TÔN GIÁO

Này Các Bạn, Đâu Là Điều Cốt Lõi Trong Giáo Hội Của Các Bạn? Người Ta Cần Ki-tô Hữu Chúng Ta Để Làm Gì?*

Tác giả Heiner Wilmer. Người dịch Phạm Hồng-Lam

Dẫn nhập của người dịch.

Heiner Wilmer (1961) hiện là giám mục giáo phận Hildesheim, CHLB Đức. Trước khi được bầu chọn làm giám mục, vị tu sĩ Dòng Thánh Tâm Giê-su này đã là tuyên uý cho những người khuyết tật ở Toronto, thầy giáo ở Bronx, tổng quyền Dòng và hiệu trưởng một trường thuộc giáo tỉnh miền Bắc Đức. Khi được thông báo về sự chuẩn nhận của Roma, ông đã không muốn nhận sứ vụ giám mục. Giáo tông Phan-sinh đã gọi điện mời gọi, khuyến khích và cuối cùng ông đã nhận. Ông giữ trách vụ chủ tịch Uỷ Ban Công Lí Và Hoà Bình trong Hội Đồng Giám Mục Đức. Uỷ Ban này đã soạn ra tài liệu nhìn nhận lỗi lầm của Giáo Hội công giáo tại Đức trong thế chiến thứ II. Tôi đã tóm lược tài liệu này trong DĐGD số tháng Năm 2020.

Bài sau đây là những tâm sự chân thành và thẳng thắn của giám mục Wilmer đặc biệt gởi tới 230 thành viên trong hội đồng công nghị (gồm 69 giám mục, 69 giáo dân thuộc Uỷ Ban Trung Ương Những Người Công Giáo và 92 đại biểu các dòng tu, hội đoàn và nhân sĩ mọi giới khác), nhân khi „Con Đường Công Nghị Đức“ đã bắt đầu được 6 tháng, trong bầu không khí sôi nổi với những yêu sách dứt khoát, khiến có người sợ nó có thể dẫn đến đổ vỡ. Bài đã lâu, nhưng nội dung thì vẫn mới cho việc tìm hiểu nỗ lực sống đạo của người Đức.

 

Cần phải nói thêm ở đây vài điều về „con đường công nghị“ ở Đức.

Sau khi có kết quả cuộc điều tra về lạm dụng tình dục chung cho các giáo phận tại Đức vào năm 2018, HĐGM nước này năm 2019 đã cùng với Uỷ Ban Trung Ương Những Người Công Giáo quyết định tổ chức một „Con đường Công Nghị“, để tìm biện pháp giải quyết cho 4 nan đề sau đây, mà theo họ là đầu mối của cuộc khủng hoảng hiện nay trong Giáo Hội Đức:

  1. Lạm dụng quyền, nói khác đi là vấn đề giáo sĩ trị. Phải làm sao hạn chế quyền hành của các giám mục và giáo sĩ?
  2. Đạo đức tính dục. Nhiều giáo huấn của Giáo Hội trong lĩnh vực này đã không còn phù hợp với các kiến thức mới của Thần Học và các khoa học ngày nay, nên đa số tín hữu, đặc biệt là giới trẻ, chẳng còn quan tâm nữa.
  3. Quy chế độc thân của linh mục là một nguyên do trực tiếp của nạn lạm dụng tình dục nơi giáo sĩ và tu sĩ. Phải giải quyết làm sao?
  4. Đâu là vai trò và chỗ đứng của phái nữ trong Giáo Hội? Điểm này đã được thêm vào theo yêu cầu của hội đồng công nghị.

(Nếu phóng chiếu bốn điểm này vào lịch sử giáo hội nói chung, thì ta có thể nói như thế này: Vì chủ trương quay lưng lại với thế giới, để chỉ tập trung vào chuyện nội bộ của mình, Giáo Hội đã để mất thành phần lao động, khi cuộc cách mạng kĩ nghệ cùng với phong trào cộng sản nổ ra. May mắn là chúng ta sau đó đã có Học Thuyết Xã Hội Công Giáo để cứu vãn tình thế. Bước sang thế kỉ 20, vì không có lời giải cho điểm 4, chúng ta mất giới nữ. Và hiện nay, vì thiếu giải đáp cho điểm 2, Giáo Hội đang mất giới trẻ.)

