Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền
Hình như người Việt hôm nay rất sợ hai chữ “Toang Rồi”. Khu phố này “toang rồi”, xóm ngõ kia “toang rồi, thế là cả một bầu khí sợ hãi bao trùm trên khu phố ấy! Chữ Toang ngày xưa chỉ là câu nói vui khi công việc bị thấy bại, bị phơi bày liền nói với nhau rằng: “Toang rồi ông giáo ơi!”.
Rồi bỗng dưng chữ “Toang” đi vào với giới trẻ khi bị bắt vì phạm tội, khi bị lật kèo, khi bị đổ vỡ mất mát giới trẻ đều dùng chữ “Toang rồi”, thế là xong!
Toang ngày nay trở thành một từ lóng, ám chỉ sự đổ vỡ, sự mất mát, sự toang toát không còn gì. Toang đã mang nghĩa của vô phương cứu chữa, nó dập tắt những hy vọng của con người đang chờ đợi, mong chờ.
Trong đại dịch này dường như ai nói đến chữ “Toang” đều có thể bị chụp mũ, bị triệu tập, vì thông tin gây hoang mang cho cộng đồng . . .
Cấm nói đến chữ “Toang” hay sợ phải nói đến chữ “toang” trong bối cảnh hôm nay là biểu lộ sự sợ hãi trước con Virus Corona quá nguy hiểm.
Không sợ hãi sao được khi mà chỉ trong hơn 3 tháng hoành hành tại Việt Nam mà nó đã lây nhiễm cho trên dưới 8 trăm ngàn người và cướp đi tính mạng gần 20 ngàn người, và hệ quả của nó để lại là bao con thơ mồ côi, bao gia đình trở nên túng thiếu, nghèo đói . . .
Sự dữ đang chiến thắng. Con người như đang quá nhỏ bé trước sự tấn công hung bạo của sự dữ.
Ai sẽ cứu chúng ta thoát khỏi sự dữ này? Sự sống con người luôn trong hiểm nguy. Chính phủ đang từng bước mở cửa để sống chung với dịch trong cái gọi là “bình thường mới”.
Bình thường mới nghĩa là không bình thường như trước. Công việc vẫn bình thường nhưng cách sống phải khác ngày xưa, vẫn phải 5 K, vẫn phải khoảng cách, vẫn lo âu, sợ hãi vì Cúm Tàu có thể xâm chiếm từng người chúng ta.
Như vậy, bình thường mới là sống chung với sự dữ. Dẫu biết rằng sự dữ lúc nào cũng có, và ở đâu cũng có nên Chúa Giê-su cũng từng nhắc chúng ta hãy xin Chúa gìn giữ chúng ta “khỏi mọi sự dữ”. Sự dữ ở đây là thế lực của ma quỷ và của những người bán rẻ lương tâm để gieo rắc sự dữ. Thế nên, sự dữ lúc nào cũng có, và nhân loại luôn phải đối mặt với biết bao sự dữ.
Trong tháng 10, tháng Mân Côi, tháng mà người tín hữu xâu kết những nụ hoa hồng thành tràng chuỗi lời tung hô Mẹ của sứ thần Gabriel kính chào Mẹ. Lời chúc mừng Mẹ được vang vọng qua thánh nữ Isave khi được Mẹ Chúa viếng thăm. Và từ lời ấy được Giáo Hội dạy chúng ta cầu xin cùng Mẹ thì sẽ nhận được muôn vàn ơn phước nhờ Mẹ. Mỗi chục kinh Mân Côi lại được nối kết bằng một mầu nhiệm trong đó Con Mẹ và Mẹ đã đi qua trong những vui, mừng, sầu khổ, và ánh sáng . Từ đó lời kinh Mân côi trở thành lời kinh đầy uy lực có thể dẹp tan sự dữ và mang lại bình an cho nhân thế. Vì lời kinh ấy tái diễn lại toàn bộ hành trình cứu độ của Chúa Giê-su, Con Mẹ, và Mẹ được cộng tác vào chương trình ấy. Đó là lý do mà lời kinh Mân Côi luôn là lời kinh mà ai cũng đọc lên mỗi khi cô đơn, thất vọng hay gặp bước gian nan đều cảm thấy an tâm vững bước.
Thánh Mongfort Louis nói: “Mỗi kinh Mân Côi là một viên đạn bắn vào đầu Satan, vào đạo quân của Satan”. Và hôm nay, giữa đại dịch này thì từng lời kinh Mân Côi sẽ là còn những lá chắn bảo vệ nhân lọai khỏi sự tấn công của Covid và chữa lành cho những ai mặc áo giáp bằng kinh Mân Côi.
Ngày 13/10 năm 1917 sau khi đã tỏ ra cho nhân loại về sự hiện diện của Mẹ ở nơi trần gian, Mẹ Maria đã mời gọi nhân loại hãy đan lấy áo giáp ân sủng Chúa từ kinh Mân Côi để nhờ ân phúc của Mẹ mà nhân lọai được bảo vệ, được chở che khỏi mọi sữ dữ từ Vacxin Lòng Thương Xót Chúa.
Thế nên, chúng ta hãy đến với Mẹ trong tháng Mân Côi, với chuỗi hạt trên tay, và với tâm tình người con nhỏ đơn sơ, phó thác, và thưa với Mẹ rằng: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa, cầu cho chúng con hôm nay và trong giờ lâm tử Amen.
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
https://www.youtube.com/watch?v=jh7iQ_rdKj8
Views: 0