Uncategorized

27 tháng giêng ngày tưởng niệm cuộc diệt chủng Do thái

27 tháng giêng là Ngày quốc tế tưởng niệm cuộc diệt chủng Do thái Shoah. Ngày này đã do Liên Hiêp Quốc thành lập hồi năm 2005 với quyết nghị 60 trên 7 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhằm mục đích tưởng niệm 6 triệu người Do thái đã bị Đức Quốc Xã tàn sát thời đệ nhị thế chiến.

27 tháng giêng là Ngày quốc tế tưởng niệm cuộc diệt chủng Do thái Shoah. Ngày này đã do Liên Hiêp Quốc thành lập hồi năm 2005 với quyết nghị 60 trên 7 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhằm mục đích tưởng niệm 6 triệu người Do thái đã bị Đức Quốc Xã tàn sát thời đệ nhị thế chiến. Trong các ngày từ 22 đến 25 tháng giêng vừa qua tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc đã huy động dư luận thế giới tham gia ngày tưởng niệm này, và tái khẳng định dấn thân trong cuộc chiến chống lại chủ trương bài Do thái, kỳ thị chủng tộc và mọi hình thức bất bao dung khác. Đã có một loạt các sinh hoạt diễn ra trong các ngày này do UNESCO cùng bảo trợ với Hiệp hội Tưởng niệm Shoah của cộng đồng Do thái. Lúc 8 giờ tối ngày 22 tháng giêng đã có buổi chiếu phần đầu cuốn phim tựa đề “Bốn chị em: lời thề của Hippocrate – Ruth Elias” với sự hiện diện của nhà làm phim ông Claude Lanzmann và bà tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay.

Ngày 25 tháng giêng lúc 3 giờ rưỡi chiều có buổi hội luận về đề tài “Việc tưởng niệm và giáo huấn của cuộc Diệt chủng: chúng ta chia sẻ trách nhiệm” với sự tham dự của ông Serge Klarsfeld, trạng sư, sử gia, đặc phái viên của UNESCO cho việc giảng dậy lịch sử cuộc Diệt chủng và việc phòng ngừa diệt chủng; ông Henri Rousso, sử gia, giám đốc  nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp; và bà Floriane Hohenberg, giám đốc văn phòng nghiên cứu quốc tế Đức.

Tiếp theo đó vào lúc 5 giờ rưỡi chiều có lễ nghi khánh thành cuộc triển lãm về đề tài “Ký ức bị đánh cắp” liên quan tới việc trả lại các vật dụng cá nhân của các tù nhân các trại tập trung Đức Quốc Xã do Văn phòng nghiên cứu quốc tế Bad Arolsen đảm trách.
Sau đó lúc 6 giờ rưỡi chiều cùng ngày 25 tháng giêng có lễ nghi tưởng niệm các nạn nhân của cuộc Diệt chủng Do thái với sự hiện diện của ông Eric Rothschild, chủ tịch tổ chức Tưởng niệm Shoah và bà Audrey Azoulay, tổng giám đốc UNESCO. Mọi người đã nghe chứng từ của bà Yvette Lévy, người tù sống sót của trại tập trung Auschwitz. Sau đó là buổi trình tấu của nhạc sĩ Áo Ariela, chơi các bản nhạc do các nạn nhân cuộc Diệt chủng hay các tù nhân còn sống sót sáng tác.

Ngày 26 tháng giêng bà Audrey Azoulay tổng giám đốc UNESCO chính thức viếng thăm tổ chức Kỷ niệm cuộc Diệt chủng. Trong các ngày từ 22 tháng giêng tới mùng 3 tháng hai có cuộc triển lãm về cuộc càn quét Đêm Thuỷ Tinh do tổ chức Tưởng niệm Shoah đặc trách.

