TÔN GIÁO

Thánh Gia Nazareth mẫu gương các gia đình

Trần Mỹ Duyệt

 

Thánh Gia bao gồm Hài Nhi Giêsu, Trinh Nữ Maria, và Thánh Giuse. Việc sùng kính Thánh Gia bắt đầu vào thế kỷ 17 do Thánh Phanxicô de Laval (30/4/1623-6/5/1708), Giám Mục New France khởi xướng và phổ biến.

Thánh Gia. Thánh Gia Thất. Gia Đình Nazareth. Những tên gọi này hay bất cứ một tên gọi nào khác để chỉ về một gia đình nghèo gồm một chồng, một vợ và một đứa con. Họ sống trong ngôi nhà nghèo nàn ở làng quê Nazareth. Và đơn giản chỉ là như vậy. Nhưng có lẽ do lòng sốt sắng quá mức, hoặc do những tưởng tượng phong phú của trí khôn, người ta đã thêu dệt về hình ảnh của gia đình này ra khác xa, vượt hẳn những gì như các gia đình bình thường, khiến chúng ta không thể chiêm ngắm và bắt chước. Đúng ra mọi người, và mọi gia đình đều có thể nhìn vào Gia Đình Nazareth và bắt chước gia đình này.

Nhìn vào gia cảnh của gia đình này, rõ ràng đây là một gia đình nghèo. Theo thông thường của thời bấy giờ, chúng ta hy vọng gia đình này cũng mua được một con lừa làm phương tiện di chuyển. Không thấy nói tới gia đình này sở hữu những đàn chiên hay dê để lấy sữa hoặc xén lông để dệt vải may mặc. Gia trưởng gia đình này làm nghề thợ mộc. Một nghề bình dân, khá lắm cũng chỉ đem lại mức sống bình thường cho gia đình. Sự nghèo nàn về vật chất có thể nhận ra, vì cha mẹ nghèo, nên trẻ Giêsu cũng không có cơ hội cắp sách đến trường. Sau này trong khi rao giảng Tin Mừng, tuy được đồng hương thán phục, nhưng họ cũng tỏ ra hoài nghi về xuất xứ của Ngài: “Mọi người đều ca tụng Ngài và ngạc nhiên về những lời khôn ngoan từ miệng Ngài: “Đây chẳng phải là con ông Giuse sao?” (Luca 4:22). Và “Đây chẳng phải là con bác thợ mộc sao?” (Mátthêu 13:55).

Không những gia cảnh không khấm khá, đời sống vật chất không khá giả, mà cả đời sống tình cảm và cuộc sống chung cũng có những khó khăn, hiểu lầm đòi hỏi sự hy sinh chấp nhận. Thánh Kinh đã kể về câu truyện Đức Maria mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Biến cố này đã khiến Thánh Giuse thật sự không hiểu được, và không biết phải hành động như thế nào? Nhưng vì là người công chính, nên ngài đã quyết định từ bỏ vị hôn thê của mình cách kín đáo (Mátthêu 1:19). Quyết định này quan trọng đến nỗi khiến Thiên Chúa phải can thiệp. Đối với vợ chồng là thế, còn với con cái thì trẻ Giêsu cũng đã có lần làm cho bố mẹ phải “đau khổ” trong dịp cả nhà dự lễ tại Đền Thờ. Lúc đó, Giêsu ở tuổi mười hai sắp bước vào tuổi dậy thì. Chính Mẹ Maria đã nói lên điều này: “Sao con làm thế cho chúng ta. Cha con và mẹ phải đau khổ tìm con” (Luca 2:8).

Tóm lại, đời sống vật chất, đời sống tình cảm giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái của gia đình Nazareth hệt như bất cứ một gia đình nào. Nếu xét về vật chất và mức sinh hoạt, Gia Đình Nazareth có khi còn thua xa rất nhiều những gia đình khác, và cũng có thể thua kém chính gia đình của chúng ta. Như vậy có gì để chúng ta phải noi gương và bắt chước gia đình này? Thế nào là một gia đình hạnh phúc? Tại sao gọi đây là một gia đình thánh? Và sự khác biệt giữa Gia Đình Nazareth và các gia đình khác là ở chỗ nào?

Ngày nay, đời sống hôn nhân gia đình đang trở thành một thử thách lớn lao cho nhiều người đã, đang và sẽ bước vào. Ích ỷ, tự ái, nghi ngờ, ghen tỵ, bất trung đã dẫn đến những cãi vã, xung đột, ngoại tình, và ly dị. Kết quả là tuy đã kết hôn, nhưng con số những đổ vỡ trong hôn nhân cũng trên dưới 50% các cặp vợ chồng. Đa số khi bước vào đời sống hôn nhân vẫn hằng mong mỏi, tìm kiếm một người chồng tài đức, danh giá và có địa vị, người vợ đoan trang, hiền thục, và đảm đang, con cái thảo hiếu, thành đạt… Tóm lại, một gia đình hạnh phúc theo đó được đánh giá bằng nhãn quan nhân loại, bằng giầu sang, phú quí vật chất, và bằng sự thỏa mãn cảm xúc tình cảm. Điều này hoàn toàn trái ngược với Gia Đình Nazareth, vì tất cả những gì là cao trọng, thánh thiện, tốt lành của gia đình này đều ở nơi mỗi thành viên của gia đình ý thức và đã sống trọn ý nghĩa ơn gọi của mình với lòng yêu mến và vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Hạnh phúc của gia đình này cũng được định nghĩa theo chiều hướng đó. Trong buổi triều yết chung lễ Thánh Gia, 28 tháng 12, năm 2011, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã nói với mọi người rằng:

