Lm. Trần Quốc Bảo, Dcct
‘Linh Ảnh’ là gì?
‘Linh ảnh’ (Icon) là một bức tranh được vẽ ra không chỉ đơn thuần dựa vào cảm hứng và tài năng nghệ thuật riêng của họa sĩ như các tác phẩm hội họa khác. ‘Linh ảnh’ là một loại tranh thánh đúng nghĩa. Một bức linh ảnh là một bức họa cưu mang những mầu nhiệm đức tin rất rõ ràng như: Chúa Ba Ngôi, Khổ nạn, Phục sinh, Truyền Tin, Mẹ Thiên Chúa, Mông triệu, v.v. Vì thế, giá trị thiêng liêng của linh ảnh không chỉ là biểu tượng (symbol) của mầu nhiệm, mà chính là sự hiện diện (presence) của mầu nhiệm được tôn kính. Mầu nhiệm này được Thiên Chúa linh hứng cho các ‘họa sĩ linh ảnh’ (Iconographer) diễn tả qua nét vẽ, và mầu sắc, tựa như các tác giả Kinh thánh được ơn linh ứng để viết Sách thánh. Vì thế các tác phẩm của họ được gọi đúng nghĩa là ‘linh ảnh’.
Các họa sĩ linh ảnh thường là những vị ẩn tu sống đời suy niệm và chay tịnh nhiệm nhặt. Trước khi sáng tác một linh ảnh, họ phải cầu nguyện, sống thông hiệp, cảm nghiệm mầu nhiệm thánh. Hoï phaûi cầu xin Chúa Thánh thần ban cho những ánh sáng cần thiết để diễn tả mầu nhiệm thánh ấy cách trung thực và đúng đắn theo tín lý thần học, qua cọ vẽ.
Dựa vào truyền khẩu của các Kitô hữu từ thế kỷ thứ 8, chính thánh sử Luca là người đầu tiên vẽ linh ảnh và mở đường cho các họa sĩ linh ảnh tương lai. Tác phẩm thánh Luca vẽ là bức hình Mẹ Maria bế Chúa Giêsu. Bức linh ảnh này sau đó mang tên ‘Đức Mẹ Cứu Chữa Dân Thành Rôma’ –Salus Populi Romani– hiện được trưng kính tại thánh đường Đức Bà Cả ở Rôma. Sở dĩ, vì bức ảnh ấy từng được dùng để khẩn cầu Đức Mẹ mỗi khi thành Rôma gặp tai ưng khốn khó. Đức giáo hoàng Phanxicô vừa rồi cũng đã long trọng rước và yêu cầu trưng kính bức linh ảnh cho công chúng cầu nguyện. Ngài đã khẩn cầu trước linh ảnh đó cho thế giới trong cơn đại dịch Covid-19.
Việc sáng tác linh ảnh đã được bắt đầu dựa trên truyền thống tu đức rất lâu năm trong Giáo hội Ðông phương. Trong lịch sử, các trung tâm sáng tác linh ảnh nổi tiếng gồm có Thessalonica, Cyprus, Creta, Athos. Ða số các trung tâm này đều thuộc về trường phái Byzantinô, một trường phái được khởi xướng và phát triển mạnh nhất từ thế kỷ V đến thế kỷ XV tại Constantinople (nay là Istanbul, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ). Thời nay, trường phái nghệ thuật thánh Byzantinô còn tiếp tục tại Nga.
Vậy bức linh ảnh Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp là bức ảnh đã được sáng tác bởi ơn linh hứng. Các nhà chú giải linh ảnh (icon interpretator) từ lâu đã nhận ra nơi bức linh ảnh này nhiều nét diễn tả những mầu nhiệm thiêng liêng sâu xa. Quả thế, qua những đường nét và mầu sắc trên bức ảnh đó, ta thấy diễn tả cùng một lúc Mầu Nhiệm Cứu Chuộc của Chúa Giêsu và Mầu Nhiệm Ðồng Công Cứu Chuộc của Mẹ Thiên Chúa. Tác giả của linh ảnh đặc biệt diễn tả ý tưởng Đức Mẹ là đấng mà Thiên Chúa đã đặt làm người bênh đỡ, trợ giúp tín hữu trong mọi nhu cầu, mọi nơi, mọi lúc, như Đức Giêsu đã xác định: “Này là Con Bà…Này là Mẹ con” (Gn. 19:26-27)
Một Lịch sử kỳ bí
Kết hợp những sử liệu cựu trào với những tài liệu mới mẻ và chắc chắn nhất, ta có thể tóm gọn mấy giai đoạn chính trong cả lịch sử kỳ bí dài 10 thế kỷ của bức linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp như sau.
