Trần Mỹ Duyệt
Phần đông ngay cả người Công Giáo vẫn thường hiểu và cắt nghĩa sai về “phép lạ”. Ông A, bà B, cô C vừa rồi mới được khỏi bệnh nhờ cha đặt tay trong thánh lễ chữa lành, hoặc nhờ uống nước suối Lộ Đức, nhờ viếng Đức Mẹ Tàpao, đền cha Trương Bựu Diệp, đền Bà Chúa Sứ… Nhiều kẻ thời cơ đã lợi dụng lòng tin đơn sơ ấy để khai thác, và trục lợi.
Thật ra, nếu nhìn vào cuộc đời này với niềm tin tưởng tuyệt đối nơi lòng thương xót của Thiên Chúa, thì mọi giây phút qua đi trong đời sống của mỗi người chúng ta đã là một phép lạ rồi. Theo Thánh Toma Aquinas thì “Mặc dù Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta, nhưng nếu có một giây phút nào Ngài quên không nghĩ đến chúng ta thì lập tức giây phút đó, chúng ta trở về hư vô ngay”. Thống kê của the National Highway Traffic Safety Administration (NHTSA) ghi nhận, riêng tại Hoa Kỳ trong năm 2016 đã có 37.461 người chết vì tai nạn lưu thông, trung bình mỗi ngày là 102 người. Do đó, người ta thường nói, nếu sau một năm lái xe mà thấy chân tay mình còn lành lặn, không phải vào nhà thương vì tai nạn, hoặc gây ra tai nạn thì phải xin lễ tạ ơn. Phép lạ tỏ tường chẳng cần phải tìm đâu xa.
Dĩ nhiên phép lạ xảy ra do lòng tin của mỗi người, và tùy vào quan phòng của Thiên Chúa như trong trường hợp khỏi bệnh loạn huyết của người đàn bà đã 12 năm chữa trị mà không khỏi, bà chỉ ao ước chạm đến gấu áo Chúa Giêsu. Và quả như vậy, bà đã được khỏi bệnh. Chính Chúa Giêsu đã xác nhận sự khỏi bệnh nhiệm mầu này và cũng đã ca tụng đức tin của bà: “Đức tin con chữa con” (Luca 8:48). Nhưng những trường hợp đức tin làm nên phép lạ ấy thực ra chẳng có bao nhiêu, ngược lại, một cách nào đó là do cuồng tín, mê tín, hoặc ảo tưởng của những người nghĩ rằng mình được phép lạ chữa lành, một trạng thái tâm lý “psychosomatic disorder”. Chỉ sau vài giờ, vài ngày, hoặc vài tuần những người này lại trở về với thực tế bệnh tật của họ. Thí dụ, một người đã hô lên mình được khỏi bệnh trong một thánh lễ chữa lành. Anh đã bỏ lại cây gậy chống, mạnh dạn bước đi giữa tiếng vỗ tay của cộng đoàn. Nhưng rồi sau giây phút được xem như xuất thần ấy, anh vẫn phải dùng gậy, và bước đi những bước nặng nề do ảnh hưởng của tai biến mạch máu não.
PHÉP LẠ LÀ GÌ?
Phép lạ hay dấu lạ, theo Từ Điển Công Giáo, “Dấu lạ, theo nghĩa thông thường, là điều gây ngạc nhiên, là hiện tượng lạ lùng…Lòng đạo đức bình thường nói đến phép lạ của Đức Mẹ hoặc của Các Thánh. Tuy nhiên, chỉ có Thiên Chúa mới làm phép lạ, Mẹ Maria và Các Thánh chỉ đóng vai trò chuyển cầu mà thôi.” 1
Theo Anh-Việt Từ Điển, “miracle” được định nghĩa là: Chuyện, việc, vật kỳ lạ, thần diệu, huyền diệu, phi thường, kỳ công, kỳ tích. Miracle of architecture: Kỳ công về kiến trúc.” 2
Định nghĩa của Anh-Việt Từ Điển cũng tương tự như của Merriam-Webster: 3
1 : an extraordinary event manifesting divine intervention in human affairs the healing miracles described in the Gospels.
2 : an extremely outstanding or unusual event, thing, or accomplishment. The bridge is a miracle of engineering.
