Trần Mỹ Duyệt
Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình.” Điều này có nghĩa Ngài là Alpha và Omega – Nguyên Thủy và Cùng Đích – như vậy gọi Đức Maria là “mẹ” của Ngài có phải là xúc phạm và vô lý không? Nhưng cái vô lý đó lại là một tín điều mà người Công Giáo buộc phải tin, nếu không tin thì không phải là người Công Giáo.
Theo lịch sử các tín điều về Thánh Mẫu Học, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Đức Trinh Nữ Maria 4 đặc ân vượt trên các thần thánh và mọi loài thụ tạo. Đây cũng là những hồng ân mà trí tưởng tượng và sự hiểu biết của con người không thể cắt nghĩa và hiểu nổi, nên phải dùng đến đức tin. Giáo Hội gọi đây là 4 tín điều thuộc về Đức Maria:
1-Mẹ Thiên Chúa
2-Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội
3-Trọn Đời Đồng Trinh
4-Hồn Xác Lên Trời
Tín điều thứ nhất Mẹ Thiên Chúa được Công Đồng Ephesus tuyên tín năm 431 A.D. Tín điều này nhằm phủ nhận tư tưởng của Nestorius, tổng giám mục Constantinople, chủ trương rằng Đức Maria chỉ nên được xưng tụng là Christotokos hay “Người sinh ra Đức Kitô”, nhưng không được xưng là Theotokos hay “Mẹ Thiên Chúa”. Trong tuyên tín của mình, Công Đồng xác tín rằng Đức Maria là mẹ của toàn Con Người của Chúa Giêsu Cứu Thế, không chỉ nguyên phần xác. Ba tín điều sau lần lượt được tuyên tín bởi các triều đại giáo hoàng khác nhau:
Trọn Đời Đồng Trinh tuyên tín bởi Công Đồng Constantinople thứ hai năm 553 và Công Đồng Lateran năm 649. Tại Công Đồng năm 553, Đức Maria được tuyên xưng danh hiệu “Aeiparthenos” có nghĩa là “Trọn Đời Đồng Trinh”. Còn ở Công Đồng Lateran, Người được tuyên xưng là đồng trinh trước khi mang thai, đang khi mang thai, và sau khi sinh hạ Đức Giêsu.
Đầu Thai Vô Nhiễm tuyên tín bởi Đức Giáo Hoàng Piô IX năm 1854. Đức Maria ngay từ giây phút đầu tiên trong lòng thân mẫu đã được miễn nhiễm Nguyên Tội.
Lên Trời Cả Hồn Lẫn Xác tuyên tín bởi Đức Giáo Hoàng Piô XII năm 1950. Mẹ được Chúa đưa về trời cả hồn lẫn xác.
KHÁI NIỆM VỀ MẸ THIÊN CHÚA
Maria là Mẹ Thiên Chúa. Nghe thì khó hiểu mà đúng ra là chẳng ai có thể hiểu nổi. Chính Đức Maria đã thưa với tổng thần Gabriel trong ngày Truyền Tin: “Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa.” (Luca 1:38). Vừa là nữ tỳ lại vừa là mẹ. Nhưng đã là đối tượng của đức tin thì trí khôn con người làm sao mà hiểu thấu! Chúa Giêsu khi nói về mối tương quan giữa trí khôn nhân loại và những việc làm của Thiên Chúa cũng đã nói với người Do Thái đương thời: “Nếu Ta nói với các ngươi những chuyện dưới đất, mà các ngươi không tin, làm sao các ngươi tin nổi nếu ta nói cho các ngươi những sự trên trời.” (Gioan 3:12)
Tuy nhiên, nếu trí khôn con người không tìm được câu trả lời, thì với những tâm hồn đơn sơ lại có thể chấp nhận: “Vì Cha đã dấu những sự này với kẻ khôn ngoan và thông thái, mà lại mặc khải cho những kẻ bé mọn.” (Mátthêu 11:25) Điều này cũng tương tự như câu chuyện đã xảy ra không lâu tại nhà một người bạn.
