Trần Mỹ Duyệt
“Đức Giêsu nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Gioan 6:53-56).
Ăn thịt và uống máu một người. “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Gioan 6:60)
Đối với Chúa thì không gì là không có thể, và với đức tin thì không có vấn đề. Theo Thánh Thomas Aquinas, “Thiên Chúa dù quyền năng vô biên cũng không thể làm gì khác hơn là thiết lập nên Phép Thánh Thể”. Trước một hành động như thế, trí óc siêu phàm của con người cũng phải dừng lại, và cặp mắt trần trụi của nhân loại không thể nào nhìn ra Thiên Chúa qua tấm bánh và chén rượu đã truyền phép. Bởi thế, trong bài ca Tantum, chính thánh nhân đã viết: “Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì?”.
Điều khiến một số môn đệ đầu tiên đã bỏ Chúa Giêsu, thì ngày nay cũng xảy ra như vậy. Nhiều người đã không tin rằng Ngài hiện diện trong Thánh Thể.
THÁNH THỂ LÀ GÌ?
Thánh Thể “Eucharist” xuất phát từ chữ eucharistia của Hy Lạp có nghĩa là “tạ ơn”, là tâm điểm của việc thờ phượng Kitô Giáo, và được cử hành cùng một cách thức trên các thánh đường Công Giáo. Mầu nhiệm chỉ về việc Thân Xác và Máu của Đức Giêsu Kitô thật sự hiện diện trên bàn thờ dưới hình bánh và rượu.
Có 4 cách diễn tả về Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể, đó là: Trong Thánh Thể được bẻ ra và chia sẻ. Trong con người của chủ tế. Trong Lời của Chúa. Và Cộng Đoàn dân Chúa (Constitution on the Sacred Liturgy , CSL #7). Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt giữa việc Rước Lễ và Thánh Thể. Thánh Thể (Eucharist) cũng được gọi là Holy Communion, Blessed Sacrament bao gồm toàn bộ hành động cử hành, và sự thánh hiến của Thánh Lễ. Rước lễ (Communion) hay chịu lễ, hiệp lễ là hành động đón nhận Mình và Máu của Chúa.
THÁNH KINH VÀ THÁNH THỂ
Cùng với phép rửa tội, Thánh Thể là hai trong các bí tích được Tân Ước nhắc đến một cách rõ ràng. Đây là Bí Tích do chính Chúa Giêsu thiết lập, và đã được các Thánh Sử ghi lại:
Trong Phúc Âm của mình, Thánh Mátthêu viết: “Cũng trong bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.” Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.” (26:26-28)
Phúc Âm của Thánh Gioan ghi: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy.” (6:56)
Thánh Phaolô Tông Đồ thì nói rõ ràng với giáo dân Côrintô rằng, Thánh Thể được thiết lập bởi Chúa Kitô: “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” (1 Corinthians 11:23-25).
CÁC THÁNH NÓI VỀ THÁNH THỂ
Có thể nói, tất cả các thánh nhân đều yêu mến Phép Thánh Thể. Sau đây là một số vị đã để lại những câu nói có thể giúp chúng ta thêm tin tưởng và yêu mến Bí Tích cực trọng này:
Thánh Giáo Phụ Augustine (354-430): “Tấm bánh hữu hình và rượu trên bàn thờ, “đã được thánh hiến bởi lời Thiên Chúa” là Mình và Máu Ngài. Qua việc sốt sắng nhận Mình và Máu đó đã đổ ra vì chúng ta, chúng ta trở nên thân mình ấy, có nghĩa là chúng ta nối kết trong sự hiệp thông gần gũi với Thân Mình Mầu Nhiệm của Ngài”.
Thánh Phanxicô (1181-1226). Trong “Thư gửi các Giáo Sỹ” của mình, Thánh Phanxicô viết: “Trên thế giới này không có gì Cao Trọng nơi Chính Mình Ngài mà chúng ta có thể sở hữu và chiêm ngắm bằng cặp mắt của chúng ta, ngoại trừ Mình và Máu Ngài”. Đối với vị thánh nghèo Assisi, Thánh Thể vừa là đường vừa là địa bàn cho cuộc hành trình của Ngài.
Thánh Thomas Aquinas (1225-1274): “Thánh Thể là bí tích của tình yêu: nó biểu hiện tình yêu, đem lại tình yêu. Thánh Thể là cực điểm của toàn bộ đời sống thiêng liêng.” Ngài nhắc lại lời Thánh Euphrasia: “Nói về Phép Thánh Thể là nói về một điều cực thánh”.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005). Trong thông điệp đầu tiên “Redemptor Hominis”, ngài nói và viết về Thánh Thể: “Giáo Hội không ngừng làm sống lại cái chết trên thập giá và sự phục sinh của Ngài, vì nó làm nên nội dung của đời sống thường nhật của Giáo Hội.”
Trong đổi mới phụng vụ của Vatican II công bố Thánh Lễ như ‘suối nguồn và tuyệt đỉnh của đời sống Kitô hữu’. Công Đồng khuyến khích các tín hữu ‘tham dự đầy đủ, ý thức và sống động’ trong mọi cử hành Thánh Thể.