3 Christian Science : a divinely natural phenomenon experienced humanly as the fulfillment of spiritual law
Wayne Jackson trong bài viết tựa đề “Những gì Phúc Âm nói về các phép lạ” (What Does the Bible Say About Miracles?)4 đã nhận định rằng phép lạ là sự việc xảy ra được nhìn thấy và quan sát theo tự nhiên, nhưng lại không thể giải thích bằng những lý do tự nhiên. Hoặc một biến cố xảy ra mà quyền lực của tự nhiên-bao gồm quyền lực của con người-không đạt được kết quả xảy ra, và do đó, phải được qui hướng vào sức mạnh siêu nhiên.
Ông cũng trưng dẫn một số phép lạ đã được Chúa Giêsu thực hiện để chứng tỏ quyền năng của Ngài, và để củng cố lời giảng dạy của Ngài đã được các thánh ký ghi lại trong Tân Ước. Thí dụ, Chúa Giêsu truyền cho sóng gió im lặng trên biển Galilê (Matthêu 8:23-27), và trong một dịp khác, Ngài đi trên nước (Gioan 6:16-21). Ngài xua đuổi quỉ ám ra khỏi con người (Matthêu 12:22ff). Ngài hóa nước lã thành rượu (Gioan 2:1-11), làm cho bánh ra nhiều (Gioan 6:1-14). Hoặc cho thấy quyền năng Ngài thắng vượt cả sự chết khi cho Lazarô chết 4 ngày sống lại (Gioan 11:43-44), cho con trai bà góa thành Nain sống lại (Luca 7:11-14). Nhất là sự phục sinh của chính Ngài từ cõi chết, một phép lạ đặt nền tảng cho niềm tin Kitô Giáo (1 Cor 15:16-19).
Theo Jackson, một phép lạ thực sự gồm những đặc tính như:
Demonstrable fact (Sự việc có thể chứng minh được). Không đâu trong Tân Ước đã có những tranh luận về giá trị của những phép lạ Chúa làm. Cũng không có những gì phải bàn cãi về những trường hợp như vậy. Những phép lạ đã xảy ra hoặc là không. Thí dụ, khi thấy đoàn lũ đám đông theo Ngài đã mấy ngày, nên Chúa Giêsu động lòng thương làm phép lạ bánh hóa nhiều cho họ ăn trong hoang địa (Matthêu 14:13-21)
Worthy motive (Nguyên nhân xứng đáng). Những dấu lạ không được làm vì mục đích để tăng danh giá cá nhân. Chúa chẳng cần những danh giá từ con người khi Ngài làm những phép lạ, nhưng để giúp con người nhận ra quyền năng và ngợi khen Thiên Chúa.
Credible witnesses (Những nhân chứng đáng tin tưởng) – Ngay cả đối với những người thù hằn. Khi Chúa làm phép lạ bánh và cá hóa nhiều, ước tính cả mấy ngàn người có mặt. Phép lạ này xảy ra công khai (x Gioan 6:10ff).
Instantaneous effects (Những hiệu quả tức thời). Phép lạ thật không xảy ra từ từ, đòi hỏi tiến trình hoàn tất, nhưng ngược lại, xảy ra tức thời. Trường hợp người đàn bà loạn huyết. Vừa khi bà chạm vào gấu áo Chúa, lập tức máu ngừng chảy và bà được khỏi bệnh.
Sense perception (Nhận thức giác quan). Rượu mà Chúa Giêsu biến thành từ nước lã có thể nếm được. Rượu này đã được đem cho người quản tiệc, và ông đã khen là rượu ngon. (Gioan 2:1-12). Tông đồ Tôma có thể cảm được những dấu đinh nơi tay của Chúa Kitô phục sinh (Gioan 20:27).
Independent of secondary causes (Độc lập khỏi những nguyên nhân phụ). Điều này có nghĩa là không thể nào có thể cắt nghĩa phép lạ bằng một cách thức tự nhiên.
