Trần Mỹ Duyệt
5.CON ĐƯỜNG THẬP TỰ (Tiếp)
Giuđa phản bội
Sau khi đã trao cho Chúa Giêsu cái hôn phản bội, Giuđa hoàn toàn biến thành người bán Chúa, kẻ phản bội thầy mình. Và Chúa đã hỏi nhưng cũng là nhắc nhở hắn: “Giuđa, ngươi phản bội Con Người bằng một cái hôn sao?” (Luca 22:48).
Giuđa bán Thầy với giá 30 lạng bạc, và theo sách Xuất Hành thì đó là giá bán của một người nô lệ, hoặc theo một số nhà nghiên cứu thì tương đương với 3.000$ thời nay. Còn tôi, nhiều lần tôi bán Chúa với giá rẻ mạt chỉ bằng một ly rượu, một cơn say, một sự giận hờn, một cái nhìn bất chính, hay một ham muốn dục vọng.
Nói về Giuđa, để khơi gợi hình ảnh của Giuđa, chúng tôi cũng lướt qua thung lũng, ở đó có thửa ruộng mà các thượng tế đền thờ đã dùng số tiền hắn trả lại trước khi đi treo cổ tự tử để mua như Thánh Matthêu đã viết: “Sau khi bàn thảo, họ dùng số tiền để mua thửa ruộng của người thợ gốm làm nơi chôn cất những người kiều cư. Bởi đó tại sao nó được gọi là Ruộng Máu cho đến ngày nay” (Mat 27:8).
Từ trên cao nhìn xuống thửa ruộng và thung lũng, hình ảnh của môn đệ phản thầy, nỗi thất vọng, và cái chết treo cổ của Giuđa như phảng phất trong không khí giữa cái nóng bức của buổi trưa khiến rờn rợn người. Vậy Giuđa là ai?
Thánh Kinh không nói nhiều về xuất xứ của Giuđa, trong cả bốn Phúc Âm chỉ nhắc đến ông như là 1 trong số 12 Tông Đồ. Nhưng căn cứ vào cái tên Giuđa Iscariot, một số học giả nối kết tên họ của ông với Queriot (Kerioth) là một thành tọa lạc phía nam Jerusalem trong xứ Judea. Ngoài ra, Giuđa không bao giờ tôn nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế (Messiah). Trong khi các Tông Đồ khác gọi Ngài là Chúa (Lord), thì Giuđa chỉ gọi Ngài là thầy (Rabbi). Và khi các Tông Đồ long trọng tuyên xưng tin và trung thành với Chúa thì Giuđa làm thinh (Gioan 6:68; 11:16).
Tiếp đến Giuđa được mô tả là người tham lam tiền bạc, không chỉ phản bội Chúa Giêsu mà còn phản bội cả các Tông Đồ nữa (Gioan 12:5-6). Vai trò nắm giữ túi tiền của nhóm, cũng nói lên rằng Giuđa ham mê tiền bạc (Gioan 13:29).
Tóm lại, lý do Giuđa phản bội và thất vọng chính là hắn theo Chúa có mục đích. Ngoài ra, hắn lại là một con người tham lam và dính bén đến tiền bạc. Ba năm theo Thầy, chứng kiến những phép lạ Thầy làm, và nghe những lời Thầy rao giảng nhưng không chinh phục và cải hóa được hắn.
Phêrô và tiếng gà gáy
Trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, ba Tông Đồ được Thánh Kinh nhắc đến, mỗi người có một vị thế khác nhau. Giuđa phản Thầy, Phêrô chối Thầy, và Gioan đứng dưới chân thập giá của Thầy.
Khi rời vườn Cây Dầu, khách hành hương có dịp thăm ngôi thánh đường Con Gà di tích nhắc nhở đến tiếng gà gáy đã làm cho Phêrô nhớ lại lời Thầy: “Ngay đêm nay trước khi gà gáy con đã chối Ta ba lần” (Mat 26:34), và Thánh Maccô còn ghi rõ hơn: “Thầy bảo thật con, đêm nay trước khi gà gáy hai lần, con đã chối Thầy ba lần” (Mc 14:30).
Tại khuôn viên nhà thờ gà gáy, có một tượng đồng của Phêrô đang ngồi sưởi và có con gà. Cũng tại địa điểm này, nổi bật nhất là cái hang nhỏ đào sâu trong lòng đất. Nơi đây được cho rằng người ta đã bỏ Chúa xuống trước khi giao nộp cho Philatô.
Cũng theo Thánh Kinh, sau khi bắt Chúa Giêsu từ vườn Cây Dầu, bọn lính đã điệu Ngài đến Thượng Tế Anna cha vợ của Caiaphas. Cùng với các thượng tế và kỳ lão người ta đã họp hội đồng để lên án Ngài. Nhiều cáo gian đã nói về Ngài, nhưng chỉ có một lời duy nhất chính miệng Ngài nói đã dẫn đến cái chết cho Ngài. Đó là câu hỏi của Caiaphas: “Ngươi có phải là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa đáng chúc tụng không?” Và khi Ngài trả lời: “Đúng thế, các ngươi sẽ nhìn thấy Con Người ngự bên tay hữu Đấng Quyền Năng, và đến trên mây trời” (Mac 14:62), Caiaphas đã xé áo mình ra và hội đồng kết án Chúa, nhưng họ không có quyền đóng đinh Chúa nên phải giải Ngài qua cho Philatô.