Cần nói thêm, „con đường công nghị“ (synodaler Weg) ở Đức hay „tiến trình công nghị“ (synodaler Prozess) mà giáo tông Phan-sinh sắp sửa cho tiến hành bắt đầu từ tháng Mười tới đây trên tất cả các giáo hội hoàn vũ không phải là cái định chế „công nghị“ (Synodalität) của các giám mục hay tại các giáo phận, như đã được nói tới trong Hiến Chế về Giáo Hội của công đồng Vatican II. Định chế „công nghị“ này là một thứ DNA của Giáo Hội. Nó sẽ là dụng cụ hay phương tiện sinh hoạt quan trọng của Giáo Hội trong ngàn năm thứ ba này, có thể sẽ thay thế cho việc họp công đồng chung. Như vậy, „con đường công nghị“ hay „tiến trình công nghị“ chỉ là những sinh hoạt có thể nói bán chính thức, mang tính tư vấn nhiều hơn. Dù vậy, vì là đơn vị đi bước tiên phong, „con đường công nghị“ của Đức hi vọng sẽ giúp kinh nghiệm và soi sáng cho „tiến trình công nghị“ sắp tới tại các giáo hội quốc gia.

 Giám mục Wilmer đồng í phải có những cải tổ cần thiết trong Giáo Hội, nhưng đồng thời cũng cảnh báo về cái gọi là „chủ nghĩa toàn hảo“ nơi đồng đạo của mình.

Người Đức là một dân tộc mang khuynh hướng thích sự triệt để và hoàn hảo. Cái gì cũng phải chắc chắn, phải toàn hảo. „Made in Germany“ đồng nghĩa với mức hoàn hảo và độ chính xac nơi xe hơi và máy móc của Đức. Phải giữ bóng thật chắc và chỉ tấn công khi không có rủi ro. Chỉ đầu tư vào các lĩnh vực chắc ăn. Khi đã nhận ra vấn đề, thì phải giải quyết cho rốt ráo. Và khi đã quyết hành động, thì hành động triệt để. Nhưng triệt để lắm khi dẫn tới quá khích. Hoàn hảo đôi khi không mang lại thành công, như những thất bại trong cuộc tranh đua giải túc cầu Âu Châu vừa qua.

Sự lạm dụng tình dục trong Giáo Hội Đức không gia trọng hơn nơi các nước khác; phụ nữ Đức cũng không bị coi thường hơn phụ nữ ở các nước khác; nhưng đứng trước các khiếm khuyết này, người Đức phản ứng quyết liệt hơn mọi nước khác. Phải chăng là do „chủ nghĩa hoàn hảo“? Họ không chấp nhận cái thái độ giả điếc làm ngơ theo kiểu khôn ngoan châu á hay cái lối ỡm ờ xuyềnh xoàng nơi các dân tộc Nam Âu. Nhờ đặc tinh dân tộc này người Đức đã có nhiều đóng góp cho Giáo Hội hoàn vũ. Nhưng cũng vì nó họ đã gây không ít rắc rối và âu lo cho Giáo Hội mẹ. Phản ứng của tu sĩ Martin Luther trước đây và sự hình thành Tin Lành ở Đức cũng là vì lòng đạo của dân tộc này: Họ muốn có một Giáo Hội vẹn toàn trước sự sa đoạ ở Roma.

Nhưng trên tất cả, giám mục Wilmer đề nghị một cuộc cách mạng tâm linh, trước khi khởi sự mọi thứ đổi thay cần thiết: Tín hữu chúng ta phải trở nên những kẻ đi tìm. Là vì, theo ông, nếu chúng ta có sẵn sân chơi, banh, trọng tài và khán giả, nhưng các cầu thủ giờ đây chẳng ai muốn chơi cả, thì tất cả những thứ có sẵn kia cũng vô ích. Nếu Giáo Hội có đủ định chế, song tín hữu chẳng còn ai thiết tha gì chuyện Thiên Chúa, thì mũ áo cân đai mà làm gì?