Thánh Gia là một gương mẫu tốt lành cho mọi gia đình để luôn mở rộng tâm hồn với thánh ý Thiên Chúa, và luôn luôn lắng nghe lời của Thiên Chúa. Ngài bày tỏ ý muốn của Ngài trong kinh nguyện và qua những người chung quanh chúng ta. Do lòng sốt sắng và chiêm ngắm lời Ngài, chúng ta cũng có thể đi theo sự hướng dẫn của Ngài đối với chúng ta trong cuộc sống mỗi người.

Các ngài trở nên thánh thiện vì luôn đặt Chúa làm trung tâm đời sống gia đình mình. Các ngài yêu thương và hy sinh cho nhau, và các ngài chiếu tỏa tình yêu đối với nhau trong sứ vụ cứu độ của việc Lời Nhập Thể.

Anh chị em trong Chúa Kitô. Chúng ta vui mừng cử hành Lễ Thánh Gia. Thật ra Chúa Giêsu đã đến trong thế giới và qua cửa ngõ gia đình một cách rất rõ ràng. Ngài muốn chỉ cho chúng ta vai trò cốt lõi của gia đình trong việc cứu rỗi mỗi người và mọi thành phần trong đó.

Chúng ta hãy làm cho gia đình riêng chúng ta thành những phương tiện thích hợp cho ơn cứu độ, phấn đấu để đặt Chúa Kitô tại tâm điểm của nó, giống như Đức Mẹ và Thánh Giuse đã làm. Và chớ gì chúng ta hãy làm cho ngôi nhà của chúng ta thành một môi trường lớn mạnh, chuyển hóa   của đời sống gia đình cầu nguyện. Và hơn thế, những nhân đức anh hùng của đức tin, cậy, yêu mến Thiên Chúa được đặt trên những nhân đức tự nhiên, được thực hành bởi cha mẹ và con cái trong những chi tiết nhỏ nhặt của đời sống gia đình thường nhật.

Thật vậy, ngôi nhà của Nazareth là một ngôi trường cầu nguyện ở đó con người học để lắng nghe, suy niệm và bám rễ vào ý nghĩa sâu thẳm qua việc biểu hiện của Con Thiên Chúa, theo gương Mẹ Maria, Thánh Giuse và Chúa Giêsu. [1]

Thánh Têrêsa Calcutta, cũng đã nhìn Thánh Gia như mẫu gương của mọi gia đình. Với ước mong các gia đình hãy noi gương Thánh Gia, và cầu xin Chúa giúp biến đổi gia mình thành một gia đình Nazareth khác. Hy vọng các gia đình hãy siêng năng cùng nhau đọc kinh này mỗi ngày, để Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse sớm đổi mới cuộc sống gia đình, và biến gia đình mình thành một nơi mà ở đó “tình yêu, bình an và niềm vui ngự trị”.

Kinh cầu cho gia đình
Thánh Têrêsa Calcutta

Lạy Cha trên trời, Cha đã ban cho chúng con một gương mẫu đời sống trong gia đình thánh thiện ở Nazareth. Lạy Cha yêu quý, xin hãy giúp chúng con biến đổi gia đình chúng con thành một gia đình Nazareth khác, nơi mà tình yêu, bình an và niềm vui ngự trị.

Xin cho gia đình chúng con biết suy niệm nhiều, biết yêu quý Thánh Thể, và rạng rỡ niềm vui.

Xin giúp chúng con sống với nhau lúc vui cũng như khi buồn qua việc cầu nguyện chung.

Xin dạy chúng con nhận biết Chúa Giêsu hiện diện trong mỗi người chúng con, nhất là trong sự đau khổ được ẩn giấu của Ngài.

Xin Thánh Thể, Thánh Tâm của Chúa Giêsu biến đổi tâm hồn chúng con nên hiền từ và khiêm nhường như Thánh Tâm Chúa, và giúp chúng con chu toàn trách nhiệm gia đình trong phương cách thánh thiện.

Xin giúp chúng con yêu thương nhau như Chúa yêu thương chúng con mỗi ngày một hơn; và tha thứ lỗi lầm của nhau như Chúa tha tội cho chúng con.

Lạy Cha yêu quý, xin giúp chúng con nhận lãnh bất cứ những gì Cha ban và trao trả bất cứ những gì Cha lấy lại với nụ cười thật tươi.

Lạy Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, là nguồn vui của chúng con, cầu cho chúng con.

Lạy Thánh Giuse cầu cho chúng con.

Lạy Thiên Thần Bản mệnh xin ở với chúng con, xin hướng dẫn và bảo vệ chúng con. Amen [2]

 

Lễ Thánh Gia, Bổn Mạng Gia Đình Nazareth

31 tháng 12 năm 2023

_______

Tài liệu trích dẫn:

  1. General Audience of 28 December 2011
  2. https://www.ewtn.com/catholicism/devotions/mother-teresas-prayer-for-the-family-352

 

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.