NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA KINH TIN KÍNH CÁC TÔNG ĐỒ VÀ KINH TIN KÍNH NICEE-CONSTANTINOPLI.
Lm. Lê Phú Hải, OMI
Trong Sách lễ Rôma có ba văn bản Kinh Tin Kính: một Kinh ngắn được gọi là: “Tín biểu các Tông đồ”, một bản Kinh dài gọi là: “Kinh Tin Kính Nicée-Constantinopli”, và bản Kinh thứ ba dưới dạng 3 câu Hỏi-Đáp, được được sử dụng trong đêm vọng Phục Sinh và khi cử hành Bí tích Rửa Tội. Kinh này còn được dùng trong nghi thức Bí tích Thêm Sức. Chúng ta đều biết trong các Thánh Lễ ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ trọng cần phải đọc Kinh Tin Kính và Vị chủ chăn cộng đoàn có thể chọn đọc hoặc hát cộng đồng một trong hai bản Kinh thứ nhất hoặc thứ hai nói trên. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu một chút về hai bản Kinh này.
Nguồn gốc hai bản Kinh Tin Kính:
– Kinh Credo hay Kinh Tin Kính: “Credo” nguyên ngữ tiếng Latinh có nghĩa “Tôi tin”. Đây là từ đầu tiên của Kinh Tin Kính, một kinh nguyện tổng hợp các biểu thức đức tin, một hình thức cô đọng niềm tin Kitô giáo. Trong sách Lễ Rôma có hai Kinh Credo được đề nghị : “Tín biểu các Tông đồ” và kinh Tin Kính đến từ Công đồng Nicée-Constantinople. Cả hai bản tuyên xưng được coi như “biểu tượng” (symbolon). Từ này có nguyên gốc tiếng Hy Lạp, “symbolon” chỉ một căn phòng bằng đất nung mà hai gia đình hay hai kinh thành kết hợp nhau đã đánh vỡ ra để mỗi bên giữ lại một nửa. Cả hai được kết hiệp lại được gọi là “symbolon” (sun = cùng nhau; ballein = bỏ vào). Cả hai mảng được bỏ vào nhau khẳng định sự hiệp nhất của những người chủ. Vì vậy, nguồn gốc “biểu tượng = symbolon” là một nửa của vật gì đó mà người chủ nhìn nhận người bên kia còn giữ một nửa còn lại. Biểu tượng là việc nối lại và kết hợp lại.
Nhưng làm sao Kinh Credo lại có thể được coi như một biểu tượng? Chúng ta có thể thấy ý nghĩa đó qua ba điều:
- Kinh Credo nối lại và kết hiệp điều “tôi tin” của mỗi cá nhân và điều “tôi tin” của tất cả mọi người.
- Kinh Credo nối lại và kết hiệp điều “tôi tin” của cộng đoàn địa phương với điều “tôi tin” của Giáo hội hoàn vũ.
- Kinh Credo nối lại và kết hiệp điều “tôi tin” của Giáo hội cho Thiên Chúa Ba Ngôi.
Giống như biểu tượng cho một nửa còn lại, kinh Credo nối lại và kết hiệp cộng đoàn, Giáo hội và Thiên Chúa. Đó là dấu chỉ nhìn nhận giữa những Kitô hữu với nhau. Một dấu chỉ nhìn nhận không thể nào thay đổi thường xuyên được, nhưng vẫn có đó và hiện diện cho mọi thế hệ. Cho nên cộng đoàn được mời gọi đọc lại vào mỗi Chúa nhật, một trong hai biểu tượng của Giáo hội sơ khai: Tín biểu các tông đồ hay kinh Credo Nicée-Constantinopli.
a) Tín biểu các Tông đồ (Symbole des Apôtres)
Tôi tin kính Đức Chúa Trời
là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.
Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô
Là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi.
Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai,
sinh bởi Bà Maria đồng trinh,
chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô,
chịu đóng đinh trên cây Thánh giá, chết và táng xác.
Xuống ngục tổ tông,
ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại,
lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng,
Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần.
Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này,
các Thánh thông công.
Tôi tin phép tha tội.
Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.
Tôi tin hằng sống vậy. Amen.
Nguồn gốc kinh này đến từ Giáo Hội sơ khai tại Rôma. Kinh nguyện ngắn gọn và tóm tắt những ý chính. Nhiều tác giả cho kinh này do các Tông đồ biên soạn trước khi chia tay nhau tại Giêrusalem ra đi rao giảng Tin Mừng. Đó là truyền thuyết ẩn chứa huấn dụ như đức tin chúng ta tuyên xưng là đức tin của các Tông đồ. Cấu trúc Tín biểu được hoàn thành vào khoảng thế kỷ II hoặc thế kỷ III tại Rôma và được sử dụng kèm theo phép Rửa Tội. Ban đầu, Tín biểu mang hình thức cổ truyền như mẫu đối thoại giữa người dự tòng và vị chủ tế:
– Con có tin Thiên Chúa là Đấng toàn Năng?
