TÔN GIÁO

Hồi Ký Hành Trình Tìm Về Dấu Chân Chúa: Kỷ niệm cuộc hành hương Đất Thánh, Mùa Chay 2019 – 6

Trần Mỹ Duyệt

 

5.CON ĐƯỜNG THẬP TỰ

Con Thiên Chúa nhập thể, giáng trần và ở giữa chúng ta. Ngài là Emmanuel. Sau 30 năm ẩn dật trong nhà Nazareth bên Đức Maria và Thánh Giuse, Ngài đã xuất hiện công khai, rao giảng giảng Tin Mừng. Cao điểm của chương trình cứu độ của Ngài là Con Đường Thập Tự dẫn đến cái chết trên Núi Sọ. Ngài đã chết để đem lại ơn cứu chuộc cho nhân loại.

Khách hành hương ngày nay như còn nghe thấy, nhìn thấy, cảm thấy thấp thoáng hình ảnh của Giêsu thành Nazareth đâu đây quanh Giêrusalem từ trên căn phòng Thượng Lầu, trong vườn Cây Dầu, dinh Caipha, dinh Philatô, trên con đường thập tự và trên đỉnh đồi Golgotha. Và đó cũng là những nơi mà đoàn hành hương của chúng tôi đã được diễm phúc đặt chân tới. Chúng tôi đã dõi theo vết chân Chúa.

Căn Thượng Lầu

“Căn thượng lầu” (The Upper Room) cũng được biết qua tên gọi “the Cenacle” (phòng Tiệc Ly), tọa lạc phía nam Cổ Thành Giêrusalem trên Núi Sion (Mount Zion). Từ thế kỷ thứ Tư, nơi này được tôn kính vì là nơi Chúa Giêsu đã ăn bữa tối Vượt Qua với các Tông Đồ. Ở đây, Ngài đã rửa chân cho các ông, đã lập Bí Tích Thánh Thể, và Bí Tích truyền chức. Kiến trúc còn giữ lại được có niên đại từ thế kỷ thứ 14.

Đây không phải là căn gác hay tầng thứ hai của một căn nhà, thực ra, đó chỉ là một phòng trống được xây trên nền căn nhà trước đó Chúa Giêsu đã dùng làm nơi Ngài rửa chân cho các Tông Đồ (Gioan 13:1-20), lập Bí Tích Thánh Thể và chức Linh Mục (Mt 26:26-28; Mc 14:22-24; 1 Cor 11:23-25). Nơi các Tông Đồ hội họp nhau vì sợ người Do Thái sau khi Chúa chịu đóng đanh, cùng cầu nguyện với Đức Mẹ và chờ đợi Chúa Thánh Thần (Gioan 20:19-23).

Theo truyền thống, thì đây cũng là căn phòng mà Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ sau khi phục sinh, nơi Chúa cho Tôma xem tay, chân và cạnh sườn Ngài. Nơi các Tông Đồ đón nhận Chúa Thánh Thần (Acts 2:4) trong lúc cùng cầu nguyện với Đức Mẹ (Acts 1:14).

Tháng Năm 2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viếng thăm Đất Thánh đã được phép cử hành Thánh Lễ tại đây. Ngài cho đó là một vinh dự. Ngài nói: “Đây là một món quà trọng đại mà Chúa đã ban cho chúng ta khi qui tụ chúng ta ở đây trong Căn Thượng Lầu để cử hành Bí Tích Thánh Thể” (May 26, 2014).

Có một chút bồi hồi và thổn thức khi tới thăm nơi đây. Nhớ lại Chúa Giêsu khiêm tốn bưng chậu nước, qùi gối rửa chân cho từng người trong các Tông Đồ, một hành động mà theo Ngài cắt nghĩa: “Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con.” (Gioan 13:15)

Có một chút cảm động khi nhớ lại cử chỉ trao hiến thân mình của Chúa để làm của nuôi nhân loại. Chính nơi đây, mầu nhiệm Thánh Thể được trở nên hiện thực. Những gì Chúa đã nói trước đó về mình, máu Ngài, về của nuôi sống linh hồn, tăng thêm sức mạnh trên đường về quê trời hôm nay, trong bữa ăn tối ấy, và ở đây, trên căn Thượng Lầu đã được Chúa hoàn thành lời hứa: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em” (Luca 22:19), và “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (22:20). Tham dự và đồng bàn với Chúa là đón nhận Mình Máu Thánh Chúa mỗi khi tham dự Thánh Lễ.

Nhưng câu hỏi quan trọng ở đây là tại sao Chúa lại rửa chân cho các Tông Đồ trước khi thiết lập Bí Tích Thánh Tể và Truyền Chức? Đó là vì nếu muốn làm môn đệ Chúa, muốn tiếp nhận sức sống Mình Máu thánh Chúa, muốn dự phần với Chúa trong cuộc thương khó và phục sinh thì phải biết thương yêu nhau. Vì sợ không được dự phần với Thầy nên Phêrô đã xin với Chúa: “Không chỉ chân mà cả tay và đầu con nữa” (Gioan 13:9).

