Trần Mỹ Duyệt
Lễ Giáng Sinh hay còn được gọi là Lễ Sinh Nhật, Christmas, Noël, Nativity, Kolena, Xmas… Một đại lễ mang tính cách quốc tế, được cử hành trong toàn Giáo Hội Công Giáo, và hầu như trên khắp thế giới. Đây là ngày vừa có tính cách tôn giáo, và cũng là một lễ hội, đặc biệt đối với các trẻ em vì chúng mong được nhận quà Giáng Sinh từ ông già Noel, cũng như các em nhỏ Việt Nam mong nhận quà lỳ xì trong ngày tết Nguyên Đán.
Lễ Giáng Sinh được cử hành vào ngày 25 tháng 12 dương lịch, nhưng theo truyền thống lễ này được cử hành vào nửa đêm ngày 24 rạng sáng 25 tháng 12. Do đó còn được gọi là Lễ Nửa Đêm, vì nó mang ý nghĩa giữa bóng tối và ánh sáng, giữa ngày và đêm. Chúa Giêsu sinh ra đời, Ngài là ánh sáng chiếu soi thế gian tối tăm tội lỗi, và mở ra kỷ nguyên cứu độ.
Giáng Sinh theo Kinh Thánh
Truyền thống Kitô giáo kể rằng, Chúa Giêsu được sinh ra trong một hang nuôi chiên bò ngoài thành Belem giữa đêm trường giá rét. Ngài được Mẹ Maria quấn trong khăn vải thô và đặt nằm trong máng cỏ là máng chứa thức ăn của chiên, bò, vì cha mẹ Ngài nghèo nên không thuê được nhà trọ. Cũng theo Thánh Kinh, trong đêm Ngài sinh ra, ở nơi xa xa cách đó vài cây số mà ngày nay gọi là Cánh Đồng Chiên có các mục đồng thức đêm canh giữ đoàn vật của họ. Họ được thiên thần Chúa đánh thức và báo tin: “Đừng sợ. Này đây ta báo cho các ngươi một tin vui, đó cũng là tin vui cho toàn dân. Hôm nay trong thành Đavít, một Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho các ngươi. Người là Chúa Kitô, Đức Chúa.” (Luca 2:10-11) Họ là những người đầu tiên lãnh nhận tin mừng này. Họ đã vui mừng đến nơi Chúa sinh theo lời thiên thần kể. Và trong đêm trường giá lạnh, họ nghe văng vẳng tiếng các thiên thần hát mừng Con Thiên Chúa giáng trần: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm”. (Luca 2:1-14)
Cũng theo Phúc Âm của Thánh Mátthêu, khi Chúa Giêsu sinh ra có Ba Vua, còn được gọi là Ba Đạo Sỹ hay ba nhà thông thái từ Đông Phương theo ánh sao lạ dẫn đường tìm đến triều bái Ngài. Nhưng sau khi nghe Ba Vua tường thuật về sự xuất hiện của Ngài thì tiểu vương Hêrôđê lúc bấy giờ ra lệnh tìm giết Ngài, và gia đình Ngài đã phải trốn chạy qua Ai Cập tỵ nạn. Sau này khi ông Hêrôđê băng hà, được lời báo mộng, Giuse mới đem gia đình trở về Do Thái và định cư tại Nazareth.
Lịch sử lễ Giáng Sinh
Trong tiếng Anh, chữ Christmas bao gồm hai chữ Christ và Mas. Christ có nghĩa là Kitô, Đấng Cứu Thế (Messiah) hay Đấng được xức dầu, và Mas là thánh lễ (Mass). Christmas là lễ mừng ngày sinh nhật của Đức Kitô, cũng là Đấng Cứu Thế. Ngài sinh ra để cứu độ trần gian. Thật ra, Ngài đã giáng trần cách đây hơn 2000 năm, ngày nay chúng ta chỉ mừng kính kỷ niệm sinh nhật của Ngài mà thôi. Đúng hơn phải nói đây là lễ mừng Kỷ Niệm Ngày Chúa Giáng Trần.
Theo lịch sử, những Kitô hữu đầu tiên đã mừng ngày này là ngày sinh nhật của Chúa Cứu Thế, và được Đức Giáo Hoàng Julius I ấn định năm 350 AD. Lần đầu tiên, ngày 25 tháng Mười Hai được chọn làm ngày lễ xuất hiện trong lịch Philocalian, một tài liệu của Roma từ 354 AD. Mãi đến thế kỷ thứ 9 lễ này mới trở thành đại lễ được phổ biến và cử hành rộng rãi của người Công Giáo. Truyền thống trang hoàng cây, ánh sáng, quét đường, và trò chơi mừng ngày này được bắt đầu ở Đức vào năm 1500.