Giuđa phạm tội. Phêrô cũng phạm tội. Giuđa bán Chúa. Phêrô chối Chúa. Nhưng Phêrô khi được Chúa thức tỉnh đã nhận ra lỗi của ông. Ông ra khỏi nơi làm ông sa ngã, thống hối và ăn năn. Còn Giuđa khi được Ngài nhắc đến cái hôn phản bội của hắn ở trong vườn Cây Dầu, nhưng đã không thống hối, lại thất vọng và tự tìm cái chết.
Trước mặt Philatô
“Này là Người”. Sau khi tra khảo, làm nhục Chúa Giêsu, Thánh Kinh kể, họ đã đem Ngài đến nộp cho Philatô. Lại những lời tố cáo gian, lại những tiếng kêu gào đòi đóng đinh Chúa mặc dù chính Philatô và cả vua Herode cũng không thấy Ngài làm gì đến phải tội chết.
Trước mặt Philatô, Chúa Giêsu cũng bị tra hỏi, nhất là bị đánh đòn, chịu đội mão gay, bị quân lính khạc nhổ vào mặt. Philatô cho làm tất cả những việc ấy với chủ ý làm hài lòng những thượng tế, kỳ lão trong dân đang la hét đòi đóng đanh Chúa. Mặc dù biết Chúa bị oan, Philatô chỉ còn cách đánh đổi Chúa với tên tội phạm Barabbas, hy vọng họ sẽ tha cho Ngài, nhưng cuối cùng thì bọn người kia đã đòi tha Barabbas, và xin đóng đanh Chúa với lời thề độc là: “Máu nó sẽ đổ trên đầu chúng tôi và con cái chúng tôi” (Mat 1:25).
Trận đòn dã man đã trút trên thân thể Chúa trong dinh do Philatô truyền. Còn nhỏ tôi vẫn thường nghe là “quân dữ đánh Chúa 5 ngàn đòn”. Nhưng theo những khảo cứu gần đây, cuộc tra tấn và xỉ nhục này kéo dài chừng 20 phút. Vì bị đánh dữ dội bằng roi da ba tua (hoặc chín tua) trên đầu những tua ấy được bọc bằng xương, đá, hoặc kim loại sắc bén do những lý hình vạm vỡ, hung ác. Lại bị đóng trên đầu mão gai xuyên tới óc, Ngài còn bị bọn lính khạc nhổ vào mặt nên Chúa Giêsu đã không còn hình tượng con người. Đây là điều mà Isaia 5 trăm năm trước đã mô tả về Chúa đứng trước cuộc khổ nạn. Người tôi tớ vâng lời là Chúa Giêsu đã thưa với Chúa Cha: “Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đưa má cho kẻ giật râu tôi. Tôi đã không dấu mặt tránh nhục nhằn và khạc nhổ” (Isaia 50:6).
Philatô đã đưa Chúa Giêsu ra trước mặt dân chúng và nói với họ: “Này là Người”. Ông như có ý nói: “Đây. Các ngươi coi xem Vua dân Do Thái đây. Các ngươi nghĩ xem ta có thể làm gì cho các ngươi về con người này nữa không?” Rồi mặc dù biết Chúa vô tội, Philatô vẫn kết án Ngài (Gioan 18: 1 -40; 19:1-16).
Tại ngôi bàn thờ nhỏ trong Đền Thờ Mộ Thánh, khách hành hương còn nhìn thấy một khúc của cột đá trong dinh Philatô nơi đã dùng để trói các nạn nhân vào tra khảo, và Chúa Giêsu cũng bị trói vào cột đá này. Ngoài ra, bậc tam cấp bằng đá nơi Chúa Giêsu đã bước lên cũng còn đó như những chứng tích lịch sử. Bỗng tôi nhớ đến một câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan nói về niềm hoài cổ khi viếng Thăng Long: “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”. Năm tháng qua nhưng tình yêu Thiên Chúa vẫn thiên thu bền vững.
(Còn tiếp)
Views: 0
Tuyệt vời!
Cám ơn tác giả cho người đọc được đi theo vết chân của Thầy Giêsu qua những chặng đường Thầy đã để lại dấu chân Người.
Lại được hân hoan vui với những lời dí dỏm mà rất trân trọng với những nhân vật quan trọng trong chuyến HH.
Những tâm tình của tác giả khi đến từng nơi, từng địa danh v.v… thật đáng quý đáng mến.
Thích quá nhỉ, làm người đọc ganh tị với tác giả và mọi người khi được lập lại nghi thức Rửa Tội trên giòng sông Giordan như Thầy.
Ấn tượng nhất là tác giả cho thấy làng Cana đẹp và dễ thương hiền hòa như thế nào!!!
Cám ơn tác giả cho biết bao nhiêu tên của biển hồ Genezareth.
Còn nhiều nữa…
ntt
Em rất thích https://giadinhnazareth.org/ton-giao/ rất hay và cho em những kinh nghiệm sống để em học hỏi , vì em thiếu kinh nghiệm sống để bước vào đời để trải nghiệm . Cám ơn rất nhiều .
Em rất thích https://giadinhnazareth.org/ton-giao/ rất hay và cho em những kinh nghiệm sống để em học hỏi , cám ơn nhiều