** Từ “holocausto” trong tiếng Hy lạp có nghĩa là “thiêu đốt hoàn toàn” ám chỉ lễ tế toàn thiêu trong Do thái giáo. Từ giữa thế kỷ XX nó được dùng để gọi cuộc diệt chủng Do thái do Đức Quốc Xã chủ mưu thời đệ nhị thế chiến khiến cho 15 triệu người phải chết, trong đó có 6 triệu người Do thái thuộc mọi lứa tuổi.

Liên quan tới các nạn nhân Do thái cuộc diệt chủng được gọi là Shoah trong tiếng Do thái có nghĩa là tai uơng, sự tàn phá. Ban đầu nó chỉ liên quan tới người Do thái, nhưng sau đó được trải rộng ra tất cả các thành phần không được Đức Quốc Xã ưa thích bao gồm các nhóm chủng tộc và tôn giáo bị Đức Quốc Xã coi là thấp kém trong đó có cả các tù nhân người Nga, Ba Lan, Slave, các người chống đối chính trị, các quốc gia và các nhóm chủng tộc như người Rom và người Sinti du mục, các nhóm tôn giáo thiểu số như chứng nhân Giêhova và tin lành Pentecostal bị coi là những người mắc bệnh tâm thần, các người đồng tính, các bệnh nhân tâm thần, và người tàn tật. Việc tiêu diệt khoảng hai phần ba người Do thái toàn Âu châu đã được chính quyền của nhà độc tài Hitler tổ chức và thi hành qua một guồng máy phức tạp hành chánh, kinh tế và quân sự liên quan tới đa số các cơ cấu quyền lực bàn giấy của Đức Quốc Xã với việc phát triển tiệm tiến bắt đầu vào năm 1933 với chiến dịch càn quét người Do thái tại Đức và sau đó lan sang toàn Âu châu bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Người Do thái bị bắt giữ và gửi tới các trại tập trung được thành lập tại nhiều nơi. Các cuộc càn quét đạt tột đỉnh vào năm 1941 với việc huỷ diệt thể lý do các lực lượng đặc biệt thi hành, nhất là việc tàn sát người hàng loạt trong các nhà hơi ngạt của các trại tập trung, mà Đức Quốc Xã gọi là “giải pháp cuối cùng cho vấn đề do thái”. Đã không có cuộc tàn sát người Do thái nào trong lịch sử so sánh được với cuộc diệt chủng do Đức Quốc Xã chủ mưu.

Từ olocausto cũng được dùng cho các cuộc diệt chủng của các dân tộc khác như cuộc diệt chủng người Armeni và Hy lạp khiến cho 2,5 triệu kitô hữu phải chết dưới tay chính quyền Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ giữa các năm 1915-1923; hay cuộc diệt chủng của các thổ dân da đỏ bên châu Mỹ và cuộc diệt chủng của hai dân tộc Hutu và Tutsi bên Rwanda năm 1994, hay cuộc diệt chủng tại Cộng hoà dân chủ Congo do cuộc nội chiến gây ra trong các thập niên 1980-2000 khiến cho 3 triệu người chết. Liên quan tới các kho vũ khí hạt nhân có sức tàn phá kinh khủng, người ta cũng nói tới cuộc diệt chủng hạt nhân.

** Thật ra không có con số chính xác của cuộc diệt chủng Do thái và của các dân tộc bị Đức Quốc Xã tiêu diệt hồi đệ nhị thế chiến. Nhưng cho tới nay các sử gia tin rằng đã có 6 triệu người Do thái bị giết, số tù binh Liên Xô bị giết là 2-3 triệu, người Ba Lan khoảng 2 triệu, hai chủng tộc Rom từ 220.000 tới 500.000, ngưòi tàn tật và các tín hữu tin lành Pentecostal khoảng 250.000, các người theo bè phái Tam Điểm từ 80.000 tới 200.000, các người đồng tính từ 5.000 tới 15.000, các chứng nhân Giêhôva từ 2.500 tới 5.000, các người bất đồng chính kiến từ 1 triệu tới 1 triệu rưỡi, các dân tộc gốc Slave từ 1 tới 2 triệu rưỡi. Tổng cộng tất cả là giữa 12 triệu 250 ngàn và 17 triệu 370 ngàn người bị chế độ Đức Quốc Xã sát hại. Như vậy số người bị giết có thể vào khoảng 20 triệu.