Chuẩn bị mừng Giáng Sinh
Để chuẩn bị tinh thần mừng lễ Giáng Sinh, Giáo Hội Công Giáo dành 4 tuần lễ trước đó gọi là Mùa Vọng. Một thời gian mang tính cách tượng trưng nhắc lại bốn ngàn năm nhân loại mong chờ Đấng Cứu Thế, như dân Israel trong Cựu Ước mong chờ Đấng Messiah đến giải thoát họ khỏi tay kẻ thù. Ngoài ra, nó cũng giúp nhớ lại 40 năm dân Do Thái lưu lạc trong hoang địa trước khi vào được đất hứa. Bốn tuần lễ với những tâm tình Mùa Vọng, đó là: Hy Vọng, Hòa Bình, Vui Mừng, và Yêu Thương. Đây chính là chủ đề suy niệm, sống và thực hành cho mỗi một tuần trong bốn tuần của Mùa Vọng.
Những tục lệ Giáng Sinh
-Hang Belem
Biểu tượng của lễ Giáng Sinh là hang đá, tượng trưng nơi Chúa sinh ra ở ngoài thành Belem. Hang đá, máng cỏ, và cây thông Giáng Sinh được trang hoàng bằng những ngọn đèn muôn màu sắc như những ánh sao lấp lánh trong đêm Chúa ra đời.
Tục lệ dựng cảnh Giáng Sinh đến từ Ý, bắt nguồn từ nghệ thuật được tìm thấy trong các hang toại đạo của thánh Valentine, khoảng năm AD 380. Cùng thời gian xuất hiện bên dưới tòa giảng của Thánh Ambrogio, Tổng Giám Mục Milan. Người có công đầu phổ biến cảnh Giáng Sinh là Thánh Phanxicô Assisi. Năm 1223, ngài cho dựng lại cảnh Giáng Sinh trong hang núi gần Greccio, Ý vào chiều ngày Lễ Giáng Sinh như chúng ta thấy trong các hang đá hiện nay, gồm có máng cỏ, chiên, bò, lừa, cỏ khô. Chúa Giêsu được đặt trong máng cỏ, có Mẹ Maria, Thánh Giuse quỳ thờ lạy. Ngày nay cảnh Giáng Sinh được cho là một hình ảnh tôn giáo tượng trưng của mùa Giáng Sinh và trong Lễ Giáng Sinh. Truyền thống này được lan rộng, chúng ta có thói quen làm hang đá, hoạt cảnh Giáng Sinh như hiện nay. Chiều ngày lễ và chính ngày Giáng Sinh, tại các nước như Pháp, Đức, Mễ Tây Cơ, và Tây Ban Nha, hoạt cảnh Giáng Sinh thường được tổ chức ngoài trời trên các đường phố.
Những bài hát mang tính cách quốc tế như Silent Night, Deck the Halls, Jingle Bells, Joy to the World, The Little Drummer Boy, Feliz Navidad, hoặc những bài như Hang Belem, Cao Cung Lên, Kìa Trông, Hội Nhạc Thiên Quốc…là những bài hát mà mọi người đều nghe hát trong mùa Giáng Sinh.
-Cây thông Giáng Sinh
Theo nhà sử học Eddius Stephanus (Æddi Stephanus) thuộc thế kỷ thứ 8, Thánh Bonifaxiô (634–709), truyền đạo tại Đức, là người đầu tiên dùng cây thông Giáng Sinh (cây Noel) để trang hoàng lễ Giáng Sinh. Thế kỷ 16, những người Đức theo phái Luthero cũng lần đầu dựng và trang hoàng cây thông Giáng Sinh. Một ngôi sao thường đặt trên ngọn cây như dấu chỉ ngôi sao Belem năm xưa đã soi đường cho Ba Nhà Đạo Sỹ đến kính bái Chúa Hài Nhi. Ngoài ra còn có nến đèn thắp sáng tượng trưng Chúa là Ánh Sáng Thế Gian sinh ra ở Belem.
Dưới gốc cây Giáng Sinh là những gói quà sẵn sàng để mở khi mọi người đi Lễ Nửa Đêm về và sau khi đã ăn tiệc Giáng Sinh.
Những người Âu Mỹ từ thế kỷ 18, khi trưng bày Giáng Sinh còn treo một nhánh tầm gửi (mistletoe) ở lối ra vào nhà, và theo truyền thống những ai vô tình hay cố ý đứng dưới nhánh tầm gửi này sẽ được người trong nhà đến trao một nụ hôn, vì tầm gửi là tượng trưng của lãng mạn và tình yêu. Tại Việt Nam, ngày tết bao giờ trong nhà cũng có cành mai hoặc cành đào, hoa trạng nguyên (Poinsettia Noel) là một loài hoa không thể thiếu được dùng để trang hoàng hang đá, nhà cửa vào dịp Giáng Sinh.