- Mẹ Xuất Hiện: Ðấng Hằng Cứu Giúp
Bức linh ảnh Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, thuộc gia đình linh ảnh mang tên ‘Ðức Mẹ Thương Khó’ (gia đình này bao gồm mọi linh ảnh diễn tả cảnh Mẹ Maria bế Chúa Giêsu, như bức Đức Mẹ Hodegetria, Đức Mẹ Vladimir, Đức , Đức Mẹ Đen Ba Lan Czestochowa, v.v.). Bức linh ảnh ấy được sáng tác vào khoảng thế kỷ X, do trường phái linh ảnh của các thầy ẩn tu Byzantinô ở Crêta. Crêta là một hòn đảo nhỏ trong vùng Vịnh Hy lạp, Thổ nhĩ kỳ và Libya. Ðịa danh này được nhắc đến trong sách Công Vụ Tông Ðồ như là nơi dừng chân của Thánh Phaolô trong các chuyến du hành truyền giáo (Cv. 27:1). Tại đây, cũng có một cộng đoàn Kitô hữu dưới sự chăm sóc của Titô (Tt/ 1:15).
Với lòng mộ đạo sâu xa, ngay từ những ngày đầu tiên, các giáo hữu Crêta đã có lòng sùng kính Mẹ Maria qua linh ảnh mang tên Maria Hằng Cứu Giúp. Đối lại, từ bức linh ảnh ấy, họ cũng đã nhận lãnh được nhiều ơn trợ giúp lạ lùng phần hồn và xác do Đức Mẹ cầu bầu. Cũng vì thế, bức linh ảnh hay làm phép lạ ấy đã được giáo hữu Crêta gọi bằng tước hiệu ‘Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp’. Trong suốt thời gian dài hơn 4 thế kỷ, họ tôn kính cách đặc biệt bức linh ảnh tại một đền thờ địa phương.
- Từ tay một lái buôn: Mẹ đến với Con Cái muôn phương.
Năm 1453, đoàn quân hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ xâm lăng Constantinope, phá hủy các đền thánh và ảnh tượng Kitô giáo, bách hại Kitô hữu dã man. Ðể ẩn lánh nạn quân Thổ, cùng với nhiều dân cư trong vùng, các tín hữu Crêta phải di tản về các đô thị phương Tây (Âu châu).
Trong khi đoàn dân ồ ạt đào thoát khỏi thành, một người lái buôn đã đến ngay đền thờ bỏ ngỏ, âm thầm gỡ trộm bức linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp. Ông giấu kỹ bức linh ảnh trong hành lý của mình, và điềm nhiên lên tàu ra khơi di tản. Trong chuyến hải hành dài ngày ấy, con tàu phải thường xuyên chống trả rất vất vả với các cơn bão táp, nhiều phen tưởng như đã phải chìm đắm. Trong cuộc hải hành kinh hoàng, mọi người trên tàu chỉ còn biết cầu khẩn và dọn mình chờ chết. Nhưng họ có biết đâu, trên chuyến tàu nguy khốn ấy, một hành khách thiêng liêng đã đồng hành với họ, che chở họ, và sau cùng đã dẫn đưa họ đến bến bờ bình an.
Tầu cập thành Rôma, người lái buôn đã ăn năn hối cải vì việc làm bất xứng của mình. Trước khi qua đời vì bệnh, ông đem bày tỏ với một người bạn câu chuyện lấy trộm bức linh ảnh ở cố hương Crêta. Ông giao cho người bạn bức linh ảnh và xin người bạn mình tìm cách hoàn trả bức ảnh thánh ấy lại cho Giáo hội. Người bạn ông đồng ý thể hiện lời trăn trối của ông. Thế nhưng, người vợ của ông này lại sinh lòng tham lam. Bà thuyết phục chồng mình giữ bức linh ảnh ấy lại để bán. Vào thời ấy, những tác phẩm linh ảnh từ Đông phương rất có giá, nhất là nếu gắn liền với các phép lạ.
