TÔN GIÁO

Hồi Ký Hành Trình Tìm Về Dấu Chân Chúa: Kỷ niệm cuộc hành hương Đất Thánh, Mùa Chay 2019 – Hết

Trần Mỹ Duyệt

 

7.PHỤC SINH VÀ VỀ TRỜI

Bên biển hồ Thầy trò gặp nhau

“Rời Nazareth, Ngài đến và sống ở Capernaum bên hồ Galiee. Và Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng” (Matt 4:13,17(

Chúa Giêsu khởi nghiệp ở bên hồ Galilee, và Ngài cũng kết thúc sứ mạng có lẽ cùng một chỗ. Nhiều người thắc mắc và tự hỏi: “Chúa Giêsu sau khi phục sinh, Ngài gặp các môn đệ của Ngài ở đâu?”

Theo Marcô, sau khi sống lại, Chúa Giêsu gặp các môn đệ của mình tại Galilee. Thánh sử viết trong Phúc Âm của mình qua lời mà người mặc áo trắng nói với mấy phụ nữ tảng sáng ra thăm mồ: “Hãy đi, bảo các môn đệ Ngài, Phêrô rằng Ngài sẽ đi trước các ông đến Galilee, ở đó các ông sẽ gặp Ngài như lời Ngài đã nói” (Mar 16:6b-7).

Matthêu cũng nhắc lại lời sứ thần có mặt trong ngôi mộ trống nói với các phụ nữ: “Đừng sợ, Ta biết các bà đang tìm Chúa Giêsu bị đóng đanh. Ngài không có ở đây; vì Ngài đã sống lại như Ngài đã nói. Hãy đến mà xem nơi Ngài đã nằm. Rồi hãy mau mau đi nói với các môn đệ của Ngài, “Ngài đã sống lại từ cõi chết, và Ngài đã đi trước các ông tới Galilee, ở đó các ông sẽ gặp Ngài”. Đây là điều ta truyền cho các ngươi” (Mat 28:5b-7).

Thánh sử Luca đã diễn tả hình ảnh hai môn đệ về Emmau. Sau khi chứng kiến Chúa bẻ bánh các ông đã nhận ra thầy mình, “Lập tức họ đứng dậy và trở về Jerusalem, và họ gặp mười một môn đệ đang hội họp với nhau. Họ nói rằng, ‘Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”…Trong khi họ còn đang nói thế thì Chúa Giêsu hiện ra và đứng giữa các ông, và nói với các ông, ‘bình an cho anh em’. Họ rất đỗi sợ hãi vì tưởng mình thấy ma” (Luc 24:33-34; 36-37).

“Chúa Giêsu sống lại trước hết đi viếng Đức Mẹ”. Câu kinh này rất nhiều người đã nghe, và đã đọc. Điều này dễ hiểu và hiển nhiên. Vì ai cũng không bằng Đức Mẹ. Người xứng đáng để được diễm phúc nhìn thấy Con mình sống lại trước nhất. Nhưng câu hỏi là, tại sao Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ ở Galilee?

Theo một số nhà nghiên cứu, có ít nhất 4 lý do sau:

  1. Người Do Thái thời đó tin là sau khi chết, hồn người chết vẫn lẩn quẩn quanh mộ ít nhất sáu, bẩy ngày. Do đó, Chúa Giêsu gặp các môn đệ ở Galilee sẽ không vướng vào tình trạng là sự xuất hiện của Ngài sau phục sinh thuộc loại hồn ma vất vưởng.
  2. Nó nhắc nhở cho các môn đệ về đức tin. Chính Chúa Giêsu khi còn sống đã nói với các ông rằng Ngài sẽ bị bắt, bị kết án, bị đóng đinh, chết và sống lại (Mar 8:31, 9:31, 10:34; Luc 9:22). Việc các ông trở về Galilee để gặp Thầy là một hành động của đức tin. Nó cũng nói lên rằng việc gặp gỡ này không mang tính cách cảm xúc và tình cảm nếu như các ông gặp Thầy chung quanh khu vực Jerusalem.
  3. Galilee cũng là một nơi có thể chứng minh cho sự phục sinh của Ngài. Chúa gặp gỡ các môn đệ ở đây để hoàn toàn không bị diễn giải sai lạc về sự thật là Ngài đã phục sinh.
  4. Galilee là ngôi nhà. Chúa muốn quy tụ các Tông Đồ và củng cố niềm tin của họ. Ngài muốn nhắc nhở các ông thời gian còn sống với Ngài qua những phép lạ, những lời giảng dạy. Một nơi bình an, xa khỏi những xô bồ của Jerusalem.

Với người lữ khách như tôi, Galilee là một cái tên nghe thân quen, gợi nhớ. Nhớ những bước chân Chúa dảo trên bờ hồ. Nhớ hình ảnh Chúa gọi các Tông Đồ. Nhớ Chúa ngồi trên thuyền của các ông để giảng cho dân. Nhớ Chúa đi trên biển mà đến với các Tông Đồ. Nhớ mẻ cá lạ lùng. Nhớ bữa điểm tâm với các Tông Đồ sau khi Ngài phục sinh. Những hình ảnh ấy như vẫn còn chập chờn trong tâm trí tôi khi bước trên triền cát mịn theo dấu chân Chúa và như đang ngồi trên thuyền với Ngài khi đi thuyền trên biển hồ Galilee.

Con có yêu mến Thầy không?