Như vậy thì vấn đề cốt lõi, kì cùng ra, là phải làm sao đánh thức được cái thú chơi banh nơi các cầu thủ, phải làm sao đánh thức được hứng khởi đức tin nơi tín hữu. Đó mới là í nghĩa và mục đích tiên quyết của mọi cải tổ trong Giáo Hội.

—— /// ——

Một người bạn ở Bologna, Italia, gọi tôi trong thời gian cao điểm của khủng hoảng Corona. Anh cho hay, các tù nhân trong các nhà tù tại Bologna đang nổi loạn. Anh làm tuyên uý ở đó và cố tìm cách hoà giải. Các tù nhân sợ bị lây nhiễm và không được chăm sóc đầy đủ. Tôi biết tình cảnh khó khăn trong các nhà tù ở Bologna, vì trước đây nhà dòng cũng đã sai tôi làm tuyên uý ở đó trong ba tháng. Và giờ đây? Đã chẳng ai ngờ tới sự phản kháng của chính các tội phạm hình sự! Trong lúc khắp nơi ở Italia hòm xác người chết vì dịch đang chất đống, thì hơi đâu lại phải quan tâm tới nhà tù! Không thể quan tâm được. Nhưng dù thế, bạn tôi, một linh mục cùng dòng, vẫn kiên trì ở lại bên các tay anh chị hảo hớn đó.

Bischof Dr. Heiner Wilmer, Hildesheim Braunschweig *** Bishop Dr Heiner Wilmer Hildesheim Brunswick

Còn tôi thì ngồi ở Hildesheim trong toà giám mục kín cổng cao tường – được khử trùng, chẳng chút nguy hiểm nào. Các toà giám mục ở Đức vốn đã luôn sạch sẽ. Tôi tự hỏi, đây đúng là chỗ của tôi? Tôi có phải nên tới với các tù nhân hay không?

Tôi vừa mới trở thành giám mục. Chức vụ này là một thế giới lạ lẫm đối với tôi. Trước đó tôi sống trong một cộng đoàn dòng tu quốc tế ở Roma. Nơi đây tôi học hỏi được nhiều điều qua các người bạn đến từ Á Châu, Phi Châu, Mĩ châu. Trước đó nữa tôi tưởng mình đã có được nơi cư trú ổn định khi dạy học ở Bronx, New York. Nghề dạy học của một tu sĩ công giáo làm gia tăng sinh lực và sáng tạo cho suốt cuộc đời tôi. Nhưng rồi giáo tông Phan-sinh đưa tôi về Đức.

Chưa bao giờ tôi gọi điện thoại nhiều như trong mấy tuần lễ vừa qua. Dịch bệnh khiến cho nhiều người mất đi cơ hội tiếp xúc cá nhân. Một ông già trong giáo phận gọi cho hay, ông đã không thể nói lời chia tay với người vợ sau năm mươi năm sống với nhau, vì người ta đã không cho ông vào thăm trong bệnh viện. Và bà đã qua đời.

Nhiều người đã và đang bị tổn thương vì sự cô đơn và đã lâm bệnh. Có rất nhiều loại nạn nhân của cơn đại dịch. Rồi chúng ta sẽ biết đó là những loại nào.

Vi khuẩn Corona thách đố chúng ta. Hiện giờ tất cả chúng ta phải tham dự vào một cuộc thử nghiệm lớn và bất đắc dĩ. Các giáo hội ki-tô giáo cũng ở trong cuộc thí nghiệm lớn đó. Con vi khuẩn hiện ra trước mắt chúng ta như một dâu hỏi lớn và nó hỏi: Này các bạn ki-tô hữu, đâu là cái cốt lõi trong Giáo Hội của các bạn? Người ta cần ki-tô hữu các bạn để làm gì? Cái gì quan trọng nhất của một giám mục? Người ta cần ki-tô hữu để làm gì? Và nếu thiên hạ cần chúng ta – thì họ phải chăng cũng cần một giám mục ở Hildesheim như cần những tuyên uý ở Bologna?