Ðể ngăn chặn ý định trần tục của đôi vợ chồng, Ðức Mẹ đã nhiều lần khuyên bảo họ giao trả bức ảnh phép lạ. Sự ham hố tài lợi đã hóa họ ra cứng lòng. Cho nên, sau nhiều lần cảnh cáo, lời răn đe của Đức Mẹ đã ứng nghiệm: người chồng lâm trọng bệnh và qua đời. Nhưng, người vợ ông vẫn ngoan cố. Ðức Mẹ lại phải tiếp tục hiện ra cho con gái 6 tuổi của bà, rồi cho mẹ bà, và cho cả bà nữa, để yêu cầu cùng một việc ấy. Sau cùng người đàn bà cứng cỏi đó đã tỉnh ngộ và thuận lòng theo lời yêu cầu của Đức Mẹ. Bà đã đi trình báo tất cả sự việc cùng cha sở; sau đó, bà đã thu xếp đưa bức linh ảnh ấy về lại nhà thờ.
Ngày 27-3-1499, hàng giáo phẩm địa phương đã long trọng rước bức linh ảnh Mẹ về ngự tại nơi mà Ðức Mẹ đã báo trước: “một nhà thờ nhỏ nằm trên con đường giữa hai Ðền Thánh lớn Gioan Latêranô và Ðức Bà Cả: đó là Nhà thờ Thánh Mathêô“. Lúc đó, nhà thờ ấy còn do các cha Dòng Augustino phụ trách; sau này sẽ trở thành nhà thờ Thánh An-phong do các cha Dòng Chúa Cứu Thế chăm sóc. Ngay trong lúc bức linh ảnh được rước qua các đường phố, Ðức Mẹ đã làm nhiều phép lạ cả thể. Ðiển hình nhất là một người bị bệnh tê liệt bán thân đã lâu năm, khi chạm đến bức linh ảnh Mẹ liền được chữa lành tức thời. Ông bèn đứng lên hòa nhập với đoàn rước kiệu trước sự kinh ngạc của mọi người. Và đó chỉ là những vài dấu chỉ khai mào cho một thời gian dài sắp tới với nhiều hồng ân hằng cứu giúp của Đức Mẹ.
- Ba thế kỷ hồng ân: Mẹ mở rộng lòng Từ Bi Hằng Cứu Giúp
Suốt gần 300 năm dài (1499-1798), từ ngày về ngự tại nhà thờ Thánh Mathêô nhỏ bé giữa khu bình dân, Mẹ Hằng Cứu Giúp càng tỏ rõ tấm lòng từ bi và sức mạnh chuyển đạt ơn Chúa cho đoàn con cái của Mẹ. Rất nhiều ơn lạ cả thể đã được Mẹ thực hiện để ủi an và đáp ứng mọi nhu cầu hồn xác của họ. Lòng yêu mến sùng mộ Mẹ Hằng Cứu Giúp nơi đoàn tín hữu cũng ngày càng tha thiết, chân thành hơn. Mỗi năm họ đều tổ chức các cuộc rước kiệu và thánh lễ trọng thể kính linh ảnh Mẹ. Chẳng bao lâu, tiếng tăm của “bức linh ảnh hay làm phép lạ” đã lan rộng khắp thành Rôma. Từ đó, ngôi Thánh đường Mathêô trong xóm nhỏ thuộc hạt Esquilino sẽ dần trở thành Ðền Thờ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp lừng danh khắp nơi. Vào thời gian này, không một khách hành hương, hay một bậc vị vọng phần đời, hoặc một vị giám mục nào mà không ao ước có dịp ghé đến kính viếng, khấn nguyện trước bức linh ảnh tại Ðền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
- Những ngày Ẩn Dật: Mẹ cùng con “Lánh Nạn”
Thế kỷ XVIII, với tham vọng bá chủ toàn cõi Âu châu, vua Napoléon của Pháp khởi động chiến dịch xâm lăng khắp nơi. Vào tháng 2-1798, đoàn quân của họ đánh chiếm vương quốc Ý, gây nhiều kinh hoàng cho dân chúng và Giáo hội. Ðức Giáo Hoàng Piô VI bị lưu đày và chết tại Valence (Pháp). Vô số giáo dân, tu sĩ bị bách hại. Các thánh đường bị phá hoại, và nhiều di tích cùng ảnh tượng thánh bị tịch thu, thiêu hủy. Dĩ nhiên, Nhà thờ thánh Mathêô, nghĩa là Ðền thánh Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, cũng chịu chung số phận khốn khó. Trước thảm cảnh đó, các tu sĩ Dòng Augustinô phụ trách nhà thờ Thánh Mathêô cũng phải di tản khắp nơi để lánh nạn. Khi phân tán ra đi, may mắn thay, họ cũng mang theo bức linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp về cất giấu tại một tu viện nhỏ là Eusebio. Đức Mẹ sẽ ở đó suốt 21 năm. Sau đó bức linh ảnh lại được mang đi cất dấu tại một tu viện khác là Santa Maria in Posterula trong gần 50 năm. Như vậy, hơn 70 năm trời, bức linh ảnh Mẹ đã thật sự “ẩn dật” như khi xưa, Mẹ đã ẩn dật cách khiêm tốn bao năm trời trong ngôi nhà nhỏ Nazarét.