Thưa tin.
– Con có tin Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa?
Thưa tin.
– Con có tin Chúa Thánh thần?
Thưa tin.
Và sau mỗi câu trả lời, người dự tòng được nhúng đầu vào giếng rửa tội. Trong nghi thức Vọng Phục Sinh, khi nhắc lại lời tuyên tín Thánh tẩy, vị chủ tế cũng đặt những câu hỏi như vậy. Đến thế kỷ III, hình thức này thêm những điều về Đức Kitô và nói rõ hơn về Chúa Thánh thần. Sang thế kỷ IV, Tín biểu được đọc một mạch chứ không còn dưới hình thức đối thoại. Cuối cùng hoàng đế Charlemagne áp đặt trong toàn cõi đế quốc một văn bản dựa vào bản Tín biểu đến từ Rôma làm nên bản văn chung cục chính thức.
b) Kinh Tin Kính thứ 2 là Tín biểu Nicée-Constantinopli
Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng,
Ðấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.
Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa,
sinh bởi Ðức Chúa Cha từ trước muôn đời.
Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa,
Ánh Sáng bởi Ánh Sáng,
Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật,
được sinh ra mà không phải được tạo thành,
đồng bản thể với Ðức Chúa Cha:
nhờ Người mà muôn vật được tạo thành.
Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta,
Người đã từ trời xuống thế.
Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần,
Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria,
và đã làm người.
Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta,
thời quan Phongxiô Philatô;
Người chịu khổ hình và mai táng,
ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh.
Người lên trời, ngự bên hữu Ðức Chúa Cha,
và Người sẽ lại đến trong vinh quang
để phán xét kẻ sống và kẻ chết,
Nước Người sẽ không bao giờ cùng.
Tôi tin kính Ðức Chúa Thánh Thần
là Thiên Chúa và là Ðấng ban sự sống,
Người bởi Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con mà ra.
Người được phụng thờ
và tôn vinh cùng với Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con:
Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy.
Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện,
công giáo và tông truyền.
Tôi tuyên xưng có một Phép Rửa để tha tội.
Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau.
Tại sao gọi Kinh Tin Kính Nicea- Constantinopoli ?
Muốn biết cần đi lên nguồn gốc với lạc thuyết Ariô.
Lạc thuyết đến từ một linh mục tên Arius, sinh khoảng năm 256 tại xứ Libye theo học tại thành Alexandria, lãnh chức trợ tá vào năm 307 và chức linh mục năm 311. Người ta không rõ ông có theo học tại thành Antiôkia, nhưng có điều Arius cũng quen thân với nhiều đồ đệ Lucien tại đó, và phương pháp chú giải Kinh thánh thiên về nghĩa văn mang dấu vết trường phái Antiôkia. Sau khi chịu chức linh mục, Arius được đưa về chăm coi giáo xứ Baucalis và những bài giảng thu hút được nhiều người tới nghe, nhưng cũng có người bắt đầu đặt nghi vấn về một số vấn đề đạo lý.
Vào khoảng năm 318-320, một cuộc tranh luận xảy ra giữa giám mục Alexandre ở Alexandria, và linh mục Arius về bản tính Ngôi hai Thiên Chúa. Arius đặt lại vấn đề thiên tính Chúa Kitô, và có thể theo lạc giáo «Mélécien», một lạc giáo đến từ Mélèce, Mélice, hay Meletius, làm giám mục thành Lycopolis (Thượng Ai cập), qua đời khoảng 330. Theo Arius, chỉ một mình Thiên Chúa Cha là Thiên Chúa thật, còn tất cả mọi điều ngoài Thiên Chúa đều thuộc loại được tạo thành. Ngôi Con nhập thể làm Ngôi Lời như một thụ tạo, dù là tạo vật đầu tiên của Thiên Chúa từ hư không, nên không thể được đặt ngang hàng cùng Ngôi Cha. Tư tưởng không mới lạ vì đã thấy ít nhiều xuất hiện trước đây vào hồi thế kỷ thứ III với một số lạc thuyết đến từ trường phái Ôrigen, hay Lucien ở Antiôkia.
Khi bị giám mục Alexandre kết án, Arius viết thư cầu cứu cùng giám mục Eusêbiô ở Nicomédie, và có thêm bản tuyên xưng đức tin dưới hình thứ lá thư gửi cho giám mục và hoàng đế Constantin ; cuối cùng Constantin tuyên bố cho ông trở vào lại hàng linh mục giáo phận.
