Trần Mỹ Duyệt
Nhập Thể và Thánh Thể là hai mầu nhiệm rất quan trọng đi đôi với nhau trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu sinh ra tại hang đá Belem, cũng là Chúa Giêsu được sinh ra trên bàn thờ trong các thánh lễ. Ngài là của ăn và là bánh hằng sống. Mùa Vọng với mục đích cuối cùng của nó là đem chúng ta đến gần và lãnh nhận Thánh Thể như một phương thế dọn lòng đón chờ ngày kỷ niệm Chúa giáng trần và ngày Ngài lại đến trong vinh quang. Sau đây là bài viết của David G. Bonagura Jr. với đề tài “A Eucharistic Advent” (Mùa Vọng Thánh Thể). Trần Mỹ Duyệt chuyển ngữ:
Mùa Vọng tiếp tục một cách nối tiếp từ tương lai đến quá khứ, từ lần xuất hiện của Chúa Cứu Thế thời cánh chung tới lần xuất hiện của Hài Nhi Cứu Thế thiên niên kỷ trước đây tại Belem. Cây cầu nối hai biến cố này là thông điệp của Thánh Gioan Tẩy Giả mà nó còn áp dụng đối với chúng ta ở hiện tại: “Hãy sám hối, vì nước trời đã gần.” (Mátthêu 3:2)
Nghe lời mời gọi của Gioan Tẩy Giả vào Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Vọng, nhưng ít khi chúng ta sống với nó. Những cây cầu có thể đẹp để ngắm nhìn, nhưng chúng không phải là những điểm đến. Chúng ta đi qua nó với cái nhìn vội vã để đến những mục tiêu quan trọng: mua bán, trang hoàng, lễ lạt, mở quà của chúng ta.
Mặc dù vậy, Thánh Gioan không để chúng ta coi thường lời nhắn nhủ. Ông đã quyết định chọc thủng lỗ tai của chúng ta, giờ đây đang bị bịt kín bởi những ống nghe, bằng cách la lên rằng chúng ta phải hành động, hoặc đau khổ lãnh lấy những hậu quả:
“Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.” (Mátthêu 3:11-12)
Chỉ khi sám hối – bày tỏ sự đau đớn vì tội lỗi và xin ơn tha thứ – mới chuẩn bị chúng ta đón mừng sinh nhật Đấng Cứu Thế. Con đường dẫn tới Belem chạy rộng qua hoang địa bên sông Jordan. Nó là con đường gồ ghề, trơn mòn, nhưng lại là con đường duy nhất để đến với vị vua mới sinh.
Belem nghĩa là “nhà của bánh.” Chúng ta tìm thấy gì ở đó? Ngôi Lời hóa thành nhục thể, Bánh Sự Sống, thịt Ngài là sự sống cho thế giới. “Thịt Ta thật là của ăn.’ (Gioan 6:55). Chúa Giêsu đã Nhập Thể để đến với chúng ta, nhờ đó chúng ta “có được sự sống, và sống một cách dồi dào.” (Gioan 10:10). Ngài nuôi dưỡng chúng ta bằng chính thịt của Ngài: “Ai ăn ta sẽ sống vì ta. Đây là bánh từ trời xuống, không như cha ông các người đã ăn và đã chết; ai ăn bánh này sẽ sống đời đời.” (Gioan 6:57-58)
Vì thế chúng ta chuẩn bị những gì cho Mùa Vọng? Vâng, sinh nhật của Đức Kitô, không phải rồi tự nó sẽ qua đi (chúng ta một cách đơn sơ ngồi với Chúa, thờ lạy cùng với các mục tử và Ba Nhà Đạo Sỹ), nhưng còn ý nghĩa dẫn tới kết quả: nó đem đến sự giải thoát của chúng ta. Con của Thiên Chúa đã nhập thể. Ngài cũng ban cho chúng ta thịt của Ngài trong Thánh Thể, để nhờ đó chúng ta có thể ăn và sống để chuẩn bị gặp Ngài khi Ngài đến lần thứ hai trong chiến thắng.
