Thánh Mẫu

KÍNH CHÀO NỮ VƯƠNG RẤT THÁNH. Chương 8 (Tiếp theo)

Chuyển ngữ: Trần Mỹ Duyệt

PHỤ LỤC

Những Hạt Châu

Những dịp để tôn vinh Mẹ của chúng ta – sinh nhật và kỷ niệm thành hôn, hoặc trong phúng điếu – chúng ta là những người con có thể mong muốn nói nhiều, bởi vì chúng ta xúc động thấy mình đến gần với tuổi thơ. Chúng ta cảm thấy mình phải tìm bắt lại những ngày tuổi thơ này với Mẹ, và nhớ về nó, đền bù lại những giây phút chúng ta đã không biết ơn đủ với sự săn sóc của Mẹ, cũng như tình yêu chúng ta dành cho Mẹ thật ít ỏi so với tình thương bao la của Mẹ.

Khi bắt đầu viết cuốn sách này, tôi đã cố gắng để giảm bớt những kỷ niệm mà một cách nào đó gây đau khổ cho tôi, bao gồm thời gian khi lòng nhiệt thành bị hướng dẫn sai lầm, khiến tôi đã coi thường vứt bỏ Cỗ Tràng Hạt cuối cùng của bà tôi. Có lẽ, để hoàn thành phần phụ lục này, tôi nên quyết tâm sửa lại, mặc dù tôi không sửa được những hạt trong Cỗ Tràng Hạt của bà tôi là Hahn. Những hạt trong Cỗ Tràng Hạt đó đã bị ném vào thùng rác hơn ba mươi năm trước. Tuy nhiên, tôi có thể sửa chữa. Tôi có thể bù đắp truyền thống của bà tôi trong gia đình tôi, cũng như tôi bù đắp với Nữ Vương Thiên Đàng của tôi, Đấng mà bà tôi yêu mến.

Những Cách Thực Hành

Trải qua hằng thiên niên kỷ, các Kitô hữu đã bày tỏ lòng yêu mến của mình đối với Thánh Nữ Đồng Trinh bằng nhiều cách thức khác nhau. Những Kitô hữu tiên khởi đã hành hương tới những nơi có liên quan đến cuộc đời Đức Mẹ. Các Giáo Hội Đông Phương chịu ảnh hưởng của nghi lễ truyền thống Hy Lạp (Byzantium) đã viết những bài thánh ca dài “Akathist” để tôn kính Người. Tín hữu Êphêsô đã khởi xướng một truyền thống phong phú các lời kinh phụng vụ đối với Đức Maria. Tài liệu cho thấy những tín hữu Ai Cập đầu tiên ghi chép lại tài liệu bằng kinh Trông Cậy. Trong khi đó, Tây Phương hoàn tất “Kinh Lạy Nữ Vương,” Kinh Hãy Nhớ, và nhiều kinh nguyện khác. Cả Đông và Tây đã hợp nhất trong cùng một truyền thống tuyệt vời về nghệ thuật Thánh Mẫu – những tấm ảnh của Đông Phương, và cả ảnh vẽ lẫn ảnh tượng của Tây Phương.

Tuy nhiên, không ai nghi ngờ khi cho rằng phần đông tín hữu trong Giáo Hội đã diễn tả lòng sùng mộ, sự tôn kính Đức Maria bằng Kinh Mân Côi. Kinh Mân Côi cũng là cách thức diễn tả lòng yêu mến mà tôi tha thiết nhất.

Tràng Mân Côi bao gồm một chuỗi lời kinh mà nó được đọc lên trong khi suy ngắm những mầu nhiệm từ cuộc đời Chúa Giêsu và Đức Maria, bao gồm 15 mầu nhiệm.

 

NHỮNG MẦU NHIỆM VUI MỪNG

Truyền Tin (Lc 1:26-38): Thiên Thần Gabrien truyền tin Đức Maria sẽ thụ thai Đấng Cứu Thế.

Thăm Viếng (Lc 1:39-56): Đức Maria thăm viếng chị họ Isave.