Trong suốt thời gian dài 70 năm, hầu như ít còn ai nghe biết đến bức linh ảnh đã một thời vang danh. Tuy nhiên, trong sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, một thày tu già Dòng Augustinô là Orsetti vẫn còn hồi niệm trong ký ức về “thời vàng son” của bức linh ảnh. Người nhớ đến những phép lạ cả thể và lòng thương yêu lạ lùng của Mẹ Hằng Cứu Giúp. Thay cho các con cái Mẹ tản mác khắp nơi, thày Orsetti ngày ngày vẫn âm thầm đèn nến và sùng kính Mẹ cách riêng. Ðồng thời, với người “bạn nhỏ” hay giúp lễ với thầy là Micae Marchi, thày Orsetti đã thường nhắn nhủ những câu tâm huyết rằng: “Con hãy nhớ đấy, bức linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp này là bức ảnh thánh rất nhiệm lạ!” Mặc dầu trí óc non dại của Micae chưa thể hiểu nổi lời dặn “kỳ bí” của ông thày già, cậu bé cũng đã ghi khắc thật sâu những lời ấy vào lòng. Và Chúa đã muốn dùng những yếu tố “ngẫu nhiên” là lời trăn trối của một người già cùng với trí nhớ thơ ngây của một cậu bé để đưa dẫn bức linh ảnh Mẹ đi nốt hành trình của một lịch sử diệu kỳ, cho đến thời đại chúng ta hôm nay.
- Con đi tìm Mẹ và Mẹ lại đến
Tháng 2 năm 1855, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế tậu mãi miếng đất trên đồi Esquilino, Roma, bao gồm gia trang “Villa Caserta” và tàn tích của nhà thờ Thánh Mathêô năm xưa, đã đổ nát sau cuộc càn quét của quân binh Napoléon. Như một sự quan phòng lạ lùng của Thiên Chúa và nhiệm ý của Mẹ, chính miếng đất mà Nhà Dòng sẽ thiết lập Cơ Sở Trung Ương để đào tạo và gửi các vị thừa sai Nhà Dòng đến mọi nơi Âu và Mỹ Châu ấy, trước đó cũng đã từng là đền thánh Mẹ đã ngự trị và chuyển tiếp ơn lành của Chúa cho con cái Mẹ khắp nơi. Phải chăng đó là dấu báo rằng, từ đây, Mẹ Hằng Cứu Giúp sẽ nên Vị Quan Thày đặc biệt trợ giúp và đồng hành trên mọi bước đường truyền giáo của các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế?
Khi vừa tiếp nhận khu bất động sản mới, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đã chóng khám phá ra, qua các hồ sơ lưu trữ, rằng Nhà thờ Thánh Mathêô trước đây là nơi có tôn kính “bức ảnh phép lạ” Mẹ Hằng Cứu Giúp. Thế rồi, suốt 10 năm ròng rã, Nhà Dòng đã để tâm truy lùng dấu tích của “gia sản thiêng liêng” ấy. Trong thời gian này, có hai biến cố sau đây đã soi sáng cho việc “đi tìm Mẹ” được thành công, hầu rước Mẹ về lại ngôi Ðền Thánh thân yêu của Mẹ.