Thuyết Arius bị kết án tại Công đồng Nicée năm 325, và ông bị đưa lưu đày biệt xứ, rồi qua đời năm 333. Lạc thuyết Arius lan rất nhanh, trong số đó có cả các giám mục, tu sĩ đón nhận như trường hợp giám mục Eusêbiô ở Nicomédie bên Palestine. Giám mục Alexandre liền ngăn cấm Arius không được giảng thuyết nhưng ông không tuân lệnh, và bị công nghị các giám mục năm 320 kết án. Arius rời thành Alexandria và sang sinh sống tại thành Nicodémie, và tiếp tục truyền bá tư tưởng với tác phẩm «Thaleia = thalie = Bữa tiệc» tại các thành phố lớn bên Palestine. Sau đó, ông trở về thành Alexandria.
Giáo thuyết Ariô. Một giáo thuyết có nguồn gốc với giám mục Denys ở Alexandria. Ông gọi Logos «deuteros theos = Thiên Chúa thứ hai», coi như một dưỡng tử thuyết phản ứng chống lạc thuyết Sabellius. Giám mục Denys ở Rôma cảnh cáo Denys ở Alexandria và ông thần phục chấp nhận «bản thể = homoousia» ngang nhau giữa Thiên Chúa Cha và Chúa Con. Trước đây một thế kỷ Tertullien đã công bố «đồng bản tính».
Arius trung thành với truyền thống Alexandria chống lại truyền thống Rôma, tuyên bố nếu như Thiên Chúa Cha và Chúa Con đồng bản thể, thì cả hai đều không sinh ra. Arius muốn giữ ưu tiên cho Thiên Chúa Cha, Đấng duy nhất căn nguyên hữu thể loan báo Ngôi Lời. Ưu tiên hữu thể thoáng như có trước tạm thời, vì nếu Ngôi Lời có một khởi đầu, sẽ không vĩnh cửu. Arius trung thành theo giáo thuyết Lucien khi công bố Thiên Chúa duy nhất, vĩnh cửu và không sinh ra. Ngôi Lời là thụ tạo đầu tiên của Thiên Chúa, và trở nên tác giả các loài thụ tạo khác. Chúa Thánh Thần là thụ tạo đầu của Logos. Nhờ sáng tạo nên biện bạch cho tước hiệu Thiên Chúa, nhưng không thích đáng, và được Thiên Chúa chấp nhận làm con với dự kiến những công trạng như theo thuyết nghĩa tử thuyết, nhưng không tham gia thực thụ vào thần thánh. Logos đổ tràn vào Chúa Kitô chức năng linh hồn.
Phaolô có viết Logos là người sinh ra đầu tiên của mọi loài thụ tạo, mang ý nghĩa được sinh ra trước mọi loài thụ tạo; nhưng coi Logos như thụ tạo đầu tiên hoàn toàn khác và mang mầm mống một lạc giáo.
Khi xảy ra cuộc tranh luận Arius, bấy giờ hoàng đế Constantin vừa dẹp được Licinius cũng muốn có yên ổn trong đế quốc, nên đề cử giám mục Ossius ở Cordoue từ Tây Ban Nha sang Alexandria tìm cách hòa giải giữa giám mục Alexandre và Arius. Giám mục Ossius thất bại, và hoàng đế Constantin liền triệu tập một công đồng tại «Nicée = Nixêa», miền Bythinie năm 325 để giải quyết một lần cho xong vấn đề do Arius nêu lên.
Công đồng Nicée năm 325
Hoàng đế Constantin mơ tưởng tạo cho đế quốc La mã thống nhất mới và lâu bền bằng cách bảo vệ đà tiến Kitô giáo. Ông bị thất vọng nặng nề vì những vụ tranh cãi tôn giáo lôi theo nhiều vụ chống đối nhau, giữa các giáo hội địa phương, và sau cùng giữa các tỉnh trong đế quốc… Tất cả làm sụp đổ mộng ước Constantin. Vậy, để khôi phục lại nền thống nhất đang bị đe dọa, ông lấy tư cách «Giám mục bên ngoài», triệu tập «công đồng hoàn vũ đầu tiên hay công đồng đại kết tiên khởi». Tạo điều kiện cho các giám mục tới dự đông đảo, Constantin đài thọ tiền di chuyển. Ông gửi lá thư cho hai đối thủ Arius và Alexandre giám mục Alexandria trình bày rõ ràng niềm hy vọng: «Nói cho cùng, các vị cùng suy nghĩ như nhau, các vị có thể thoải mái trở lại hiệp thông với nhau. Các vị hãy đoàn kết như một, hãy trở lại sống bác ái với nhau!» Vì, thật ra không phải điểm cốt lõi của niềm tin nơi các ông, vì trong việc thờ kính Thiên Chúa, không ai nghĩ tới việc đem lại một Tín điều mới.