Giáng Sinh (Mt 1:18-25; Lc 2:1-20): Chúa Giêsu giáng trần.

Dâng Con (Lc 2:22-38): Đức Maria và Thánh Giuse lên Giêrusalem và dâng Chúa Giêsu cho Thiên Chúa.

Tìm Thấy Trẻ Giêsu (Lc 2:41-51): Trong cuộc hành hương lên đền thờ, Chúa Giêsu tách khỏi Đức Maria và Thánh Cả Giuse.

NHỮNG MẦU NHIỆM THƯƠNG KHÓ

 Hấp Hối Trong Vườn (Mt 26:36-46): Chúa Giêsu cầu xin để được cất khỏi chén đắng.

Đánh Đòn (Mt 27:26): Chúa Giêsu bị quân lính Rôma đánh đòn.

Đội Mão Gai (Mt 27:29): Lính Rôma chế nhạo Chúa Giêsu là vua.

Vác Thập Giá (Ga 19:17).

Chịu Đóng Đinh (Mc 15:22-38): Chúa Giêsu sinh thì trên thập giá.

 

NHỮNG MẦU NHIỆM VINH QUANG

Chúa Sống Lại (Mt 28:1-10): Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết.

Lên Trời (Lc 24:50-51): Chúa Giêsu về trời cùng Chúa Cha.

Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (Cv 2): Lễ Hiện Xuống đầu tiên của Kitô Giáo.

Đức Maria Về Trời (Kh 11:19 – 12:10): Đức Maria được đưa về trời cả hồn lẫn xác.

Đức Maria Được Vinh Hiển (Kh 12:1): Đức Maria được đội triều thiên Nữ Vương Trời Đất.

Trong khi chúng ta suy ngắm về những mầu nhiệm này, chúng ta chú trọng vào việc đọc những kinh trong “Tràng Mân Côi”, một từ có nghĩa căn gốc là một “Chuỗi Hoa Hồng”.

Với mỗi một mầu nhiệm, chúng ta đọc một kinh Lạy Cha và mười kinh Kính Mừng, tiếp sau là kinh Sáng Danh. Tất cả những kinh nguyện này làm thành một chục hạt Mân Côi. Thông thường chúng ta đọc 5 mầu nhiệm một lúc. Trong tài liệu chính thức, Giáo Hội định nghĩa việc đọc một Chuỗi Mân Côi là năm chục hạt.

Trái Tim, Đôi Tay và Lời Cầu

Đôi khi những người ngoài Công Giáo coi thường việc lần Hạt Mân Côi, coi đó như một trong những công thức vô nghĩa và máy móc. Một số sẽ khinh bỉ cách thực hành này, viện dẫn lời Chúa Giêsu là không nên “lải nhải” khi cầu nguyện (Mt 6:7). Nhưng việc làm gì cũng có mục đích của nó.

Trước hết, Kinh Mân Côi không là kinh bắt buộc, nhưng không vô lý. Thật ra, việc thực hành hình thức suy niệm này đã được định nghĩa từ nhiều thế kỷ, và đã khắc ghi vào tâm trí chúng ta, ít nhất qua ba hình ảnh – với tiếng nói, cảm nhận của những hạt mân côi, và chủ đích của những hình ảnh sùng kính – vì thế những ý nghĩa này tự nó đã là một lời cầu. Những điều này nối kết thân xác và linh hồn với lời cầu, khiến chúng ta ít chia trí.

Hơn nữa, hình thức Tràng Mân Côi tự nó phong phú trong giáo lý Thánh Kinh và lòng sùng mộ. Kinh Lạy Cha chúng ta học được từ môi miệng Chúa Giêsu. Kinh Kính Mừng đến từ những lời Tổng Thần Gabrien và Thánh nữ Isave trong Phúc Âm Thánh Luca. Và ai có thể tranh luận về những lời trong kinh Sáng Danh, những lời chỉ để chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh?

