Trần Mỹ Duyệt
Nếu có tấm hình nào diễn tả được sự đau khổ của một người mẹ, thì đó là tấm hình chụp hoặc vẽ khi bà đang ngồi bất lực nhìn con hấp hối và chết trên tay của bà! Trong Phúc Âm, Thánh Gioan cũng đã chụp được những khoảnh khắc về một bà mẹ. Bà rất đau khổ theo con trên đường tới pháp trường, chứng kiến con bị đóng đinh, và đứng dưới chân thập giá để nhìn người ta dùng đòng đâm thấu trái tim của con bà, rồi đau đớn ôm lấy xác con trong vòng tay của mình (x. Gioan 19: 17-42). Người đàn bà đau khổ đó không ai khác hơn là Đức Trinh Nữ Maria, người Mẹ của chúng ta.
Linh mục Kim Long với cảm xúc phong phú của một nhạc sỹ cũng đã ghi lại hình ảnh bà mẹ ấy qua những nốt nhạc của ngài:
Mẹ đứng đó khi hoàng hôn tím màu. Nhạc thương trầm buông hắt hiu đồi cao u hoài loang máu đào. Con Chúa đau thương treo trên thập giá, hiến thân vì nhân loại tội tình. Mẹ đứng đó tâm hồn tê tái sầu, đồng công cùng Con dấu yêu, vì thương nhân loại bao khốn cùng. Xin dẫn đưa bao tâm hồn lạc hướng về bên Mẹ, Mẹ ơi.
Hỡi ai qua đường ngừng bước đây mà chiêm ngắm: Chúa chí tôn cam chịu muôn nỗi khổ đau. Vì thương toàn nhân loại muôn chốn muôn đời. Ngày đêm khóc than mong chờ vinh phúc quê trời.
Ngước trông Mẹ lành thành kính dâng lời kêu khấn. Giữa thế gian khổ sầu xin hãy ủi an, để con hằng trung thành theo Chúa trọn đời. Ngày mai sáng tươi bên Mẹ ca khúc khải hoàn.
(Mẹ Đứng Đó. Lm. Kim Long)
Để tưởng nhớ đến người Mẹ này, và để ghi lại những biến cố đau thương trong cuộc đời của Người, Giáo Hội đã xưng tụng Mẹ bằng nhiều tước hiệu khác nhau: Mẹ Sầu Bi, Mẹ Đau Thương, Mẹ Bẩy Sự, Mẹ Bị Đâm Thâu. Lễ kính ngày 15 tháng 9. Và cũng được tôn kính vào Thứ Sáu trước Thứ Sáu Tuần Thánh.
7 Niềm Đau Của Mẹ
Cuộc đời Đức Mẹ đã được tiên tri Simêon nói trước khi Thánh Giuse và Mẹ dâng Hài Nhi Giêsu trong Đền Thánh Giêrusalem: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà” (Lc 2:25). Lời tiên tri ấy cũng đã được diễn tả qua ngòi bút của cả 4 thánh sử:
1.Lưỡi gươm tiên tri của Simêon (Lc 2:34-35).
2.Đưa con trốn qua Ai cập (Mt 2:13-15).
3.Lạc mất Con trong Đền Thờ Giêrusalam (Lc 2:41-51).
4.Gặp Con trên đường Thánh Giá (Đàng Thánh Giá nơi thứ 4).
5.Nhìn Con chịu đóng đinh trên đồi Calvary (Mt 27, Mr 15, Lc 23, Gn 19).
6.Nhìn Con chịu đâu thâu và ẵm xác con sau khi hạ khỏi Thánh Giá (Gn 19:31-37).
7.Nhìn Con bị táng trong huyệt mộ (Mt 27, Mr 15, Lc 23, Gn 19).
Nguồn Gốc Lòng Sùng Kính
Để bày tỏ lòng tôn kính và chiêm niệm những nỗi đau của Đức Mẹ, các tín hữu từ xa xưa đã có những thực hành mà vẫn còn kéo dài tới hôm nay.
-Các tín hữu Tây Phương
Từ sớm, năm 1232, có bẩy thanh niên ở Tuscany đã thành lập Dòng Servite cũng được gọi là Servite Friars hoặc Dòng Tôi Tới Đức Mẹ. Năm năm sau, Dòng đã lấy việc tôn sùng Mẹ Maria Sầu Bi đứng dưới chân Thánh Giá, như việc sùng kính chính của dòng. 1 Lòng sùng kính này từ từ được phát triển qua những cách thức thực hành như: Lần Hạt 7 Sự Thương Khó Đức Mẹ, Hội Áo Đức Bà, Tuần Cửu Nhật Kính Mẹ Sầu Bi.