Những câu hỏi đó, đặc biệt nhờ cơn dịch, cứ thôi thúc tôi ngày càng tăng và bắt tôi phải có câu trả lời. Lại nữa lúc này người ta càng lớn tiếng than phiền về những hạn chế do Corona. Nhưng phải chăng chúng ta, với tư cách là Giáo Hội, là một nạn nhân của những hạn chế đó, như nhiều người vẫn than phiền? Nhà thờ trống, không được cùng nhau mừng lễ Phục Sinh, sự thất vọng của các em xưng tội lần đầu. Chúng ta phải chống lại những biện pháp quá lố này? Chúng đã gây thiệt hại cho nhiều tín hữu, như lắm người quả quyết?

Cảm tưởng của tôi: Giáo Hội ở Đức đã phản ứng một cách dè đạt trước cuộc khủng hoảng. Các tín hữu đã tỏ ra có kỉ luật, đồng thời có một điều mới: nhan nhản với những thánh lễ trực tuyến! Trước đó tôi đã cảnh báo – và đã bị hiểu lầm ngay. Tôi đã cảnh giác về một sự „quá tập trung vào Thánh Thể“ trước làn sóng ào ạt thánh lễ trên mạng. Nhưng không phải vì tôi không coi Thánh Thể và việc dâng thánh lễ chung là quan trọng! Mà vì chủ nghĩa toàn hảo, mà người ta vốn chủ trương trong cơn dịch; chúng ta không được để thứ chủ nghĩa này che mắt, để không còn nhìn ra được những khó khăn trong thực tế.

Tôi tin rằng, chủ nghĩa toàn hảo có thể khiến chúng ta không nhìn ra được sự giúp đỡ cần phải có cho các tù nhân, cho các tù nhân ở Bologna cũng như các tù nhân trong bốn bức tường tại gia của những người già cả tại Hildesheim.

Đôi khi sự chuyên nghiệp của Giáo Hội chúng ta cũng giống như một nhà tù. Nhà tù này làm cho chúng ta đi sai con đường mà chúng ta muốn đi. Nó vốn khử trùng và bảo vệ chúng ta khỏi mọi hiểm nguy của cuộc sống. Nhưng giờ đây, trong khủng khoảng, những biện pháp an ninh kia đều vỡ. Nhưng cũng chính sự mất an ninh này làm nổi bật lên cái nhận thức khôn ngoan rất cá biệt của Ki-tô Giáo: Không bao giờ có thể có được một cuộc sống toàn hảo, kể cả cuộc sống tôn giáo toàn hảo. Thành đạt và hoài nghi luôn đi đôi với nhau – ngay sinh thời đức Giê-su cũng đã như thế.

Chẳng có tiểu sử nào mà không có vết bẩn; chẳng có cuộc sống nào mà không phải có những quyết định khó khăn. Tôi đã học biết được cho mình rằng, chẳng bao giờ có sự toàn hảo. Điều này có nghĩa là cuộc sống ki-tô giáo, kể cả của Giáo Hội, luôn cần sự hoán cải, trở về. Chúng ta phải thoát ra khỏi cái nhà tù của một Giáo Hội toàn hảo.

  Lúc khởi đầu cuộc sống đạo của tôi còn có một kinh nghiệm cá nhân khác nữa, đó là niềm tin rằng, Giáo Hội luôn bền vững và không đổi thay. Tôi sinh ra từ miền quê Emsland, và ngày nay cứ nghĩ về tuổi trẻ và tuổi thanh thiếu niên đầy hạnh phúc của mình. Không khí đồng quê và mùi trầm hương trong nhà thờ là quê hương, và còn hơn thế, là mái nhà tinh thần của tôi. Năm phụng vụ với những lễ hội và nghi thức đối với tôi giống như là bộ quần áo thứ hai của mình.

Với tôi, công giáo tính có nghĩa là phải tạo ra được sự tin tưởng và đáng cậy, và cũng có nghĩa là giáo dục – vì thế tôi đã trở thành thầy giáo. Công giáo là người phải vươn mình lên và có thể trở nên một mái nhà cho người khác – vì thế tôi đã trở thành tuyên uý và linh mục dòng.