-Ông già Noel
Đây là hình ảnh mà các em nhỏ thích thú và luôn nghĩ tới vào dịp Giáng Sinh. Tại những siêu thị, các khu thương mại, hoặc công cộng vào dịp Giáng Sinh, các em thường mong được chụp hình với các ông già Noel ở đây. Theo truyền thống, các em sẽ viết những ước mơ của mình và bỏ vào những chiếc vớ màu đỏ rồi treo ở lò sưởi, vì tin rằng Đêm Giáng Sinh, ông già Noel, người có bộ râu dài, trắng, chiếc bụng to phúc hậu, với đôi ủng màu đen và to ngồi trên chiếc xe được kéo bởi 9 hoặc 12 con tuần lộc. Ông sẽ dừng lại ở mỗi nhà và chui qua ống khói rồi bỏ vào các chiếc vớ món quà mà các em đã xin. Niềm mơ ước Giáng Sinh của các em là sau khi đi lễ Nửa Đêm về, hoặc sáng sau khi thức dậy mở quà, các em sẽ nhận được những gì mà các em đã mong ước.
Cũng theo truyền thống tôn giáo, khoảng thế kỷ 13, Thánh Giám Mục Nicholas được cho là ông già Noel. Ngài thường hóa trang thành ông già râu tóc bạc phơ, hiền hậu đem quà cho các em nhỏ trong Đêm Giáng Sinh. Truyền thống này được biết đến ở Netherlands rồi lan truyền tới trung và nam Âu Châu, và khắp thế giới cho đến hiện tại.
-Thiệp mừng Giáng Sinh
Những tục lệ quanh ngày lễ Giáng Sinh thì nhiều. Người Công Giáo cũng như không Công Giáo đều trao nhau quà cáp, những lời cầu chúc tốt đẹp trong suốt mùa Giáng Sinh và trong năm mới tương tự như quà, bánh kẹo ngày tết mà người Việt mình thường biếu hoặc tặng nhau. Ngoài ra, trước đây người ta gửi những thiệp Giáng Sinh rất đẹp, nhiều mẫu mã với những lời cầu chúc thánh thiện, giống như người mình gửi thiệp tết. Ngày nay, thiệp Giáng Sinh hoặc thiệp tết đang dần dần biến mất, và chúng được thay thế bằng những tấm thiệp và lời chúc gửi qua email, messengers, hoặc facebook…
-Tiệc Giáng Sinh
Tiệc Giáng sinh (Christmas dinner hay Réveillon) là bữa ăn truyền thống của người Âu Mỹ sau khi tham dự Lễ Nửa Đêm. Tiệc Giáng Sinh có thể diễn ra bất cứ lúc nào từ Đêm Vọng Giáng Sinh đến tối ngày Giáng Sinh. Đây là bữa ăn đặc biệt mang ý nghĩa kỷ niệm ngày Chúa giáng trần. Nhiều món ăn khác nhau ở các nơi khác nhau trên thế giới tùy theo vùng miền và truyền thống địa phương. Ở Anh và các vùng ảnh hưởng của Anh, bữa ăn truyền thống này gồm thịt nướng và bánh pudding. Người Âu tây thông thường thích ăn gà tây nấu hạt dẻ, bánh mứt pha chocolate và uống sâm banh. Nhưng nếu thiếu những lát bánh từ Buche de Noel thì bữa tiệc Giáng Sinh mất đi một phần ý nghĩa, cũng như tại Việt Nam thiếu miếng bánh chưng, bánh tét trong ngày tết.
-Màu sắc Giáng Sinh
Nói đến Giáng Sinh, không thể bỏ qua những màu sắc mang ý nghĩa tượng trưng được dùng để trình bày trên các mẫu thiệp, trang trí hang đá, máng cỏ, và cây Giáng Sinh. Theo truyền thống, những màu trang hoàng lễ Giáng Sinh gồm đỏ, xanh và vàng. Đỏ tượng trưng cho máu Chúa Giêsu, máu sẽ đổ ra trên thánh giá. Xanh tượng trưng cho sự sống đời đời, và vàng nói lên vai trò vương đế của Ngài. Vàng, nhũ hương và mộc dược là những lễ vật Ba Vua dâng tiến Ngài.
Giáng Sinh vui mừng. Giáng Sinh tưng bừng. Giáng Sinh an lành. Cầu chúc mọi người Mùa Giáng Sinh VUI VẺ, AN BÌNH và THÁNH ÂN.
Giáng Sinh 2024
Views: 0