Trải qua hàng thế kỷ, nhiều hình thức tôn sùng, và ngay cả các dòng tu cũng được thành lập để tỏ lòng yêu mến Đức Mẹ. Tại Việt Nam, một dòng nam đã được Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ sáng lập vào ngày 2 tháng 2 năm 1953 tại Liên Thủy, Bùi Chu mang tên Dòng Đồng Công. Ngày nay dòng được đổi tên thành Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc. Ngoài dòng mẹ tại Việt Nam, dòng có một tỉnh dòng ở Hoa Kỳ, trụ sở tại Carthage, MO. Tại đây hàng năm có tổ chức Đại Hội Thánh Mẫu quy tụ hàng chục ngàn tín hữu khắp nước Mỹ và năm châu về tôn sùng và đền tạ Trái Tim Đức Mẹ.
-Tín Hữu Đông Phương
Một tấm hình vẽ về Đức Mẹ được cả các tín hữu Công Giáo Tây Phương và Chính Thống Giáo sùng kính, gọi là “the Softening of Evil Hearts” hay “Simeon’s Prophecy” (Lời Tiên Tri của Simêon). Tấm ảnh vẽ Đức Nữ Trinh Maria trong giây phút nghe Simêon nói: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà…(Luke 2:35) với đôi tay dâng cao trong tư thế cầu nguyện và 7 lưỡi đòng đâm thâu trái tim. 2
Đây là một trong những bức vẽ có nguồn gốc về lòng sùng kính Mẹ Sầu Bi, cùng với điệp khúc “Rejoice, much-sorrowing Mother of God, turn our sorrows into joy and soften the hearts of evil men!” 3 được dùng để ca tụng sự hiệp thông của Đức Mẹ với những đau khổ của Chúa Giêsu Con Mẹ phải chịu vì tội lỗi thế gian.
Phụng Vụ Đức Mẹ Sầu Bi
Lễ Đức Mẹ Sầu Bi được phổ biến vào thế kỷ XII, với nhiều tước hiệu khác nhau. Một số tài liệu cho rằng lễ này có nguồn gốc từ thế kỷ XI, đặc biệt trong các Dòng Bênêđíctô. 4
Một bàn thờ đầu tiên dâng kính Đức Mẹ Đau Thương (the Mater Dolorosa) được thiết lập vào năm 1221 tại đan viện Cistercian ở Schönau, nước Đức. Thánh lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi chính thức được thiết lập do Công Đồng Cologne năm 1423. Nó được cử hành vào Thứ Sáu sau Chúa Nhật III sau Phục Sinh và có tên là Commemoratio angustiae et doloris B. Mariae V. Mục đích là để kính nhớ sự đau thương của Đức Maria trong khi Chúa Giêsu bị đóng đinh và chết trên thập giá. Trước thế kỷ XVI, lễ này chỉ giới hạn trong các giáo phận của Bắc nước Đức, Scandinavia, và Scotland. 1
Theo cha William Saunders, năm 1482, lễ Mẹ Sầu Bi được ghi trong sách Thánh Nhạc Roma với tước hiệu Our Lady of Compassion, nhấn mạnh tình yêu cao cả Mẹ Rất Thánh của chúng ta đã phải chịu trong cuộc thương khó của Con. Chữ “compassion” – từ bi, thương xót – nguyên gốc từ tiếng Latin có nghĩa là “to suffer with” – đau khổ với. 4
Sau năm 1600, lễ Mẹ Sầu Bi được cử hành rộng rãi ở Pháp và được mừng vào Thứ Sáu trước Chúa Nhật Lễ Lá. Năm 1668, một thánh lễ Đức Mẹ Bảy Sự được thành lập vào Chúa Nhật thứ ba trong tháng 9, riêng cho dòng Tôi Tớ Đức Mẹ. 1
Do sắc lệnh ban vào ngày 22 tháng Tư, 1727 của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XIII, thánh lễ được đưa vào Giáo Hội Latinh dưới tước hiệu “Septem dolorum B.M.V.”
Năm 1814 Đức Giáo Hoàng Piô VII ghi lễ này vào lịch Roma. Thánh Giáo Hoàng Piô X đã rời lễ vào ngày 15 tháng 9 một ngày sau lễ Suy Tôn Thánh Giá 5 cho đến ngày nay.
Năm 1960, Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã đặt lễ này vào bậc lễ nhớ (commemoration).
Stabat Mater
Mỗi lần tham dự lễ Mẹ Sầu Bi, là mỗi lần cảm thấy bồi hồi, xúc động và thương cho người Mẹ rất thánh khi đứng dưới chân thập giá với muôn vàn khổ đau, cay đắng. Mẹ đứng đó vì thương Con Mẹ và cũng vì thương cho nhân loại tội tình. Vì tội lỗi mà họ đã đóng đinh Con của Mẹ. Và cũng vì để cứu loài người khỏi tội mà Ngài đã cam chịu đóng đinh.