Thông thường những khuyết điểm tạo ra những lời phê bình đối với kinh nguyện Công Giáo thì nhỏ và rất ít. Một cách nào đó, nhiều người Công Giáo cũng có ý nghĩ rằng, kinh nguyện chung là không tốt, và rằng kinh nguyện đúng nghĩa phải là sự đáp trả, tình cảm và sáng tạo. Nhưng, Chúa Giêsu đã không dạy điều này. Trên thực tế, chính Ngài đã dùng lời cầu có sẵn của dân Israel xưa (x. Mc 12:29; 15:34; Ga 7:10-14).

Chúa Giêsu đã chỉ trích lối cầu nguyện dài lời, nhưng không phải tất cả lời kinh được lập đi, lập lại là dài lời. Tôi nhớ lại nhìn một người nhạc sỹ Roch Công Giáo bị choán ngợp bởi câu hỏi từ những người mà họ không thể hiểu ngôn từ của người ấy về Công Giáo. Một phụ nữ đã hỏi: “Ông làm gì với những lời lập đi, lập lại như vậy?”

Người đó nhìn bà với một nụ cười hết sức trìu mến và nói, “Tôi không cần biết. Tôi là một nhạc công chơi bass. Và đó là cái gì tôi tin tưởng.”

Đọc ngoài miệng và lặp đi lặp lại cũng có thể tốt cho chúng ta và cho những mối giao tiếp của chúng ta. Vợ tôi không bao giờ chán nghe tôi nhắc lại, “anh yêu em”. Mẹ tôi không bao giờ chán nghe tôi nói lời cảm ơn về sự săn sóc của bà. Những người hướng dẫn của tôi không bao giờ chán khi nghe tôi nói lời xin lỗi về những khuyết điểm của mình. Thiên Chúa cũng vậy, không bao giờ chán khi nghe chúng ta nhắc lại những lời được cho là để ngợi khen Ngài trong Phúc Âm, và truyền thống Giáo Hội. Những người ngoài Công Giáo cũng biết điều này nữa. Và vì thế, họ nghe người Công Giáo luôn vang lên lời “Amen”, “Alleluia”, và “Chúc tụng Chúa”.

Truyền thống đã xếp đặt những lời này, bởi vì chúng kết thành một tư tưởng đặc biệt, hoặc một cảm nghĩ đặc biệt. Hơn nữa, những điều này có ý để làm sáng tỏ tư tưởng hoặc ý nghĩ về cảm nhận không chỉ đối với người nghe, nhưng cả với người đọc nữa. Tôi càng nói với vợ tôi là tôi yêu nàng, tôi càng cảm thấy thương nàng. Tôi càng nói lời cảm ơn với mẹ tôi, tôi càng phải suy nghĩ về lòng hiếu thảo đối với bà.

Cũng vậy, tôi càng cất cao giọng, nâng đôi tay, và hướng lòng về những lời yêu mến đối với Nữ Vương chúng ta, Mẹ của chúng ta, và Con của Người, chúng ta càng đi sâu vào lòng sùng kính và sự thánh thiện.

Kinh Mân Côi Phát Triển Như Thế Nào

Không có chủ đề đặc biệt nào trong đời sống Kitô Giáo lại quá mẫn cảm đối với những say mê và thói quen như những cách thức cầu nguyện. Điều này đúng không chỉ đối với những người Công Giáo. Tôi thấy điều này qua những năm trong vai trò một mục sư Tin Lành. Những phương pháp gây tiếng vang đến rồi tàn lụi, trung bình năm sáu cách đối với một thập niên. Nhưng Kinh Mân Côi đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, bền vững trước cuộc tấn công trực diện trong những năm của thời kỳ Cải Cách. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, việc làm này đã được tất cả các vị Giáo Hoàng chấp thuận, cũng như hầu hết các tâm hồn đạo đức cổ võ như Thánh Tôma Aquinas, Thánh Anphongsô Liguori, Louis Pasteur, Fulton Sheen, và Thánh Têrêsa Calcutta…

Tất cả đã được bắt đầu ở đâu? Điều này hầu như không thể xác định. Tương truyền rằng Đức Maria đã hiện ra với Thánh Đaminh Guzman, sáng lập Dòng Giảng Thuyết, trao cho ngài Cỗ Tràng Hạt, và dạy ngài cầu nguyện. Nhưng thực ra, Thánh Đaminh và các Tu Sỹ dòng ngài chỉ   có công trong việc loan truyền lòng sùng kính này ở thời Trung Cổ.