Và ông đã nêu lên câu hỏi: “chúng ta nghĩ gì với những trường hợp được ‘cho là’ phép lạ trong thời đại của chúng ta?” Trước hết, chúng ta không thực sự có khả năng để chứng minh về một biến cố siêu nhiên, đơn giản là vì có nhiều yếu tố không thể giải thích bằng những lý lẽ tự nhiên. Ngay chuyện nhiều màn ảo thuật mà những ảo thuật gia thực hiện cũng khiến nhiều người bình dân không thể giải thích được, tuy nhiên, ai cũng cho rằng những việc ấy xảy ra không phải là những phép lạ.
Ngoài ra, cả đến những trường hợp xảy ra được coi như những phép lạ của thời đại chúng ta. Thí dụ, trường hợp nhiều người cho rằng họ được ơn chữa lành. Nhiều cảnh chữa lành được trình chiếu công khai trên truyền hình. Nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu đó có phải là những phép lạ chúng ta cần tin không? Vì với con mắt của những nhà chuyên môn và hiểu biết, những ca chữa lành kiểu ấy thực chất chỉ là giả dối. Tình trạng khỏi bệnh như vậy chẳng qua chỉ là một trạng thái tâm lý, mà các nhà tâm lý gọi là hội chứng “psychosomatic disorder”, cộng với những dàn dựng có ngụ ý. Psychosomatic, một từ ngữ chuyên môn nói về sự liên quan giữa trí khôn và cơ thể bắt nguồi từ tiếng Hy Lạp psyche (lý trí) và somatikos (thân thể). Người mang triệu chứng này chỉ cần nghe người khác nói về bệnh là tự nhiên thấy mình bị bệnh. Hoặc khi có ai đó giới thiệu về một thứ thuốc nào đó, họ phải tìm cho được để uống. Như một phép lạ nhiệm mầu, khi uống thuốc đó rồi, bỗng nhiên thấy mình khỏi bệnh. Trường hợp này xảy ra thường xuyên đối với những người cao niên, hoặc những ai yếu kém về tâm lý nên để mình bị chị phối bởi người khác. Trong những trường hợp như vậy, việc khỏi bệnh là do những yếu tố tâm thần. Theo một thống kê, có tới 55% những bệnh nhân cần sự chữa trị y khoa tại Hoa Kỳ có những triệu chứng psychosomatic illnesses. Bác sĩ William S. Sadler với kinh nghiệm chữa trị cho rằng ít nhất 2/3 những trường hợp bệnh nhân như thế nếu để vậy họ cũng tự khỏi bệnh mà không cần đến bác sĩ hoặc thuốc. Sau 25 năm kinh nghiệm trong lãnh vực khảo cứu về những trường hợp khỏi bệnh nhờ phép lạ, bác sĩ Sadler đã kết luận rằng ông chưa thấy một trường hợp bệnh tật cơ thể nào được chữa lành theo kiểu phép lạ.
Tuy nhiên, nhiều người ngày nay kể cả những người Công Giáo vẫn cho rằng họ được ơn chữa lành hoặc những ơn thần diệu khác, theo đó, có tới hơn 20 triệu người Mỹ hàng năm vẫn kể mình được cảm nhận những kinh nghiệm siêu nhiên (bao gồm cả việc được chữa lành.) 5
PHÉP LẠ ĐỐI VỚI GIÁO HỘI
Theo những điều kiện Jackson vừa trình bày ở trên về phép lạ, cũng như dựa vào những phép lạ đã được Giáo Hội công bố, để một trường hợp chữa lành, một trường hợp khỏi bệnh được công nhận là phép lạ, Giáo Hội Công Giáo đã đưa ra những đòi hỏi, những qui luật rất khắt khe, rất chuyên nghiệp, trải qua nhiều giai đoạn nghiên cứu, tìm hiểu. Đặng Tự Do trên trang nhà www.vietcatholic.net, 26 Jan 2018 đã có bài viết mang tựa đề “Giáo phận Palm Beach báo cáo về Tòa Thánh trường hợp khỏi bệnh lạ lùng của một linh mục”.6 Bài viết được coi như một lời giải thích ngắn gọn thế nào là phép lạ, và thế nào là con đường đi tới để được Giáo Hội chấp nhận một phép lạ.
Một ủy ban điều tra của giáo phận Palm Beach đã bỏ ra gần một năm rưỡi kiểm tra các lời khai của một linh mục và trình kết quả lên Vatican vào tháng trước. Có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm trước khi Rôma đưa ra quyết định. Cô Dianne Laubert, phát ngôn viên của giáo phận cho biết như trên vào tuần qua.
