Chuyển ngữ: Trần Mỹ Duyệt
Kết Thúc Hợp Đồng
Tôi cảm thấy một nỗi đau quen thuộc trong trái tim khi nói những lời này, vì sau bao năm kiếm tìm một sự hiểu biết như thế về ơn cứu độ của Thiên Chúa, và sự công chính. Là một mục sư Tin Lành, và là một giáo sư, tôi đã đi theo Canvin và Luterô, những người đã đọc thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma và Galata dường như Thiên Chúa đang ngồi vai chánh án trong một phiên tòa của Rôma, tha bổng chúng ta mặc dù Ngài biết chúng ta có tội, tất cả vì Chúa Kitô đã trả nợ cho chúng ta.
Nhưng càng đi sâu hơn vào thư gửi tín hữu Rôma và Galata, tôi càng nhận ra rằng những tác giả xưa là những người Do Thái trước khi trở thành bất cứ ai. Những ước định của họ, ngôn ngữ của họ, và những dự đoán của họ đều được bắt nguồn từ trong những giao ước, không phải trên cấu trúc các luật pháp của đế quốc Rôma. Tôi đã có một ý niệm từ lâu rằng giao ước là một dụng cụ luật – một khế ước. Tuy nhiên, từ từ tôi bắt đầu bừng tỉnh trước những gì mà Giáo Hội Công Giáo đã dạy từ đầu là giao ước khác với một khế ước, giống như hôn nhân khác với bán dâm. Một khế ước trao đổi tài sản, vật dụng và công việc, đúng và bổn phận, một giao ước trao đổi những con người. Trong khế ước, sản phẩm này là của bạn, và duy nhất thuộc về bạn; nhưng trong giao ước, tôi là của anh, và anh là của tôi. Vì thế trong các giao ước, Thiên Chúa luôn luôn nói giống nhau: Ta sẽ là Thiên Chúa ngươi, và ngươi sẽ là dân Ta – Gia đình Ta, thân thuộc Ta – bởi vì giao ước thiết lập sự thân thuộc.
Giao ước thiết lập những ràng buộc gia đình. Nó còn mạnh mẽ hơn mối giây liên kết gia đình theo xác thịt. Đó là những gì mà những người Do Thái xa xưa đã biết. Đó là những gì Phaolô đã biết, và Gioan, và Giacôbê đã biết. Vì thế khi họ nghe những tin rằng Thiên Chúa thiết lập một giao ước với họ, họ hiểu ngay Ngài không chỉ đơn thuần là một nhà làm luật hoặc một thẩm phán, mà còn là người Cha muôn đời.
Kết Nối Vinh Quang
Một cảm giác mạnh của liên hệ con cái – một cảm nhận mà nó đến từ sự trở về sâu xa – tự do đem chúng ta đến với tình yêu của mẹ mình. Vì bao lâu chúng ta còn dính dáng tới mối liên hệ chủ-tớ, chúng ta sẽ không bao giờ hiểu Đức Thánh Đồng Trinh Maria. Bao lâu chúng ta còn coi mình như những đầy tớ của Thiên Chúa, hoặc đơn thuần chỉ là những tội nhân, những tội nhân được Ngài giải thoát, thì chúng ta sẽ nhìn Người như một mối đe dọa cho vinh quang Thiên Chúa. Một chủ nhân ông được vinh dự nhờ việc phục vụ của những người đầy tớ. Một chủ nhân ông cai trị bao lâu những đầy tớ của ông còn qùy mọp dưới chân ông. Nhưng điều này không xảy ra đối với một người cha, người mà mong muốn duy nhất là yêu thương con cái mình.
Còn sự thật nào hơn nữa đối với người Cha không giận hờn này, Ngài là chính Thiên Chúa. Thiên Chúa không tìm vinh quang từ sự qùy mọp của chúng ta, Ngài cũng không mất đi vẻ vinh quang khi chúng ta dành sự kính trọng đối với các tạo vật. Thiên Chúa Ngôi Con không không tìm cho mình dù chỉ một chút vinh quang – sau khi sống, chịu chết, và sống lại như một con người – mà Ngài đã mất mát trước đó. Cũng không phải ngay cả khi Thiên Chúa có thể làm gia tăng vinh quang vô cùng của Ngài. Ngài đã đến, đã chết, đã sống lại, và đang hiển trị để chia sẻ vinh quang của Ngài với chúng ta.
Như những kẻ đón nhận vinh quang ấy, như những kẻ đồng thừa hưởng với Chúa Kitô, như những kẻ cùng chia sẻ vương quyền của Ngài, như những con cái của Thiên Chúa, chúng ta cần hỏi: Còn vinh quang nào Ngài muốn chia sẻ nữa? Và Ngài sẽ thành công như thế nào nữa?