Hôm đó trong buổi họp mặt thân mật của một nhóm anh em thân hữu. Sau khi bữa tiệc xong đến phần mọi người ngồi uống nước trà, thì chủ nhà mới hỏi mọi người một câu mà có lẽ nhắm tới một trong hai anh từng được cho là có kiến thức và hiểu biết về tôn giáo. Câu hỏi đại khái: “Mình hỏi các anh, tại sao Đức Mẹ là người thường mà lại được gọi là mẹ của Thiên Chúa? Không lẽ Đức Mẹ sinh ra Thiên Chúa?”
Hai anh được hy vọng có câu trả lời đều ngồi im lặng, và mọi người cũng không ai trả lời. Bầu khí xem như hơi căng thẳng, và câu hỏi hơi đột ngột hôm ấy đã không có câu trả lời nếu một anh trong nhóm không lên tiếng.
-Em xin góp ý theo sự hiểu biết bình thường của em, một tư tưởng không mang vốn liếng thần học, chỉ căn cứ vào niềm tin chân thành của một người. Nhưng trước hết, em cũng hỏi anh chủ nhà là đã có gia đình và được mấy con rồi?
-Hai đứa, một gái và một trai.
-Anh gọi hai đứa đó là gì?
-Là con.
-Và hai đứa đó gọi anh là gì?
-Là bố.
-Nhưng anh có sinh ra linh hồn hai đứa đó không?
-Làm sao được, vì linh hồn thiêng liêng và do Thiên Chúa tạo dựng.
Im lặng một chút, bạn tôi nói;
-Vậy câu trả lời của em là như thế này: Anh không sinh ra được linh hồn các con của anh, nhưng hai đứa con ấy vẫn là con anh, và anh vẫn là bố của chúng nó. Tương tự vậy, Mẹ Maria không sinh ra thiên tính của Chúa Giêsu vì thiên tính ấy phát xuất từ Chúa Cha, nhưng Mẹ chính thật là mẹ của Chúa Giêsu đấng vừa là Thiên Chúa vừa là người thật. Đã là mẹ thì là mẹ toàn thể con người, và đó là lý do mà Thiên Chúa làm Con Đức Mẹ. Điều này vừa mang ý nghĩa thần linh, vừa có tính cách nhân loại.
Ý tưởng về Mẹ Thiên Chúa là gì?
Tư tưởng của bạn tôi cũng phần nào nói lên quan điểm thần học, đó là khi Đức Maria sinh Chúa Giêsu Cứu Thế, Con Người Thần Linh (divine person). Dù Đức Maria không phải “nguyên thủy” (originate) hoặc “sinh ra” (generate) Thiên Chúa mà chỉ mang Ngài trong dạ và sinh Ngài ra, thì vẫn là Mẹ của Thiên Chúa. Công Đồng Ephesus năm 431 đã xác nhận điều này.
Phúc Âm nói gì về Mẹ Thiên Chúa?
Mặc dù Kinh Thánh không nói đến từ “Mẹ Thiên Chúa”, nhưng chúng ta có thể tìm được ý nghĩa của từ này trong Tin Mừng của Thánh Luca khi chị họ là Elizabeth chào Đức Maria liền sau khi Người mang thai Chúa và đến thăm bà: “Bởi đâu tôi thật có phúc, là Mẹ của Chúa tôi đến thăm tôi.” (1:43) Danh xưng “Mẹ Thiên Chúa” căn bản trên giáo lý Nhập Thể, cũng có nguồn gốc trong thư Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Galatians: “Nhưng khi thời gian viên mãn, Thiên Chúa sai Con của Ngài, sinh bởi một người nữ, sinh dưới chế độ luật.” (4:4)
Thần Học Mẹ Thiên Chúa?