Công đồng đầu tiên còn được gọi «Công đồng chung = oecumenicum» quy tụ 318 giám mục đến từ khắp miền đế quốc ngày 20/5/325 tại thành Nicée (nay thành phố nhỏ Iznik, vùng tiểu Á, không xa Istanbul), phần lớn thuộc Đông phương, nhưng có một số giám mục đại diện Tây phương như Cécilien ở Carthage, Nicaise ở Die xứ Gaule, giám mục Ossius có mặt coi như chuyên viên cho hoàng đế về vấn đề tôn giáo, và hai đặc sứ của đức giáo hoàng Sylvestre, Vite và Vincent, đến để thảo luận sâu vào vấn đề.
Constantin khai mạc Công đồng, và thấy rõ chia thành hai phe rõ rệt. Phe bênh vực cho Arius do giám mục Eusêbiô ở Nicomédie cầm đầu thiểu số nhỏ, đã gây chấn động cho số đông chối từ thiên tính Chúa Kitô. Phe chống Arius do giám mục Alexandre chủ trương với Athanase giúp đỡ đắc lực, và sau này Athanase lên kế vị Alexandre năm 328 làm giám mục. Vì thế có nhiều sự đối lập không thể hòa giải được, về phía Arius hoạt động trong bóng tối, vì ông chỉ là linh mục.
Thật ra, hầu hết các giám mục, kể cả giám mục Alexandre thành Alexandria nơi Arius thuộc quyền, và cố vấn thần học, với một phó tế trẻ Athanase (mất năm 373) sau này lên giám mục, hai đặc sứ giáo hoàng, tất cả đồng ý chống lại mạnh mẽ linh mục Arius. Các ngài nhấn mạnh về đức tin công giáo vào Chúa Giêsu, là Thiên Chúa thật và là con người thật.
Những quyết định chính yếu: Ngôi Lời đồng bản thể với Chúa Cha, “Consubstantialis Patri”. Chúa Giêsu cùng bản tính Thiên Chúa, chứ không như Arius cho Chúa Giêsu có một bản tính giống như bản tính Thiên Chúa, có nghĩa Chúa Giêsu chỉ trung gian nào đó giữa Chúa Cha và các Thiên Thần. Vậy, Ngôi Lời chính là Thiên Chúa, và cũng đồng hàng với Chúa Cha. Người khác với Chúa Cha, nhưng không tách biệt, không phải được tạo thành dù Người là Chúa Con. Người có từ trước muôn đời vì đồng bản thể và bản chất cùng với Chúa Cha: «homoousios», mà không phải «homoiousios» «có bản tính giống như Chúa Cha». Trong những tranh cãi rắc rối và lý luận vụn vặt, điều khẳng định chính yếu vẫn giữ nguyên. Người ta không thể thêm bớt gì hết. Nhưng chỉ phải trả lời «Có» hay «Không» về thiên tính Chúa Giêsu. Công đồng trả lời «Có».
Giám mục Eusêbiô ở Césarée đề nghị bản kinh Tin Kính đến từ giáo hội của ông, nhưng hoàng đế Constantin theo lời Ossius cố vấn, đòi cho thêm vào từ ngữ «homoousios» khẳng định Chúa Con đồng bản tính với Chúa Cha. Chúa Cha và Chúa Con bằng nhau hoàn toàn. Vì lời đề nghị đến từ hoàng đế nên mọi giám mục đều đồng ý chỉ trừ hai giám mục theo phe Arius chống, và bị phát lưu.
Kinh Tin kính hay Tín biểu công đồng Nicée đưa ra như sau:
“Chúng tôi tin một Thiên Chúa duy nhất, là Cha toàn năng, Đấng sáng tạo mọi vật hữu hình và vô hình.
Chúng tôi tin Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sinh ra như là người Con duy nhất, có nghĩa là từ bản chất của Cha. Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng. Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Cha, qua Người mà tất cả được tạo thành, những gì ở trên trời và những gì ở dưới đất. Đấng vì chúng tôi và vì ơn cứu độ của chúng tôi, đã xuống thế, mặc lấy xác phàm trở thành con người. Ngài đã chịu khổ hình và ngày thứ ba đã sống lại, lên trời và sẽ trở lại để phán xét kẻ sống và kẻ chết.
Chúng tôi tin Chúa Thánh Thần. Giáo hội tông truyền và công giáo, loại ra ngoài Giáo hội những ai tuyên bố rằng: đã có một thời gian nào đó Con Thiên Chúa không hiện hữu và Người đã không có trước khi được sinh ra, và Người được dựng nên từ hư không hay là do một bản chất hoặc bản thể nào khác, hay là cho rằng Con Thiên Chúa biến chuyển hay có thể biến chuyển“.