Biến cố thứ nhất, trong những năm đó, có một linh mục Dòng Tên nổi tiếng với những bài giảng thuyết về Ðức Mẹ là cha Francesco Blosi. Trong một bài giảng hằng tuần vào ngày 7-2-1863, cha Blosi, như thể được ơn thần hứng, đã mạnh dạn lên tiếng trên tòa giảng rằng :”Tôi muốn nói với anh chị em về bức linh ảnh Ðức Bà Phép Lạ, còn gọi là Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Trước đây, bức linh ảnh thường được sùng kính tại Nhà thờ Thánh Mathêô này, và đã làm biết bao phép lạ cho dân chúng thập phương; thế mà nay, bức linh ảnh ấy đã biệt tích và bị lãng quên gần 70 năm rồi. Nhưng tôi biết bức linh ảnh ấy hiện vẫn còn ở rất gần đâu đây giữa chúng ta. Vậy, nhân danh Chúa, trong anh chị em có ai nghe biết dấu tích bức linh ảnh ấy đang còn được cất giữ nơi nào, nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cách riêng cho người ấy được can đảm mách chỉ, để chúng ta có thể rước Mẹ về mà tôn kính cho xứng đáng“. Lời tuyên bố của cha Blosi nghiêm trọng như sấm ngôn tiên báo một thời đại vinh quang mới sắp đến của bức linh ảnh. Tính cách bí ẩn nhưng tha thiết của lời cha quả nhiên đã tạo nên một sự mở lòng của giáo dân đối với danh tánh Mẹ Hằng Cứu Giúp. Và dân chúng đã chú tâm hỏi han, lùng kiếm dấu tích của bức thánh ảnh phép lạ kia.
Biến cố thứ hai là, cùng thời gian đó, trong Nhà Dòng Chúa Cứu Thế việc tìm tòi dấu vết bức linh ảnh cũng ngày càng tha thiết hơn, và công tác ấy được phổ biến tới mọi anh em trong Dòng. Lúc ấy, cậu bé Micae Marchi, người bạn trẻ giúp lễ của thày Orsetti năm xưa, nay đã trở thành một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, liền đứng ra minh chứng về những gì cậu đã biết, liên quan đến dấu tích sau cùng của bức linh ảnh. Kết quả là Nhà Dòng đã dần dà khám phá ra bức linh ảnh Mẹ đã được cất và bị quên lãng tại nhà nguyện nhỏ của tu viện các cha Augustinô tại In Posterula.
Thế rồi, vào ngày 11- 12-1865, Cha Bề Trên Cả Dòng Chúa Cứu Thế Nicholas Mauron cùng với cha Micae Marchi xin triều yết Ðức Thánh Cha Piô IX để trình bày lai lịch lạ lùng của bức linh ảnh. Xác tín về ý muốn nguyên thủy của Ðức Mẹ, các ngài đồng thời cũng xin Ðức Thánh Cha ban phép cho rước bức linh ảnh Mẹ về lại nhà thờ cũ, nay đã là nhà thờ Thánh Anphong. Với lòng yêu kính Ðức Mẹ cách đặc biệt và cũng là người đã tuyên bố giáo thuyết Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trước đó ít lâu, Ðức Piô IX đã không ngần ngại việc gì có thể làm hiển danh Mẹ. Vì thế, ngài đã mau chóng chuẩn y thỉnh cầu của Cha Mauron bằng một sắc lệnh như sau :
“Ðức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo sẽ thông báo cho Bề Trên tu viện Ðức Bà In Posterula biết: Ta muốn rằng bức linh ảnh Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp như nêu trong đơn thỉnh nguyện này, được trưng kính lại tại nhà thờ giữa Ðền Thánh Gioan Latêranô và Ðền Thờ Ðức Bà Cả.” Ấn Ký : Giáo Hoàng Piô IX
Khi ban hành văn thư này, Ðức Giáo Hoàng Piô IX cũng đã trịnh trọng nhắn nhủ với các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, qua Vị Bề Trên Cả rằng: “Hãy làm cho danh Mẹ Hằng Cứu Giúp được biết đến trên toàn cầu!”
