francis assisi lê đình bảng.
1.
Có lẽ, chẳng cần phải lục lọi, tra cứu tài liệu, sách vở Đông Tây kim cổ gì cho lôi thôi, rối trí, rách việc. Cứ nôm na, tính từ cái hôm trái gió trở trời, khi nàng Eva nhẹ dạ cả tin, nghe lời dụ khị ngon ngọt của con rắn, lỡ dại ăn trái Chúa cấm trong vườn địa đàng; rồi rủ rê chàng Adam chồng mình ăn theo, thì lịch sử loài người chúng ta đã bị lật sang một trang mới, một khúc quanh mới: Bi kịch của sa ngã và khổ đau, cần được cứu rỗi. Đúng là trăm dâu lại đổ lên đầu tằm. Xét cho cùng, chỉ tại cái miệng ăn, cái bụng làm, mà dạ phải chịu và cái thân cái phận đành cắn rơm cắn cỏ đeo mang kiếp nhân sinh cùng quẫn, đoạ đày.
Ông Lâm Ngữ Đường- một cách gần xa nào đấy, đồng cảm với ý tưởng trên – có viết trong quyển”The Importance of Living” rằng một hậu quả nghiêm trọng nhất, đó là chúng ta có một cái bao không đáy, tên cúng cơm của nó là bao tử. Ngạc nhiên chưa, nó ản hưởng đến cả nền văn minh của nhân loại đấy, bạn ạ. Từ hoang dã với cỏ cây, hang động đến lều trại, chăn thả, săn bắt, hái lượm. Từ buôn bản, xóm làng, vườn tược, trồng cấy đến ngũ cốc, kho lẫm và chế biến, cơ khí, xí nghiệp.
Muốn nắm được diễn tiến, đầu đuôi cơ sự ấy ra làm sao, xin hạ hồi phân giải, bởi đó như một chuyện dài có nhiều chương hồi.
Còn Lý Lạp Ông – một nhà triết học, một người có tiếng sành sỏi về văn hoá Trung quốc – lại đưa ra một luận điệu khá chua chát. Rằng, xét trong các bộ phận, cơ thể con người, tai mắt, mũi lưỡi, chân tay thảy đều cần thiết. Chỉ có hai cơ quan chẳng cần thiết chút nào cả, mà ông trời lại hào phóng ban cho ta. Đó là cái miệng và cái bao tử, nguồn gốc sinh ra bao nhiêu hệ luỵ từ xưa đến nay. Đó là miếng ăn và lời nói. Bởi cái miệng và cái bao tử, nên sinh kế mới hoá ra phiền phức. Sinh kế phiền phức mới đẻ ra mưu mô gian trá, lọc lừa. Mưu mô lọc lừa gian trá, nên mới phải đặt ra hình pháp, luật lệ, nhà tù để răn đe, trừng phạt.
Kìa xem cây cỏ lá hoa có miệng và bao tử đâu? Ấy vậy mà vẫn muôn hồng nghìn tía sinh sôi nảy nở; đến nỗi người ta phải làm cỏ, phát quang, huỷ diệt. Lại thấy đất đá vô tri, chẳng hề ăn uống gì, mà sao vẫn lở bồi, biến hoá, trường tồn, trơ gan cùng tuế nguyệt. Thế thì tại sao loài người lại khác, phải có cái miệng để ăn và cái bao tử để chứa đựng? Sao ông trời không tạo dựng nên ta như loài cá tôm, sinh vật biển chỉ rặt đớp bọt nước hoặc rong rêu phất phơ tơ liễu mà vẫn sống nhăn, sống khoẻ, sống trường thọ?
Hoặc như cái kiến, con ve, loài cào cào châu chấu, đông trùng hạ thảo chỉ hút hơi sương, nhặt nhạnh vương vãi tơ trời mạch đất mà vẫn phát triển đầy đủ khí lực, để ngày đêm ca hát, bay nhảy, tung tăng? Thế mới trái tai gai mắt và khó nghe, khi nhớ lời mấy ngài triết gia Tây phương nào đấy phán những câu xanh rờn rằng “ người ta là cây sậy biết tư duy” hoặc “người ta là loài vật có lý trí”. Rõ ràng cái đúng và cái không đúng, cái khổ và cái sướng rất tương đối, bão hoà thế nào ấy. Y như cái nhân sinh quan “ đầy và vơi” của ông tổ Lão Trang, khi thung dung cưỡi trên lưng trâu ngất ngưởng, mà vô vi xuất thế.
