Lm. Lê Quang Uy, DCCT
Tiếng Latinh: Nostra Mater de Perpetuo Succursu
Tiếng Anh là: Our Lady of Perpetual Help
Tiếng Pháp là: Notre Dame du Perpetuel Secours
- Người Mẹ Chung:
Cha Tiến Lộc trong một lần giảng Tĩnh Tâm cho giới trẻ tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang năm 1999, có chia sẻ như thế này:
“Tôi có 5 bà mẹ. Bà mẹ đầu tiên là người me sinh ra tôi được làm người trên đời, Bà mẹ thứ hai, tôi là người Việt Nam nên tôi có bà mẹ tổ quốc Việt Nam. Bà mẹ thứ ba là mới sơ sinh 3 ngày tuổi, tôi được bế đến Nhà Thờ để được nhận Bí Tích Thánh Tẩy trở thành người Công Giáo, tôi có thêm bà mẹ Hội Thánh. Bà mẹ thứ tư là Mẹ Dòng Chúa Cứu Thế khi tôi được đi tu DCCT, được khấn trở thành Tu Sĩ DCCT. Cuối cùng, có thể tôi và anh chị em chắc chắn có chung bà mẹ thứ năm, đó là Mẹ Maria…”
Vâng, chúng ta có chung một bà mẹ là Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp. Mỗi dân tộc, mỗi sắc dân, mỗi quốc gia, mỗi vùng, mỗi Giáo Phận, mỗi dòng tu lại đặc biệt tôn vinh Mẹ với một tước hiệu riêng, do một truyền thống lịch sử riêng, ví dụ: Pháp có Đức Mẹ Lộ Đức, Bồ Đào Nha có Đức Mẹ Fatima, Mexico có Đức Mẹ Guadalupe, Nhật có Đức Mẹ Akita, Việt Nam có Đức Mẹ La Vang, Giáo Phận Vĩnh Long có Đức Mẹ La Mã Bến Tre, Giáo Phận Xuân Lộc có Đức Mẹ Núi Cúi, Giáo Phận Bà Rịa-Vũng Tàu có Đức Mẹ Bãi Dâu, Dòng Don Bosco có Đức Mẹ Phù Hộ các giáo hữu, Dòng Tên có Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành, Dòng Đa Minh có Đức Mẹ Mai Khôi, DCCT là Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp…
Chúng ta cùng đọc lại Tin Mừng theo Thánh Gioan 19, 25-27:
“Đứng gần thập giá Chúa Giêsu, có thân mẫu Người, chị của bà thân mẫu, bà Maria vợ ông Clopas, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Chúa Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình”.
Chúa Giêsu nói với từng người chúng ta hôm nay: “Đây là Mẹ của con, Mẹ của các con”. Vấn đề là ta có chịu đón Mẹ Maria về nhà mình, về gia đình mình, về đời mình, về lòng mình để phụng dưỡng, để báo hiếu, để yêu mến gắn bó trong tình nghĩa mẹ-con thân thương hay không, để nhận lấy lòng thương xót của Chúa Giêsu đổ tràn qua Mẹ hay không.
- Người Mẹ Thương:
Kính trọng Mẹ Maria thì người ta gọi Mẹ là “Đức Bà” (Notre Dame, Our Lady), nhưng gọi kiểu Việt Nam mình là “Mẹ” xem ra vẫn thân thương gần gữi hơn nhiều.
Thiết nghĩ, không có người mẹ nào trên thế gian này lại có nhiều tước hiệu đến như vậy, lại được yêu mến kính trọng đến như vậy. Mà tước hiệu cao nhất, đứng đầu các tước hiệu của Mẹ chính là “Theotokos, Mẹ của Thiên Chúa”. Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa nên Mẹ lại có thế giá vô cùng cao quý để chuyển cầu, để che chở, để lo liệu, để cứu giúp chúng ta là cả một bầy con nheo nhóc nhốn nháo và khốn khổ của Mẹ.
Tháng 12 năm 1865, Đức Giáo Hoàng Piô thứ 9 trao Linh Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp cho DCCT nhận làm Mẹ của mình, làm Bổn Mạng của mình, rồi cố gắng phổ biến và cổ võ lòng sùng kính Mẹ trên toàn thế giới. Vì vậy mà chúng ta có ngày Lễ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp như bây giờ.
Chúng ta sẽ không mừng Lễ Mẹ như người ta mừng lễ 8 tháng 3, có meeting, có biểu ngữ, có hô khẩu hiệu, rồi tặng quà cho các chị em phụ nữ. Chúng ta cũng không mừng Lễ Mẹ như người ta mừng lễ hội kiểu Festival đón một cô hoa hậu hay đón đội bóng đá nữ vừa đoạt giải quốc tế trở về nước. Không, chúng ta mừng Lễ Mẹ với một cung cách khác biệt hẳn, ngoài hình thức tổ chức bên ngoài thật long trọng, ngoài nghi thức phụng vụ trang nghiêm, ngoài các bài hát ca ngợi Mẹ thật hay, chúng ta sẽ mừng Mẹ sâu vào bên trong nội tâm, nghe Tin Mừng về Mẹ, cầu nguyện với Mẹ và xin Mẹ giúp chúng ta sám hối thật chân thành với Chúa Giêsu Con của Mẹ nữa.
Chúng ta làm tất cả những điều ấy vì trước hết chúng ta biết rõ Mẹ thương chúng ta nhiều lắm. Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu nên cũng là Mẹ của Lòng Thương Xót. Tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp cho thấy điều đó.