Hỡi muôn thần trời. Hỡi muôn tinh tú. Hỡi muôn loài tạo vật. Có hay chăng những giọt nước mắt đang tuôn chảy trên khuôn mặt đau khổ, và tấm lòng bị đâm thâu của Mẹ. Bài ca Tiếp Liên sau đây như đang nhắc nhở nhân loại về điều này:
1) Mẹ sầu bi tầm tã giọt châu, đang đứng bên cây Thập giá, nơi Con Người đã bị treo lên.
2) Một lưỡi gươm nhọn đã đâm qua tâm hồn Bà đang rên siết, đang sầu khổ và đau đớn.
3) Ôi đau buồn sầu khổ biết bao cho bà Mẹ đáng suy tôn / của một Người Con duy nhất!
4) Bà Mẹ hiền nhìn xem nỗi khổ hình của Người Con chí thánh, mà đau lòng thổn thức tâm can.
5) Ai là người không tuôn châu lệ khi nhìn thấy Mẹ Chúa Kitô trong cảnh cực hình như thế?
6) Ai có thể không buồn bã nhìn xem Mẹ Chúa Kitô đang đau khổ cùng với Con Người?
7) Mẹ nhìn thấy Chúa Giêsu vì tội dân mình mà khổ cực, và bị vùi giập dưới làn roi.
8) Mẹ nhìn Con mình dịu hiền như thế bị thống khổ lúc lâm chung, khi Người trút hơi thở cuối cùng.
9) Ôi lạy Mẹ là niềm yêu mến, xin cho con cảm thấy mãnh lực của đau thương, để cho con được khóc than cùng Mẹ.
10) Xin cho lòng con cháy lửa mến yêu, mến yêu Ðức Kitô là Thiên Chúa, để cho con có thể làm đẹp ý Người.
11) Ôi Thánh Mẫu, xin Mẹ làm ơn đóng vào lòng con cho thực mạnh / những vết thương của Ðấng bị treo thập giá.
12) Xin Mẹ cho con được chia phần thống khổ của Con Mẹ đã thương vong, đã khứng chịu cực hình vì con như thế.
13) Xin cho con được cùng Mẹ thảo hiếu khóc than, cùng Ðấng bị đóng đinh tỏ niềm thông cảm, bao lâu con còn sinh sống ở đời.
14) Con ước ao được cùng với Mẹ đứng bên cây Thập giá, và hợp nhất cùng Mẹ trong tiếng khóc than.
15) Ôi Ðức Trinh Nữ thời danh trong hàng trinh nữ, xin đừng tỏ ra cay đắng với con, xin cho con được cùng Mẹ chan hoà dòng lệ.
16) Xin cho con được mang sự chết của Ðức Kitô, được cùng Người thông phần đau khổ, và tôn thờ những thương tích của Người.
17) Xin cho con được mang thương tích của Người, cho con được say sưa cây thập giá và máu đào Con Mẹ đã đổ ra.
18) Ôi, Ðức Trinh Nữ, xin đừng để cho con bị lửa hồng thiêu đốt, nhưng được Mẹ chở che trong ngày thẩm phán!
19) Lạy Chúa Kitô, khi phải lìa bỏ cõi đời này, nhờ Ðức Mẹ, xin Chúa cho con được tới lãnh ngành dương liễu khải hoàn.
20) Khi mà xác thịt con sẽ chết, xin cho linh hồn con được Chúa tặng ban vinh quang của cõi thiên đường.
Lễ Mẹ Sầu Bi
15 tháng 9 năm 2020
_________
Wikipedia, the free encyclopedia
- One or more of the preceding sentences incorporates text from a publication now in the public domain: Holweck, Frederick (1912). “Feasts of the Seven Sorrows of the Blessed Virgin Mary”. In Herbermann, Charles (ed.). Catholic Encyclopedia. 14. New York: Robert Appleton Company. Retrieved 15 September 2016.
- Churchly joy: Orthodox devotions for the church year by Sergeĭ Nikolaevich Bulgakov, Boris Jakim 2008 ISBN0-8028-4834-6 pages 10-11.
- Orthodox life, Volumes 54-55, Holy Trinity Monastery (Jordanville, N.Y.) page 7.
- Saunders, William. “The Feast of Our Lady of Sorrows”, Arlington Catholic Herald, 2000).
- “Calendarium Romanum“, Libreria Editrice Vaticana, 1969, p. 103.
Views: 0