Với tín biểu, hoàng đế nghĩ rằng vấn đề Ariô coi như xong, thế nhưng cuộc tranh luận còn kéo dài suốt thế kỷ thứ IV. Nhiều giám mục Đông phương không hoàn toàn đồng ý với tín biểu Nicée, còn giám mục thành Nicomédie vẫn trung thành trong tâm theo thuyết Ariô. Ông cho Nicée lẫn lộn ba vị thần linh và làm ra mạc khải cho con người một Thiên Chúa duy nhất. Ngược lại, các Giáo hội Tây phương một mực giữ vững lập trường khẳng định tại Nicée. Theo Rôma, còn có Alexandria dưới triều giám mục Athanase. Từ đó sinh ra mầm mống cách chia giữa Hy lạp Đông phương và La tinh Tây phương. Mỗi bên cố gắng đưa ra suy tư thần học và bắt đầu tách biệt với tư tưởng phe khác. Giữa hai phe cũng có một số người khác cố gắng dung hòa hai tư tưởng, không chối từ thiên tính Chúa Kitô nhưng vẫn chấp nhận là Ngôi Hai vẫn không hoàn toàn ngang hàng với Ngôi Cha. Cuộc tranh chấp còn gặp phải khó khăn hơn nữa với sự can thiệp của các hoàng đế. Hoàng đế Constantin lại theo phe Ariô, lưu đày giám mục Athanase và cho Arius trở về nguyên quán
Trong cùng thời gian khai sinh ra một lạc thuyết Ariô mới tại thành Antiôkia với Aetios, và người kế vị Eunomios ở Cyzique. Theo họ, chỉ mình Thiên Chúa Cha là Chúa,vì bản thể của Người là hữu thể chứ không được sinh ra. Người Con hoàn toàn khác biệt, cho dù trên mọi loại thụ tạo. Một lạc thuyết Ariô triệt căn. Basile ở Ancyre đưa ra một công thức thỏa hiệp: Thiên Chúa Cha và Chúa Con giống nhau trong mọi sự, ngay cả trong bản chất, với từ hy lạp «homoiousios». Đề nghị tinh tế giữa «cùng một bản thể» và «bản thể giống nhau», nhưng có vẻ quá gần với tư tưởng chính thống Nicée, vì thế có một số người muốn công thức mập mờ hơn. Dưới quyền Acace khởi xướng khẳng định người Con giống Thiên Chúa Cha, tiếng Hy lạp «homoios». Một lạc thuyết Ariô chừng mực nhưng trong đó người Con vẫn phụ thuộc vào người Cha. Nhóm theo Nicée bị hoàng đế cố gắng dẹp trừ, và thấy xuất hiện ba nhóm đi từ lạc thuyết Ariô triệt căn tới một lạc thuyết Ario chừng mực.
Những từ vựng trong cuộc tranh luận lạc thuyết Ariô
Anomois = người Con khác người Cha = lạc thuyết Ariô nguyên thủy
Homoios = giống nhau = lạc thuyết Ariô chừng mực |
Công đồng Constantinople I năm 381
Giáo hội lúc này có sức mạnh cũng gây nên nhiều nguy hiểm. Người ta tha thiết đến đức tin công giáo được tuyên xưng công khai, trừ thời kỳ chuyển tiếp với ông Julien “người bội giáo” (361-363), tìm tòi đầy đủ hơn về nội dung và hiểu biết rõ ràng hơn về Đức Giêsu. Nhiều người theo lạc thuyết Ariô, cho Ngôi Lời thụ tạo đầu tiên của Chúa Cha, và chính Ngôi Lời tạo dựng muôn vật. Lạc thuyết Ariô, hay những người theo Arius nửa chừng, những người theo thuyết “đồng dạng” xác quyết Chúa Giêsu có đặc tính giống như bản tính Chúa Cha, nhưng không cùng một bản tính luôn có những người chạy theo, và đôi khi đến từ những người có địa vị cao, như Démophile nhân viên tòa giám mục Constantinople…
Ngược lại ở Xyri, Apollinaire ở Laodicée (mất khoảng năm 390) bạn Anathase và một người bảo vệ đức tin Nicée… tỏ ra nhiệt tình nhấn mạnh về tầm mức quan trọng Ngôi Lời Thiên Chúa trong Chúa Giêsu đến độ chối bỏ nhân tính trong Chúa Giêsu. Đối với ông, con người Giêsu hoạt động trực tiếp bởi thực tại thần linh Ngôi Lời. Chủ thuyết hướng đến những sai lầm khác.