Trước khi Corona xuất hiện, những lạm dụng tình dục bởi các linh mục và tu sĩ đã gây tổn thương nặng nề cho Giáo Hội của tôi. Trong cơn khủng hoảng của Giáo Hội đó đôi lúc tôi cũng muốn hét lớn: Tại sao những kẻ phê bình chỉ trích lại muốn lấy đi quê hương, lấy đi tính cách công giáo của tôi? Không, Giáo Hội của tôi không phải là một hội đoàn của những kẻ tội phạm. Tôi cũng không muốn người ta lấy đi cái cảm giác hạnh phúc nơi tôi. Chỉ có tình yêu, chứ không phải sự chối bỏ hay thù ghét, mới khiến cho người ta hoán cải! Cái Tôi công giáo trẻ con của tôi đã la lên như thế một thời. Nhưng người linh mục nơi tôi hôm nay lại nói: Tốp lại, đừng la hét một cách bất công như thế nữa! Là vì cũng có tiếng hét của những nạn nhân, cũng còn có các bức tường nhà tù, cũng còn có những lời phê bình rất có lí.

Giáo Hội là mái nhà chung của chúng ta. Khi nghĩ tới việc phải thật sự làm mới căn nhà này ra sao, để nó trở nên quan trọng trở lại cho con người, thì tôi gặp hai điều khó chịu: một bên là sự giận dữ leo thang về sự xấu xa của Giáo Hội, một bên là những giòng thác bênh vực cho sự bền vững của Giáo Hội. Cả hai đều mang tính phá hoại.

Thay vào đó, tôi muốn chúng ta nên thành thật tự hỏi thế này: Chúng ta phải khẩn cấp thay đổi điều gì và chúng ta muốn thật sự giữ lại điều gì? Tôi có cảm nhận, nhiều tín hữu công giáo ở Đức không muốn có một Giáo Hội tự bằng lòng với mình; trái lại họ muốn có một Giáo Hội phục vụ cả người tin lẫn kẻ đang đi tìm.

Nhưng thật tiếc: Ngày nay ai coi trọng đức tin, người đó liền bị nghi ngờ là kẻ không muốn đổi mới. Và rồi: Anh làm sao có thể nói về Chúa được, khi Giáo Hội chúng ta khinh miệt phái nữ một cách có hệ thống như thế? Chị làm sao có thể nói về sự lành thánh được, khi sự lạm dụng tình dục đang gây nản lòng Giáo Hội? Làm sao có thể nói về sự kiếm tìm í nghĩa, khi đối với nhiều người giáo huấn của Giáo Hội đã chẳng còn í nghĩa gì nữa, thậm chí đã trở nên trống rỗng?

Và rồi phía kia lại phản pháo: Làm sao nói được là lạm dụng, khi đại đa số các linh mục đều trung thành phục vụ? Làm sao nói được là thứ „công giáo tụt hậu“, khi nhiều người vẫn tìm được sinh lực nơi tràng chuỗi mân côi và nơi các sinh hoạt đạo đức truyền thống khác? Làm sao đòi thay đổi, khi tự chính mình không chịu thay đổi?

Chúng ta phải thoát ra khỏi cái bẫy đổ lỗi lên nhau đó. Giáo Hội công giáo là cộng đoàn dân Chúa – và Giáo Hội này nay đang tìm về đại kết và muốn có những đối thoại liên tôn. Giáo hội này cũng là một tổ chức phẩm trật và được điều hành bởi các giám mục, điểm này tôi không thể và không muốn thay đổi. Nhưng đừng vì thế mà tố cáo tôi là người không muốn thảo luận về cách làm sao để gia tăng sự tham gia và gia tăng tính cách công nghị trong Giáo Hội. Quan trọng hơn câu hỏi, có nên để cho những người đã lập gia đình làm linh mục hay không, là câu hỏi, đâu là í nghĩa của chức linh mục ngày nay? Là giám mục của Hildersheim, tôi cũng có nhiệm vụ phải nói cho vị giám mục của Roma, giáo tông của chúng ta, biết, cái gì đang gây giận dữ nơi giáo dân của mình. Đó là điều mà giám mục của Roma cũng đang chờ đợi nơi tôi.