Là tình yêu tuyệt đối, Ngài muốn chia sẻ tất cả. Nhưng vì chúng ta là thụ tạo giới hạn của Ngài, và Ngài là tạo hóa vô cùng, làm cách nào chúng ta có thể chia sẻ một cách đầy đủ vinh quang thần linh của Ngài? Chúng ta không thể làm điều này tự chúng ta. Nhưng một cách chắc chắn là tình yêu tuyệt đối sẽ làm tất cả những gì Ngài có thể để ban cho chúng ta tất cả vinh quang của Ngài. Và, vì là Đấng toàn năng, Ngài chắc chắn sẽ hoàn thành. Thật vậy, khi chúng ta nhìn ngắm Đức Maria, chúng ta nhận ra rằng Ngài đã thành công rồi. Ngài đã ban cho chúng ta tất cả vinh quang của Ngài bằng cách ban nó cho chỉ duy nhất một người, đấng sẽ ban nó cho tất cả chúng ta: Mẹ của chúng ta.
Nếu bạn ghé thăm nhà tôi và cho các con nhỏ của tôi cái gì đó – thí dụ, một hộp kẹo – tôi dám chắc với bạn là một trận tranh giành nho nhỏ sẽ sẩy ra để xem coi ai được nhiều hơn ai. Nhưng nếu đó là một họp kẹo chocolates cho vợ tôi chẳng hạn, tôi cũng có thể bảo đảm với bạn rằng những cục kẹo kia sẽ được phân phát cho từng đứa. Đó, Thiên Chúa biết, người Mẹ sẽ hành động như thế nào.
Thiên Chúa không tạo dựng vũ trụ và cứu chuộc nó để được thêm vinh hiển, nhưng là chia sẻ nó với tất cả chúng ta. Không có sự tranh giành giữa Đấng Tạo Hóa và loài thụ tạo. Chúa Cha tạo thành và cứu chuộc chúng ta qua Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ngài làm vậy vì chúng ta – khởi đầu với Đức Maria, trong Mẹ, nó được hoàn tất không chỉ trước nhất mà là tốt nhất.
Chúng ta có làm giảm công việc đã được hoàn tất của Chúa Kitô vì cho rằng sự thánh thiện của nó được nhận ra tuyệt vời trong Đức Maria? Hay ngược lại, chúng ta tán dương công việc của Ngài, một cách rõ ràng bằng cách qui hướng sự chú ý của chúng ta trên một người, mà người này làm tỏa sáng nó một cách hết sức hoàn hảo.
Đức Maria không phải là Thiên Chúa, nhưng Người là Mẹ của Thiên Chúa. Người chỉ là thụ tạo, nhưng là một thụ tạo cao cả nhất của Thiên Chúa. Người không phải là một hoàng đế, nhưng Người được chọn là Mẫu Hậu. Giống như nhà họa sỹ mong muốn vẽ một kiệt tác phẩm giữa những họa phẩm của mình. Cũng vậy Chúa Giêsu đã biến mẹ của mình thành một kiệt tác tuyệt vời nhất. Khẳng định sự thật về Đức Maria không làm giảm giá trị Chúa Giêsu – thế nhưng từ chối xác định nó lại làm giảm giá trị Ngài.
Công Trạng Của Rất Thánh Đồng Trinh
Vấn đề xảy ra khi người ta nghĩ về sự quan phòng của Thiên Chúa theo từ ngữ của kinh tế con người. Sau hết, một câu hỏi được đặt ra: Đức Maria làm gì để được vinh dự như vậy từ Thiên Chúa? Tất cả những việc lành Người làm đều đến từ hồng ân của Ngài. Cũng vậy tất cả vinh dự và vinh quang thuộc về Thiên Chúa. Ngài không mắc nợ chúng ta ân sủng nào.
Nếu “công trạng” được hiểu như một từ ngữ hoàn toàn theo kinh tế, thì khi nói về bất cứ ai đáng hưởng vinh dự từ Thiên Chúa đều không đúng và phản nghĩa. Nhưng nếu chúng ta nhìn công trạng qua một ý nghĩa chung, thì tự nó chính là quyền thừa kế, hoặc sự cấp dưỡng của cha mẹ. Một cách khác, là con cái trong gia đình của Thiên Chúa, chúng ta đáng được ân huệ mà một người con có được – như việc ăn uống tất cả những món ăn trên bàn. Người cha có thấy bất đắc dĩ khi cho con mình những món quà không? Hoặc có phật ý đối với những đứa con mà ông ân thưởng chúng không? Như Thánh Augustinô đã viết: “Khi Thiên Chúa ban thưởng chúng ta. Ngài ban thưởng cho những cố gắng của chúng ta” (Sách Giáo Lý, số 2006).