Những di sản lạc thuyết Ariô còn đưa ra nguy hiểm khác không chỉ liên hệ đến Chúa Giêsu, nhưng đến cả Ngôi Ba trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Nếu Ngôi Con không là Thiên Chúa nhưng chỉ được “thiên chúa hóa”, Ngôi Ba cũng giống như vậy. Hệ quả không xuất hiện ở công đồng Nicée. Nhưng hiện hình sau đó ngay tại tòa giám mục Constantinople: giám mục Macédonius ra mặt chống lại ‘thiên chúa tính’ Chúa Thánh Thần. Nhân danh Macédonius, người Makêđônia hay “Pneumatomaques = bài bác thiên tính Thánh Thần” (Pneuma = Thánh Thần) xúc phạm Chúa Ba Ngôi cách nặng nề. Đó là nguyên nhân cuộc họp mặt một trăm năm mươi giám mục đông phương, kể từ tháng 5-7 năm 381 tại lâu đài hoàng gia và có thể ở Sainte Sophie, về sau cuộc nhóm họp quan trọng mang tên “Công đồng chung Constantinople”.
Bối cảnh chính trị. Khi đó người Goths hăm dọa đế quốc, hoàng đế Valens bị giết chết năm 378 tại Andrinople. Théodose lên kế vị, người gốc Tây Ban Nha, xác tín theo công đồng Nicée, và chính ông triệu tập công đồng tại thủ đô Constantinople. Các nghị phụ khẳng định tín biểu Nicée, và kỳ này lấy lại công nghị Alexandria năm 362 xác nhận “tính cách bằng nhau” giữa Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Ngoài ra, công đồng cũng tuyên xưng thiên tính Chúa Thánh Thần, chống lại lạc thuyết từ chối Thánh Linh không phải Thiên Chúa thuộc nhóm giám mục Macedonius, thành Constantinople. Nhóm còn được gọi “Pneumatomachi = những người chống lại Thần Khí”. Tại Công đồng Nicée, chỉ đọc được một câu nói về Chúa Thánh Thần: “Chúng tôi tin Chúa Thánh Thần”, nhưng không nói gì về bản tính. Ba nhân vật tiêu biểu chống lại nhóm thuộc ba giáo phụ miền Cáppađôkia[1]: Basile, Grêgôriô ở Nazianze và Grêgôriô ở Nysse viết những khảo luận dựa trên Kinh thánh chứng minh Thánh Thần là Thiên Chúa.
Basile ở Césarée: «Vinh danh Chúa Cha với Chúa Con, với Chúa Thánh Thần » mà trước đây thường đọc «Vinh danh Chúa Cha bởi Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần». Basile đã bảo vệ công thức trên bằng cách ấn hành tập khảo luận đầu tiên về Chúa Thánh Thần, khẳng định mạnh mẽ thiên tính Chúa Thánh Thần; tức là dành cho Chúa Thánh Thần “cùng một Vinh Danh”, như vẫn dành cho Chúa Cha và cho Chúa Con. Người có cùng phẩm vị và oai linh Chúa Cha và Chúa Con, lý do đơn giản vì hoàn toàn giống Chúa Cha và Chúa Con. Không một ân huệ nào được trao ban cho loài thụ tạo mà không có Chúa Thánh Thần can dự trong hành động đức tin, trong việc cầu nguyện (Rôma 8,26) trong việc hoàn tất các dấu lạ và sau cùng trong phần rỗi mỗi người.
Chúng ta thờ phượng trong Chúa Thánh thần (Gioan 4,24) và nhờ Chúa Thánh Thần chúng ta cầu nguyện. Người nhiệm xuất từ Chúa Cha như Chúa Con. Nếu việc mạc khải về Chúa Thánh Thần diễn tiến chậm rãi cho tới năm 381 vẫn chưa rõ ràng đối với mọi kitô hữu. Grêgôriô ở Nazianze giải thích lý do: «Cựu ước loan báo rõ ràng về Chúa Cha, và lờ mờ về Chúa Con. Tân ước mạc khải Chúa Con và ám chỉ thiên tính Chúa Thánh Thần. Bây giờ Chúa Thánh Thần ở giữa chúng ta và tỏ mình ra một cách công nhiên hơn. Dĩ nhiên, không thể rao giảng chắc chắn về Chúa Con bao lâu thiên tính Chúa Cha chưa được tuyên xưng. Và tôi dám nói: cũng không thể đặt lên chúng ta gánh nặng hơn về Chúa Thánh Thần bao lâu thiên tính Chúa Con chưa được chấp nhận. Nói cách khác, như con người bị nặng trĩu vì những thức ăn quá mạnh hoặc như ánh sáng mặt trời làm hại con mắt người bệnh hơn, thì những khả năng chúng ta cần có trọng tài hòa giải. Nhưng đúng hơn, phải nhờ đến sự phát triển, đến những thăng tiến, như Đa vít nói, phải nhờ đến những đề xuất và tiến bộ, đến sự trong sáng tiếp nối nhau, mỗi ngày thêm chói lọi, thêm quang tỏa, thêm rạng rỡ, ánh sáng Chúa Ba Ngôi».