- Ngày vinh quang mới của Mẹ
Với sắc lệnh của Ðức Giáo Hoàng, bức linh ảnh đã được đưa từ tu viện In Posterula về Thánh đường Thánh Anphong ở Rôma (Nhà thờ Thánh Mathêô xưa) để chuẩn bị cho một thời đại vinh quang mới của ảnh Mẹ.
Ðể bắt đầu sứ mạng “làm cho danh thánh Mẹ được biết đến”, đồng thời cũng để cảm tạ hồng ân Mẹ đã muốn về cư ngụ với Dòng Thánh, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế liền tổ chức cuộc Rước Kiệu và Tuần Tam Nhật kính Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp đầu tiên cách rất trọng thể. Công việc này đã được giáo triều Roma và các Ðấng Bản Quyền địa phương chúc lành và hỗ trợ cách đặc biệt. Ðức Hồng Y Patrizi, Khâm Sứ Tòa Thánh tại Roma thời ấy đã ra một thông báo hiệu triệu dân chúng tham dự biến cố đặc biệt này. Thế là cả kinh thành Roma ngỡ ngàng trong hân hoan: Bức ảnh thánh hay làm phép lạ từ ba thế kỷ mà ai cũng tưởng đã tan biến thành tro bụi trong khói lửa chiến tranh nay lại xuất hiện, để rồi từ đó tình Mẹ con sau bao năm cách xa lại được nối kết đằm thắm như xưa.
Vậy, vào ngày 26/4/1866, một đoàn người đông đảo không kể xiết, gồm đủ mọi giới, mọi tuổi đã sốt sắng hòa mình cùng cuộc rước kiệu long trọng kính bức linh ảnh nguyên thủy Mẹ Hằng Cứu Giúp. Phát xuất từ tu viện và nhà thờ Thánh Anphong, nghĩa là Ðền Thánh Mẹ Hằng Cứu Giúp, đoàn người đạo đức đã rước Mẹ qua khắp các đường phố thành Roma. Mọi tuyến đường được trang hoàng thật đẹp và nghiêm trang. Các tài liệu lịch sử ghi nhận rằng chính trong cuộc rước vĩ đại này, Mẹ Hằng Cứu Giúp đã thi thố rất nhiều phép lạ cả thể cho tín hữu. Một bà mẹ có đứa con thơ mắc bệnh sốt xuất huyết đang tuyệt vọng trước sự hấp hối của con mình, khi thấy bức linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp trảy qua trước nhà, bà đã bế ngay con trẻ đến trước cửa sổ; giơ cao con mình về phía ảnh Mẹ. Bà đã cầu nguyện trong nước mắt của lòng tin :”Lạy Mẹ nhân từ, xin thương cứu giúp con thơ này của con, hoặc xin Mẹ hãy đưa linh hồn bé về Thiên Ðàng!”. Đứa trẻ thơ 4 tuổi đã lâu ngày yếu nhược hầu chết, ngay chiều hôm ấy đã hồi tỉnh và khỏi hẳn chứng bệnh ngặt nghèo. Nơi cửa sổ của gia đình em bé ấy, ngày nay còn in đậm bức linh ảnh Mẹ Hằng Cứu giúp để ghi nhớ phép lạ kỳ diệu này.
Trong những ngày Tam Nhật tiếp theo, với bức linh ảnh được trưng kính tại bàn thờ chính của nhà thờ Thánh Anphong, các bậc vị vọng Giáo hội cùng vô số Dân Chúa khắp nơi đã đến chiêm ngưỡng, kính viếng, khấn cầu cùng Mẹ Hằng Cứu Giúp. Ðây là một biến cố thiêng liêng đã làm “chấn động” đời sống của cả kinh thành Rôma. Ðến nỗi, lúc ấy, các nhật báo đời cũng không thể làm ngơ mà không đề cập. Một tờ báo chính của Ý, Il Giornali di Roma, đã đăng tải về biến cố này như sau :”Các Hồng Y, Giám Mục, linh mục Dòng Triều, các tu sĩ , và vô vàn tín hữu giáo dân đã đến Ðền Thánh Mẹ Hằng Cứu Giúp trong những ngày này. Họ đến với Mẹ từ lúc tờ mờ sáng, họ lưu lại bên Mẹ cho đến tối mịt đường về. Họ đến để yêu mến, kính viếng, và khấn cầu cùng Mẹ Thánh Chúa. Các tín hữu đã được lãnh nhận bao ơn lành cả thể, nhất là phần hồn: họ đã xưng tội, rước lễ sốt sắng, và họ đã tiếp nhận trọn vẹn Phép Lành Toàn Xá.”