Sự hồi phục ngoại thường của cha Michael Driscoll, một linh mục ở giáo xứ Boca Raton, khỏi một căn bệnh ung thư da chết người có thể được công nhận là một phép lạ mở đường tuyên thánh cho một giáo sĩ Công Giáo bị Đức Quốc xã giết chết trong Thế chiến thứ hai.
Vị linh mục đã bị giết, là cha Titus Brandsma, đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị tuyên phong chân phước vào năm 1985. Đó là bước cần thiết trước khi ngài có thể được nâng lên thành một vị thánh. Một phép lạ được xác định bởi các chuyên gia Y khoa và các thần học gia Công Giáo được cho là nhờ lời cầu bầu của Chân Phước Brandsma là điều kiện để ngài có thể trở thành một vị thánh. Cha Michael Driscoll tin rằng việc ngài khỏi bệnh kỳ lạ không thể giải thích về mặt y khoa là một phép lạ đáp ứng điều kiện này.
Nhưng dù Vatican quyết định thế nào, cha Driscoll, năm nay 76 tuổi, nói ngài luôn tin rằng ngài thoát khỏi bệnh ung thư là nhờ sự can thiệp của Chân Phước Brandsma, một linh mục người Hà Lan rất bất khuất thuộc dòng Camêlô bị giết ở trại tập trung Dachau.
“Ngài là một người Hà Lan dũng cảm, bất khuất lên tiếng bênh vực cho Giáo Hội Công Giáo, đòi hỏi tự do báo chí, đòi hỏi việc mở lại các trường học, và yêu cầu chấm dứt cuộc bách hại người Do Thái”, Cha Driscoll nói. “Tôi đã biết về ngài từ 50 năm qua. Ngài là một anh hùng.”
Giáo Hội Công Giáo có hơn 10.000 vị thánh, người Công Giáo tin rằng các ngài có thể cầu bầu cùng Thiên Chúa cho những ai chạy đến kêu cầu. Từ khi bắt đầu triều đại của ngài vào năm 2013 đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên thánh cho 42 vị, và tuyên phong chân phước cho 84 vị.
Linh mục Mario Esposito, một linh mục dòng Camêlô ở New York, là cáo thỉnh viên án tuyên thánh cho Chân Phước Brandsma, cho biết phép lạ do giáo phận Palm Beach trình lên Tòa Thánh hiện là phép lạ duy nhất liên quan đến Chân Phước Brandsma đang được điều tra.
Cha nói: “Chúng tôi hy vọng điều này có thể là một phép lạ được công nhận, nhưng có những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt, và Rôma sẽ kiểm chứng rất kỹ trường hợp này”.
Cha Driscoll nói ngài đã phát triển một mối liên hệ đặc biệt với Chân Phước Brandsma trong nhiều thập kỷ qua, mến mộ tiếng nói bất khuất của ngài bênh vực các giáo huấn Công Giáo, bao gồm việc chống phá thai và ủng hộ quyền nhập cư.
Khi cha Driscoll mắc phải căn bệnh ung thư da vào năm 2004, một linh mục quen biết tặng cho ngài một mảnh áo của Chân Phước Brandsma, đó là một miếng vải màu đen nhỏ, mà cha Driscoll đã đặt lên đầu mỗi ngày khi ngài cầu nguyện cùng vị tử đạo Hòa Lan. Giáo phận Palm Beach cũng yêu cầu các giáo dân của mình cầu nguyện cùng Chân Phước Brandsma cho cha Driscoll.
Cha Driscoll là một cư dân gốc Bronx, New York, và là con của một gia đình nhập cư Ái Nhĩ Lan, đã bắt đầu đi tu khi còn là một thiếu niên 14 tuổi đang theo học tại trường trung học đệ nhất cấp Middletown, New York.
Các giáo dân nói khuôn mặt của ngài giống như tấm “bản đồ Ái Nhĩ Lan”, với làn da sáng, đôi mắt xanh xanh, đôi má hồng nhưng đầy những dấu vết của căn bệnh ung thư. Mặt ngài đầy những vết nhăn và vết sẹo từ căn bệnh này và cả những dấu vết phẫu thuật.