Mùa Vọng đón Đức Kitô giáng trần, qua đó, hướng chúng ta đến Mùa Vọng tương lai. Con đường đến và trở lại thông qua cây cầu mà chúng ta bắc trước đó: qua sám hối tội lỗi như đã được Gioan Tẩy Giả rao giảng.
Sám hối không phải là việc xảy ra một lần. Chúng ta phải xám hối mỗi ngày, vì bao lâu còn sống, chúng ta luôn dễ dàng phạm tội. Giáo Hội kêu gọi chúng ta phải xét mình hàng đêm để có thói quen sám hối. Nhưng kết quả sám hối sẽ trở thành vui mừng, vì chúng ta biết được ý nghĩa của hai đầu cầu: Hài Nhi Cứu Thế và Đức Kitô quan án. Mỗi đầu cầu đem lại cho chúng ta sự đổi mới. Mỗi đầu cầu thôi thúc chúng ta hành động. Mỗi đầu cầu kêu gọi chúng ta tiến đến một tình yêu lớn lao hơn.
Chúa nhập thể để làm cho chúng ta trở nên thần thánh. “Vì chúng ta Người đã khiến mình Đấng không bao giờ biết đến tội trở thành tội nhân, nhờ đó, trong Ngài chúng ta có thể trở nên công chính của Thiên Chúa.” (2 Corinthians 5:21) “Thiên Chúa trở thành con người để con người có thể trở thành Thiên Chúa.” (St. Augustine)
Thánh Thể cho phép Thiên Chúa nhập thể biến chúng ta trở nên thiên chúa trong Ngài. Khi chúng ta rước Ngài, chúng ta trở nên giống như Ngài. Hành động sám hối của chúng ta chuẩn bị chúng ta đón rước Ngài, để rồi Ngài cho chúng ta sức mạnh chống lại tội lỗi và yêu mến một cách can đảm hơn. Thánh Thể là bí tích của tình yêu, cũng là động lực và con đường dẫn tới sám hối. Trong sự kết hợp giữa tình yêu và thống hối, Thánh Thể cũng nối kết hai lần Chúa Kitô đến.
Nếu Gioan Tẩy Giả là cây cầu giữa hai mùa Vọng, Thánh Thể là những cái tháp và giây cáp của nó. Tháp được đóng sâu trong lòng biển và vươn cao trên trời. Dây cáp cùng với tháp cầu nâng toàn thể cây cầu, nối liền hai bờ lại với nhau. Chúng không chỉ để nâng đỡ cây cầu, nhưng còn là vẻ đẹp.
Vì thế, đối với Thánh Thể, chúng ta cần dừng lại để chiêm ngắm và tôn thờ. Quá khứ và hiện tại trở nên một nơi Đấng là, “Alpha và Omega, đầu hết và cuối hết, nguyên thủy và cùng đích.” (Khải Huyền 22:13) Thánh Thể là Đức Kitô của Belem, Đấng trở thành chiến thắng để phán xét thế giới.
Sự tự hy sinh của Đức Kitô đã biến thành tặng ân của Thánh Thể. Chúng ta không bao giờ dùng từ này, nhưng việc chuẩn Mùa Vọng – ngay việc chuẩn bị quà cáp hoặc trang hoàng nhà cửa – đòi hỏi hy sinh: cho đi chính chúng ta, bao gồm thời giờ, tiền của cho các công tác bác ái, như món quà trao tặng người khác, và qua đó, cho Ngài.
Và Ngài sẽ trả lại gấp trăm nếu chúng ta chú tâm vào việc thực hành ý nghĩa Mùa Vọng với tất cả lòng thống hối chân thành và yêu thương.
_______
Nguồn: https://www.thecatholicthing.org/2024/12/08/a-eucharistic-advent/
Views: 0