Grégoire ở Nazianze trình bày «Sự trong sáng tiếp nối nhau…». Tất cả được trao ban từ khởi đầu, nhưng chỉ phô diễn trong sáng dần dần dưới mặt trời lương tâm. Tại công đồng Constantinople, thiên tính Chúa Thánh Thần được khẳng định không mờ ám và được trao truyền lại cách chính xác trong văn bản kinh Tin Kính công đồng Nicée-Constantinopli: «Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Người cũng được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy».
Bản Tín biểu Nicée-Constantinopli như sau :
«Chúng tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. Người bởi Đức Chúa Cha mà ra. Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy».
Tôi tin có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Tôi tuyên xưng có một phép rửa để tha tội, tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”.
Đến thế kỷ thứ VIII, giáo hội bên Tây phương thêm vào từ «bởi Con = Filioque» một trong những nguyên nhân đưa đến ly giáo giữa Công giáo và Chính Thống giáo hồi thế kỷ thứ XI. Ngoài những xác định về tín điều, công đồng còn đưa ra 4 điều luật. Trong đó, điều hai cấm các giám mục không được xen vào nội bộ một giáo hội thuộc về nơi khác; và khoản luật thứ ba đưa giám mục thành Constantinopli lên chỗ danh dự sau tòa Rôma, vì «trở nên thành Rôma mới». Các sắc luật công đồng được xác nhận bởi một chiếu chỉ hoàng đế mang giá trị luật đế quốc.
Vì chỉ có 150 nghị phụ tham dự nên giá trị công đồng Constantinople I bị giới hạn bên Đông phương, và thật sự chỉ được chấp nhận như một công đồng chung tại công đồng Chalcédoine vào năm 431. Thật vậy, tòa Rôma chấp nhận tín lý Constantinople nhưng làm dường như không biết đến công đồng. Đức giáo hoàng Damase cũng mở một công đồng vào năm 382, khẳng định quyền tối thượng tòa Rôma không thuộc vào quyết định một Thượng hội đồng, nhưng đặt trên chính Lời Chúa Kitô (Mátthêu 16,18-19) và trên việc tử đạo Phêrô và Phaolô.
Vào năm 451, công đồng Chalcédoine công bố bản Kinh Credo Nicée-Constantinopli. Văn bản được nhìn nhận phổ quát như biểu thức chuẩn nội dung căn bản đức tin tông truyền. Dầu vậy, bản Credo Nicée-Constantinopli có phải văn bản hoàn hảo không? Bản văn chắc chắn trả lời rõ ràng những vấn đề đặt ra thời đó. Ngoài ra, bản kinh không nói gì về mối liên hệ giữa Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con được diễn đạt bằng từ ngữ “sinh ra”; và mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Thánh Thần lại dùng từ “phát xuất”; rồi mối tương quan hữu thể giữa Chúa Con và Chúa Thánh Thần lại không thấy nói tới. Vì vậy, một số nhà thần học bên Tây phương thấy điểm khiếm khuyết và muốn đưa vào bản kinh ý «Filioque». Augustinô thần học gia đầu tiên khẳng định Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con vào năm 418 trong văn bản «De Trinitate». Cuốn sách được phổ biến rộng rãi trên toàn lãnh thổ đế quốc bên Tây phương, rồi dần dần ảnh hưởng sâu rộng trong giáo hội. Đến năm 589, một công nghị thành Tolède bên Tây Ban Nha đồng ý thêm vào bản Credo Nicée-Constantinopli với mục đích chống lại lạc thuyết Ariô thuộc gốc man dân Wisigoth. Sau đó, toàn cõi xứ Gaule và miền thượng Ý cũng chấp nhận. Sau cùng, hoàng đế Charlemagne áp đặt kinh Credo với Filioque trên toàn lãnh thổ hồi thế kỷ thứ IX. Các Đức giáo hoàng thời đó dù chấp nhận ý tưởng thần học trên nhưng cũng không đưa vào bản kinh Credo để không muốn gây thêm khó khăn cho mối tương quan mong manh với giáo hội bên Đông phương. Cuối cùng, Đức Benoit VII chấp nhận ghi vào bản kinh năm 1054 theo lời hoàng đế Henri II yêu cầu. Giữa lúc đó, Đức thượng phụ Photius thành Constantinople không chấp nhận người La mã can thiệp bên Đông phương, cho «Filioque» lạc giáo và phạm thượng. Photius lên án người Tây phương không hiểu Thiên Chúa Cha nguồn gốc duy nhất như lời ghi trong Tin Mừng Gioan 15,26 : “Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha”. Từ đó rạn nứt giữa giáo hội Đông và Tây thêm trầm trọng và đến ly khai 1054 không chỉ vấn đề tín lý, còn gồm lý do chính trị và văn hóa khác biệt giữa hai nền văn minh khác biệt.