Thương yêu nhau là giới răn riêng của Chúa: “Đây là giới răn Thầy là anh em hãy thương yêu nhau” (Gioan 15:12). Hành động rửa chân cho nhau là một việc làm nói lên sự tha thứ, chấp nhận, và chân thành đối với nhau. Chúa đã rửa sạch các Tông Đồ, đã nối kết các ông lại trong tình bác ái huynh đệ trước khi cho các ông tham dự phần với Ngài qua Bí Tích Thánh Thể, và cũng qua Ngài trở nên những thừa tác viên ban phát sức sống ấy cho nhân loại trong thiên chức linh mục.

Mỗi khi lên rước Mình Máu Chúa, tôi hãy tự hỏi lòng mình: Tôi đã tha thứ cho ai đó chưa? Tình trạng đức ái của tôi lúc này như thế nào?

Vườn Cây Dầu

“Sau khi hát Thánh Vịnh, thầy trò lên núi Olives” (Mat 26:30).

Gethsemane còn gọi là vườn Cây Dầu là một khu vườn dưới chân núi Olives ở Jerusalem. Thánh Gioan ghi lại là Chúa Giêsu thường hay đến đây với các môn đệ để cầu nguyện (Gioan 18:2).  Theo Thánh Kinh thì ở trong vườn này Chúa Giêsu đã trải qua cơn hấp hối toát mồ hôi hòa máu vì nghĩ đến cuộc Thương Khó mà mình sẽ phải chịu vì tội lỗi nhân loại. Theo bản tính nhân loại, Ngài đã sợ hãi, run rẩy xin với Chúa Cha: “Lạy Cha nếu được xin cất chén này xa con. Nhưng đừng theo ý con, một xin vâng ý Cha” (Luca 22:42). Chúa Giêsu gọi cuộc thương khó là chén đắng vì trong chén này pha trộn tất cả sự phẫn nộ của nhân loại tội lỗi muốn trút đổ trên Ngài, những roi đòn tan nát tấm thân, mão gai trên đầu, thánh giá nặng đè trên vai, chân tay bị đâm thâu, chết gục trên thập giá. Nhưng nhất là Ngài nhìn thấy sẽ có những linh hồn bị luận phạt vì đã không đón nhận ơn cứu chuộc do chén đắng mà Ngài sẽ sắp uống cho chúng. Cả 4 Thánh Sử đều diễn tả về biến cố này bằng những cái nhìn và cảm xúc khác nhau (Mat 26:36-56; Mar 14:32-52; Luc 22:40-53, và Gio 18:1-11). Và cũng tại nơi đây Chúa Giêsu bị Giuđa chỉ điểm, bị trao nộp, bị bắt trong đêm trước khi chịu đóng đinh trên thập giá.

Như đã diễn ra tại núi Tabor khi Chúa biến hình, hôm nay trong cơn hấp hối trước giờ khổ nạn, Chúa Giêsu cũng đem theo Phêrô, Giacôbê và Gioan đi với mình. Thật ra, Chúa biết các ông cũng chẳng làm gì hơn cho Ngài, vì các ông chỉ có ngủ díp mắt lại. Nhưng nếu các ông đã là những chứng nhân cho sự vinh quang trên núi Tabor, thì cũng phải là những chứng nhân cho cơn hấp hối, cho những gì sẽ xảy ra trước giây phút tử nạn để ứng nghiệm về Ngài, những gì mà Ngài đã đàm đạo với Maise và Êlia trên núi trong lúc biến hình.

Ngày nay khách hành hương còn được xem thấy khoảng 8 cây ô lưu to trong vườn. Những cây này được coi như hậu duệ lâu đời của những cây trong vườn hơn 2.000 năm lúc Chúa có mặt cầu nguyện. Những chứng nhân im lặng, những chứng nhân chỉ biết nói bằng sự hiện diện của mình theo dòng thời gian. Và tôi nghe như những cây olives đó nói qua tiếng gió rì rào: “Bạn đang đứng trong khu vườn mà Chúa đã hấp hối và bị phản bội 2.000 năm trước!”.

Bất chợt tôi nhớ lại lời Thánh Vịnh của Vua David: “Tội tôi ở trước mặt tôi” (Ps 51:3) mà trong lòng cảm thấy ăn năn. Lạy Chúa, Chúa hấp hối vì nghĩ đến việc mang vác lấy tội lỗi nhân loại, trong đó có tội con. Xin thương xót và tha thứ cho con.

(Còn tiếp)

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.