tin. Vâng, tông đồ Phaolô đã tin. Vì thế, không ngạc nhiên khi thánh nhân luôn “cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2Cor13,13).
Tin vào “Ân sủng của Chúa Giêsu Kitô. Tình thương của Thiên Chúa. Và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần”. Vâng, đó chính là tin vào “Ba Ngôi Thiên Chúa”.
Một phút suy tư…
Thật phải đạo, khi hôm nay, toàn thể Giáo Hội Công Giáo xác tín lại niềm tin này qua việc cử hành “Lễ Chúa Ba Ngôi”.
Lễ Chúa Ba Ngôi : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vâng, có thể gọi đây là ngày “Lễ Tình Yêu” và nó gợi cho chúng ta nghĩ đến một gia đình.
Hãy để tâm hồn mình trở về trong thinh lặng. Và hãy đọc lại “mật mã Tình Yêu Thiên Chúa”. Vâng, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).
Chúng ta hãy thử tưởng tượng…
Gia đình sẽ ra sao ! nếu chúng ta không “yêu thương đến nỗi” sẵn sàng hy sinh mọi thú vui riêng tư của mình !!!
Người bạn đời sẽ ra sao ! nếu chúng ta không “yêu thương đến nỗi” sẵn sàng dẹp bỏ tính ích kỷ, cái tôi của mình !!!
Và còn rất nhiều, rất nhiều đối tượng để chúng ta phải “yêu thương họ đến nỗi”…
Làm sao để có thể “yêu thương mọi người đến nỗi” !?
Hãy nghe lời Đức Giêsu đã nói : “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian” (Ga 3, 17).
Hãy nhớ, có một lần tại Đền Thờ, Đức Giêsu đã tuyên bố trước người phụ nữ bị cho là phạm tội ngoại tình, rằng “tôi không lên án chị đâu”.
Không lên án sẽ dẫn tới sự tha thứ. Có tha thứ thì chẳng có gì có thể ngăn cản chúng ta “yêu thương mọi người đến nỗi”.
Khi chúng ta có thể “Yêu thương mọi người đến nỗi”. Vâng, đó chính là lúc chúng ta nối dài bàn tay yêu thương của Chúa Giêsu bằng chính bàn tay của chúng ta.
Làm được như thế. Vâng, chúng ta hãy tự hào, dĩ nhiên là tự hào trong Chúa, mà giơ bàn tay lên trán và đọc “ Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen”.
Petrus Tran
Views: 0