- Hôm nay: Danh thánh Mẹ Hằng Cứu Giúp đã chinh phục thế giới
Cuộc tái xuất của bức linh ảnh với biến cố rước kiệu và Tam Nhật Kính tại Thánh Ðô từ ngày 26 đến ngày 29 tháng 4-1866 do các Cha Dòng Chúa Cứu Thế tổ chức đã khai mào cho một thời đại mới trong lịch sử kỳ diệu của bức linh ảnh. Quả thật, từ ngày ấy đến nay, danh tánh Hằng Cứu Giúp của Mẹ đã không ngừng được cao rao trên khắp thế giới. Sở dĩ như thế là vì, qua muôn vàn ơn lành, phép lạ nhận lãnh từ linh ảnh Mẹ, người ta đã thấy rõ rằng lòng lân ái hay thương cứu giúp của Mẹ như một nguồn suối thiêng luôn tuôn chảy tràn trề chẳng hề vơi cạn.
Chỉ trong vòng một thời gian ngắn từ khi bức linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp được công khai tôn kính trở lại, nhiều thánh đường dâng kính Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã được dựng lên tại Ý. Tiếp sau đó, tại nhiều giáo phận trên toàn cầu, các giáo xứ đã được mang danh Mẹ Hằng Cứu Giúp. Kế đến, bức linh ảnh Mẹ đã đi vào hầu hết các gia đình công giáo. Và ngày nay, khắp 5 châu, việc sùng kính Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Tuần Cửu Nhật, đã lan tỏa khắp nơi, từ Pháp, Ðức, Anh, Bỉ, Ái-nhĩ-lan, Tây-ban-nha, Ba-lan, cho đến Mỹ, Mễ-tây-cơ, Haiti, Á-căn-đình, Ấn-độ, Trung Hoa, Nhật bản, Tân-gia-ba, Phi-luật-tân, Úc châu, và cả các nước Phi châu xa xăm như Congo, Nigeria, v.v.
Riêng tại Việt nam, ngay từ những ngày đầu khi những vị thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế Canada đặt chân lên mảnh đất thân yêu ấy cách đây 95 năm, bức linh ảnh với gần 10 thế kỷ lịch sử kỳ diệu đã được phổ biến rộng rãi từ Bắc vào Nam. Với lòng yêu mến sẵn có đối Ðức Mẹ, đoàn con Mẹ trên quê hương máu lửa sầu tương đã biết mau chóng đón nhận, sùng mến bức linh ảnh với ánh mắt bao dung, tay ôm vỗ về, và cung lòng ấm áp sự ủi an hay cứu giúp của Mẹ.
Bao nhiêu thời gian đã qua, chúng ta hẳn chưa quên những kỷ niệm êm đềm tháng năm xưa, nơi các nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Hà nội, Huế hay Sàigòn. Mỗi ngày cuối tuần, việc kính Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp là dịp lễ rộn ràng, quy tụ rất nhiều tín hữu. Con cái Mẹ từ khắp nơi đến với Mẹ để thở than, khấn nguyện, phó thác những nghi nan, khốn khó cuộc đời, hay để cảm tạ vì nhiều ơn lành Mẹ đã thương cầu, chuyển ban.
Ở hải ngoại, tuy hoàn cảnh và phương tiện khó khăn hơn, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam tại Hoa Kỳ, với sự hỗ trợ của các anh chị em giáo dân thiện chí, đã luôn cố gắng tiếp tục truyền thống tông cổ võ lòng sùng Mẹ Hằng Cứu Giúp. Trong những năm 2003-2005, với trách nhiệm giám đốc Trung Tâm Mục Vụ Dòng Chúa Cứu Thế Houston (Texas), cá nhân chúng tôi đã tổ chức các cuộc Tam Nhật kính Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp hằng năm vào ngày lễ kính 27-6. Vì nhu cầu kính Mẹ ngày càng gia tăng nơi giáo hữu, từ đầu năm 2005, chúng tôi đã khởi sự công trình xây dựng Trung Tâm Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Truyền thống Tam Nhật kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nay vẫn tiếp tục tại Houston.