Tôi không muốn phá đi cái khung định chế của Giáo Hội, nhưng tôi tin, chỉ cái khung này mà thôi cũng chẳng quan trọng gì lắm. Nếu chúng ta thật sự muốn thay đổi Giáo Hội, thì chúng ta phải nghiêm túc hỏi: Tại sao chúng ta phải nhất thiết làm tất cả chuyện đó? Tại sao có Giáo Hội? Đức tin để làm gì? Khi còn là thầy giáo dạy môn Tôn Giáo, học sinh thường hỏi tôi: Cái đó mang lại cho tôi điều gì? Chúng ta phải có câu trả lời.

Có lẽ sự so sánh với thể thao này giúp chúng ta sáng tỏ thêm: Để chơi túc cầu, dĩ nhiên chúng ta cần một sân chơi, các khung thành, các đường biên. Lại nữa: cần phải có một trái bóng, một vị trọng tài và các luật lệ. Và lại nữa: cần một cầu trường, các khán giả và một tấm bảng. Nhưng tất cả những thứ đó rồi sẽ ra sao, nếu chẳng còn ai thích thú chuyện đá banh nữa? Mọi thứ sẵn có đó, nhưng chẳng ai còn nhìn thấy í nghĩa của trò chơi. Tôi phải nghĩ ngay tới các khu ổ chuột ở Phi Châu; ở đó các em chẳng có lấy một quả bóng. Nhưng chúng chơi bằng cái lon nước ngọt cola méo mó. Không có động cơ, không có niềm vui và không có hành động thì mọi thứ chẳng còn là gì cả.

  Có người sẽ nói ngay, làm sao mà sánh được như thế, phải chăng ông muốn coi nhẹ những vấn đề của chúng ta? Nói như thế là quá đơn giản. Chúng ta không buộc phải phá sập các nhà thờ chính toà cũng như không buộc phải chấm dứt những nỗ lực đổi mới của chúng ta, khi chúng ta quan tâm hơn tới những câu hỏi về siêu việt và về thông điệp ki-tô giáo. Khi chúng ta hỏi, Thiên Chúa và thông điệp của Người có còn nơi chúng ta nữa không. Nhà thần học Eckhardt-Nordhofen gọi đó là „của ăn siêu nhiên“, là thứ mà chúng ta cần, để giải toả một cơn đói hoàn toàn khác với cơn đói cơm bánh. Chúng ta có còn muốn tham gia cuộc chơi mầu nhiệm đức tin lớn này không?

Không lâu trước khi dịch xẩy ra tôi lại ghé sang Paris. Sau khi ăn sáng, tôi đi tới nhà nguyện khiêm tốn Notre Dame d’Espérance ở đường Roquette dẫn tới nghĩa trang Père Lachaise. Nhà thờ được xây trên một bức tường thuộc thế kỉ 13., nhưng nó rất tân tiến. Nó mới khoác dạng hiện nay của nó vào đầu những năm 2000. Đó là một toà nhà được xây mới một cách táo bạo trên những nền cổ. Nhà thờ nép mình theo dãy căn hộ giữa nhà hàng ăn thái-lan Blue Elephant và một tiệm bán thuốc tây. Đa số người trong khu này từ lâu đã không còn liên hệ với Ki-tô Giáo nữa; họ đã gia nhập vào một cộng đoàn tôn giáo khác hoặc tự coi mình là vô thần. Nhưng sứ điệp của nguyện đường cũng muốn gởi tới họ.

Thách đố cho Giáo Hội của chúng ta là – cũng như ngôi nhà nguyện nhỏ này – phải nép được vào với các dẫy nhà của thời nay, dù nó được xây trên nền cổ. Trong suốt quá trình lịch sử lâu dài – Giáo Hội công giáo Rôma đã trải qua nhiều lần khủng hoảng. Việc nhớ lại những biến cố này có thể giúp chúng ta đổi mới định chế cách thế nào, để nó có thể tái hoạt động được. Mất niềm tin, mất sự chính đáng, xa rời thực tế: Đó là những hiện tượng khủng hoảng làm lung lay Giáo Hội hôm nay của chúng ta. Và cú đánh tác động mạnh nhất là gương xấu lạm dụng tình dục. Nhìn ra được vực sâu của Giáo Hội, chúng ta có thể coi đó là cơ hội để quay trở về con đường đúng của mình và biết sống cho kẻ khác.