Lịch sử, tuy nhiên, đã chứng minh rằng các tín hữu Công Giáo đã lần hạt ngay cả trước khi Thánh Đaminh sinh ra. Kinh Mân Côi có thể đã được truyền lan từ từ qua hàng thế kỷ. Những tín hữu Đông Phương đã có tập quán đếm lời kinh của họ bằng những hạt hoặc những nút được buộc chặt. Các Tu Sỹ đã dùng những sợi giây để đếm khi họ lập lại 150 Thánh Vịnh trong Thánh Kinh.

Những Kitô hữu đơn sơ, số người không biết đọc, đã áp dụng việc thực hành này bằng cách thay vào việc đọc 150 Thánh Vịnh bằng những lời cầu khác. Vì thế, việc thực hành như vậy được gọi là nhà thánh vịnh nghèo nàn. Lời kinh thường xuyên được chọn nhất là Kinh Kính Mừng, được đọc mười lăm lần, mỗi lần một chục.

Nhà sử học Tin Lành là Anne Winston-Allen đã chỉ ra rằng Kinh Mân Côi là trung tâm lòng sùng mộ vững vàng của Công Giáo, và là một sức mạnh quyền uy nhất “đối với việc đổi mới tinh thần và cài cách trong buổi chiều tà của thời Đại Cải Cách”.

Tại sao chúng ta biết rất ít về nguồn gốc của Kinh Mân Côi? Bởi vì nó được lớn lên do lòng yêu mến.

Hãy nghĩ tới một cuốn phim chiếu về những cảnh êm đềm của một cuộc tình được ghi hình qua ống kính như thế nào, thì lịch sử cũng hành động tương tự. Nhân loại ghi nhận những phút giây kinh hoàng với những chi tiết từng giây phút. Nhưng tình yêu thường để lại cái vĩnh cửu của chính nó bằng yêu thương. Lịch sử Kitô giáo hoạt động với tính xác thực, thí dụ, trong việc ghi nhận những cái chết và cực hình của các vị tuẫn giáo. Nhưng lịch sử đã để lại cho chúng ta những trần thuật vừa sơ lược vừa ít về tình yêu của những bà mẹ Công Giáo. Vâng. Có bao giờ chúng ta nghi ngờ rằng, các bà mẹ, qua mỗi thế hệ,  đã sinh ra nhiều Kitô hữu, cũng như các vị tử đạo đã sinh ra nhiều tín hữu do dòng máu tử đạo của các ngài không?

Qua những nguồn gốc của Kinh Mân Côi được bám rễ sâu trong thửa đất lịch sử, hoa trái của nó là những chứng cớ trải qua hàng thế kỷ của Kitô Giáo, bao gồm chính cả chúng ta.

Và những điểm thực hành khác nhau của Kinh Mân Côi thì nhiều. Tại quê hương tôi, phần đông tín hữu bắt đầu bằng dấu Thánh Giá, tiếp đến là Kinh Tin Kính, trong khi cầm Thánh Giá ở đoạn cuối chuỗi hạt. Xong là đọc Kinh Lạy Cha, ba Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh để dục lòng tin, cậy, mến. Và sau đó là lần hạt theo từng mầu nhiệm. Một số người có thói quen lập lại lời nguyện Fatima – được coi là được Đức Maria mặc khải cho ba trẻ Fatima, Bồ Đào Nha, năm 1917 – kết thúc mỗi chục là Kinh Sáng Danh. Sau chục kinh cuối cùng, nhiều người còn có thói quen đọc “Kinh Lạy Nữ Vương”, lời nguyện ở Loreto, hoặc những lời nguyện khác về Đức Maria.