Có cái miệng và bao tử. Trời còn cho thêm ta tự do và thị dục, những cánh cửa mở toang của ngũ quan, có khả năng tiếp nhận và tích luỹ bao nhiêu cũng không chán, không vừa. Mấy cụ nho cội, nho chùm hễ mở miệng ra là “tri túc, tiện túc, hà thời túc? Nhân dục vô nhai”.
Nhưng thực tế thì tai ác lắm. Một thiếu, hai thừa, ba bốn cũng chưa. . . vừa, chưa đủ. Khổ nỗi, bản chất con người – bởi chẳng phải là thánh nhân, cũng chẳng phải là cầm thú – cho nên mới nảy nòi phát sinh ra muôn ngàn chước mốc ma quỷ cám dỗ, không lường trước được. Cái gốc” nhân chi sơ, tính bản thiện” ấy cũng đã theo chân nàng Eva và Adam. . . ra sông, ra biển hết trơn hết trọi rồi còn đâu?
Đành rằng, trong tiến trình đi lên, con người luôn khát khao vươn tới, để chế ngự cái thấp hèn và nặng trĩu tham sân si của lòng mình, để vô chấp, vỗ cánh bay lên, làm bạn với cao xanh, như các bậc thánh nhân, tiên hiền, hoặc như Tôn Ngộ Không trong truyện Tây Du Ký.
Chính danh quân tử như Ngài Vạn Thế Sư Biểu mà cũng phải kiêng dè hai cái thị dục lớn nhất của đời người, đó là dinh dưỡng và sinh dục, nôm na là thèm thuồng ăn uống và đòi hỏi xác thịt, trai gái. Tú Xương chẳng đùa cợt” một trà, một rượu, một đàn bà/ Ba cái lăng nhăng nó quấy ta. ” đấy ư ? Nói mạnh miệng cho vui, đến như nhà trời, làm ra được mưa gió, sấm sét kinh hoàng, ấy vậy mà đành phải nguôi cơn thịnh nộ, đặng cho người ta ăn xong bữa cái đã. Trời đánh, còn tránh bữa ăn. . . nữa là. . .
2.
-
-
- ”Tháng Giêng, ăn Tết ở nhà. . .
-
-
-
- Tháng Hai, ngắm đứng, tháng Ba ra mùa. . .Trở về Một, Chạp, vào mùa ăn chay. . . ”
-
Đọc mấy câu hát vè vãn đạo đời trên đây, mới thấy bà con mình, hình như bị ám ảnh bởi miếng ăn quá đỗi! Tất tần tật, đạo cũng như đời đều nói đến chuyện. . . ăn.
Cứ đọc hoặc nghe ngôn ngữ thường ngày của người Việt mình thì đủ biết. Ăn vừa để sống, lại vừa để thể hiện một cung cách, một văn hoá, văn hoá ẩm thực. Nói cho bóng bảy, chữ nghĩa thánh hiền thì không ăn, không thành chuyện, phi thực bất thành sự, phi thực bất thành lễ. Khó ăn thì khó nói.
Chẳng thế mà ngày xưa, các cụ nhà ta đã chăm lo dạy dỗ con cháu phải ra sức” học ăn, học nói, học, gói, học mở”, “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”, ”ăn trông nồi, ngồi trông hướng” và phải học lấy cái bí quyết tương kế tựu kế, xã giao, thương thảo danh bất hư truyền”tốt lễ, dễ thưa!”. . . Cũng vì ăn uống, xin phép lạm bàn thêm một tí.
Ai bảo dân ta nghèo là lầm to đấy nhé. Nghèo gì mà ăn với uống, cứ là lia chia. Nghèo gì mà lúc nào cũng bày ra dao thớt, cỗ bàn, đám xá, mời mọc, tiệc tùng. Vui cũng ăn, mà buồn cũng ăn. Sống cũng ăn, mà chết cũng ăn. Nghèo gì mà lấy bữa ăn để xác định cái lịch thời gian: Bữa nay, bữa mai, bữa mốt, dăm bữa, nửa tháng. . . ?