Tóm lại, Kinh Nicée-Constantinopli thêm vào “Tín biểu các Tông đồ” những khẳng định đến từ Công đồng hội họp tại thành Nicée vào năm 325, và Công đồng tại thành Constantinople vào năm 381. Hai Công đồng nhóm họp bên Đông phương lên án những lạc giáo, những lầm lạc về đức tin đến từ việc các tông đồ rao giảng. Ví dụ, linh mục Arius trình bày Đức Kitô như một bản thể ở dưới quyền Thiên Chúa Cha. Lên án lạc thuyết Ariô, Công đồng Nicêa khẳng định “Người là Thiên Chúa… đồng bản thể với Chúa Cha”. Và Công đồng Constantinople năm 381 đã thêm: “Con một Thiên Chúa sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Chúa Cha”. Tín biểu Nicée-Constantinopli được hoàn toàn chấp nhận vào năm 451 tại Công đồng nhóm họp ở thành Chalcèdoine.
Đọc kinh Tinh Kính Nicée-Constantinopli trong Thánh Lễ chống lại các lầm lạc về Đức Kitô như điều không nhìn nhận Người vừa là người vừa là Thiên Chúa. Kinh được đưa vào phụng vụ bên Đông phương trước rồi sau đó mới lan truyền vào phụng vụ Tây phương qua ngả Tây Ban Nha. Vào năm 1014, khi hoàng đế Henri II tới Rôma làm lễ đăng quang, ông muốn trong Thánh Lễ phải đọc kinh Tin Kính. Người ở Rôma thấy họ đâu cần thiết phải đọc kinh này vì Giáo hội tại đó không đối phó với vấn đề lạc giáo. Vua Henri II làm áp lực với Đức Giáo Hoàng Bênêdictô VIII đưa kinh Tin Kính vào Thánh Lễ tại Rôma, và đến thế kỷ XII, kinh Tin Kính mới được chấp nhận trong Thánh Lễ Chúa nhật và những lễ có nhắc đến kinh Tin Kính. |
Từ những ý trên xin được chia sẻ vài ý:
– Bản Kinh ngắn có trong Sách Lễ Rôma. Như vậy có nghĩa Tòa Thánh cho phép nên bản kinh mới được cho vào sách lễ Rôma để cho tất cả các tín hữu đọc.
– Kinh Tin Kính Nicée-Constantinopli không dễ hiểu. Những điểm tranh luận làm lời kinh thêm nặng nề. Thế nhưng Giáo hội muốn qua lời tuyên xưng đức tin này, người tín hữu chấp nhận Lời Chúa vừa được công bố. Những từ của lời kinh đồng ý lấy lại định nghĩa đức tin nơi Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần khi thần học Kitô còn ở trong kỳ phôi thai.
Kinh Credo phải được cộng đoàn cùng đọc vì mang hình thức biểu lộ đức tin đáp lại Lời Chúa công bố qua các bài đọc và bài diễn giảng. Qui chế Tổng quát số 43 ghi: “Kinh Tin Kính hay việc tuyên xưng đức tin trong Thánh Lễ có mục đích giúp giáo dân tỏ dấu chấp nhận và đáp ứng Lời Chúa được công bố qua các Bài Đọc, và được diễn giảng qua bài giảng, đồng thời cũng giúp họ nhớ lại những chân lý đức tin trước khi khởi đầu cuộc cử hành Thánh Thể”. Thật ra, kinh Tin Kính Nicée-Constantinopli mang nhiều từ thần học nguyên ngữ Latinh khó hiểu. Những bản dịch ra tiếng phổ thông cũng không dễ dàng, vì vậy kinh Credo thường được đặt ra nhạc và thành bài hát do ca đoàn hát một mình đến nỗi làm lu mờ kinh Nguyện Thánh Thể tức là lời Kinh mang mục đích tuyên xưng đức tin và mầu nhiệm đức tin, về sự hiện diện của Đức Kitô sống lại. Và cuối cùng Công đồng Vaticanô II trở lại việc đọc bình thường kinh Tin Kính với hai văn bản tùy ta chọn lựa.
Lê Phú Hải omi.
[1] Cappadoce = Cáppađôkia, một nước thuộc vùng tiểu Á, trung tâm đế quốc người Hittite. Miền Cappadoce trở thành một trong các nôi Thiên Chúa giáo. Ngày nay Cappadoce nằm trong cao nguyên nước Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây, còn thấy nhiều dấu vết nghệ thuật kitô giáo thời sơ khai trong những giáo đường dựng trên đá hoặc trong những thành phố xây dưới hầm để tránh những cuộc xâm lăng.
Nguồn: www.conggiaovietnam.net
Views: 0