Ngoài mặt tiền của Notre Dame d’Espérance người ta viết mấy câu từ Sách Mi-ca: „Con nên xuất hiện trước Thiên Chúa như thế nào? Bằng cách cúi mình trước Đấng Trên Cao? (…) Này con người, ngươi đã được chỉ cho biết, cái gì là tốt và cái gì Thiên Chúa chờ đợi nơi ngươi. Tất cả chỉ là thế này: hành động theo lẽ phải, chuộng sự nhân hậu và kính cẩn bước đi cùng Thiên Chúa của ngươi“. Như vậy đoạn sách đó chỉ yêu cầu chúng ta hành động theo lẽ phải, chuộng sự nhân hậu và tình yêu. Đó là một lời mời gọi. Nó thích hợp cho khu phố này. Nhà thờ mới xây, nhưng niềm tin thì đã cũ. Với tôi đó là một viễn kiến về Giáo Hội.

Chúng ta đang đứng trước một thời điểm sang trang. Đức tin ở Châu Âu đang đổi thay có lẽ như chưa từng thấy từ 1000 năm qua. Chúng ta phải giải thích cho con người, tại sao còn cần học hỏi Kinh Thánh, tại sao còn cần tiếp cận với đức Giê-su. Đời sau còn cần cho chúng ta hôm nay nữa không? Nếu không tự đặt ra cho mình những câu hỏi đó, mọi cải tổ sẽ vô ích. Cuộc cách mạng tâm linh, mà chúng ta cần, là: Chúng ta phải trở nên những kẻ đi tìm. Chỉ khi chúng ta nhận ra, thế giới đã đổi thay tận căn như thế nào, chúng ta mới dám cải tổ tận căn Giáo Hội mình. Mục tiêu không phải là một Giáo Hội toàn hảo, mà là một cộng đoàn nhiều tiếng nói – cộng đoàn này có một số điều để bảo tồn mà vẫn không ngừng năng động. Đức tin vốn là một đối nghịch với chủ nghĩa toàn hảo. Nhạc sĩ người Do-thái Leonard Cohen mô tả điều này qua mấy câu sau đây, mà tôi cho là rất quan trọng: „Forget your perfect offering. There is a crack in everything. Thát’s how the light gets in.“ (Hãy quên đi những món quà rẻ rúng của bạn. Tất cả chúng đều có vết nứt. Nhưng đấy cũng là chỗ để cho ánh sáng lọt vào.)

Tôi tin rằng, ở đâu chúng ta muốn có được sự toàn hảo cho Giáo Hội, ở đó chúng ta quên mất ân sủng của Chúa. Quên mất sự an ủi của Người. Nhiệm vụ của ki-tô hữu luôn vẫn là tìm kiếm ân huệ của Chúa. Chúng ta, cả người tuyên uý nhà tù ở Bologna lẫn ông giám mục ở Hildesheim, tất cả mọi người đều được mời gọi đi tìm điều đó.

Chúng ta cần nhìn vào trái tim bị thương tổn của hôm nay, cần nhìn vào vết nứt nơi cuộc sống của tha nhân, nhìn vào nếp gãy nơi chính cuộc sống của mình. Leonhard Cohen hát: “There is a crack in everything”. Con đường đưa ta tới Chúa chỉ xuyên qua vết nứt, cơn đau và nỗi tức giận này. Hãy thoát ra khỏi những nhà tù do mình tự xây nên cho mình. Chúng ta hãy thành thực với mình, chẳng có gì dễ hơn điều này. Chúng ta còn muốn mình là ki-tô hữu nữa không? Nếu có, thì phải làm như thế.

 * Was ist eure Relevanz, ihr Kirche? Wozu braucht man uns Christen überhaupt? Từ Die Zeit, số 24 ngày 4.6.2020) .

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.