Các người tù trong các trại tập trung bị bắt buộc mặc đồng phục có các hình tam giác nhiều mầu khác nhau. Mầu vàng có hai tam giác chồng lên nhau là ngôi sao Đavít, dành cho người Do thái, đôi khi có thêm chữ Jude tức Do thái bên trên. Mầu đỏ dành cho các tù nhân chính trị. Mầu xanh lá cây dành cho các thường phạm. Mầu tím dành cho các chứng nhân Giêhôva. Màu xanh da trời dành cho những người di cư chống đối chế độ Đức Quốc Xã. Mầu nâu dành cho các người du mục. Mầu đen dành cho những phụ nữ  đồng  tính, phụ nữ mại dâm, các người bị bệnh tâm thần. Mầu đỏ dành cho các người đồng tính nam.

Luật bảo vệ dòng máu tinh tuyền Ariane và danh dự của Đức được ban hành ngày 14 tháng 9 năm 1935 loại trừ ngưòi Do thái khỏi mọi khiá cạnh cuộc sống xã hội Đức. Từ đó phát xuất ra các sắc lệnh khác dẫn đưa tới “giải pháp kinh tế của vấn đề do thái”. Người gốc Do thái bị loại bỏ khỏi mọi chức vụ công cộng, nhân viên nhà nước bao gồm cả các bác sĩ, trạng sư và binh sĩ quân đội. Bước tiếp theo là giải pháp kinh tế gọi là Ariane hoá các sinh hoạt độc lập của người Do thái trong các lãnh vực dịch vụ, kỹ nghệ và thương mại. Mọi sinh hoạt của người Do thái đều bị chuyển nhượng cho người Đức, ban đầu do tự nguyện, sau đó bị bắt buộc.

Chính sách bài Do thái còn đi xa hơn nữa với việc đuổi người Do thái và đầy họ đi các nơi khác. Trong Đêm Thuỷ Tinh mùng 9 rạng ngày mùng 10 tháng 11 năm 1938 do Joseph Goebbels chủ mưu đã có 615 hàng quán của người Do thái bị phá hủy, 171 nhà bị đốt cháy và 191 hội đường Do thái bị thiêu rụi. Ngoài ra đã có 36 người Do thái bị giết chết, 36 người bị thương nặng và hơn 20.000 người bị đầy vào các trại tập trung Dachau, Buchenwald và Sachsenhausen. Các bạo lực thái quá đã tạo chia rẽ giữa hàng lãnh đạo Đức Quốc Xã, và sau đó đã đưa tới “giải pháp kết thúc cho vấn đề Do thái” với lệnh trục xuất và đầy người Do thái đi các nơi khác.

Hầu như phân nửa trên tổng số 400.000 người Do thái trốn khỏi nước Đức hay các vùng do Đức Quốc Xã chiếm đóng. Họ tìm cách sang các nước Âu châu khác, nhưng sẽ là mồi của kỹ nghệ diệt chủng có hệ thống của Hitler và hàng lãnh đạo Đức Quốc Xã, đầu óc tràn đầy ý thức hệ sai lạc và cuồng tín. Các tài liệu tìm được cho thấy các danh sách chi tiết của các nạn nhân hiện tại, tương lai và tiềm năng của các vụ hành quyết. Song song là việc nghiên cứu các cách thức tàn sát hàng loạt ngày càng hữu hiệu hơn: từ việc xử bắn cho tới các phòng hơi ngạt. Và chính các tù nhân phải di chuyển các xác chết, đào hố chôn tập thể hay đưa vào lò thiêu. Rất nhiều người chết vì đói khát, bệnh tật hay bị dùng cho các thử nghiệm khoa học.