Phêrô nhiệt thành. Phêrô nông nổi. Phêrô bộc trực. Phêrô hèn nhát chối Thầy. Nhưng Phêrô yêu mến Thầy với tất cả trái tim. “Lạy Thầy, Thầy biết tất cả. Thầy biết con yêu mến Thầy” (Gioan 21:17). Đây là câu trả lời lần thứ ba sau khi Chúa Giêsu hỏi ông. Chúa không giận ông, không phiền trách ông đã bỏ Chúa, đã chối Chúa. Chúa cũng không có ý dằn mặt ông. Nhưng Ngài chỉ muốn biết một điều là Phêrô của Chúa có yêu Chúa nhiều không, và khi nhận ra tình yêu người môn đệ đối với mình, Chúa đã cảm động, Ngài trao Giáo Hội Ngài cho ông: “Hãy chăn dắt các chiên Thầy” (Gioan 21:17).

Trên bờ hồ Galilee, du khách còn được nhìn thấy tận mắt phiến đá mà Chúa Giêsu đã dùng ăn sáng với các môn đệ. Phiến đá tượng trưng cho sự bền vững, trường tồn của Giáo Hội được xây trên nền của Phêrô: “Phêrô, con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây hội thánh Thầy” (Mat 16:18).  Tôi cảm thấy thân thương hơn với từ “Hội Thánh”. Trong tâm trí tôi, hình ảnh một hội được gọi là thánh “hội thánh”, và những người trong hội này cũng được gọi là thánh. Người sáng lập hội này là Chúa Giêsu, Đấng Thánh của Thiên Chúa.

Thật ra, khi thưa với Chúa: “Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”, Phêrô cũng không biết mình có thể đáp ứng mọi yêu sách của tình yêu đối với Thầy hay không. Nhưng yêu là yêu. Yêu Thầy vô điều kiện, yêu bất chấp thử thách, hy sinh. Vì tình yêu mà ông thưa với Chúa khi Ngài hỏi ông lần thứ ba là một tình yêu dâng hiến trọn vẹn. Nó không phải là thứ tình yêu theo cảm tính và con người như ông đã thưa với Chúa hai lần trước đó.

Nhưng tôi cũng nghĩ là Phêrô dám nói thế vì ông biết Chúa đã tha cho ông, và dù ông không xứng đáng nhưng vẫn yêu Ngài.

Cám ơn Chúa vì đã thương gọi con vào Hội Thánh của Chúa, sinh hoạt và chung sống với những tâm hồn thánh, hoặc ít nữa cũng đang ao ước nên thánh. Xin cho con sống xứng đáng với ơn gọi mà Chúa đã thương gọi con.

Lên trời vinh quang

Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể, sinh ra và lớn lên trong thân phận con người. Ngài đã ẩn dật trong nhà Nazareth 30 năm bên Mẹ Maria và thánh Giuse, đã dong duổi rao truyền chân lý 3 năm, và sau khi chịu khổ hình, chịu chết Ngài đã sống lại. Theo Thánh Kinh, sau khi phục sinh, Ngài còn ở lại với các môn đệ thêm 40 ngày để an ủi, huấn luyện, đồng thời củng cố niềm tin của họ. Và sau khi đã kết thúc sứ mạng cứu độ, Ngài về trời ngự bên hữu Chúa Cha. Trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng: “Người đã lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha, và Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”.

Trong Tông Đồ Công Vụ chương 1, Thánh Luca đã ghi lại quang cảnh Chúa được cất nhắc và đưa lên trên các tầng mây như thế nào trước con mắt ngỡ ngàng, tiếc nuối của các Tông Đồ, 2 người mặc áo trắng (hiểu là hai thiên thần) đã hiện ra và nói với các ông rằng Ngài sẽ trở lại “cùng một cách thức mà các người đang nhìn Ngài lên trời”.  Và trong Tin Mừng chương 24, Luca còn cho biết sau khi Chúa Giêsu hướng dẫn 11 Tông Đồ về Bethany, một làng trên núi Cây Dầu, Ngài đã dặn dò các ông đừng rời Jerusalem nhưng ở đó để chờ Chúa Thánh Thần hiện xuống, rồi Ngài được cất lên trời.

Khách hành hương đến Jerusalem, còn được thăm viếng nơi in hai bàn chân Chúa đứng trước khi về trời. Và khi đứng đó, mắt hướng lên trời, người lữ khách là tôi có cảm tưởng như cũng đang được đứng chung với các môn đệ khi xưa, và đang nhìn thấy Chúa được đưa lên cao. Bỗng nhiên, trong tâm trí vang vọng lời cầu kinh: “Thứ Năm thì ngắm, Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được lòng ái mộ những sự trên trời.”

Trời mới là quê hương vĩnh cửu, lạy Chúa. Con đường nào Chúa đã đi qua, hôm nay con cũng đã được phần nào bước trên những đoạn đường đó. Nhưng con còn phải dõi theo và thực hành những gì Chúa muốn nữa. Vâng lạy Chúa, xin thêm đức tin và lòng nhiệt thành để mỗi ngày qua, đời con sẽ trở thành lời ca khen tình yêu Chúa, trở thành một chứng nhân cho Chúa, Thiên Chúa nhập thể, đã hạ sinh, đã sống thân phận con người, đã rao giảng Tin Mừng, đã bị bắt, bị kết án và chết treo thập giá. Nhưng Chúa đã sống lại, đã lên trời và đang chờ con trên đó. Trên quê trời cùng với Mẹ Maria và muôn thần thánh, con sẽ đời đời cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa.

Mùa Chay và Phục Sinh 2019

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.