- Người Mẹ Hằng Cứu Giúp:
“Hằng” nghĩa là luôn luôn, thường trực, lúc nào cũng sẵn sàng, như chúng ta thấy một người mẹ luôn ôm con trong lòng, cho con bú, ru con ngủ. Con lớn một tí thì tập cho con đi, con sắp ngã thì vội đỡ lấy. Lớn nữa, con phạm lỗi thì mẹ ôn tồn sửa dạy, con ngoan thì mẹ dịu dàng khích lệ.
Con trưởng thành, mẹ dõi theo từng bước con đi, từng nhịp đời con sống. Lùc nào mẹ cũng thấu hiểu con có chuyện vui hay chuyện buồn, con phải lo lắng hay sợ hãi ra sao, mẹ là vòng tay đón con về ủi an, nâng đỡ, chỉ dẫn. Mẹ dựng vợ gả chồng cho con, rồi mẹ lại sẽ bồng ẵm chăm sóc cho lũ cháu nội cháu ngoại. Con đi tu thì mẹ dồn hết tâm trí và tấm lòng cho con, cầu nguyện, dâng cho Chúa mọi vất vả và bệnh tật tuổi già của đời mẹ để hy sinh đền tạ thay cho con.
Người mẹ bình thường lo cho con cái trong gia đình còn thế huống chi là Mẹ Maria là Mẹ của toàn nhân loại, Mẹ của Hội Thánh, Mẹ của mọi người và Mẹ của từng người chúng ta. Như ở Tiệc Cưới Cana xa xưa, ngày nay, Mẹ cũng thấy trước những nghịch cảnh sắp xảy ra cho chúng ta, ngay khi chúng ta còn đang ngỡ mình thành đạt, xuôi chảy mọi sự. Và Mẹ đã có cách để can thiệp, giải quyết và giúp chúng ta vượt qua.
Mẹ “cứu” và Mẹ “giúp”. Cứu là khi chúng ta có nguy cơ lạc mất lương tâm, mất định hướng Tin Mừng, mất Sự Sống, thậm chí mất cả linh hồn lẫn thân xác khi rơi vào cạm bẫy của thế gian, của tham-sân-si cuộc đời. Giúp thì ở mức độ nhẹ hơn, khi chúng ta hoang mang trước một tình thế, lo lắng trước một hoàn cảnh, sợ hãi trước một biến cố vượt qua sức chịu đựng của mình.
Những tình huống như thế làm sao Mẹ lại có thể không cứu hoặc không giúp chúng ta? Nhiều khi chúng ta cứ ngỡ Mẹ không thấy, không nghe, Mẹ quên chúng ta mất rồi, chúng ta kêu cứu, cầu nguyện hết mức mà sao vẫn cứ bất lực bó tay, vẫn cứ đổ vỡ thất bại. Thật ra là vì chúng ta chỉ muốn Mẹ cứu giúp chúng ta theo ý của mình chứ không phải theo ý Thiên Chúa. Mẹ cứu chúng ta rồi mà chúng ta không biết, không hiểu, nhiều người đâm ra hờn giận oán trách Mẹ, rồi quay lưng vô ơn, khép lòng với Mẹ, rồi mất Đức Tin lúc nào không biết.
Mà một khi đã rời vòng tay Mẹ thì nhiều người cạn nghĩ đã nghe theo những mách nước khôn ngoan thủ đoạn của người đời, của người có tiền, có quyền, cứ tưởng họ có thể chạy chọt, xoay trở, giải gỡ cho mình khỏi cơn khốn khó, có ngờ đâu chỉ là lừa gạt, tiền mất tật mang. Lại có một số người bị “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” lôi kéo vào thảm họa bói toán, bùa ngải, chạy theo các giáo phái lạc đạo, chống lại Hội Thánh…
Khoảng năm 1100, ở Đức, có một gia đình giàu có sinh được một bé trai, đặt tên là Herman, đáng tiếc là bé quá xấu xí, dị dạng, khuyết tật, chậm trí khôn, học Giáo Lý chỉ biết được một chút về Mẹ Maria. Năm 14 tuổi, cậu mặc cảm, buồn quá, chỉ biết thưa với Mẹ những lời đơn sơ mộc mạc như thế này:
“Lạy Mẹ là Nữ Vương trời đất, là Mẹ nhân ái, là sức sống, là nguồn vui, là hy vọng của con, con là con cháu khốn nạn của Evà, ở chốn khách đầy đau khổ, kêu van xin Mẹ ghé mặt thương xót. Ðến giờ sau hết xin cho con được về Trời xem thấy Chúa Giêsu Con của Mẹ, lạy Mẹ nhân ái”.
Không ngờ Mẹ hiện ra và bảo: “Herman, con yêu của Mẹ, Mẹ đã nghe lời con cầu xin. Mẹ cho con chọn một trong hai điều này: một là khỏi các bệnh tật phần xác, hai là được trở nên thông thái, con muốn điều nào tùy ý.” Herman quả quyết trả lời: “Con xin Mẹ được trí thông minh.” Ðiều cậu xin thật sự đẹp lòng Ðức Mẹ. Mẹ cho Herman không những thông minh mà còn cho khỏi các tật bệnh nữa. Cậu đã xin đi tu làm một thầy Dòng rất thông thái đạo đức. Và để tạ ơn Ðức Mẹ, thầy Herman đã đặt lời nguyện khi trước thành bản kinh “Salve Regina – Lạy Nữ Vương” cho mọi người cùng đọc như chúng ta có ngày nay.
Để kết thúc, chúng ta cũng hãy cùng nhau thưa với Mẹ thật chậm rãi và sốt sắng, chính lời cầu nguyện tuyệt vời này của thầy Herman: “Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy…”
Giuse LÊ QUANG UY, DCCT, Vũng Tàu, 27.6.2024
Views: 0