Theo Sách Giáo Lý, do “hành động hiền phụ” của Thiên Chúa, mà chúng ta có thể thừa kế “quyền làm con, khiến chúng ta trở thành những kẻ thừa kế qua ân sủng trong thiên tính, có thể ban cho quyền thừa hưởng vô điều kiện kết quả sự công chính của Thiên Chúa. Đó là quyền lợi của chúng ta do ân sủng, quyền đầy đủ của tình yêu, khiến chúng ta “đồng thừa hưởng” với Chúa Kitô” (số 2008-9).
Chúa Kitô đã thông ban khả năng cho chúng ta để thừa hưởng – có nghĩa là Ngài đã ban cho chúng ta với ân sủng của quyền làm Con Thiên Chúa của Ngài, và sự sống của Chúa Thánh Thần. Thực ra, Chúa Giêsu đã không hưởng một điều gì cho chính Ngài, bởi vì Ngài không cần gì. Vì thế, Ngài thừa hưởng chỉ vì nhu cầu của chúng ta.
Ở đâu Thiên Chúa Cha chỉ cho thế gian Con của Ngài đã thừa hưởng bao nhiêu? Trong mỗi người chúng ta, chắc chắn là thế, nhưng hơn tất cả trong Đức Maria. Không giống như tất cả chúng ta – trong đó thường là một khoảng cách rất xa giữa những gì chúng ta muốn và những gì Thiên Chúa muốn – với Đức Maria, thì không có khoảng cách đó. Giáo Hội qui về Maria một khả năng không giới hạn để thừa hưởng. Không phải là coi thường hành động cứu chuộc của Chúa Cứu Thế, nhưng Mẹ làm quang tỏa nó. Do hồng ân đầy tràn ơn phúc, Đức Maria, đạt mục đích của giao ước: một sự hiệp nhất mối dây liên kết tuyệt vời giữa con người với Thiên Chúa và Thánh Ý của Ngài. Với Đức Maria, ý nghĩa và thực tế chỉ là một và giống nhau.
Đây Là Một Bài Khảo Sát
Đức Maria là một bài khảo sát về mức độ tốt lành tới đâu mà một Kitô hữu có thể đón nhận Phúc Âm. Không phải rằng Người là trung tâm của lịch sử cứu độ. Người không phải, Chúa Giêsu mới là trung tâm lịch sử cứu độ. Nhưng sự hiểu biết của chúng ta về Đức Maria chứng tỏ mức độ sự hiểu biết về Chúa Giêsu và công việc cứu độ của Ngài.
Chúng ta sống tinh thần con cái tốt nhất bằng cách lắng nghe Đức Maria và yêu mến như Người yêu mến. Lắng nghe có nghĩa là biết đáp lại như Mẹ khi thưa: “Hãy thực hiện nơi tôi những gì Ngài nói”. Yêu mến có nghĩa là đứng bên Chúa Cứu Thế, ngay cả dưới chân thập giá. Yêu mến có nghĩa là chọn Ngài, trong mọi trường hợp, xa tránh tội lỗi.
Tư cách Thân Mẫu Thần Linh là nơi, ở đó Evà và Hòm Bia được lấp đầy trên thiên đàng và trong gia đình bạn. Tư cách Thân Mẫu Thần Linh là ở chỗ những tín lý của Giáo Hội trở thành nguồn sữa mẹ cho những ai muốn lớn lên trong khôn ngoan. Tư cách Thân Mẫu Thần Linh là nơi mà chủ thuyết thần bí gặp thần học – trong trái tim của trái tim chúng ta.
Tư cách Thân Mẫu Thần Linh là nơi ở đó Thiên Chúa muốn những Kitô hữu gặp Chúa Kitô, người anh của mình. Tôi sẽ nhắc lại một lần nữa: adelphos nghĩa là “từ trong cùng một dạ”. Những gì làm thành tư cách người anh, đồng thời cũng là tư cách người mẹ. Đối với Đức Maria để ban Con của Người cho chúng ta là một điều hiển nhiên. Nhưng với Chúa Giêsu để ban Mẹ của Ngài cho chúng ta – những người đã đóng đinh Ngài và phạm tội phản nghịch Chúa Cha của Ngài – cái đó là một điều lớn lao vượt sức tưởng tượng! Sau khi ban Mẹ của Ngài cho chúng ta, chúng ta có thể tin chắc rằng, chẳng có lý do gì Ngài giữ lại nữa.
Views: 0