Căn cứ vào nguồn gốc Thánh Kinh, Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo dạy rằng “Maria thật sự là ‘Mẹ Thiên Chúa’ vì Mẹ là mẹ của người Con muôn thuở của Thiên Chúa nhập thể, Đấng là chính Thiên Chúa”. Theo lời dạy của Giáo Lý, từ nguồn Tin Mừng Gioan 1:1-14, Đức Maria không tạo dựng nên con người thần linh của Chúa Giêsu, Đấng hiện hữu với Chúa Cha từ muôn thuở.
Vậy Đức Maria lại trở nên Mẹ Thiên Chúa có nghĩa là Người đã tạo dựng Thiên Chúa bằng cách sinh ra Chúa Giêsu. Một cách căn bản, Chúa Kitô là người thật và là Chúa thật. Là một phần trong chương trình đặc biệt được Thiên Chúa tuyển chọn, Đức Maria xứng đáng với danh hiệu đáng tôn kính là Mẹ Thiên Chúa.
LỊCH SỬ LỄ MẸ THIÊN CHÚA
Lịch sử Lễ Mẹ Thiên Chúa có thể tóm lược theo những biến cố từ sau Công Đồng Ephesus năm 431 đã tuyên tín Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.
Công Đồng Vatican II tuyên bố: “Một cách rõ ràng từ những thời gian của buổi ban đầu, Trinh Nữ Rất Thánh đã được tôn vinh dưới danh hiệu Mẹ Thiên Chúa.” Và ngay từ đầu Giáo Hội Công Giáo Rome đã cử hành lễ kính Mẹ vào ngày 1 tháng Giêng tính theo tuần bát nhật Giáng Sinh. Theo Tin Mừng Luca 2:21, đó cũng là thời gian Con Trẻ được cắt bì và được đặt tên là Giêsu.
Thế kỷ 13 hoặc 14, ngày Con Trẻ được cắt bì và đặt tên được cử hành tại Rome, Tây Ban Nha, và Gaul.
Từ năm 1751, lễ Cắt Bì cho Con Trẻ được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV cho phép Giáo Hội Bồ Đào Nha cử hành vào Chúa Nhật I của tháng Năm. Lễ này lan rộng đến nhiều quốc gia trong hai thế kỷ kế tiếp.
Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, theo lịch chung Roma năm 1950 đã bỏ không nói đến việc cắt bì Chúa Giêsu, và đã gọi ngày 1 tháng Giêng là cuối tuần Bát Nhật Giáng Sinh. Và năm 1974, Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI thay thế lễ Chúa Chịu Cắt Bì bằng lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Ngày 1 tháng Giêng cũng được gọi là Ngày Hòa Bình Thế Giới.
LỄ KÍNH
Lễ Mẹ Thiên Chúa được cử hành long trọng trên toàn thể Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, và một số các giáo hội khác.
1 tháng Giêng bởi Giáo Hội Công Giáo.
16 tháng Giêng bởi Giáo Hội Chính Thống Coptic và Giáo Hội Chính Thống Nguyên Thủy (Oriental Orthodox).
15 tháng Tám bởi Cộng Đồng Anh Giáo.
26 tháng Mười Hai bởi Giáo Hội Byzantine, nghi lễ Tây Syriac cũng gọi là Nghi Lễ Syro-Antiochian, Đông theo nghi lễ Syriac cũng còn gọi là Nghi Lễ Edessan, Assyrian, Persian, Chaldean, và Nestorian…Mỗi nghi lễ đại diện cho một ngành Tín Hữu Đông Phương với lịch sử mở mang và thực hành của nó.
Kính chào Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, kho tàng quý giá của toàn thể vũ trụ, ngọn đèn không bao giờ tắt, vương miện của sự đồng trinh, nâng đỡ đức tin chân thật, đền thờ không thể phá hủy, nơi ngự trị của đấng các tầng trời không thể chứa nổi. Ôi Mẹ và Đấng Đồng Trinh! Qua Mẹ tất cả mọi Phúc Âm đều tôn vinh Đấng đã đến nhân danh Thiên Chúa.
Lễ Mẹ Thiên Chúa
1 Jan. 2025
Views: 0