Hình như, có ăn, mới dễ nhớ. Chẳng cần phải lặn lội, moi móc, kiếm tìm đâu xa. Xung quanh ta, có cả một thế giới ngồn ngộn chữ nghĩa về ăn uống. Lễ lạt hiếu hỷ thì có ăn hỏi, ăn nhóm họ, ăn cưới, sinh nhật, thôi nôi, đầy tháng, ăn đám, ăn giỗ, ăn khai trương, ăn mừng công, ăn khao, ăn vọng, ăn Tết. Đấy là”ăn ngon, ăn sạch, ăn có phép tắc, kỷ cương, có vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn lấy thơm lấy thảo, ra cái điều phú quý sinh lễ nghĩa. . .
Còn “ăn dơ, ăn bẩn” là chuyện dài nhiều tập, đặc biệt là” chuyện thường ngày ở huyện” của nước mình. Bạn không tin ư ? Hãy thử rảo quanh một vòng mà xem. Này nhé, ăn bám, ăn bòn, ăn bớt, ăn rút, ăn chia, ăn gian, ăn tham, ăn theo, ăn hại, ăn chơi, ăn đong, ăn đầu, ăn đuôi, ăn vạ, ăn vặt, ăn mót, ăn nhờ, ăn hớt, ăn rỗi, ăn trọn, ăn vụng, ăn xổi.
Nghiêm trọng hơn, là ăn cắp, ăn cướp, ăn chịu, ăn chực, ăn rình, ăn chặn, ăn quỵt, ăn sương, ăn trộm. . . Để rồi cuối cùng, không còn ăn giả bữa hoặc ăn dối già được nữa thì chỉ còn cách ăn đất, ăn mày và ăn xin. . . nữa là. . . . đứt phim, xong chuyện. Ăn năn đến mấy cũng không xoá được tội lỗi.
Chung quy, cũng chỉ vì cái miệng, cái miếng ăn mà ra cả. . .
Trở lại chuyện ăn chay. . . kiêng thịt mùa chay của con nhà đạo mình. Này nhé, ai đời đang ăn Tết vui vẻ, ê hề rượu ngon, thịt béo thì. . . Thứ Tư Lễ Tro ập tới. Bao nhiêu món ngon vật lạ béo bở, mỡ màng bỗng dưng. . . đình đốn, khựng lại cái rụp. Bởi thế cho nên, sinh thói sinh tật. Ăn ngày không đủ, tranh thủ ăn đêm. Có cảm tưởng như là ăn cho bõ ghét ; ăn để trả thù. . . những ngày. . . chay tịnh.
Bản thân kẻ viết bài này đã nghe biết khá nhiều chuyện ăn chay. . . cười ra nước mắt nước mũi, mà nói ra đây, sợ. . . lại có ai ngộ nhận?
Đại để, họ bảo, ăn cho đã cái miệng, đến ngày giữ chay, khỏi phải thèm thuồng miếng thịt, khỏi tương tư bát phở nghi ngút thơm lừng những tái chín, nạm, vè, gầu, gân, sách; khỏi phải nhớ cữ bia, rượu xởi lởi, cồn cào. Hèn chi, bên Tây có thêm” ngày Thứ Ba béo – Mardi gras”. Và bên ta thì chẳng kém cạnh, đủ cả đình đám, cỗ bàn. Tôi nhớ rõ ràng, nói dối phải tội. Đó là cánh mày râu trong xứ họ nhà đạo mình, họ rủ nhau, bày ra cái món khoái khẩu rất quốc hồn quốc tuý, với cái lý luận rất chày cối là”kiêng thịt cầy, bày gỏi cá”. Loài vật máu lạnh, cứ tha hồ phóng sinh, mặc sức nấu nướng, chiên xào. Thôi thì, tung hoành ngang dọc. Nghêu sò ốc hến, cùng cả nhà cả làng cả họ nhà cá, như trắm, trôi, mè, chép, diếc, diêu hồng, tai tượng. . . được mùa trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng. Cũng chén chú chén anh, chén bác chén tôi. Cũng mịt mù hương khói. Cũng ngây ngất, la đà, quên cả lễ lạy, kinh hạt. Đã bảo rằng” nắng gỏi trưa, mưa thịt chó” thì hết thuốc chữa.