VẪN LÀ LỜI CHÓI TAI
Cũng như một số môn đệ ban đầu theo Chúa Giêsu. Họ đã phàn nàn, bỏ đi khi nghe giáo lý của Ngài về Phép Thánh Thể. Hiện nay tại Hoa Kỳ, chỉ khoảng 3% tín hữu tuyên xưng sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Thánh Thể mặc dù không hiểu việc biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô. Khoảng 6 trong 10 (63%) những tín hữu thường xuyên tham dự Thánh Lễ ít nhất 1 lần một tuần chấp nhận lời giảng dạy của Giáo Hội về Phép Thánh Thể.
Biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô trong Thánh Lễ được coi là trung tâm của đức tin Công Giáo. Bởi thế, Giáo Hội luôn dạy rằng “Thánh Thể là nguồn mạch và tuyệt đỉnh của đời sống người Kitô hữu”. Ngược lại với số nhỏ tin vào Thánh Thể, cuộc khảo cứu gần đây của Trung Tâm Khảo Cứu Pew Research Center đã cho thấy rằng phần đông người Công Giáo không tin vào lời dạy này. Trên thực tế, 7 trong số 10 người (69%) Công Giáo nói họ tin rằng trong khi cử hành Thánh Lễ, bánh và rượu được dùng trong lúc Rước Lễ chỉ là “biểu tượng” của mình và máu Chúa Giêsu Kitô. Thực chất chỉ có 1/3 người Công Giáo (31%) nói họ tin rằng “trong lúc cử hành Thánh Lễ, bánh và rượu thật sự trở thành mình và máu của Chúa Giêsu.”
Những người được khảo cứu cho biết rằng, hầu hết họ không biết về giáo lý này và được giảng dạy đầy đủ. Một số nhỏ (3%) tin vào sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể mặc dù không hiểu lời giảng dạy của Giáo Hội về sự biến đổi trong Thánh Thể. Những Kitô hữu không tham dự Thánh Lễ hàng tuần, số đông nói họ tin bánh và rượu chỉ là biểu tượng và không thực sự trở thành mình và máu Chúa Giêsu. Kết quả khảo cứu cũng cho biết rằng tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh Thể phần đông là những người Công Giáo lớn tuổi.
Tóm lại, trên 20% người Công Giáo Hoa Kỳ tham dự Thánh lễ hàng tuần và cầu nguyện hàng ngày và cho rằng tôn giáo rất quan trọng trong đời sống của họ. Ngược lại, 10% người Công Giáo nói họ tham dự thánh lễ vài lần trong năm, ít khi cầu nguyện không bao giờ coi tôn giáo là quan trọng hoặc không có gì quan trọng trong đời sống của họ. [1]
Giáo dân là thế, còn các linh mục? Các linh mục không những cử hành Bí Tích Thánh Thể cho các tín hữu, nhưng các ngài còn yêu mến thẳm sâu Thánh Thể. Trong cuộc khảo cứu gần đây, 94% linh mục tại Hoa Kỳ trả lời rằng “Thánh Thể là Trung Tâm Đời Sống” của các ngài. Tuy nhiên, mỗi khi tham dự thánh lễ mà thấy một linh mục, kể cả giám mục sau khi truyền phép đã dùng một tay đưa Mình Thánh và Máu Thánh Chúa lên cho giáo dân thờ lạy, hoặc đọc các kinh nguyện một cách vội vàng, hấp tấp thì hình như trong khảo cứu này khi trả lời câu hỏi, các linh mục ấy đã không thật với lòng mình hay ít ra trả lời cho có lệ.
ĂN THỊT VÀ UỐNG MÁU CHÚA
Thánh Thể ở trong trái tim của sự tôn thờ Kitô giáo. Thánh Thể được cử hành trên khắp thế giới như một sự tưởng niệm về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, trong việc đáp lại những lời mà Ngài đã nói với các môn đệ ở bữa tiệc ly, “Hãy làm việc này để nhớ đến Thầy”.
Những từ ngữ như “ăn thịt và uống máu” Chúa tuy do chính Chúa Giêsu nói về Thánh Thể. Và mặc dù nó là những lời của Chúa, tuy nhiên, nghe vẫn thấy “chói tai”. Điều này xảy ra vì phản ứng con người, và vì sự ẩn dấu của mầu nhiệm. Vậy hãy tạm dùng những từ “dễ nghe” hơn như rước lễ, hiệp lễ, rước Thánh Thể để diễn tả hành động rước lễ mỗi khi tham dự thánh lễ.
Trong lời nguyện cộng đồng trong các thánh lễ an táng, chúng ta thường nghe lời cầu: “Lạy Chúa, linh hồn người quá cố khi còn sống đã tham dự Thánh Lễ, đã ước mình và máu Thánh Chúa. Nay xin cho được đồng bàn với Chúa cùng với các thánh trên nước hằng sống.” Một lời cầu rất ý nghĩa. Nhưng được mấy ai ý thức và thực hành khi còn sống là siêng năng tham dự Thánh Lễ và rước Mình, Máu Thánh Chúa?!!
__________
Tài liệu tham khảo
1.https://www.pewresearch.org/short-reads/2019/08/05/transubstantiation-eucharist-u-s-catholics/
Views: 0