Suy Nguyện

Đó là lý do tại sao kinh Mân Côi không quá khó khăn để lần ngón tay trên những Hạt Mân Côi, lập lại những lời kinh. Sự đơn giản của nó đã trở nên thông dụng cho phần lớn quần chúng.

Phần lớn người ta chưa có thói quen suy nguyện. Các mầu nhiệm là những gì đã làm nên Kinh Mân Côi. Khi chúng ta lập lại những lời cầu, chúng ta chăm chú lòng và trí chúng ta vào những biến cố của đời sống Chúa Giêsu. Chúng ta cố gắng đặt mình trong hoàn cảnh, và tưởng tượng những gì đã xẩy ra trước đó.

Đây là điều cần thiết của Kinh Mân Côi. Vâng. Đây là điểm chúng ta sẽ phải suy ngắm nhất, để tránh chia trí. Một khi thiếu cầm trí, chúng ta rất dễ bị phân tâm và chi phối.

Đó là lý do tại sao tôi luôn luôn khuyến khích dùng Thánh Kinh như nền tảng của mọi suy niệm về Tràng Hạt Mân Côi. Sách Thánh rất tuyệt vời, và Chúa Thánh Thần dùng Thánh Kinh để khai mở tâm trí chúng ta, dẫn tiến sâu hơn vào sự khôn ngoan và hoán chuyển tâm hồn về với xám hối. Một vài cuốn sách nhỏ có thể cho chúng ta một trang đơn sơ, ngắn gọn phù hợp để thấm nhập với từng Kinh Kính Mừng. Số sách vở khác giới thiệu với chúng ta những chương khải triển đầy đủ ý nghĩa, để chúng ta đọc nơi đầu một mầu nhiệm, hoặc khi chúng ta tiếp tục suy niệm.

Khi đề cập tới Kinh Mân Côi trong Thánh Kinh, tôi nghĩ nhiều về một cuốn sách nhỏ, đúng ra là một cuốn sách, hoặc ngay cả nhiều cuốn sách như trong một thư viện đầy dẫy sách vở. Tôi có ý nói, người Công Giáo nên hòa nhập mình vào với Thánh Kinh, nhờ đó ở mỗi một mầu nhiệm Mân Côi, sẽ gợi lại vô số những kết hợp Thánh Kinh, từ Cựu Ước đến Tân Ước. Vì những mầu nhiệm – những biến cố cuộc đời Chúa Giêsu – luôn làm sống lại một ý nghĩa nào đó. Thiên Chúa đã chuẩn bị mỗi một biến cố ấy từ muôn thuở. Tôi đã cố gắng dẫn chứng những điểm nổi bật đó qua cuốn sách này trong những mầu nhiệm sau cùng. Thí dụ, mầu nhiệm đội triều thiên, đã được ngầm hiểu về Vườn Diệu Quang trong buổi bình minh, và mầu nhiệm truyền tin cũng đã được nói tiên tri trong bối cảnh đó nữa. Ở chương 3, chúng ta thấy rằng cuộc thăm viếng bà Isave của Đức Maria, chính là hoàn tất của cuộc hành trình dài Hòm Bia Giao Ước trong Cựu Ước.

Nếu chúng ta nhận chìm mình trong Thánh Kinh, chúng ta sẽ khơi lên nguồn tài liệu phong phú. Cũng vậy, khi chúng ta suy ngắm về mầu nhiệm vinh quang thứ ba – Lễ Hiển Linh đầu tiên – thì trước nhất, chúng ta sẽ nghĩ tới một quang cảnh sống động trong Tông Đồ Công Vụ. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến lễ Ngũ Tuần của dân Do Thái xưa, đánh dấu việc ban Lề Luật. Chúng ta sẽ nhớ lại thời gian khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các trưởng lão trong sa mạc (xem Ds 11:24-29). Chúng ta nhớ cả đến những hình lưỡi lửa, mà Êlia đã cầu xin xuống để đốt cháy lễ vật của ông (1V 18:24-38). Rồi cái gì là hy tế Giao Ước Mới được đốt cháy bởi Lửa Thánh Thần? Có phải là bạn và tôi không? Và khi các Tông Đồ nói tiếng lạ, chúng ta tự nhiên nhớ lại câu truyện của tháp Baben (St 11), và lời trong Isaia (28:11) khi Thiên Chúa một lần nữa làm hỗn loạn ngôn ngữ con người. Điều đó mang ý nghĩa gì trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, Ngài xứng đáng với sự phát triển ấy?