Hiện nay, có thể nói danh thánh Mẹ Hằng Cứu Giúp đã trở thành một trong những biểu tượng quan trọng của niềm tin Công giáo, và giúp gia tăng lòng yêu mến Đức Mẹ trong tâm hồn nhiều tín hữu, nhiều gia đình người Công giáo trên toàn thế giới.
Chúng ta vừa tìm hiểu những chặng chính trong lịch sử trên dưới 10 thế kỷ của bức linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp. Hy vọng rằng, với thông tin về nguoàn goác, ý nghĩa và giá trị thiêng liêng của bức linh ảnh, mỗi khi có dịp chiêm ngắm hay khấn nguyện trước linh ảnh đó, chúng ta có thể tin tưởng hơn trong việc dâng trọn tâm hồn, cuộc sống và mọi công việc cho sức chuyển cầu thần thiêng của Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Mẹ Maria: tuyệt tác tình yêu
Không ai đi vào cuộc đời mà không qua cung lòng của một người mẹ. Cũng không ai có thể tồn tại trong cuộc đời mà không cần đến tình thương của một người mẹ. Tuyệt tác lớn nhất, cao cả và quý giá nhất mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi con người là người mẹ. Nhưng Thiên Chúa còn khôn ngoan và chu đáo hơn biết bao khi ban cho chúng ta không chỉ một người mẹ trần gian mà cả người Mẹ Thiêng liêng: Đức Maria. Như thế, tình thương của người mẹ trần gian là hình bóng tình thương của người Mẹ thiêng liêng, để dẫn đưa chúng ta đến với tình thương vô biên của chính Thiên Chúa.
Thánh Anphonsô, trong tác phẩm trứ danh ‘Vinh Quang Mẹ Maria’, đã suy tư về tình thương yêu hay giúp của Đức Maria như sau:
“Trong cuộc đời trần thế, Mẹ Maria đã dạt dào tràn lòng thương cứu giúp hết mọi kẻ quẫn bách mà không cần họ phải đến xin Mẹ. Việc Mẹ làm ở tiệc cưới Cana là một bằng chứng’.…Nay ở trên trời, chẳng lẽ Mẹ lại bỏ mất tình thương đối với chúng ta sao?…Nếu tình thương của Mẹ Maria đối với loài người khổ đau đã bao la vĩ đại khi Mẹ còn sống trong thung lũng nước mắt này, thì ngày nay, khi Mẹ hiển trị trên trời, tình thương ấy còn mênh mông, hiệu quả hơn biết bao nữa, vì Mẹ đã nhận thấy những thống khổ của loài người rõ ràng hơn’.
Còn Thánh Bênađô khuyên nhủ Kitô hữu hãy luôn biết trông cậy Mẹ:
“Hỡi bạn, dù bạn là ai, đang đi trên đất cứng hay bồng bềnh giữa sóng gió biển đời, muốn khỏi đắm chìm: Hãy nhìn lên Mẹ Maria. Khi khí độc hung hãn của các cơn cám dỗ nổi lên, hay các cơn gian truân đẩy xô muôn bề, hãy kêu cầu Mẹ Maria. Khi kiêu ngạo, tham vọng, khi buồn phiền lo âu, khi đam mê xác thịt đe dọa con thuyền mỏng manh của linh hồn bạn: Hãy trông lên Mẹ Maria. Trong cơn xao xuyến, trong hiểm nguy khắc khoải, trong lúc lương tri mịt mù: Hãy nghĩ đến Maria và kêu cầu Mẹ. Chớ gì danh thánh Mẹ không rời xa miệng lưỡi và trái tim bạn. Theo Maria, bạn không lạc lối. Cầu xin Mẹ, bạn không thất vọng. Tưởng nhớ Mẹ, bạn không mê lầm. Mẹ đỡ nâng bạn không quỵ ngã. Mẹ chở che, bạn không lo sợ. Mẹ dẫn dắt, bạn không mệt mỏi. Nhờ ơn Mẹ, bạn sẽ về tới bến an bình.” (PL 158,70
Views: 0