Hoá ra, so với các tôn giáo và tín ngưỡng bạn, ăn chay bên đạo mình rất ư là nhẹ nhàng, thông thoáng, sướng như tiên rồi còn gì? Nói thế, tôi đâu dám vơ đũa cả nắm. Có chăng, chỉ là ít nhiều trường hợp ngoại lệ, đơn lẻ và hi hữu thôi. Chứ đa phần nhà đạo mình cũng giữ chay nghiêm túc lắm. Cha Đắc Lộ đã mô tả với một thái độ cảm phục thật lòng như sau, trong những trang bút ký truyền giáo” Histoire du Royaume de Tunkin, 1651” và”Divers voyages et Missions, 1653” như sau: ”Lòng nhiệt thành và sốt sắng của giáo dân lên rất cao. . . Người ta giữ chay rất sốt sắng. Chúng tôi biết rõ lương dân cũng giữ chay rất nghiêm nhặt. Họ không những kiêng thịt và trứng, lại kiêng cả sữa. . . Dù biết giáo hội không buộc giữ chay nghiêm khắc như trên, song tất cả những người được phép chuẩn cũng đều giữ luật chay rất sốt sắng suốt mùa chay. . . ”
3.
Xửa xưa thanh bình và đời sống còn dân dã ở đồng quê, các cụ dạy: ”thịt cá là hương, là hoa; tương cà mới là gia bảo. ”Ăn chay, kiêng thịt các ngày Thứ Sáu quanh năm( theo luật cũ của Giáo hội), đặc biệt Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ. Bởi một điều dễ hiểu, là bụng dạ người nhà quê đã quá quen cái liều lượng túng đói, vặt vãnh, kiêng khem, khắc khổ với con cá lá rau, tương chao, mắm muối rồi. Đâu dám ước mơ thịt thà, cơm gà cá gỏi. Nay, thời buổi văn minh tiến bộ và đô thị công nghiệp hoá đang lên hương, phủ bóng, tràn ngập. Phải hưởng thụ, ăn phải ngon, mặc phải đẹp. Nhà hàng, dịch vụ ẩm thực càng lúc càng trở nên đa dạng, phong phú, hấp dẫn thi đua nhau mọc lên như nấm sau mưa. Thế là, cái bụng cái dạ bỗng được dịp cơi nới ra và cái miệng đòi thưởng thức đủ mùi sơn hào hải vị, để còn sống lâu trăm tuổi, để khoe tiếng khoe tăm với đời. . . Một cuộc chạy đua nước rút. Nhanh hơn, cao hơn và mạnh hơn.
Tự dưng, tôi chợt nhớ những năm tháng tuổi thơ êm đềm, trong sáng nơi xứ đạo làng quê xưa. Nhớ Thứ Tư Lễ Tro và bầu khí đạo hạnh mùa chay thiêng liêng lắm. Nhớ cả miếng cơm muối vừng mẹ vừa giã và nắm trong cối đá ra, còn nóng hổi vừa thổi vừa ăn. Nhớ cái rét nàng Bân thoang thoảng mùi hoa xoan dọc đường đến nhà thờ. Nhớ ngắm đứng, dâng hạt mùa Thương Khó. Sao lúc ấy, đức tin lòng đạo dễ thương chi lạ. Xé lòng và xé áo, bây giờ, Chúa ôi, sao khó quá! Đâu cần phải”hãm mình, phạt xác” và khổ chế như bậc tu trì, nhỉ.
“ Phen này, ta quyết đi tu
Ăn chay, nằm đất, ở chùa, lập công”?
Phải chăng, ai nấy đã tự xây cho mình một cái tháp ngà giữ đạo, sống đạo kiên cố, an toàn? Và phải chăng, ai nấy đã đánh mất đi cái nhịp sống hồn nhiên, chậm rãi, một khoảng lặng cần thiết, một phong cách ăn uống chừng mực, điều độ và thanh đạm? Hình như, tôi trộm nghĩ, chúng ta đã quá chiều theo thói đời để đồng tình với cái lý luận mang đậm tính xu thời rất ư là duy vật, thực dụng là” con đường đi gần trái tim là con đường phải đi qua dạ dày” ?
Nguồn: tramtubensuoi@gmail.com
Views: 0