** Trong các vùng đất bị Đức Quốc Xã chiếm đóng như Ba Lan số người Do thái bị dồn vào trong các ghetto đóng kín lên tới hơn 600 ngàn. Nổi tiếng nhất là Ghetto Varsava. Ban đầu các ghetto này nhắm mục đích ngăn chặn không cho người Do thái chạy trốn, nhưng sau cùng là để dễ tiêu diệt họ hơn. Đây là một kiểu thanh lọc chủng tộc, được thi hành với các ngưòi Ba Lan, nhất là đối với giới trí thức và những người có đầu óc lãnh đạo.

Các vụ tàn sát tập thể bắt đầu từ tháng 7 năm 1941. Vào tháng 11 Himmler báo cáo cho Hitler biết đã có 363.211 người do thái bị xử bắn. Trong khi môt tài liệu năm 1943 cho biết đã có 633.000 người bị xử bắn. Khi quân Đức Quốc Xã rút lui năm 1944 đã có hơn 2 triệu người do thái bị giết trong các vùng bị chiếm đóng của Liên Xô.

Trong các trại tập trung như Auschwitz Birkenau các tù nhân không chết vì đói khát bệnh tật thì cũng chết vì phải làm việc như nô lệ. Trong 6 trại tập trung nằm trên đất Ba Lan đã có 3 triệu người Do thái bị giết. Các trại này gồm hai phần: phần dành cho các tù nhân và phần dành cho việc tàn sát các tù nhân, được tổ chức rất quy mô chuyên biệt như một loại nhà máy kỹ nghệ giết người. Các lò hoả thiêu hoạt động đêm ngày mỗi tháng thiêu 132.000 xác chết.

Riêng trong trại tập trung Auschwitz có ít nhất 1,1 triệu người Do thái bị đầy tới đây: 438.000 đến từ Hungaria, 300.000 từ Ba Lan, 69.000 từ Pháp, 60.000 từ Hoà Lan, 55.000 từ Hy Lạp. 46.000 từ vùng Boemia và Moravia, 23.000 từ Đức và Áo, 27.000 từ Slovachia, 10.000 từ Yougoslavia, 7.500 từ Italia, 690 từ Na Uy, 34.000 từ các vùng khác. Đã có 900.000 người chết trong các phòng hơi ngạt và 95.000 người khác vì lao động mệt nhọc. Ngoài ra còn có 400.207 người bị đầy tới đây như công nhân nô lệ, và 210.000 người bị đầy ở đây rồi sau đó bị chuyển đi các trại tập trung khác và 8.000 người sống sót, tổng số các nạn nhân tại Auschwitz là 1 triệu 417 ngàn 505 người trên tổng số 1 triệu 613 ngàn 455 người, trong đó có 222.000 trẻ em và thiếu niên nam nữ.

Các sử gia đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan tới vụ diệt chủng Do thái và tiêp tuc tranh luận, nhưng cho tới nay vẫn không có các câu trả lời thỏa đáng. Đã có bao nhiêu người bị giết? Ai trực tiếp liên luy tới các vụ tàn sát này? Ai cho phép nó? Ai đã biết các vụ tàn sát này? Và tại sao người ta lại trực tiếp tham dự, cho phép hay âm thầm chấp nhận chúng? Tại sao một dân tộc thông minh, tài giỏi và xuất chúng như dân tộc Do thái mà lại thinh lặng ngoan ngoãn chấp nhận để cho mình bị tiêu diệt một cách tàn bạo như thế, mà không nổi loạn chống lại, ngay cả khi biết mình sẽ chết về tay của một toán quân Đức quốc xã ít ỏi vài trăm hay một ngàn người như vậy?

Dù có câu tra lời hay không vụ diệt chủng Do thái đã là một trang vô cùng đen tối trong lịch sử nhân loại, bị sự dữ thống trị qua bàn tay của các chế độ ý thức hệ độc tài vô luân và vô nhân, trong đó con người đã biến thành quái vật.

Lm. Linh Tiến Khải

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.