“Hãy tìm và đọc”, lời trong Sách Giáo Lý, “và ngươi sẽ tìm gặp trong chiêm ngắm” (số. 2654, ghi chú Guigo the Carthusian).

Toàn bộ cuốn sách này chỉ bao gồm một phần rất nhỏ những dấu chỉ nơi chúng ta có thể vươn tới trong suy niệm, khi chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ từ những học hỏi bền bỉ, chuyên cần, và cầu nguyện của Phúc Âm. Nói một cách đơn giản: chúng ta phải đọc Thánh Kinh mỗi ngày; Chúng ta phải đón nhận Thánh Kinh thường xuyên hàng ngày trong ý nghĩa của phụng vụ; Chúng ta đọc những suy ngắm, những lời giải thích của các Giáo Phụ và các thánh; Và chúng ta phải cầu nguyện bằng Thánh Kinh trong Chúa Thánh Thần.

Vào nửa cuộc đời này, Kinh Mân Côi mỗi ngày của chúng ta là Kinh Mân Côi của Thánh Kinh phát xuất từ trái tim chúng ta, đến Trái Tim Đức Maria và Chúa Cứu Thế, và ngược trở lại. Như vậy, qua việc đọc Thánh Kinh, lần Hạt Mân Côi, chúng ta tìm ra chỗ đứng trong lịch sử sống động của dân Thiên Chúa, xuất phát từ Adong đến Isarael, qua Chúa Kitô tới Giáo Hội.

Vòng Tròn Có Thể Vỡ?

Tình yêu phát sinh tình yêu, đó là lịch sử của Kinh Mân Côi, và đó là bí mật của Kinh Mân Côi.

Lần Hạt Mân Côi! Đó là điều tôi khuyến khích người Công Giáo và tất cả mọi Kitô hữu thiện tâm. Đọc Kinh Mân Côi, và nhận ra rằng, mỗi hạt kinh nối kết chúng ta thành vĩnh viễn, gỡ bỏ khỏi chúng ta sự tạm thời, chuyển tiếp, những điều mà hầu hết con người không mấy quan tâm đến.

Hãy dành thời giờ để lần hạt với lòng yêu mến và sốt sắng. Nhưng cũng hãy lần hạt khi bạn có thể tranh thủ, thí dụ ngồi chờ tại văn phòng bác sỹ, hoặc bị trễ trên đường di chuyển. Thời gian vội vàng tuy không thích hợp đối với cầu nguyện, nhưng bạn vẫn có thể cầu nguyện ngay cả những lúc vội vã. Những hạt Mân Côi và lời kinh chắc chắn sẽ giúp bạn tránh được những tai nạn trên đường đi của bạn!

Trước kia tôi nhìn Chuỗi Mân Côi với thái độ dửng dưng. Tôi thấy nó như chiếc thòng lọng bóp nghẹt lòng yêu mến của nhiều người Công Giáo. Khi tôi cầm cỗ tràng hạt của bà tôi là Hahn, tôi đã không thể gạt bỏ được ý nghĩ đó, hoặc phải chiến đấu một cách mãnh liệt.

Giờ đây, khi nhìn Chuỗi Mân Côi của mình, tôi cũng thấy nó giống như những chuỗi hạt khác, nhưng với một ý nghĩ hoàn toàn mới. Nó gợi cho tôi hình ảnh một triều thiên của Nữ Vương, và vòng tay người Mẹ ôm choàng lấy tôi.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.