Khi còn là một cậu bé, ngài đã dành nhiều thời gian vào mùa hè dưới ánh nắng mặt trời cùng với gia đình mình trên các bãi biển Rockaway và Belle Harbour, New York và phải trả giá cho điều đó khi về già.
Trong giai đoạn ung thư nghiêm trọng nhất, vào năm 2004, các bác sĩ đã phát hiện và ngăn chặn một khối u ác tính lan rộng rất nhanh từ đầu xuống cổ. Họ phải loại bỏ 84 hạch bạch huyết và tuyến nước bọt và lấy một mảnh ghép từ đùi để thay thế da bị mất trên trán phải. Sau 35 ngày xạ trị, ngài còn phải làm phẫu thuật.
Theo bác sĩ Adam Friedman, phó giáo sư da liễu của Đại Học Y khoa George Washington và là phát ngôn viên của Học viện Da liễu Hoa Kỳ, khối u ác tính trong căn bệnh ung thư của cha Driscoll đã ở giai đoạn 4. Chỉ có 15 đến 20 phần trăm bệnh nhân có thể sống thêm được 5 năm. Cũng có những người cầm cự được đến 10 năm, nhưng tỷ lệ này chỉ có từ 10 đến 15 phần trăm.
Mười bốn năm sau khi giải phẫu và xạ trị, cha Driscoll ngày nay khoẻ mạnh khối u ác tính hoàn toàn ngưng phát triển.
“Có vẻ như không có lời giải thích y khoa nào cho việc khỏi bệnh của ngài”, cha Esposito nói.
Ủy ban điều tra của giáo phận Palm Beach đã phỏng vấn 12 giáo dân, năm bác sĩ và hai linh mục. Đây là cuộc điều tra đầu tiên trong giáo phận này được thực hiện dưới sự hướng dẫn của Đức Cha Gerald Barbarito, là đấng bản quyền của giáo phận từ năm 2003.
Tiến sĩ Anthony Dardano, phó hiệu trưởng trường y khoa Đại học Florida Atlantic và là một giáo dân, là một trong những người hoàn toàn tin tưởng vào việc lành bệnh siêu nhiên của cha Driscoll.
Tiến sĩ Dardano, cũng là một thành viên trong ủy ban điều tra của giáo phận và là người soạn thảo một bản tóm tắt các ý kiến y khoa cuối cùng trước khi giáo phận gửi hồ sơ sang Rôma. Ông nói: “Căn bệnh ung thư của cha Driscoll thường gây tử vong rất cao. Không có giải thích khoa học nào cho lý do tại sao ngài vẫn còn sống cho đến nay. Tuyệt đối là không.”
Trong khi giáo phận chờ đợi câu trả lời từ Vatican, cha Driscoll, giờ đây đã nghỉ hưu, vẫn tiếp tục công việc của ngài. Ngài vẫn dâng Thánh lễ tại nhà thờ Thánh Jude và Thánh Joan thành Arc và chủ sự các đám tang, bao gồm 6 lần chôn cất các giáo dân của ngài đã chết vì các khối u ác tính.
Tóm lại, phép lạ và để được công nhận một trường hợp khỏi bệnh nhờ phép lạ là một đòi hỏi rất phức tạp dựa vào các lãnh vực chuyên môn từ y khoa đến tâm lý, thần học, và những đòi hỏi của giáo luật. Phép lạ không phải là một ngẫu hứng hay một ảo tưởng đến từ những hội chứng tâm lý, hoặc một niềm tin mù quáng và quá khích.
____________
Tài liệu tham khảo:
1. Từ Điển Công Giáo. 500 mục từ. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin. Tiểu Ban Tự Vựng.
2. English-Vietnamese Dictionary. Anh-Việt Từ-Điển. In lần thứ Tư. Nguyễn-Văn-Khôn. Nhà sách Khai Trí, Saigon.
3. Merriam-Webster. Since 1828.
4. Jackson, Wayne. “What Does the Bible Say About Miracles?” ChristianCourier.com. Access date: January 28, 2018. https://www.christiancourier.com/articles/5-what-does-the-bible-say-abou….
5. Psychology Today 1987, 64).
6. Sun Sentinel. Boca priest may hold key to sainthood for clergyman slain by Nazis.
Views: 0